KÍNH TÂM
Tôi được Nhà văn Đỗ Hàn mời dự buổi Lễ Phật Đản Phật lịch 2562 – Dương lịch 2018 tại chùa Hưng Sơn (Thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) vào chiều chủ nhật 13 tháng 4 năm Mậu Tuất. Tại Lễ Phật Đản, nhà Chùa công bố ra mắt tập thơ “Thường thức” do Nhà chùa Đại Đức Thích Quảng Hợp chủ biên với sự cộng tác của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản phát hành đầu tháng 5 năm 2018.
Nhà Chùa ra mắt tập thơ, lại có Nhà văn Đỗ Hàn cùng một số anh, chị em ở Hội Nhà Văn Việt Nam về dự thì không lẽ nào tôi từ chối? Và tất nhiên cũng cần thiết nghiên cứu về buổi Lễ Phật Đản để làm giàu thêm kiến thức. Tôi đồng ý, đến chùa khá sớm, được nhà chùa cho thưởng thức bữa cơm chay, phải nói là rất ngon.
Lễ Phật Đản là một trong ba ngày Lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, bao gồm: Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo. Phật Đản trước đây được tổ chức vào ngày 8/4 âm lịch, sau chuyển sang ngày Rằm tháng Tư âm lịch hàng năm (Do Đại hội Phật Giáo thế giới lần đầu tiên ở Cô Lôm Bô, Tích Lan, họp từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 8 tháng 6 năm 1950 đã thống nhất quy định). Từ năm 1999, ngày Lễ Phật Đản được Liên Hiệp quốc công nhận là ngày Lễ hội văn hóa tâm linh. Lễ Phật Đản được giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng tổ chức một cách trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi Lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng Tư, giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức buổi xe hoa diễu hành trên các đường phố, làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, biểu diễn văn nghệ, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức... có hàng nghìn Tăng ni, Phật tử tham dự. Các chùa ở làng, quê ngày nay cũng hưởng ứng tổ chức ngày Lễ Phật Đản, thời gian từ ngày 8 tháng 4 đến Rằm tháng Tư (âm lịch) tùy theo từng vị Trụ trì Nhà chùa sắp xếp.
Lễ Phật Đản tại Chùa Hưng Sơn năm nay được tổ chức trang trọng ngoài việc tổ chức chương trình văn nghệ, chủ yếu là quan họ làng Viêm Xá biểu diễn, còn có nghi thức tắm Phật, nguyện cầu Quốc thái, dân an, thế giới hòa bình, nhân dân no ấm, nhắc nhở đến mỗi người dân Viêm Xá, tỉnh Bắc Ninh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, ai cũng luôn ý thức lòng mình, mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây còn hơi thở là còn sống luôn giữ tâm trong sáng, bài trừ mê tín dị đoan, những tiêu cực trong xã hội, đoàn kết xây dựng quê hương phát triển.
Nhân dịp Lễ Phật Đản, Nhà chùa cho ra mắt tập thơ “Thường thức” do Đại Đức Thích Quảng Hợp Chủ biên với sự cộng tác của nhiều tác giả. Tập thơ là tinh hoa, thần chú linh thiêng, cốt cách mang đậm triết lý Duyên sinh - Duyên khởi, giúp con người thấy được Phật Tính, Vô Ngã, Không Chấp, Không Tâm... Tập thơ được phát hành đúng với ý nghĩa: “Lễ hội văn hóa tâm linh” không mấy chùa nào cũng làm được. Tôi tâm đắc với lời phát biểu tâm tình của Nhà văn Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tại buổi Lễ: “Tập thơ “Thường thức” được các tác giả sáng tác từ “thường thức - đời thường” nên các bài thơ dù chưa được tôi luyện nhưng có nhiều bài mang đậm ý nghĩa thanh cao của khí tiết, tao nhã của thi nhân, mộc mạc hồn quê bình dị; thơ được ngẫm từ tâm thiền, vườn thiền, tinh tiến của Chư Tăng, Phật tử và các tác giả ngoài đời đem đến một sắc thái đầy ý đạo, ý đời thẩm sâu tinh tế...”.
Tập thơ có 30 tác giả tham gia, chủ yếu là các Chư tăng, Phật tử với gần 100 bài ở nhiều thể loại thơ khác nhau. Nội dung đem đến cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều nhân sinh quan về cuộc sống con người, xã hội và thiên nhiên như Đại Đức Thích Quảng Hợp tâm tình “Để bạn đọc cảm nhận và thêm yêu quý, nâng niu, tu học theo thơ, giúp con người trong thời đại mới tư duy thêm trí sáng, sức khỏe dẻo dai, tránh điều ác, làm điều thiện đem lại an định, trí tuệ, từ bi, an lạc trong cuộc sống”.
Nhân dự Lễ Phật Đản với Chùa Hưng Sơn, được đến với tập thơ “Thường thức” xin viết đôi dòng trước là Kính Tâm lễ Phật, sau là chúc cho các tác giả và Đại Đức Thích Quảng Hợp có nhiều tác phẩm thơ, văn có giá trị nghệ thuật, đóng góp cho sự nghiệp Văn học Nghệ thuật một góc thẩm thấu Chân - Thiện - Mỹ theo triết lý Nhà Phật “Văn hóa cội nguồn đất Việt gắn với Triết lý tâm linh Phật giáo. Văn hóa là thực, tâm linh là hư” đúng theo thế giới quan Nhà Phật “Quyền biến, hư vô”. Một góc nhìn mới về VHNT cần được các nhà quản lý văn hóa, VHNT quan tâm./.