Trang chủ Đặc biệt

CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ CHO HỌC SINH NGHÈO HIẾU HỌC
09:15 | 23/06/2018

 NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG

 

Nằm ở Phố Mới – Thị trấn Chờ (huyện Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh) ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Bình dường như cách biệt hẳn với sự ồn ã của phố thị sầm uất thời mở cửa. Xung quanh nhà bà người ta tận dụng từng mét vuông mặt tiền để buôn bán. Nào là cửa hàng điện tử, shop thời trang, biển quảng cáo ngày cũng như đêm ánh đèn nhấp nháy đủ màu, tiếng nhạc rậm rịch inh tai. Vẫn là ngôi nhà 2 tầng làm cách đây vài chục năm dưới tán cây xanh mát, ngôi nhà yên bình ấy lúc nào cũng mở cửa đón khách. Phòng khách của bà lúc nào cũng ngát hương thơm với bức ảnh của chồng bà, liệt sĩ chống Mỹ hy sinh khi mới 29 tuổi đời. Người con gái duy nhất của bà đã học tập, lấy chồng rồi định cư ở Đức, vài năm về thăm mẹ một lần. Thành thử bà sống một mình, nhưng ngôi nhà của bà trở thành nơi đi về của những đứa con nhà nghèo mà bà gắn bó khi các em đang độ tuổi cắp sách tới trường. Người ta gọi bà là “bà Bình Khuyến học” là “người vác tù và hàng tổng” với hàng chục bài báo, phóng sự viết về bà. Còn những người hàng xóm làng phố chỉ biết nhà bà như đã thành lệ, những ngày lễ, nhất là ngày 08 tháng 3  hay tết Nguyên đán, nhà bà vui như ngày hội. Các em học sinh được “bà Bình Khuyến học” chăm sóc sẻ chia bây giờ đã khôn lớn trưởng thành, có vợ có chồng, có con có cái, có nghề nghiệp ổn định, có người đã thành ông thành bà… họ trở về ngôi nhà của “mẹ” của “U” để sống lại thời hoa niên gian khó nhưng tràn ngập tình yêu thương của bà Bình kính yêu. Những lúc ấy bà Bình lần giở những tập ảnh những bức thư của các em mà bà coi như kỷ vật để ôn lại kỷ niệm buồn vui như chính con ruột của bà, để rồi bà vẫn tiếp tục hành trang chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo hiếu học ở huyện Yên Phong như cách đây bà đã làm suốt 30 năm nay rồi.

Như bao người phụ nữ của thời chiến tranh chống Mỹ, năm 1972 khi đứa con gái đầu lòng chào đời mới được mấy tháng thì được tin người chồng thân yêu hy sinh trên chiến trường Nam Bộ. Nén nỗi đau bà gửi con để học xong khóa đầu tiên Trường bồi dưỡng của Hội phụ nữ Trung ương tại Hà Nội. Năm 1974 bà trở về giữ chức Hội trưởng Hội phụ nữ huyện Yên Phong cho đến tận năm 1998 khi bà về nghỉ hưu.

Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước gian khổ và anh hùng biết bao người phụ nữ cũng chịu cảnh vợ góa, con côi như bà. Thấu hiểu nỗi vất vả cô quạnh ấy, Hội phụ nữ Yên Phong tuyên truyền vận động các gia đình cán bộ Hội chăm sóc đỡ đần các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả trong thời gian ngắn đã có 57 người được các gia đình nhận chăm sóc đỡ đần trong đó có 38 con liệt sĩ và 19 cụ là cha mẹ liệt sĩ. Nhiều tấm gương tiêu biểu như gia đình bà Hồng Thị ở thôn Lạc Trung – xã Dũng Liệt đỡ đần cháu Nguyễn Thị Lan người cùng thôn, gia đình anh Vinh ở Quan Độ - Văn Môn đỡ đần cháu Lệ (hiện nay là giáo viên trường THCS Thị trấn Chờ).. Với nhiều câu chuyện cảm động, đến bây giờ mối quan hệ ấy vẫn sâu sắc đậm đà thủy chung.

Năm 1975 đất nước thống nhất, tỉnh Hà Bắc cũ thành lập trường Hoàng Đăng Miện, ngôi trường mang tên người anh hùng liệt sĩ của tỉnh Hà Bắc hy sinh ở tuổi 21 tại Quảng Trị để tập trung con em liệt sĩ mồ côi về đây học tập. Hoàn cảnh nhà trường lúc ấy khó khăn lắm. Bà Bình nhớ như in mỗi năm 3 kỳ, huyện Hội cùng Hội phụ nữ 18 xã vận động nhân dân và hội viên ủng hộ tiền gạo, mua chăn màn quần áo, chất lên xe cải tiến đưa xuống trường để cải thiện cuộc sống của các em. Sau khi tốt nghiệp THPT các em được ưu tiên vào học các trường chuyên nghiệp hoặc đi nước ngoài. Một số cháu được bà giúp đỡ giới thiệu về huyện công tác như chị Dinh, chị Thoa, chị Nhàn… Những học sinh con liệt sĩ bây giờ đã ngoài 50 tuổi, có người đã có dâu, có rể nhưng họ vẫn coi bà như người mẹ. Mỗi khi gặp nhau ở mái ấm của bà, những câu chuyện thiếu thời lại được kể ra. Họ biết ơn bà từ manh quần, tấm áo, cái chăn cho đến củ khoa củ sắn ấm lòng lúc đêm đông. Niềm vui nỗi buồn lúc nào cũng có bà bên cạnh động viên, sẻ chia.

Năm 1994 Hội phụ nữ Yên Phong đón nhận nguồn vốn vay từ chương trình hợp tác Việt Đức về xóa đói giảm nghèo do Tiến sĩ Ngô Huy Liêm làm chủ nhiệm chương trình. Tiến sĩ Ngô Huy Liêm thường quan niệm rằng, muốn xóa đói giảm nghèo bền vững phải nâng cao dân trí cho con em người nông dân. Năm 1998 Tiến sĩ Liêm đề xuất thành lập quỹ học bổng do ông và bạn bè ở bên Đức tài trợ giúp cho con em gia đình nông dân nghèo trở thành người lao động có bằng cấp, từ đó thay đổi đời sống gia đình. Học bổng của Tiến sĩ Ngô Huy Liêm khác với các loại học bổng khác là trao cho các em suốt cả những năm học phổ thông, cá biệt cho cả các em khi đã vào Đại học. Có như thế các em mới có điều kiện vượt khó vươn lên. Khi ấy Hội Khuyến học Yên Phong chưa thành lập, bà Nguyễn Thị Bình – Hội trưởng Hội phụ nữ thành viên ban xóa đói giảm nghèo của huyện phụ trách theo dõi. Chỉ tính 5 năm (1998 - 2002) đã có 29 em được nhận học bổng với số tiền 78 triệu đồng. Bà Bình bây giờ có thể kể lại chi tiết, rành rẽ hoàn cảnh của 29 em ấy, bởi bà bao lần đi xe đạp đến tận gia đình các em xác minh hoàn cảnh, lên xã xác nhận để làm hồ sơ thanh toán, rồi đến nhà trao tiền động viên và an ủi các em. Trong số 29 em ấy có 3 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 8 em mồ côi cha hoặc mẹ, 3 em cha mẹ ly hôn, 12 em hoàn cảnh rất nghèo, 3 em học sinh có năng khiếu. Kết quả thật đáng mừng, đã có 19 em thi đỗ Đại học, 3 em đỗ Cao đẳng; Trong đó có 10 em Thạc sĩ, 2 em Tiến sĩ, các em đều có việc làm ổn định. Đồng tiền của chương trình học bổng tuy còn ít ỏi (trước kia là 100 ngàn đồng/ tháng sau nâng dần lên 200 ngàn đồng/ tháng) nhưng đã chắp cánh ước mơ khao khát tri thức của các em học sinh nghèo vươn lên để thay đổi cuộc sống của mình. Ăn quả nhớ người trồng cây, ngày 4/2/2008 nhân kỷ niệm 10 năm trao suất học bổng đầu tiên, các em có dịp gặp nhau để bầy tỏ lời tri ân đến nhà tài trợ Tiến sĩ Ngô Huy Liêm và với  “mẹ Bình” người chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo hiếu học. Và cũng từ đấy trở thành lệ, các em coi bà Bình như người mẹ, lấy ngôi nhà của bà làm chốn đi về. Những bức ảnh, bức thư, những bông hoa những lời chúc mừng, cảnh ríu rít các em khi họp mặt làm cho bà như trẻ lại, bà coi các em như một phần máu thịt của bà.

Kể từ đó, do tuổi cao bà Bình không còn tham gia công tác điều phối học bổng của Tiến sĩ Ngô Huy Liêm trên địa bàn Yên Phong nữa, nhưng bà lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Phố Mới (Thị trấn Chờ) hai khóa liền, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy bận công tác nhưng bà vẫn tiếp tục dành thời gian cho công tác Khuyến học. Bà thấu hiểu những khó khăn, mất mát mà nhiều em học sinh nghèo có khoản cảnh éo le phải gánh chịu để rồi tìm cách an ủi, động viên phấn đấu vươn lên. Mấy năm nay bà chăm chút cho 3 cháu: cháu Nguyễn Hữu Dũng quê ở Lạc Trung – xã Dũng Liệt, Dũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông ngoại đã ngoài 80, bản thân cháu bị bệnh hiểm nghèo, có những lúc nghỉ học để chữa bệnh. Nhờ tinh thần vượt khó vươn lên Dũng đã thi đỗ vào Đại học công nghiệp Thái Nguyên – khoa Điện tử, nay đã tốt nghiệp. Cháu Nguyễn Thị Hiếu Hạnh quê ở Đại Lâm – xã Tam Đa có người mẹ vừa câm vừa điếc. Cháu cũng phải nhờ ông ngoại cưu mang. Nhờ có rèn luyện phấn đấu cháu đã tốt nghiệp thủ khoa khoa quản trị kinh doanh trường Đại học công nghiệp Hà Nội năm 2016. Trần Ngọc Hướng ở Phố Mới – TT. Chờ hoàn cảnh một mẹ một con, mẹ phải làm việc phục vụ gia đình, nay em đang học năm thứ 4 Đại học Bách khoa Hà Nội. Để giúp đỡ các em này bà Bình một mặt dành phần lương ít ỏi của mình, một mặt vận động Hội phụ nữ và Liên đoàn huyện giúp đỡ. Rất may mắn các anh các chị ở cả Khối dân vận hưởng ứng, nhất là chị Vũ Thị Hương Mai – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, anh Trần Văn Hiệu – Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện. Mỗi năm chỉ có vài triệu gửi các em nhưng cũng làm ấm lòng các em trong lúc gieo neo. Năm 2014 kỹ sư Nguyễn Hữu Dũng cưới vợ, bà Bình, chị Mai, anh Hiệu đến chúc mừng hạnh phúc và cũng là dịp để cả họ hàng nội ngoại được tri ân “tấm lòng vàng” của bà Bình và mọi người.

Năm 2018, bà Bình đã bước vào tuổi 76 với 52 năm tuổi Đảng, bà thường tâm sự với mọi người:

- Giữa cuộc sống bộn bề, phức tạp này, biết bao đứa trẻ sinh ra đã bị thiệt thòi thiếu thốn đủ đường. Chỉ cần mọi người nhón tay làm phúc thì xã hội có thêm người công dân có ích. Ngược lại nếu xã hội thờ ơ vô cảm, bước qua cảnh đời cần được giúp đỡ thì có thể tạo ra mầm họa sau này.

Bởi vậy bà Bình âm thầm lặng lẽ với công việc khuyến học để giúp đỡ dẫu chỉ một vài em nghèo khó. Cầu chúc cho bà chân cứng đá mềm để thỏa niềm vui thiêng liêng, ngôi nhà của bà có thêm học sinh mới được bà đùm bọc sẻ chia, ngôi nhà ấy ấm áp tình thương và đầy ắp tiếng cười và bà đã thực hiện lời hứa thiêng liêng với người chồng khi chia tay lên đường nhập ngũ./.