Trang chủ TRANG VIẾT TUỔI HỒNG

VỊ
08:40 | 25/03/2021

Xuân đến, hạ sang rồi từng chiếc lá vàng rụng, gió mùa từng cơn kéo tới gợi lòng người một niềm xúc cảm rất riêng. Mỗi mùa lại mang một nét đẹp, một nét đặc trưng... Thật nhẹ nhàng qua mỗi mùa mưa quê hương tôi vẫn lặng lẽ ở đó, một miền Quan họ mang đậm vẻ thân thương…

 Khi tia nắng xuân dịu dàng tỏa ánh bên hiên nhà, khi đàn chim én kéo nhau về quê ta trảy hội, khi cánh đào mỏng phơn phớt hồng phai như màu đôi môi người thiếu nữ thì… ta chợt nhận ra: xuân đã về trên mảnh đất quê hương…“Ơi con sông Cầu nước chảy lơ thơ” qua bao màu nắng hạ, từng hạt mưa ngâu, vui đùa với chị gió rồi để ở đây, bầu bạn cùng với sắc xuân trẻ trung, tươi mới, với làn điệu Quan họ nhẹ nhàng mà đằm thắm, đậm đà tình quê. Phải chăng vì vậy mà sông Cầu được đặt cho một cái tên hết mực thân thương: dòng sông Quan họ. Bà chúa xuân đã dạo qua nơi đây rồi để lại bao niềm nhung nhớ: “Nghiêng nghiêng câu ca. Nghiêng nghiêng mái chèo...”. Cành đào thắm duyên dáng, yểu điệu với sắc hồng phai như vẻ đẹp của cô thiếu nữ đang tuổi xuân thì - độ tuổi đẹp nhất, mang đầy hoài bão, ước mơ. “Xuân này về với hội Lim/ Liền anh, liền chị lại tìm thấy nhau”, hơi thở mùa xuân nồng nàn trong từng câu hát giao duyên: “Người ơi người ở đừng về”… Đúng là một nét văn hóa, một vẻ đẹp khó phai…

Đào đã tàn theo màu nắng mới…Tiếng ve mang theo phím dương cầm mỗi lúc một rộn vang gợi trong lòng ta cái bồi hồi, nao nức khi phượng đã rực đỏ màu hoa trên từng con phố, cả nơi lối nhỏ.  Màu nắng hạ đã rực khắp phố phường, trên trang sách chuẩn bị đóng lại, trên từng chiếc lá mỗi nhành hoa. Hè đến gửi tặng ta một chiếc vẽ về tuổi thơ Bên kia sông Đuống: “Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc/ Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/ Sao xót xa như rụng bàn tay”.

Cảnh vùng quê nông thôn hiện ra lấp ló sau từng lũy tre làng. Nước sông Đuống trong soi bóng lũ trẻ chúng tôi, cùng nhau tắm sông, cùng nhau hái hoa, bắt bướm, trải qua những ngày tươi đẹp nhất của tuổi ấu thơ. Hơi thở của sự sống, của một mùa hè năng động, lan tỏa khắp cảnh vật. Cây cối xanh tươi, chúng như đang được tắm trong cái nắng vàng giòn, tắm trong vẻ đẹp của mùa hè, mùa của sự chia li, của tuổi thơ….

Còn chăng màu nắng hạ, đâu rồi tiếng ve ngân, phượng đỏ cũng tàn dần, hè ở đâu em nhỉ… Hương hoa sữa đã nồng nàn nơi lối nhỏ dẫn ta về với tiết trời se se. Lá vàng đã nghiêng chao trong cơn gió nhẹ đưa bao niềm nhung nhớ, thế là... thu về... Thu tới với những màu sắc thật đặc biệt: mây bàng bạc trắng bồng bềnh, xanh cao màu trời, tất cả những điều giản đơn ấy tạo cho con người ta sự bình yên, tạo cảm giác dễ chịu thoải mái, thu đâu chỉ có thế, nó còn gợi trong lòng cái cảm giác buồn man mác như từng gợn sóng nhẹ nơi dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ, bước tới đây với tấm lòng thẩn thơ để rồi xao xuyến, cất lên giai điệu thân quen, gần gũi từ đáy lòng truyền đến thanh quản để vang lên khúc ca ngọt ngào.

Thời tiết chẳng còn se se mà đã chuyển lạnh dần… Gió mùa tới gõ cửa trái tim con người, gợi trong ta nhiều nỗi hoài niệm đến lạ… Vào mỗi độ đông về, chẳng hiểu vì lí do gì mà lòng người lại xốn xang? Có lẽ vì cái lạnh, vì sóng, vì người hay là vì mây? Mảnh đất quê hương cứ mỗi ngày lại càng thêm mạnh mẽ, thêm đẹp, đẹp một cách rất riêng. Đông về, chim muông, hoa lá đâu rồi chẳng thấy bên trò chuyện với dòng sông Cầu nữa, màu nắng cũng nhạt rồi, chỉ còn lại gió đông đến an ủi, chuyện trò với con sông Quan họ để cùng nhau cất lên bài ca du dương, làn điệu dân ca, sưởi ấm tâm hồn như dòng sữa mẹ sưởi ấm trái tim con…

Có lẽ bốn mùa qua đi, cái điệu hò câu hát vẫn luôn sưởi ấm lòng người con Kinh Bắc để ai xa quê cũng nhớ nhiều. Xuân, hạ, thu và đông lặng lẽ trôi trên dòng cảm xúc của nhiều người, trôi cả trên xong nước chảy của con sông, trôi trong lòng, tâm hồn ta... “Ai về Kinh Bắc quê em mà nghe Quan họ, mà xem làng nghề/ Kinh Bắc có lịch có lề/ Có sông tắm mát, có nghề cửi canh/ Đàn em chăm chỉ học hành/ Có nghề tô vẽ làng tranh Đông Hồ”./.                                

                                                                                                                                                                                                                               TẠ NHẬT LINH