Trang chủ Đặc biệt

KHUYẾN HỌC TRANG HẠ LÀM THEO LỜI BÁC
09:37 | 20/03/2019

 VĂN AN 

 

 

Trang Hạ, một miền đất bình địa, trù phú ngự kề trung tâm thị xã Từ Sơn. Xung quanh làng là những khu công nghiệp với nhiều nhà xưởng vào mùa đua nhau sản xuất để đưa vào thị trường cả nước những sản phẩm quí giá của gỗ trắc, gỗ lim, của kim loại đồng ửng lên màu vàng óng, của ống nhựa, dép nhựa… và vô vàn sản phẩm về nhựa mềm mại. Tôi đang dạo trên đồng đất Trang Liệt, nơi ngày xưa thuộc sở hữu của Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt, nơi đất thiêng hình rồng uốn lượn. Tôi đứng tựa giếng đầu làng có lẽ xây từ thời cụ Hoài Đức Vương, đường kính rộng đến 5,6m, một mắt rồng thăm thẳm đem lại nước trời cho cả một vùng Trang Hạ, Phù Lưu. Đây chính là chiếc nôi cho các bậc hiền tài địa phương.

Phải. Không nhầm. Đất rồng Trang Liệt và Bính Hạ đã sản sinh ra những người con tuyệt vời, làm rạng danh hai làng Trang Hạ. Chín vị tiến sĩ thời phong kiến ví như những ngôi sao tỏa sáng, là Tiến sĩ đầu tiên Nguyễn Quốc Kiệt đỗ năm 1442, làm quan đến chức Thượng Thư (ngang Bộ trưởng bây giờ), là Tiến sĩ Dương Tử Do vì tố giác khoản tiền hội làng lập lờ mà bị xúc phạm là vô học, ông lao đầu vào học. Học mải miết. Học vùi lấp tất cả mọi ham muốn. Chỉ 6 năm ông đã đỗ Tiến sĩ (năm 1458), làm giật mình tất cả những ông Chánh, ông Lý đã xúc phạm đến Người; là cụ Nguyễn Đức Thận đỗ năm 1490, cụ Hoàng Nghị đỗ cùng cụ Thận; là cụ Trần Dự, cụ Trần Thúc Bảo, cụ Trần Khánh Hưng và cụ Phan Đình Dương làm đến Tri phủ Trực Phong, Thường Tín, rồi đốc học Hà Nội, đốc học Hải Dương, đốc học Bắc Ninh và Quốc Tử Giám Tư nghiệp… Chín vị Tiến sĩ hợp lại thành dải ngân hà rực sáng vắt qua bầu trời Trang Hạ.

Tôi gặp anh Bàn, Chủ tịch khuyến học Trang Hạ. Anh là người lính có 8 năm cầm súng chống Mỹ gian khó và nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Đạn bom chiến trường vị nể chưa đụng đến người chiến sĩ trẻ. Bàn kể, với giọng tự hào: Các cụ nhà mình giỏi quá. Làm lừng lẫy một quá khứ. Quá khứ ấy dọi một luồng sáng của trí tuệ, của tự hào đến tận bây giờ. Ban khuyến học Trang Hạ không quên luồng sáng ấy và luôn truyền tải niềm đam mê đến các cháu.

Ngày hội của Ban khuyến học, đó là ngày động viên trao thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Ban khuyến học bận rộn với công việc chuẩn bị, sắp xếp cho buổi lễ tuyên dương được thành công. Đó là cô Thao, cô Cầu, là thầy Thùy, thầy Kỳ. Các thầy cô không quản thời gian để lao vào thứ công việc chồng chất mà phải sắp xếp rạch ròi, ngăn nắp, cái gì trước, cái gì sau hợp lí, gọn gàng. Các thầy là hạt nhân trong 340 hội viên khuyến học. Dù là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng họ đều say mê công việc. Một công việc như sông như biển, không bao giờ hết, không bao giờ cạn trong khuyến khích nhân tài.

Miền đất Trang Liệt – miền đất hình Rồng phủ phục như tỉnh giấc, bắt đầu chuyển mình, bắt đầu thăng hoa. Những hạt ngọc từ miệng Rồng Trang Liệt phun ra. Đó là hạt ngọc Phan Đình Sơn, Phan Đình Lân lấp lánh trang hóa học và nông nghiệp; là hạt ngọc Phan Đình Luân trang toán học, hạt ngọc Nguyễn Tiến Đông trang vật liệu xây dựng; hạt ngọc Vũ Công Hảo, Ngô Hữu Lợi… 25 hạt ngọc đậu trên mảnh đất Trang Liệt; còn nữa, ngọc sáng trên thơ của hai nhà thơ trung ương là Anh Vũ và Vũ Từ Trang; ngọc sáng trên tranh của học sĩ trung ương là Ngô Hoằng và Phan Hùng. Tất cả tạo nên một Trang Liệt thăng hoa rực rỡ.

Chủ tịch khuyến học nói về quê hương với một niềm tự hào vô hạn. Anh như đi ra từ những niềm vui, những thành quả của quê hương. Anh nhấn mạnh điều làm nên kết quả, thành công to lớn của công tác khuyến học là vấn đề tổ chức. Phải xây dựng một mặt trận cùng hoạt động đều tay, hiệu quả. Ra đời 6 chi hội khuyến học, 3 chi hội rải ra ở các khu phố, 3 chi hội nhà trường ngày càng phát triển, mặt trận khuyến học căng rộng khắp địa bàn phường. Sáu chi hội chăm sóc, nâng đỡ các cháu có thành tích cao; mỗi chi hội tạo nên những mẫu hình riêng, sản phẩm riêng. Tìm tòi, phát hiện và động viên các tiểu nhân tài. Mỗi chi hội là một lò sản sinh ra các tiểu nhân tài. Khu phố Trang Liệt có gần 1000 hộ đạt “gia đình học tập”; khu phố Bính Hạ có 250 hộ “gia đình học tập” và khu phố Mới có 114 hộ gia đình học tập. Toàn phường đạt 100%. Anh cho biết số hội viên tham gia hội khuyến học không giới hạn trong bộ phận cựu giáo chức mà mở rộng ra các ban ngành, đoàn thể khác. Những năm đầu thế kỉ, số hội viên khuyến học trên dưới 100 người thì đến năm 2018 đã lên tới 350 hội viên. Có thể nói tấm lưới khuyến học đã trùm lên toàn bộ khu dân cư phường.

Anh tâm sự. Dân ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”, muốn động viên, thúc đẩy các cháu phải thực sự khuyến khích tài năng bằng tinh thần và vật chất. Các chi hội nô nức xây dựng quỹ bằng nguồn huy động, xã hội hóa. Toàn dân chăm lo giáo dục, xã hội hóa giáo dục. Riêng khu phố Trang Liệt, con số quỹ lên tới 167 triệu đồng; Bính Hạ 20 triệu, khu phố Mới 14 triệu; trường tiểu học 92 triệu. Nguồn lực này là đòn bẩy quan trọng tạo nên phong trào học tập say sưa của thầy trò Trang Hạ. Những bông hoa học tập đua nhau nở tạo thành chùm hoa, phát triển thành vườn hoa. Khu vườn hoa ở Trang Hạ có tới 425 bông rực rỡ, Bính Hạ có 115 bông, phố Mới có 65 bông.

Phường Trang Hạ, tính đến nay 2018 đã “trình làng” 51 Tiến sĩ, 119 Thạc sĩ và 736 người có trình độ đại học. Tất cả tạo nên diện mạo một Trang Hạ giàu bản sắc, trí tuệ và đang vươn lên sừng sững hòa nhập cùng đất nước./.