HOÀNG TIẾN
Dẫu chẳng xa xôi gì, càng không phải là miền đất lạ nhưng cũng đã lâu - từ sau buổi lễ đón nhận danh hiệu “Xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2000, nay mới có dịp gặp lại và làm việc cùng các anh lãnh đạo xã Trí Quả, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Bên cạnh những người quen biết, còn nhiều anh em mới, những gương mặt đầy sức trẻ, nhiệt tình và mến khách, nhiều ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay, thân tình cởi mở…
Từ nhà làm việc của Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã, ba tầng đồ sộ, có thể phóng tầm mắt nhìn nhiều hướng. Đây trường Tiểu học, trường Trung học. Trạm y tế, kia nhà Công an, Nghĩa trang liệt sĩ đều bên cạnh tỉnh lộ 283, thoáng mát. Và dưới kia… cánh đồng lúa xanh mơn mởn, đang rì rào đón gió thu. Mọi cảnh vật, công trình mới, đang hứa hẹn một sức sống mới của một quê hương đang đổi mới.
Khi biết ý định của tôi... Bí thư Đảng ủy Đào Xuân Anh, Phó Bí thư Nguyễn Đình Triệu nhanh chóng cung cấp cho tôi nhiều tài liệu có giá trị của địa phương và sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi cần thiết.
Tôi bảo: “Mình muốn đến vài nơi, ngắm nhìn, chia sẻ… các anh cứ kể chuyện về quê hương thoải mái, cả cái hay, cái chưa hay, nhất là cái mới lạ. Mình cần cái thật”.
Đào Xuân Anh vào tuổi ngũ tuần, khỏe mạnh, năng động, giản dị, khiêm nhường, dẫn tôi đi thăm xóm làng, xem những việc làm, gặp những con người...
Vừa đi anh vừa hồ hởi nói: “Không kể xưa kia, làm ăn khó khăn, thô sơ, lạc hậu. Chỉ cách đây vài chục năm, nền nông nghiệp của xã này còn nhỏ lẻ, manh mún lắm. Người thợ cày một buổi vác cày, dong trâu chạy đến ba, bốn cánh đồng. Nước tưới chỉ về đến mương to, vẫn phân bắc, phân xanh. Có đạm, lân nhưng không nhiều. Năng suất thấp lắm, nên còn nghèo túng. Bây giờ dẫu diện tích ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho công trình. Nhưng ruộng đất còn lại được quy hoạch, ra tấm ra món, bờ vùng, bờ thửa, gọn gàng, đẹp đẽ, có đường giao thông “nội đồng” cho xe công nông vận chuyển, có đủ máy cày, máy bừa làm đất, máy gặt, đập. Hệ thống tưới tiêu đảm bảo, phân bón đủ đầy, đúng là nhất nước, nhì phân… lại đưa các loại giống mới cho năng suất cao vào sử dụng. Vẫn đồng đất từ ngàn xưa nhưng cho mãi năm 2001 mới đạt gần 10 tấn. Nay thì hơn 11 tấn và đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 12,2 tấn/ha. Thế nên bây giờ xã còn hơn 2% hộ nghèo và 2020 sẽ chỉ còn 1,5%. Đấy là bước tiến mới, mạnh mẽ. Dân chúng tôi bây giờ nhàn lắm, cả năm chỉ tất bật non 6 tháng vào mùa vụ. Còn thì nhàn nhưng không chơi đâu. Đi làm công ty, đủ nghề, có thêm thu nhập. Trong xã có gần chục doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút hàng trăm lao động. Đời sống được cải thiện đáng kể. Bình quân thu nhập đầu người hơn 30 triệu và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Tôi bảo: “So với mấy xã quanh đây thì chưa cao”. “Vâng. Về bình quân thu nhập có thể chưa cao, cũng có thể là cách tính chưa thống nhất. Nhưng sự thật đời sống rất ổn. Nông dân, nông nghiệp, nông thôn mà đầy đủ tivi, tủ lạnh (nhiều cỡ lớn). Máy giặt. Bếp điện, bếp ga, không ít nhà có máy điều hòa. Sáng sáng từng tốp người đi bộ, chạy thể dục trên các nẻo đường liên thôn, liên xã. Đây là quê của các loại bánh, bún, xôi, cháo… cung ứng bữa sáng rất phong phú. Chiều chiều các sân bãi thể thao tấp nập, nhộn nhịp. Bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, cầu lông, cờ tướng… tràn trề sức sống. Đi trong làng xóm gập rất nhiều xe, to, nhỏ, ô tô vận tải, taxi. Đường ngang - dọc bê tông, rộng từ 5 đến 7m. Vậy mà còn lo: lo tai nạn, xe máy nhiều quá thể. Nhà cửa lẻ tẻ còn “cấp bốn”. Tịnh không nhìn thấy ngôi nhà tranh tre nào nữa.
Chúng tôi vào làng Tư Thế. Ngôi làng còn dấu ấn một thời là trang ấp của Trần Liễu - Thân phụ Trần Hưng Đạo. Xung quanh làng xưa có lũy tre xanh dầy khít, rất đẹp. Tre trồng hai vành: Vành trong, vành ngoài cách nhau một con hào nhỏ (chừng gần 2m) làm vành đai bảo vệ trang ấp. Thời kháng chiến chống Pháp vành đai tre này giúp rất nhiều cho bộ đội và du kích ta chống giặc. Bây giờ do sự phát triển lũy tre không còn nữa, xung quanh làng được thay bằng đường bê tông kiên cố, các loại xe chạy thoải mái, nhưng đáng tiếc: Giá như có cách nào đấy vẫn giữ được lũy tre xanh lịch sử quý hiếm này thì làng quê càng thêm đẹp. Tư Thế đang giàu đẹp, văn minh, không chỉ nhất xã, còn là một làng giàu đẹp của Thuận Thành. Giữa làng có một dẫy ao, bây giờ đang cải tạo, xây dựng thành hồ nước lớn. Chiều dài Nam - Bắc chạy suốt làng dài hơn 400m, chiều ngang chừng 40m, kè đá hai bên bờ chắc chắn. Đường bên bờ tây rộng tới 12m, sẽ trồng cây ven đường, phía đông hẹp hơn. Rồi đây, hoàn thành hồ này sẽ giống như Sông Hương chảy giữa lòng Thành phố Huế. Tối đến nhà cửa hai bên soi bóng xuống hồ nước, sẽ thật hữu tình, kỳ thú. Tôi nói với Anh: “Giá được cây cầu bắc ngang thì tuyệt”, “Vâng! Bây giờ vẫn giữ đường cũ, nhưng tương lai nhất định sẽ bắc cầu”. Mùa hè người người thả bộ đón gió, dong chơi hai bên bờ hồ, trai gái dắt tay nhau hẹn hò, tình tự, lồng bóng xuống mặt nước, chả khác gì con đường Thanh Niên bên Hồ Tây của Hà Nội. Tư Thế là quê hương của nhà Văn hóa Hữu Ngọc. nhà văn hóa này đã cho làng tiền xây một nhà văn hóa từ năm 2000. Tư Thế cũng là quê hương của Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đình Loan (đã về hưu). Con trai ông đang làm Bí thư Huyện ủy Thuận Thành. Làng này còn nhiều “quan văn” khác. Đất bút mực mà. Đất bút mực xuất xứ từ khi Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiến (khoa: 1502) đi cùng đoàn sứ nhà vua sang Trung Quốc. Ông đã khéo léo mang về kĩ thuật “nghề làm bút mực” cho làng. Song bút mực còn có nghĩa là mở mang đèn sách, thành đạt về chức tước. Nay còn hơn là nhiều người làm kinh tế giỏi đóng góp đáng kể cho ngân sách xã.
Tạm biệt Tư Thế, sang Trà Lâm, làng Đào Xuân Anh. Đất này có nghề làm đậu phụ nổi tiếng. Nghề đậu phụ có từ thế kỷ thứ XVII do vị sư người Trung Quốc - Lý Viên Văn (Chuyết công hòa thượng) trụ trì chùa Bút Tháp truyền dạy. Làng này có dòng dõi chúa Trịnh. Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc lại ở chùa Bút Tháp nên vị sư chẳng những truyền dạy nghề cho Trà Lâm và Thổ Lỗi (tức Bút Tháp), còn cấp vốn và dụng cụ (cối xay đá) cho hai làng. Nhưng chỉ có Trà Lâm giữ được nghề. Trải bao đời nghề làm đậu vẫn duy trì, nay đang chiếm lĩnh thị trường đậu, không chỉ trong vùng mà cả Hà Nội và các vùng lân cận đều tiêu thụ đậu Trà Lâm. Nhiều khách quý từ các phương trời xa về Trà Lâm chỉ để được thưởng thức món đậu phụ thơm, ngon, quý phái này. Trong khi mỗi ngày vẫn có hàng tấn đậu lên xe đạp, dong duổi đi Thủ đô và các làng xã. Đậu Trà Lâm còn đi tham gia trưng bầy hội chợ Kinh Bắc được khách hàng trầm trồ ca ngợi. Trong phương hướng đến năm 2020 vẫn “Chú ý duy trì nghề đậu phụ”. Nghề này có thể không giàu nhưng không bao giờ nghèo. Họ giữ thế ổn định. Hồ nuôi cá của Nguyễn Đình Tuấn non chục mẫu ngay trước cửa đình làng. Từng đàn cá giương vây, bơi lượn đầy hấp dẫn, hứa hẹn. Tuấn khoe: Tôi thông gia với một ông Nhà văn. Về cống hiến cho bạn đọc thì tôi thua ông ấy nhưng về thu nhập tiền… thì ông ấy thua tôi - hàng chục lần. Vậy mà tôi cứ thèm được như ông ấy”. “Ừ thì mỗi người mỗi việc. Làm thủy sản thế này là rất mới ở nông thôn đấy”. Đến trang trại trồng cây, làm vườn của Mai Văn Lưu. Ông này xưa đi bảo vệ phái đoàn quân sự bốn bên, nay về làm trang trại ở cánh đồng giáp một xã của Thủ đô Hà Nội, nơi đất nghịch. Lưu kể: Họ quấy phá tệ lắm, phải “bảo vệ” giỏi mới làm ăn được”. Thì ra con đường làm ăn ở nông thôn - bất kể nghề gì - đều chẳng dễ chút nào. Tôi cùng Đào Xuân Anh vào thăm nguyên chủ tịch huyện Trịnh Quang Dê. Ông “tri huyện” này vừa bén gót điền viên đã đứng ra lập Hội sinh vật cảnh của xã, tạo thú chơi tao nhã, nếp sống văn minh, lành mạnh và không kém phần “kinh tế”. Ông Dê đưa tôi đi thăm một số gia đình cách mạng xưa kia: Nguyễn Bá Chất, Nguyễn Đắc Tiến, hai Đảng viên - liệt sĩ lớp đầu tiên của Chi bộ Trí Quả. Chủ tịch xã Nguyễn Tá Độ hy sinh vào ngày cuối cùng khi sắp có hiệp định Giơnevơ. Câu chuyện về các liệt sĩ dẫu đã hơn một hoa giáp, song vẫn đầy xúc động. Con cháu sống yên bình, hạnh phúc tươi đẹp như mùa xuân. Sự “ra đi” của các anh thật không uổng. Linh hồn các anh hẳn sẽ rất hài lòng với quê hương ngày càng đổi mới. Đào Xuân Anh thổ lộ: “Được lãnh đạo một xã dầy truyền thống, một Đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng chục năm liền, với đội ngũ hơn ba trăm Đảng viên, mang trọng trách với hơn chín nghìn người dân đang sinh sống trên mảnh đất Anh hùng đầy gian truân máu lửa. Đau thương, tang tóc nhiều, nhưng càng nhiều chiến công hiển hách. Chúng tôi phải lo làm ăn thế nào cho tròn bổn phận. Năm 2015, xã đã đạt danh hiệu: “Nông thôn mới”. Bây giờ mọi chỉ tiêu đang nâng chất lượng, từng xóm thôn phát huy truyền thống quê mình, như Trà Lâm phát về nghề võ, giờ có hàng trăm công an, hàng chục sĩ quan cấp Tá, một cán bộ bảo vệ ngành hàng không đã dùng võ thuật và dũng cảm bắn hạ cả bốn tên không tặc cứu đoàn người và máy bay an toàn. Song cứ tiếc là không được phong Anh hùng. Có lẽ người anh hùng song song với chiến công còn cần những nét đậm màu mới đủ.
Còn 3 làng “quan” đều có bước nhảy vọt mới lạ.
Phương Quan xưa giàu nhất xã, bây giờ càng giàu. Ngoài ngôi chùa thờ Pháp Điện (bà Dàn) một trong Tứ Pháp theo truyền thuyết Phật mẫu Man Nương, còn đình làng to, đẹp khang trang, cổng làng cổ kính, một cửa chính, bốn cửa phụ, bề thế. Xưa làng có nhiều Đào, Kép, Tuồng. Nay còn NSND Nguyễn Gia Khoản, nguyên Giám đốc nhà hát tuồng Trung ương, có năm đưa cả Đoàn tuồng về hát mừng nhân dân, miễn phí. Tôi gặp lại cụ Tú - bạn xưa, ngoại bát tuần, song còn khỏe. Chỉ tội mắt lèm nhèm: “Ồ! Ông bạn, nhìn mãi mới rõ”. Trong câu chuyện mới – cũ, cụ kể: “Làng tôi xưa nhiều nhà ngói, sân gạch những con đường chính đều lát gạch. Nhưng về nước… đúng rồi - nước lại rất bẩn. Cả làng không một khẩu giếng khơi, toàn dùng nước ao, ao cũng hiếm. Ăn, uống, tắm giặt, nước ao cả, khổ nhất là bệnh đau mắt. Đau mắt do thiếu nước sạch lại không có thuốc, khăn mặt dùng chung, hoặc chỉ là những miếng vải thô, qua quýt. Quen lấy tay dụi mắt, vì thế rụng cả lông mi, mi mắt sụp xuống, lông mi đâm vào mắt, dẫn đến phải kẹp mắt. Kẹp mắt nghĩa là dùng dụng cụ kẹp chặt mu mắt kéo ngược lên rồi đánh mắt. Chỗ mu mắt sau thành sẹo không sao che được. Đàn ông thì không sao, nhưng đàn bà, nhất là con gái thì xót xa lắm. Sắc đẹp trước tiên là đôi mắt. Mắt đau nhưng lòng còn đau hơn. Thời ấy, gần 1/3 làng "toét mắt”. Tôi xen vào cho vui: “Chưa cả làng cùng toét…”., “Vâng nay thì cả làng - đố tìm thấy ai toét nữa. Đào giếng từ lâu và dùng nước sạch từ những năm 2000. Nước sạch làm cho con người tinh khôi, xinh đẹp. Con gái nước da trắng hồng, nét đẹp của nắng, gió vùng nông thôn mới, thậm chí còn kiêu sa, hút hồn các chàng trai đô thị”. Ông cụ có ý so sánh nỗi đau xưa và nỗi mừng nay. Cánh cao tuổi càng thấy giá trị của nông thôn mới, những “tấm màn đen” đã khép lại, nhường chỗ cho những chân trời đang tỏa sáng.
Văn Quan xưa kia ít ruộng, chủ yếu sống bằng nghề đóng cối xay. “Đóng cối đã có Văn Quan/ Tướng Lũng đi hát kiếm quan tiền dài”. Nguyễn Đình Triệu nói: Đóng cối vất vả lắm xong nghèo vẫn hoàn nghèo.
Bây giờ cả Văn Quan, Xuân Quan chẳng thua ai. Gần trăm phần trăm nhà tầng, lợp các loại ngói đủ màu sắc, lại bung ra ven đường tỉnh lộ, từ Văn Quan lên Chợ Dâu, từ Xuân Quan lên Phương Quan, cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sầm uất. Đặc biệt làng Xuân Quan, nhỏ bé nhất huyện, chỉ gần năm chục hộ, xưa đi làm mướn liên miên, càng nghèo tơi tả, sau cũng chỉ là một đội. Nhưng ông Phạm Văn Quý - người khá hiểu biết về lịch sử, phong tục, tập quán và truyền thống dân tộc, khuyên nhân dân xin tách trả lại làng cũ. Khi về dự lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND, tôi đã về Xuân Quan trước, cùng vui với nhân dân làng này trước, bởi trước kia, ngày kháng chiến chống Pháp, làng này là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ. Ngày ấy hình như nhân dân nơi đây thường ít ngủ. Đêm đêm họ đào hầm, họ thức và lắng nghe bước chân anh em bộ đội, cán bộ qua làng, qua các bốt bảo an, qua Sông Đuống lên Chiến khu Việt Bắc. Xuân Quan nay đang mang sắc diện mới, quây quần bên Chi bộ, Chi hội CCB, Mặt trận Tổ quốc, Chi hội Người cao tuổi… Họ sống với nhau thân thương, chung tay xây dựng nông thôn mới khá giỏi. Những làng to gấp mười lần cũng chả mới hơn họ. Họ còn khéo léo khai thác điểm di tích lịch sử Chùa Dàn - ngôi chùa cổ thờ Phật Pháp thông: “Phật bà vẫn ngự Chùa Dàn/ Giúp vua Trần chém Phạm Nhan rơi đầu”.
Đào Xuân Anh bày tỏ: Chúng tôi đang tìm cách quảng bá, khai thác mọi mặt của ngôi chùa này, để có thể giúp cho ngôi làng bé nhỏ - chỉ có 251 người này được hưởng chút gì từ di tích. Tuy chưa cho dân được nhiều, nhưng hàng năm nhà chùa cũng ủng hộ các gia đình chính sách từ 5 đến 10 triệu đồng. Lại còn tu sửa và làm mới các hạng mục của chùa hàng vài tỷ đồng nữa”. Đấy cũng là bước tiến mới, đầy tự tin, đáng ngợi ca của ngôi làng nhỏ nhưng ý chí lớn, vượt lên tiến kịp cộng đồng.
Gặp Nguyễn Đình Triệu như một sự gợi ý tôi nhớ tới họ Nguyễn Đình…làng Văn Quan. Đấy là dòng họ cách mạng sớm nhất của Văn Quan và của cả xã Trí Quả. Đảng viên đầu tiên, Bí thư đầu tiên là người họ Nguyễn Đình. Khi xưa bọn phản động thường bắt người của họ Nguyễn Đình mang về bốt tra khảo, nhằm lùng bắt Việt Minh. Nhiều con em các gia đình cách mạng bị bắt về bốt “ngủ” để đề phòng ta đánh bốt. Nay họ Nguyễn Đình có hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hai lão thành cách mạng, nhiều liệt sĩ. Con cháu họ này như là được các liệt sĩ phù hộ, làm ăn khấm khá, học hành giỏi dang, thành đạt. Có tiến sĩ, Thạc sĩ, Cấp tá, Cấp úy, “Hương sư”, “Tổng sư” (tức Hiệu trưởng cấp II. Cấp III). Nhà thơ…Người con dâu họ Nguyễn Đình - là Nghệ sĩ ưu tú vùng mỏ, mang nặng mối tình với người thương binh nặng, đến nỗi xin ra khỏi một Đoàn Nghệ thuật nổi tiếng để về đi làm thợ sơn, bán hàng dong… nuôi chồng, nuôi con. Nghệ sĩ tâm tình: “Khi chăm sóc, chứng kiến những cơn đau thất thần của anh là lúc nước mắt tôi đầm đìa chảy”. Mối tình ấy thật đẹp, nào có kém gì những mối tình trong tiểu thuyết. Song cái giá nông thôn mới ở đây hơn cả là: Xóa bỏ hận thù. Xưa có nhà thơ đã viết: “Máu anh viết lại thù Dư Xá/ Xương anh ghi chặt hận Văn Quan…”. Bây giờ thôi. Khép lại quá khứ, sống với nhau trong tình làng nghĩa xóm quên đi nỗi đau cùng nhau xây đời mới.
Những ai đã biết mảnh đất này trước năm 2000 nay được chứng kiến xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới sẽ không khỏi rưng rưng cảm động. Trước kia “thời kỳ chống Pháp” cả xã chỉ vài ba người có bằng sơ học yếu lược (lớp 6 bây giờ). Cán bộ Đảng viên, đầy nhiệt tình cháy bỏng, tận tâm tận lực với dân, với nước, nhưng hầu hết chỉ biết đọc, biết viết. Vài ba người đọc thông biết thạo, cá biệt còn I-Tờ. Những năm sáu mươi có khá hơn về học lực, nhưng về văn hóa còn nhiều lơ mơ, tùy tiện. Hiểu về đình - chùa - đền - miếu… là do phong kiến đế quốc đặt ra, làm chỗ tranh giành, kiếm chác, mê tín, dị đoan... Nay thì khác xa, có thể nói một trời một vực. Xã có 3 trường, cả 3 trường đều đạt chuẩn Quốc gia. Cả 3 trường xuất sắc cấp tỉnh. Xã đạt danh hiệu “Giáo dục toàn diện. Trường Tiểu học là lá cờ đầu của tỉnh. Trường Trung học được đầu tư “Trường học thông minh” bắt đầu đưa vào sử dụng. Xã có hàng mấy trăm người đỗ Đại học và trên Đại học. Hàng năm - mùa xuân cả 5 làng mở hội tưng bừng, hoành tráng. Dẫu có tốn kém, mệt mỏi nhưng khí thế vui vẻ lắm. Nhân dân quanh vùng đến tham quan, vãn cảnh, dự hội thể thao, thi tài văn nghệ, giao lưu khoe sắc. Nhiều làng còn mời các đội bóng hàng Quốc gia, các đoàn nghệ thuật Trung ương về biểu diễn. Văn hóa và lễ hội, là lĩnh vực tâm tưởng, nhưng nhiều khi mang lại thành quả kinh tế đến không ngờ. Một người phụ nữ đẹp, phúc hậu, phong cách giản dị nhưng không che khuất vẻ quí phái. Bà tham quan Chùa Dâu rồi về Chùa Phương Quan. Xúc động trước huyền thoại Man Nương và truyền thuyết Tứ Pháp lại gặp lúc trời đổ mưa, chỗ ông Hộ Pháp bị dột, nước mưa chảy vào mặt phật “Ôi nơi linh thiêng, văn hóa này đến nỗi…”. Các già vãi trình bày, bà lập tức cung tiến: Một trăm triệu đồng để “Lợp lại mái chùa”. Lần sau bà về thăm thấy cả đình, chùa rệu rã bà xin cấp tiền sửa chữa. Dân làng giàu đẹp thì Đình, Chùa cũng phải khang trang chứ. Bà cho ba tỷ đồng. Điều mừng hơn là: “Các cụ cứ làm đi, thiếu thì đề nghị chính quyền, kêu gọi nhân dân cung đức và tôi… xin thêm ạ”. Công trình thi công mới xong nhà Tiền đường, còn đang làm. Tôi nói với Trưởng thôn Lê Văn Sứu “Bà Pháp Điện thiêng gửi tiền cho dân mình đấy”. Ôi! May mắn. Thật tình cờ, thật bất ngờ, thật như mơ.
Chúng tôi còn “lang thang” đôi nơi nữa. Thăm các Trạm nước sạch. Đây là xã đứng đầu toàn huyện trong phong trào dùng nước sạch, điều cốt lõi để được công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế.
Trở lại Trụ sở Đảng ủy UBND xã, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ tới các anh - những người cán bộ - xưa chịu nhiều gian khổ, nhọc nhằn, góp phần làm nên mảnh đất AHLLVTND, nay đã về nơi thiên cổ. Các anh: Nguyễn Đình Hội. Nguyễn Bá Toản, Phạm Văn Quí, Ngô Quả, Nguyễn Bá Ngoạn trong Ban chỉ ủy suốt những năm khói lửa chiến tranh. Tôi cũng siết đỗi vui mừng với những gì vừa tận mắt nhìn thấy được. Mảnh đất con người đang mang diện mạo: Xã nông thôn mới, thật quí hóa. Kể cả cơ ngơi - nơi làm việc của một cơ quan công quyền, với đầy đủ phương tiện, tiện nghi, có thể thật sự yên lòng nhìn vào tương lai, chắc chắn ngày càng nhiều hoa thơm trái ngọt.
Đào Xuân Anh, Nguyễn Đình Triệu hân hoan, đang đầy lòng tin về quê hương mình. Dương Văn Phao - bây giờ thêm Chủ tịch UBND xã (Phao) anh mới đi kiểm tra “vệ sinh môi trường” về. Phao sôi nổi bắt tay tôi “bác đi thăm khắp xã, đã thấm mệt rồi, mời bác dùng bữa cơm thân mật với Ủy ban, chiều làm việc tiếp và mời bác xem trận giao hữu bóng đá bác ạ”. “Còn! Còn ít phút nữa Chủ tịch cho mình biết thêm: sắp tới các cậu làm gì đây. Và - còn nữa - quê hương giàu đẹp thế này, tình nghĩa uống nước nhớ nguồn ra sao. Mình nghe nốt, rồi đi ăn cho ngon miệng”. “Vâng” Phao nói: “Cả xã bây giờ chỉ còn 900 mẫu ruộng (364ha) mỗi người đúng 1 sào. Muốn khấm khá, tất phải bằng nhiều con đường khác, ngành nghề, dịch vụ, thương nghiệp… xã đang có chủ trương xây dựng khu trung tâm hành chính của xã, qui mô chừng 20ha. Bao gồm một tổng thể công trình: Trụ sở xã. Trường học, mô hình mới nhất: “Trường học thông minh”, khu chăm sóc sức khỏe, sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu đa năng, chợ dân sinh, khu trung tâm thương mại, bãi đỗ xe… cái nào đã có thì nâng cấp. Có lẽ phải dăm năm, nhưng tin là làm được. Phương án này huyện đã phê duyệt, đang chọn nhà đầu tư. Còn tình nghĩa uống nước nhớ nguồn: Xã có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 140 liệt sĩ, 300 thương bệnh binh và chất độc da cam cùng một số đối tượng khác. Tổng số trên 500 người. Chẳng những lãnh đạo phải quan tâm, mà còn vận động toàn dân tham gia “đền ơn đáp nghĩa”. Người nghèo còn nhưng đối tượng chính sách thì không ai nghèo, hoặc cận nghèo. Phải làm sao để những người đã thiệt thòi, mất mát, đau thương… không hơn thì thôi, chứ đừng để những thân phận ấy chịu thêm bất hạnh.
Tôi gật đầu: “Hay lắm! Mình tin Đảng bộ Trí Quả sẽ phát huy truyền thống Anh hùng và nhân dân nơi đây đang làm chủ thể trong xây dựng “nông thôn mới”, tiến lên ngang tầm với sự tích Anh hùng trong chiến đấu, sẽ ngày càng tươi hồng và hạnh phúc". Đào Xuân Anh, Phao, Triệu đến bên tôi tay nâng chén chúc sức khỏe. Phao hỏi: “Thế bác đến bẩy mươi chưa ạ?”, “Cảm ơn. Tết Đinh Dậu mới rồi mình tròn bát thập”. Phao, Triệu, Anh và tất cả tròn mắt: “Không thể tưởng tượng - ông lão tám mươi - còn đi, còn viết. Nào chúc trượng lão”./.