Trang chủ Đặc biệt

TÔI TỰ HÀO CÓ MỘT NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH
09:22 | 23/06/2018

 HẢI SÂM

 

Khi đọc bài “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình” của tác giả Nguyễn Đình Tùng đăng ở chuyên mục “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên Tạp chí Người Kinh Bắc, tôi mới biết cô giáo Nguyễn Thị Thuận đã nghỉ hưu.

Quả đất vốn tròn, vì thế cuộc sống cũng quay tròn. Cô Thuận chính là cô giáo chủ nhiệm lớp tôi, lớp 7B Toán - Lý trường sư phạm 10+3 Ngô Gia Tự Hà Bắc cách đây 40 năm. Hồi ấy, tôi vốn là một trong số sinh viên ngỗ ngược của lớp, chúng tôi ở tập thể trong trường (nay gọi là ký túc xá). Tuổi mới lớn, lại được tự do nên lười dậy sớm tập thể dục buổi sáng. Tôi và một số anh chàng nữa cùng một ruộc, chúng tôi nghĩ ra cách trốn, tập thể dục buổi sáng đến nỗi đội cờ đỏ vào kiểm tra trong phòng không thấy, mà ra kiểm tra ở sân trường cũng chẳng thấy đâu. Có gì đâu, khi nghe tiếng Đài báo thức, mấy thằng vùng dậy vén màn đằng trước giường lên, chui vào phía sau màn giáp tường nằm im. Tuần nào lớp 7B cũng xếp thi đua ở vị trí số 1 từ dưới lên, làm ảnh hưởng rất nhiều đến cô Thuận. Giờ sinh hoạt lớp cô chỉ nhẹ nhàng phê bình mấy thằng bọn tôi. Cũng xin lỗi cô, cũng hứa hẹn trước lớp nhưng chứng nào vẫn tật ấy.

Tôi còn quậy hơn trong tốp mấy thằng “ngỗ ngược” của lớp, bỏ giờ học đi tập đánh bóng bàn. Có hôm vào lớp điểm danh xong để lớp trưởng chấm công, tìm cách trốn qua cửa sổ (Hồi ấy khó khăn lắm, lớp học cửa sổ không có chấn song; nhà ở tập thể thì toàn bộ lợp bằng lá cọ) đạp xe xuống tận cây số 4 xơi bát phở hoặc điểm tâm cái bánh nướng. Lúc ấy trường tôi đóng ở xã Việt Lập, huyện Tân Yên cách thành phố Bắc Giang hiện nay chừng 8 km. Cây số 4 (cách thành phố Bắc Giang 4 km) mới có cửa hàng ăn uống.

Cô Thuận dạy chúng tôi bộ môn Giải tích, một môn khó nhai của cánh sinh viên. Ngỗ ngược như bọn tôi, lại lười học như tôi thì độc giả chắc phần nào đoán biết được kết cục thi học phần các môn học. May là tôi có trí nhớ kha khá, đi học chẳng có sách vở gì, nói thế thì hơi quá, nhưng quả thật tôi có một quyển vở, môn học nào cũng ghi vài chữ vào đó, đến kỳ thi nháo nhào mượn vở và tài liệu của các bạn trong phòng. Qua được các môn, toàn điểm 5 trừ, cái gạch trừ dài đến hết trang giấy thi. Kệ! Có gạch trừ dài đến hết Thủ đô Hà Nội cũng vẫn là qua, không phải thi lại là được.

Môn Giải tích của cô chủ nhiệm, mấy thằng ngỗ ngược trong lớp chẳng thằng nào qua được điểm 4 cộng. Mấy thằng cho là cô thù chúng nó. Tôi thì, biết tỏng là tôi chỉ đúng được có một câu rưỡi trong tổng số 5 câu hỏi của bài thi, may mà bài làm sạch sẽ, chữ đẹp nên không bị trừ điểm, tối đa được 4 trừ là phúc rồi. Với tình hình ấy, cộng với việc rèn luyện nền nếp, tôi chắc mẩm đón khóa 8 vào học chung cho trẻ ra. Cuối tuần cô Thuận gặp riêng tôi và một số người trong lớp bị dưới điểm 5 môn Giải tích. Khỏi cần nói lại những điều cô nhắc nhở với tôi, chỉ biết rằng cô quyết định vẫn cho tôi và mấy thằng ngỗ ngược đi tiếp với lớp 7 B. Năm học thứ hai tôi tiến bộ rõ rệt để đáp lại sự quan tâm, chia sẻ của cô Thuận. Từ tấm lòng nhân ái của cô, cả mấy thằng ngỗ ngược chúng tôi đều tiến bộ. Tôi đi thực tập năm học thứ hai đúng vào hôm 17 tháng 2 năm 1979 khi cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra. Kết thúc đợt thực tập, tôi làm đơn xung phong nhập ngũ, trước đó mấy tháng, tốp mấy thằng ngỗ ngược chúng tôi đã có hai thằng xung phong đi rồi. Khám sức khỏe, tôi bị loại vì số cân không đủ, nài nỉ mãi ông Đại úy Quân y kết luận mới cộng thêm cho vài ký để đủ tiêu chuẩn. Kể chuyện này ra tôi rất ngại mọi người cho là khoe khoang. Đừng nghĩ thế mà buồn cho chúng tôi, kể ra là để minh chứng cho tấm lòng bao dung của cô chủ nhiệm chúng tôi hồi đấy. Chính cô Thuận đã giúp cho chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình với tập thể lớp 7B, với nghề nghiệp trong tương lai và đã nâng lên thành trách nhiệm lớn lao hơn là với Tổ quốc.

Hôm chia tay lên đường nhập ngũ, thật là xúc động, các bạn nữ rơm rớm nước mắt, các bạn trai thì im lặng, cô Thuận cũng rơm rớm nước mắt, rồi thay mặt cho cả lớp nói nhỏ nhẹ với tôi: “Ở môi trường mới, hãy sống tốt em nhé!”. Chỉ thế thôi mà trong suốt bao năm không gặp cô Thuận, các bạn lớp 7B Toán – Lý ngày ấy, nhưng trong tôi luôn nhớ. Những lúc khó khăn, vướng mắc, lại nhớ tới lời cô Thuận dặn “Hãy sống tốt em nhé” làm động lực để vươn lên. Sau 5 năm ở quân ngũ, lại được chuyển ngành về tiếp tục sự nghiệp trồng người như cô, tôi vẫn nhớ lời cô dặn để rèn luyện mình là một nhà giáo nghiêm túc.

Hơn hai mươi năm sau, tôi mới lại được gặp cô Thuận. Khi ấy, tôi đã được lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Tiên Sơn (sau này tách thành huyện Tiên Du và Thị xã Từ Sơn) tin tưởng giao đảm nhận trách nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THCS phụ trách bộ môn Toán. Cô Thuận được Phòng giao Tổ trưởng giúp việc cho Phó Chủ tịch Hội đồng. Thật bất ngờ và lúc ấy mới biết cô đã chuyển về giảng dạy môn Toán ở trường chất lượng cao của huyện. Tôi ngại vô cùng khi phải giao việc hằng ngày cho cô. Biết vậy, cô bảo “"Đừng có ngại, cứ làm việc theo nguyên tắc mới không bị vướng mắc và em nên nhớ là “Con hơn cha là nhà có phúc” đấy!". Mặc dù lúc ấy cô Thuận cũng đã cao tuổi, nhưng cô làm việc vẫn rất trách nhiệm, xử lý công việc có tình có lý với các giám khảo. Một vài năm sau làm việc với các giáo viên khác tôi thấy không người nào làm việc có trách nhiệm như cô Thuận.

Qua bài đăng trên Tạp chí lại thấy hình ảnh cô Chủ nhiệm một thời của mình, nghỉ hưu đời, nhưng cô đâu có nghỉ với xã hội. Vẫn có biết bao gia đình, con người có những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh lại được “Hội bảo trợ” mà cô làm Hội trưởng quan tâm, chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần. Hình ảnh cô đạp xe từ thành phố Bắc Ninh đến phố Chờ, Yên Phong trong đêm tối để kèm cặp cho một học sinh có hoàn cảnh bố mù, mẹ liệt làm tôi hết sức xúc động, thậm chí còn ái ngại cho cô, vì biết sức khỏe của cô không phải được cường tráng như những người khác, thể lực cô vốn không khỏe…

Tác giả Nguyễn Đình Tùng viết “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”"cảm ơn nhạc sỹ Trần Tiến, cảm ơn cô giáo Nguyễn Thị Thuận đã khơi lại mạch nguồn truyền thống của quê hương Quan họ". Chính tôi lại phải cảm ơn tác giả Nguyễn Đình Tùng đã cho tôi biết thông tin và những việc làm của cô Thuận và các bạn trẻ “đang góp phần làm cho mạch nguồn nhân văn của con người Bắc Ninh tuôn chảy dạt dào trong cuộc sống hôm nay”. Tôi tin tưởng rằng các thế hệ học sinh của cô Thuận sẽ rất tự hào về cô.. Tấm gương một người thầy đáng kính của chúng tôi. Xin viết lại một số kỷ niệm về cô thời trước, gọi là có một chút tri ân công lao của cô với riêng cá nhân tôi./.