Trang chủ Đặc biệt

LÝ THÁI TỔ - NGƯỜI KHAI LẬP TRIỀU LÝ
10:02 | 13/01/2020

 

Thuở ấu thơ, Lý Công Uẩn được Thiền sư Lý Khánh Văn nuôi dạy. Lý Công Uẩn từng làm tiểu ở chùa Quỳnh Lâm (tức chùa Kim Đài) rồi chùa Kiến Sơ. Đến tuổi thiếu niên, được Thiền sư Vạn Hạnh đón lên Thiên Tâm Tự (Chùa Tiêu) dạy dỗ, lo toan nghiệp lớn. Lý Công Uẩn sớm thể hiện tư chất thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. 

Người sớm thể hiện bản lĩnh yêu nước, thương dân, làm thơ: 

"Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi

Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng"  

Sử cũ cho biết "Vạn Hạnh thầy khen rằng đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm Vua giỏi trong thiên hạ".

Lý Công Uẩn là người khẳng khái, có sức khoẻ phi thường. Lúc vừa 20 tuổi, ông vào kinh đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) làm quan võ cầm quân trong triều Tiền Lê. Khi Vua Lê Trung Tông bị em trai là Lê Long Đĩnh sai người lẻn vào cung giết chết để cướp ngôi, "bày tôi đều chạy trốn, duy chỉ có Điện tiền chỉ huy sứ là Lý Công Uẩn ôm xác chết mà khóc". Sử cũ cho biết: "Ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì vận mở, là người nhân từ, khoan thứ, tinh mật ôn nhã, có lượng Đế Vương". Trước uy đức của Lý Công Uẩn, Lê Long Đĩnh rất tàn bạo cũng phải vì nể, khen là người trung, cho làm Tứ sương quân, phó chỉ huy sứ rồi thăng lên chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Lê Long Đĩnh ác độc, khiến lòng dân không còn hướng về nhà Tiền Lê nữa. Khi Lê Long Đĩnh (Ngoạ Triều) qua đời, sử cũ ghi rằng chi hậu Đào Cam Mộc đã khuyên Lý Công Uẩn lên làm Vua, rằng: "... Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người đều quy phục. Hiện nay trăm họ quẫn bách, không chịu nổi mệnh trên, Thân vệ nhân tình thế đó lấy ân đức mà vỗ về thì  người ta tất đua nhau theo về như nước chảy chỗ trũng, ai có thể ngăn lại được".

 Tuy vậy, Lý Công Uẩn không tự giành ngôi Vua. Mãi đến khi "Việc cần kíp, sợ sinh biến" triều thần khanh sỹ họp lại suy tôn, dìu Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên chính điện lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế (ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu, tức ngày 21 tháng 11 năm 1009) đưa đến sự đổi mới triều đại. Từ đây, triều Tiền Lê chấm dứt, triều Lý được thành lập - nhân hoà, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử nước nhà.

Sau khi lên ngôi Vua, Lý Công Uẩn đại xá cho cả nước, xoá bỏ tù ngục kiện tụng, cho phép hễ ai có việc tranh giành, được đến tận triều đình mà tâu bày, nhà Vua sẽ đích thân ra phân xử. 

Tháng 2 năm Canh Tuất (1010), nhà Vua về thăm quê nhà Cổ Pháp, gặp mặt thần dân, ban tiền lụa cho các bậc kỳ lão, hỏi về kế sách dựng nước; viếng mộ Thái hậu Phạm Thị và đo mươi dặm đất làm Cấm địa Sơn lăng (Thọ lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của các vị Vua triều Lý ngày nay).

Trở lại Hoa Lư, Lý Thái Tổ viết "Thiên đô chiếu" (Chiếu dời đô). Trong đó có nói rằng: "Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi... Thành Đại La ở vào trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh thống khổ ngập lụt; muôn vật cùng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy mà định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?". 

Chọn ngày tốt lành, Rằm tháng Ba năm Canh Tuất - 1010, chính Ngọ đắc tâm linh, Thái Tổ Lý Công Uẩn cho rằng được thiên thời chính thức làm lễ đăng quang, đặt niên hiệu Thuận Thiên, mong thiên hạ thái bình. Vì vậy, ở quê Người, nhân dân Cổ Pháp - Đình Bảng hàng năm chọn ngày Rằm tháng Ba âm lịch mở lễ hội Đền Đô cổ truyền để kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang. 

Thái Tổ Lý Công Uẩn đã nhận mệnh bằng sự nghiệp đổi mới sâu sắc. Được Nhân hoà đổi mới triều đại, được Thiên thời ngay trong tâm thức, được Địa lợi để dời đô, từ dời đô mà đổi mới đất nước, phát huy tinh thần "khoan, giản, an, lạc" với "lòng nhân thương dân” sáng láng.

Sử cũ ghi rằng: "Mùa thu năm Canh Tuất - 1010, nhà Vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh Phủ. Thuyền tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi là thành Thăng Long. Đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên...”

Ban "Chiếu dời đô", Vua Lý Thái Tổ thể hiện sự hiểu biết phong thuỷ, địa lý sâu sắc. Cùng với việc đặt tên kinh đô mới là Thăng Long tạo hùng khí phát triển "Rồng bay lên” cho cả đất nước, tương xứng như một "Tuyên ngôn đổi mới” là một sự đổi mới cả trong tư duy chính trị lẫn trong kinh tế xã hội, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử xây dựng đất nước của dân tộc ta. Muôn đời con cháu, mỗi khi đọc "Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, càng ghi nhớ công ơn của Người. "Vua lấy dân làm trời, lấy nhân từ làm gốc”. Dân chúng no ấm thì thiên hạ thái bình. Dời đô để yên dân, yên nước. Lý Thái Tổ đã "Tính kế lâu dài cho muôn ức đời con cháu...”, vì thế hệ chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau. Người xứng là minh quân hiền triết.

Từ nơi thế thủ Hoa Lư, ra nơi thế mở Thăng Long, đổi mới triều đại, đổi mới kinh đô, để đổi mới kinh tế, văn hoá, xã hội. Lý Thái Tổ cùng thần dân đã làm được việc lớn lao phản ánh yêu cầu phát triển mới của quốc gia phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin và quyết tâm của cả dân tộc giữ vững nền độc lập. Trong năm Canh Tuất - 1010, Lý Thái Tổ cho dựng điện Kiền Nguyên làm nơi coi chầu, hai bên có điện Tập Hiền và điện Giảng Võ, dựng và sửa chữa nhiều chùa chiền ở nội và ngoại thành Thăng Long. Đặc biệt nhà Vua xá thuế 3 năm cho cả nước, xoá bỏ thuế còn thiếu của các năm trước cho những người mồ côi, goá chồng, già yếu... phát quần áo cho tù binh bị bắt cuối thời Tiền Lê và tha cho về. Đổi 10 đạo trong nước thành 24 lộ. Nhà Vua xuống chiếu cho dân tha phương cầu thực trở về quê cũ khai khẩn làm ăn. Truy tôn cha làm Hiển Khánh Vương, mẹ làm Minh Đức Hoàng Thái hậu. Phong tước hầu cho Đào Cam Mộc là người có công phù giúp ông lên ngôi và gả công chúa Lý An Quốc cho Nghĩa tín hầu Đào Cam Mộc, ban áo mặc cho các hàng tăng đạo. Các Thiền sư: Vạn Hạnh, Đa Bảo, Viên Thông, Sùng Phạm... được nhà Vua mời tham gia tích cực vào các hoạt động triều chính và giữ những cương vị quan trọng trong triều đình, được tham dự bàn bạc và quyết định các việc trong triều như những cố vấn của nhà Vua. Lý Thái Tổ cũng đã sai viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê Tài Nghiêm sang nước Tống kết hảo. Lý Thái Tổ rất coi trọng việc giữ yên đất nước. Năm 1011, nhà Vua thân chinh đi dẹp loạn, chấm dứt được sự chống đối của người Cử Long (Thanh Hoá). Năm 1013, nhà Vua lại cầm quân đi dẹp loạn Hà Trắc Tuấn châu mục châu Vị Long (Hà Tuyên). Lý Thái Tổ đã phong cho Thái tử Lý Phật Mã là Khai Thiên Vương, giao cho cầm quân đi dẹp loạn các nơi và đi đánh giặc phía Nam (1020), đánh người Đại Nguyên Lịch trên đất Tống quấy nhiễu biên giới (1022).

Lý Thái Tổ là một Phật tử thuần thánh nên sau khi lên ngôi, nhà Vua hết sức coi trọng sự truyền bá Phật giáo, xây dựng và tu sửa chùa chiền, nhiều công trình còn nổi tiếng đến ngày nay. Năm 1019, nhà Vua đã sai sứ thần sang Trung Quốc thỉnh kinh đem về để tại kinh viện Đại Hưng và cho xây dựng Thái miếu ở Sơn lăng Thiên Đức quê nhà.

Lý Thái Tổ làm Vua 19 năm (1009 - 1028). Người qua đời ở điện Long An ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (31 tháng 3 năm 1028), thọ 55 tuổi, táng ở lăng Lòng Chảo trong Thọ lăng Thiên Đức bản hương Cổ Pháp, giữa rừng Báng, bên dòng sông Tiêu Tương nơi quê nhà. Nhân dân và triều đình thờ Người ở Đền Đô tức đền Lý Bát Đế - Cổ Pháp điện, nơi Thái Miếu của nhà Lý mà chính người đã cho xây dựng từ năm 1019, giờ là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trong lòng nhân dân ngày nay, Thái Tổ Lý Công Uẩn xứng là thánh nhân: 

Trên ngai vàng không hưởng phúc riêng 

Phúc để cho muôn dân cùng hưởng  

Gần dân, trọng dân, thương dân lắm 

Rồng hiện sáng trời, nước sang trang./.

                                                                                                                                                                                                                                      NGUYỄN ĐỨC THÌN