Trang chủ Đặc biệt

TẤM HUY CHƯƠNG LẤP LÁNH
16:29 | 10/06/2019

Thời gian thấm thoát thoi đưa… Nhanh thật! Chỉ còn  hơn một tháng nữa là tròn 19 năm bố tôi đi xa, nhưng những hình ảnh về người bố đáng kính chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Giống như bao đứa trẻ khác, nuôi dưỡng tuổi thơ tôi là những lời ru của bà, của mẹ. Vì điều kiện bố bận công tác nên chị em tôi ít có dịp được ở bên cạnh bố.

Khi lớn lên tôi được mẹ kể là: Bố tôi đi bộ đội từ trước năm 1950, từng tham gia chiến dịch Điện Biên. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên bố tôi được phục viên và trở về địa phương làm ruộng tại quê nhà. Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bố tôi đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Ngày ấy mấy chị em tôi còn nhỏ tuổi nên  chưa hiểu được gì nhiều, chỉ đơn giản là thấy thích thú với tấm Huy chương lấp lánh nên cứ tranh nhau đòi đeo. Sau này lớn lên một chút, nhận thức được rằng đó là một phần thưởng cao quý mà không phải ai cũng có được. Chị em tôi càng thêm tự hào và hãnh diện về bố.

Bố tôi! Ban ngày thật đúng với dáng dấp của một người nông dân cần cù, hiền lành, chất phác, tính tình đôn hậu. Trong lao động sản xuất thì nhiệt tình, hăng say, chu đáo, cẩn thận từng đường cày, từng nhát cuốc nhưng tối đến thì lại dõng dạc, uy nghiêm giống như một ông giáo làng say sưa trên “bục giảng”, tham gia hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ. Tôi may mắn được theo mẹ đến lớp và trở thành một “học sinh đặc biệt” trong lớp của bố. Ngày ấy nhờ bố tôi dạy học mà rất nhiều người khi đi chợ đã không phải chui qua “Cổng mù”. 

Gia đình đông con, kinh tế thời buổi cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhà lại có mẹ già… Là người đàn ông làm chủ gia đình nên bố tôi chi tiêu hết sức tiết kiệm. Có của gì ngon cũng dành phần cho mẹ con, bà cháu. Bố luôn răn dạy anh chị em tôi rằng: “Gia cảnh nhà mình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các con phải ghi nhớ đói cho sạch, rách cho thơm, phải biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau”.

Tôi có được ngày hôm nay là nhờ công lao của bố. Bởi bố chính là người đã định hướng, tiếp thêm và tạo động lực cho tôi theo đuổi sự nghiệp học hành. Đặc biệt, bố vì tôi mà khiến bà nội không hài lòng, bởi theo bà nội thì con gái chúng tôi không cần học nhiều, cốt là chỉ cần biết được cái chữ, nắm được những con số để khi ra đường không bị kẻ xấu bắt nạt. Nhưng thực chất là bà muốn tôi nghỉ học ở nhà để phụ bố gánh vác công việc gia đình cho bố đỡ vất vả. Thương tôi còn quá nhỏ, quan trọng hơn là nghĩ tới tương lai của tôi sau này, bố muốn tôi được học hành đến nơi đến chốn để cuộc đời sẽ không còn phải khổ và vất vả như bố. Không còn cách nào khác, bố đành phải giấu bà nội đưa tôi đến trường huyện để học tiếp cấp III phổ thông. Mặc dù không nói ra nhưng tôi hiểu, để ra được quyết định đó, bố đã bao đêm trằn trọc, mất ngủ, thao thức, suy nghĩ, đắn đo… Đến khi bà nội biết đã giận bố nhiều lắm, bà bắt bố phải đưa tôi về nhà. Bố phải thuyết  phục mãi bà mới chịu cho tôi học tiếp.

Tôi hiểu sâu sắc một điều rằng: Kể từ đây, gánh nặng sẽ ngày một đè nặng hơn lên đôi vai gầy của bố. Thời gian cứ thế thấm thoát trôi đi, tôi cũng đã học xong phổ thông. Thời điểm này tại chiến trường miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang trong giai đoạn gay go, ác liệt. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi hăng hái lên đường nhập ngũ. Bố vẫn vậy, như “con ong chăm chỉ” ngày ngày tần tảo sớm khuya cùng mẹ tôi chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già và nuôi hai em tôi ăn học, khôn lớn. Bố đã vất vả nay lại càng vất vả hơn vì phải làm thêm cả phần công việc mà mọi khi tôi vẫn làm. 

Một năm sau ngày nhập ngũ, tôi được về phép, nhìn thấy bố gầy hơn rất nhiều, thương bố mà tôi không dám khóc trước mặt bố, mắt đỏ bừng len lén quay đi hỏi các em chuyện học hành… Những ngày tháng trong quân ngũ, tuy gian nan, vất vả nhưng tôi luôn có bố là niềm tin, là điểm tựa vững chắc để tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Những lúc rảnh rỗi tôi thường mang những lá thư bố gửi cho tôi đọc đi đọc lại cho thỏa nỗi nhớ quê nhà. Niềm nhớ thương, bố, mẹ, và các anh chị em luôn đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường đất nước. Hình ảnh bố với tấm Huy chương lấp lánh luôn sáng rực trong tôi, giúp tôi vượt qua bao gian lao, vững bước trên con đường sự nghiệp.

Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cũng là lúc tôi trưởng thành, có gia đình, cuộc sống vẫn còn muôn vàn những khó khăn nên tôi cũng chưa báo đáp được gì nhiều cho bố. Và quy luật của tạo hóa đã đặt ra không ai có thể chống lại, vào một ngày giữa tháng 5 năm 2000 bố tôi đã vĩnh viễn đi xa, để lại trong lòng đứa con gái nỗi xót xa, tiếc thương vô hạn. Hình ảnh, ký ức, những kỷ niệm về một người bố tần tảo, hy sinh, luôn nhận những vất vả, gian khổ…về phần mình, luôn gợi nhớ và hướng tôi về cái nơi đã hun đúc, nuôi dưỡng tuổi thơ… vất vả nhưng thấm đẫm những dư vị ngọt ngào ấy luôn thôi thúc tôi tìm về. Về để được cảm nhận và “sống lại” những tháng năm gian khó, vất vả trong căn nhà nhỏ luôn thấm đẫm tình yêu thương và đầy ắp tiếng cười vui. Dẫu biết rằng, quy luật con người có sinh - lão - bệnh - tử nhưng cứ mỗi lần nghĩ tới bố, lòng tôi lại trào dâng cảm xúc tiếc thương không diễn rả được thành lời. Lòng tôi thương nhớ bố biết bao!

Ngày giỗ bố,  chị em, con cháu chúng tôi lại tề tựu cùng nhau sửa soạn mâm cơm cúng bố và ngồi ôn lại những kỷ niệm của gia đình. Hình ảnh thân thương ngày nào của bố lại hiện về trong tâm trí mỗi chúng tôi. Nhớ về bố, chị em tôi luôn nhắc nhở nhau rằng phải sống và nuôi dạy con cháu thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố. Để nơi suối vàng kia, bố cũng được yên lòng và hãnh diện về con cháu của mình. Gia đình luôn tự hào về bố. Hình ảnh của bố sẽ sống mãi trong lòng của mỗi chúng con./.

                                                                                                                                                                             TRẦN THỊ THANH