Lý Công Uẩn - Lý Thái Tổ là vị vua khởi nghiệp Vương triều Lý với thời gian trải dài 216 năm hùng cường và thịnh vượng. Đánh dấu những mốc son quan trọng về sự phát triển chính trị, quân sự, kinh tế và đặc biệt là bước ngoặt tiến bộ rất rõ nét cho nền văn minh Đại Việt. Cuộc đời và sự nghiệp của ông có nhiều huyền thoại, truyền thuyết gắn liền với những mùa xuân kỳ diệu. Vua Lý Công Uẩn ra đời vào mùa xuân, những sự kiện lớn trong cuộc đời đều khởi đầu và thành công vào mùa xuân. Khi vua qua đời cũng vào mùa xuân, thật là một sự trùng hợp kỳ lạ và lý thú.
1. Mùa xuân năm Giáp Tuất (974) ngày 12 tháng 2 âm lịch, Lý Công Uẩn ra đời ở xóm Đường Sau, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, trấn Kinh Bắc. Thân mẫu là bà Phạm Thị Ngà, người làng Dương Lôi (Đình Sấm) nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Để ghi nhớ mùa xuân nơi Vua chào đời, từ xa xưa dân gian vùng quê này vẫn có câu “Nở Đường Sau, đau Chùa Dận”.
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1009): Tháng 3, tương truyền ở hương Diên Uẩn, làng Đình Sấm xảy ra một hiện tượng kỳ lạ. Trời không mưa, không gió, bỗng có tiếng sét lớn đánh vào cây gạo cổ cạnh chùa Minh Châu (Cha Lư) tung ra một mảnh vải điều có bài “Sấm ngữ”:
“Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Cây đâm xuống đất
Cành khác lại sinh
Đông mặt trời mọc
Tây sao náu hình
Khoảng sáu, bẩy năm
Thiên hạ thái bình...”
Nội dung bài “Sấm ngữ” ý nói nhà Lê đã suy đồi và nhà Lý sẽ lên thay. Đây như là một hiện tượng “điềm trời” báo trước rất thuận để cho Lý Công Uẩn khởi nghiệp lớn. Sau sự kiện này, làng Dương Lôi ra đời. Dương là Trời, Lôi là Sấm nên dân chúng quanh vùng thường gọi nôm na là “Kẻ Đình” hay là làng “Đình Sấm”.
3. Mùa xuân năm Canh Tuất (1010) tháng 2, Lý Công Uẩn làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế, đồng thời ban “Chiếu dời Đô” từ Hoa Lư (Ninh Bình ) về thành Đại La, lập lên Kinh đô mới của nước Đại Việt - Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội ngày nay. Vua Lý cho tiến hành xây dựng: Càn Nguyên điện, Tập Hiền điện, Giảng Võ điện, Văn miếu Quốc Tử Giám… để làm nơi thiết triều, học chữ, luyện tập binh pháp và một số công trình văn hóa khác ...
4. Mùa xuân năm Tân Hợi (1011) tháng 2, Vua Lý Công Uẩn thân chinh cầm quân đi chinh phạt dẹp yên số người nổi loạn ở vùng Cửu Long (Châu Ái). Vua đã lấy ân đức của mình trấn an vỗ về, thu phục yên được lòng dân trong khi triều đình còn non trẻ.
5. Mùa xuân năm Giáp Dần (1014) tháng Giêng. Bọn giặc Man cầm đầu là Dương Tường Huệ và Đoàn Kính Chi đem hai mươi vạn quân xâm lấn bờ cõi nước ta. Trước thế giặc ồ ạt, một lần nữa vua Lý Công Uẩn (Thái Tổ) lại trực tiếp đối trận. Với thao lược tài giỏi, tướng sĩ đoàn kết một lòng anh dũng chiến đấu, vua tôi, quân sĩ đã đánh tan bọn giặc này rất nhanh chóng, giữ yên miền biên giới nước Đại Việt .
6. Mùa xuân năm Bính Thìn (1016) tháng 3, Vua Lý Công Uẩn chính thức phong Lập Giáo nương nương là Hoàng hậu, phong con trai Lý Phật Mã làm Thái Tử tức vua Lý Thái Tông nối ngôi sau này).
7. Mùa xuân năm Bính Dần (1026) tháng Giêng, Vua Lý Công Uẩn xuống chiếu ra lệnh làm bộ sách “Hoàng Triều Ngọc Điệp” tức cuốn gia phả dòng tộc Hoàng triều nhà Lý.
8. Mùa xuân năm Mậu Thìn (1028), ngày mồng 3 tháng 3 vua Lý Công Uẩn qua đời tại điện Long An, Kinh thành Thăng Long, hưởng thọ 54 tuổi (974 - 1028) ở ngôi vua trị vì đất nước 19 năm.
Mùa xuân và cuộc đời của đức vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn còn gắn bó khăng khít máu thịt với nhiều làng quê ở châu Cổ Pháp (vùng Đông Ngàn, Từ Sơn) quê hương cội nguồn nhà Lý. Làng Dương Lôi (quê mẹ đức Vua) đã lấy ngày sinh của Vua (12 tháng 2) làm ngày hội làng. Làng Tiêu Sơn, xã Tương Giang (nơi có chùa Quốc sư Vạn Hạnh tu hành) lấy ngày mồng 6 tháng 2 là ngày hội làng. Làng Tam Tảo, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) quê hương ông bà Trần Quý - Phương Dung là ân nhân cứu mạng Vua, lấy ngày hội vào mồng 10 tháng 2 hàng năm. Còn làng Đình Bảng (cả xã) cũng lấy ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày hội Đền Đô - đền thờ Lý Bát Đế...
Những việc làm trên của dân chúng trong vùng từ xưa đến nay, âu cũng là ghi nhớ, tri ân, tôn kính một con người kỳ diệu. Một vị Minh Quân tài giỏi, đức độ nhân từ mà tên tuổi, ân đức đã gắn liền với những mùa xuân kỳ diệu./.
PHÚC TOẢN