Trang chủ Đặc biệt

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
10:28 | 16/05/2019

 Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người chúng ta luôn thầm nghĩ về Bác, không chỉ đối với sự nghiệp cách mạng cao cả, vĩ đại của Người mà còn ở những lời ân cần nhắc nhở, dạy bảo và vai trò to lớn của Người đối với văn học, nghệ thuật nước nhà. Vừa là lãnh tụ, vừa là một nhà văn hóa lớn nên sự quan tâm và những lời căn dặn của Người về văn học, nghệ thuật lại càng trở nên sống động, tha thiết.

Tư tưởng nhân văn và tính nhân dân trong văn học, nghệ thuật là di sản tinh thần cao quí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đó thể hiện trong sáng tạo nghệ thuật và trong quan điểm xây dựng nền văn học nghệ thuật của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm văn hoá, trong đó có văn học nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Văn học nghệ thuật là vũ khí để văn nghệ sĩ sử dụng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác thơ, văn, ký hoạ để bênh vực người bị áp bức và bênh vực các dân tộc bị thực dân đô hộ.
Khi đọc Thiên gia thi, Bác Hồ viết: 
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. 
Hai câu thơ của Người phản ánh ý chí của văn nghệ sĩ - chiến sĩ trong cuộc đấu tranh giữa văn minh và tàn bạo, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Người kêu gọi: "Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật có nguồn cội từ những áng thơ văn bất hủ (thơ văn góp phần giết giặc cứu nước) của những anh hùng dân tộc: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Thái Tông…
Khát vọng tự do cho bản thân, tự do cho dân tộc và tinh thần chiến đấu kiên cường để giành độc lập cho Tổ quốc được thể hiện đậm nét trong những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người bị tù đày trong nhà giam của Tưởng Giới Thạch:
“Thà chết chẳng cam nô lệ mãi
Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền
Xót mình giam hãm trong tù ngục
Chưa được xông pha giữa trận tiền”
Đọc tác phẩm của Bác, ta cảm nhận được sự rung động thẩm mỹ cao đẹp, cảm nhận được một sắc thái nhân văn, ngời lên tinh thần lạc quan cách mạng:
"Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai".
Là người cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu văn nghệ sĩ luôn luôn có nhu cầu và làm việc hết mình như con tằm nhả tơ để sáng tạo ra tác phẩm mới. Tư tưởng, tình cảm của văn nghệ sĩ giao lưu với công chúng thưởng thức văn học nghệ thuật và thông qua tác phẩm người văn nghệ sĩ giãi bày với chính bản thân mình. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi văn nghệ sĩ phải sáng tạo ra những "Tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng vui tươi, hấp dẫn khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích”. Đó là những tác phẩm: Thơ, văn, nhạc, hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh… Những tác phẩm không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng văn nghệ sĩ vừa biết "mơ mộng” vừa phải biết trở về với cuộc sống thực tại của con người, nhận thức đúng và cải tạo cuộc sống hiện thực để cuộc sống tốt đẹp hơn, không "tô hồng” hay bôi đen hiện thực. Muốn vậy, văn nghệ sĩ phải có thế giới quan khoa học nắm bắt được tình cảm, suy tư của nhân dân và quan điểm đường lối của Đảng.
Tiếp thu tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, nhiều năm qua Đảng ta đã có những chủ trương đường lối soi đường cho sự nghiệp văn học nghệ thuật phát triển. Những chủ trương đường lối đó được thể chế hoá qua chính sách của chính quyền các cấp tiếp tục khẳng định văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng đặc biệt nhạy cảm của văn hoá, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. 
Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, văn học nghệ thuật đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt. Lời dạy của Bác Hồ cho đến ngày hôm nay là kim chỉ nam để đội ngũ văn nghệ sỹ luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu bởi kẻ thù luôn tìm cách tiến công trên mặt trận văn hóa, gieo rắc nọc độc tư tưởng, làm lung lay tinh thần chúng ta trên mặt trận không có tiếng súng này. Với tư cách là người đặt nền móng cho nền văn nghệ cách mạng, Người đã có công gây dựng một nền văn nghệ mới, đồng thời có những lời chỉ bảo tận tình, cần thiết cho đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các anh chị em nghệ sĩ. Tư tưởng đó của Người chính là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật của nước ta, đội ngũ văn nghệ sĩ hôm nay vẫn luôn khắc nhớ, đinh ninh lời Bác căn dặn ngày nào: “Văn hóa, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”./.
                                                                                                                                                                                       HỒNG GIANG