Trang chủ Đặc biệt

NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI
16:31 | 10/06/2019

Nhà tôi ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ cách xa nhà bố mẹ trên phố huyện. Các con tôi còn nhỏ, đang học ở quê. Hàng tuần, tôi đưa các con lên phố học thêm vài buổi tối tiếng Anh. Các cháu học xa nhà, nhưng vẫn thấy yên tâm. Những khi tôi chưa lên kịp thì đã có ông bà ngoại. Trước giờ tan học, ông hoặc bà, cũng có khi cả hai đã ngồi chờ đón cháu, giống như đón mẹ chúng hồi còn học phổ thông. Tôi học phổ thông trường huyện, mỗi tuần lại nhảy xe bus lên học thêm vài buổi trên thành phố Bắc Ninh. Nhiều khi học tối. Ngày ấy bố tôi còn công tác ở huyện, sau lên tỉnh. Những tối học thêm thường tan muộn. Tan lớp ra, tôi đã thấy bố ngồi trên xe máy hay đứng đợi ở dưới tán cây ngoài cổng. Xa xa, dưới ánh đèn đường sáng không rõ mặt, thấp thoáng mấy tốp người đang đi bộ. Nếu không đón con thì bố đã đánh cầu lông hay cũng đang đi bộ. Chắc bố đợi đã lâu, sương xuống ẩm yên xe. Quốc lộ 18 bấy giờ đang nâng cấp, bụi bặm và rất khó đi. Và cũng nhiều tai nạn, phụ huynh lo. Thường hai bố con về đến nhà thì tivi đã hết thời sự tối. Sinh hoạt của cả nhà theo các con. Mẹ cho các em tôi ăn trước để học bài. Riêng mẹ vẫn đợi bố về để ăn cùng.Có khi mẹ quên ăn, chỉ ngồi xới cơm, nhìn chồng con ăn và nói chuyện.Thực ra cũng chẳng có chuyện gì, hợp nhau thì nói, vậy thôi. Những câu chuyện thường ngày mẹ nối chúng với nhau khéo léo như đan lưới. Bố thích nghe mẹ nói, đến nỗi em Hiền - con gái út của bố mẹ tôi thường trêu chọc:

- Tài thật. Người thì kiến thức đầy mình, người chỉ học vo mà hợp nhau thì tài thật.

Mẹ yêu bố. Chúng tôi ngưỡng mộ bố. Nhất là ở sự khiêm tốn và hiểu biết. Bố hiểu biết nhiều là vì chịu học và đi nhiều. Chưa học xong cấp 3, bố đã đi bộ đội. Sau giải phóng thì làm quân quản ở Sài Gòn. Bọn Pol Pot gây chiến tranh xâm lược. Đơn vị bố cơ động đánh giặc dọc tuyến biên giới từ Tây Ninh đến Hà Tiên. Bố bị thương. Nằm viện mất đúng một năm trời do vết thươngnhiễm trùng tủy xương dai dẳng. Ra quân. Người quắt như tàu lá héo, gió thổi bay. Cầm hồ sơ đi xin việc chẳng đâu người ta nhận. Đâu cũng chỉ một lý do không có bằng cấp. Chắc họ ngại tay thương binh nom gầy như con ếch đói kia thì làm được cái gì. Gặp đợt làm hồ sơ thi đại học, bố đăng ký dự thi. Bà tôi nhìn bố dắt xe đạp đi mà ái ngại:

- U nom anh yếu thế, lại bỏ ngắt quãng mấy năm rồi, hay là lấy vợ xong thì sẽ tính, có được không?

Thi xong, bố cưới vợ. Không cưới vợ thì lấy ai làm ruộng cho mà đi học. Bố vào học Đại học lúc đất nước khó khăn. Cái đói theo đến trường. Khổ quen rồi, đói thêm một tý cũng không sao.

Bố ra công tác, được đánh giá là trẻ, có năng lực. Đường công danh có thuận lợi, có khó khăn. Bố không đem chuyện cơ quan về nhà. Bằng linh cảm của người làm vợ, mẹ biết. Mẹ chia sẻ và càng thương bố. Người ta lúc khó khăn thì gia đình bao giờ cũng là chỗ dựa tốt nhất. Những chuyện ấy, chỉ sau này lớn lên tôi mới biết. Tôi chỉ biết có tuổi thơ đẹp như mơ, có một gia đình hòa thuận và hạnh phúc. Mẹ làm ruộng ở quê, ngày nghỉ bố lại đạp xe về. Sau này thì gia đình chuyển lên ở phố. Dù ở đâu bố mẹ cũng thương nhau. Chúng tôi lớn lên trong tình thương của bố mẹ. Với chúng tôi, bố mẹ là bậc sinh thành và cũng là bầu bạn. Mọi vui buồn đều muốn chia sẻ với song thân.Trong sự học hành, bố không chỉ quan tâm và định hướng, bố còn là tấm gương. Muốn làm người tử tế nhất định phải học cho tử tế. Thước đo giá trị con người là ở đạo đức và kiến thức. Đó là những thứ không tự có. Nó chỉ có được qua học tập và rèn luyện suốt đời. Đó là những gì chúng tôi học được ở bố.Làm đến cán bộ chủ chốt của huyện, bố vẫn đi thi để học trên đại học. Nhưng bố không phải tuýp người câu nệ sách. Do đặc thù công việc, bố thường làm báo viên tại các lớp học chính trị. Học chính trị khô khan, người ta nói vậy. Theo bố, từ cuộc sống mà hình thành lý luận, vàvới tư cách là lý luận nó lại đi vào cuộc sống và dẫn dắt cuộc sống. Ai bảo cuộc sống khô khan. Khô khan chính là phương pháp của người truyền đạt. Bài giảng của bố thường lấp lánh những vần thơ. Rất đi vào lòng người. Bố thích những chuyên đề học và làm theo Bác. Ngày tôi về nhận công tác tại Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ, bố căn dặn nhiều, nhất là kinh nghiệm. Trước khi lên bục, bố nghe và sửa cho tôi. Với bài giảng, bố không dễ dãi bao giờ.Tôi học được nhiều ở bố sự tận tụy và cẩn trọng trong công việc. Sự cẩn trọng cho bố thói quen ghi chép. Mấy năm gần đây, bố hay viết bài đăng báo và tạp chí. Những trang viết về quê hương, về nghĩa tình đồng đội, biên giới và hải đảo. Một chuyến đi Trường Sa bố viết cả chục bài. Những bài viết ấy về sau tập hợp in thành sách “Trường Sa trong ta”. Cuốn sách đã được tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất.

Bây giờ thì bố đã nghỉ hưu. Hưu, nhưng bố không có thời gian nghỉ. Ông phụ trách phân hội văn học nghệ thuật của huyện. Khi thì họp huyện, họp tỉnh, khi lại đi gặp gỡ giao lưu. Có khi ông dự trại sáng tác ở Trung ương đến nửa tháng mới về. Hàng đêm bố vẫn ngồi hý hoáy viết hay làm cái gì trên máy tính. Mẹ bảo hưu rồi cũng phải để cho đầu óc nghỉ ngơi. Bố làm để chống lão hóa, với lại cũng là cái thú vui. Mẹ trêu thú vui gì, có mà lẩm cẩm. Nghỉ hưu rồi, thú vui bây giờ là trông cháu. Thì ông vẫn đang trông cháu đấy thôi. Những hôm nào các cháu học thêm, ông lại đưa đón chúng./.

                                                                                                                                                                                                     NGỌC MAI