NGUYỄN NHƯ HẠO
Thật chả bao giờ, tôi lại nghĩ mình có thể trở thành một biên tập viên cho Tạp chí, lại là tạp chí Văn nghệ. Nhưng đời là một chuỗi cơ duyên. Tôi đã là thực tập viên biên tập từ những ngày nhà thơ Trần Anh Trang làm Chủ tịch Hội. Đến thời Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Triền và bây giờ là Chủ tịch Nguyễn Công Hảo thì tôi là biên tập viên chính thức mảng thơ, có tên trong trang đầu của Tạp chí, với đầy đủ tính pháp lý cho một Tạp chí.
Song những nỗi vui buồn trên bàn biên tập xuất hiện. Nước mắt nhỏ trên trang biên tập mỗi số. Những kỷ niệm không quên, cũng có thể là không ngờ, nhìn ở thật nhiều góc độ, mình lại được trưởng thành hơn, vững vàng hơn trong ứng xử, tình đời, tình người. Những khuôn mặt một ngày đẹp trời nay bỏ đâu? Những lời hay còn không trên bàn rượu?... Và, giả thử mình không ngồi ở đấy, mình không làm việc đấy, thì mình có nhỏ nhen không ? Một kỷ niệm để nhớ, dù nhỏ, xin được trân trọng mở ra, như là để thành thật, như là để sẻ chia cho nhau, mà hiểu thương nhau. Cõi người ơi! Cõi đời ơi!
Chuyện rằng:
Cách đây vài năm, Tạp chí Người Kinh Bắc của Hội mình, vẫn 2 tháng mới có được một số. Số ấy lại là số tết, trang trọng lắm. Tết mà, nên anh em nghệ sỹ nào cũng muốn có bài được đăng, như một lời chúc xuân bằng thơ vậy. Chính đáng và trách nhiệm vô ngần. Ngày ấy nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn làm phụ trách biên tập thơ. Trước khi bắt tay vào làm, anh em nghe tinh thần chỉ đạo cụ thể, về nội dung phải... về hình thức phải... Nhiều cái phải lắm. Nhưng có một việc là hiện nay Tạp chí của ta, thơ còn đơn điệu về thể loại, cần phải làm mới thêm. Theo yêu cầu của bạn đọc và dư luận, tôi rất cần Tạp chí số này in thơ văn xuôi, về thể này, nhà thơ Nguyễn Như Hạo có thiên hướng. Anh nhấn mạnh: Đổi mới, đổi mới, đổi mới ngay bây giờ, bắt đầu từ Thơ!
Thế là anh chọn của tôi năm bài, theo lối thơ văn xuôi, mà tôi vừa viết vừa thể nghiệm (lối thơ của người đi trên dây làm xiếc vậy). Tôi giẫy nẩy. Tôi phản đối vì số lượng quá nhiều. Tôi nói như van anh. Này! Đây là số tết. Số mà ai cũng muốn đến xông nhà, cầu may, cầu chúc. Anh thử nghĩ xem nhà mình thì đông, chiếu nhà thì lại hẹp, lại neo người, neo của. Tôi là biên tập sao lại cho mình cái quyền tham thế. Tôi xin ! Tôi lạy anh đấy ! Tôi nói như than như vãn mà anh cũng không phản ứng gì. Tôi không đánh giá anh là quyền lực. Tôi không bảo anh là cửa quyền. Anh cũng đang vì cái chung, cái mà anh và chúng tôi, đang từng ngày trăn trở, cho từng số của Tạp chí không lúc nào nguôi. Đó là cái tâm đáng quý của anh em tôi, trong những ngày gian nan ấy. Nhìn tôi và Nguyễn Anh Thuấn đang trao đổi, cánh anh Hoàng Giá, Trần Thế Long chả thêm được câu gì.
Im lặng.
Im lặng và im lặng.
Tôi gần như khóc. Tôi quay sang nói với cả ban biên tập, nửa như cầu cứu, nửa như phân trần, nửa như phản đối. Các anh thử nghĩ xem, người thì năm bài, người một bài, mà ta còn nâng lên đặt xuống, còn bao người không có mặt trên trang Tạp chí số xuân. Các anh nghĩ sao, hay bài của ban biên tập là vàng, ngoài ra còn là bùn cả! Thế có phải là thiên vị ! Rồi còn nữa, khi in xong, Tạp chí phát hành, tôi không hình dung nổi là vui hay buồn nữa. Thể nào cũng có cảnh, như cụ Nguyễn than: Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm
Tôi thật ái ngại, thất vọng và sợ!
Tôi thương tôi là không khuất phục được trước sự nỗ lực, còn chút vội vàng, của người phụ trách biên tập thơ. Tôi lại càng thương Nguyễn Anh Thuấn khi mà Tạp chí được bung ra, đến tay bè bạn gần xa, dư luận rồi sẽ ra sao !
Một cái tết, với tôi, thấp thỏm, khôn nguôi. Một thoáng chạnh lòng ai, tôi nhìn xa, ra cánh đồng trước cửa nhà, tự dưng mặt bừng bừng đỏ. Tôi tự thấy xấu hổ với chính mình. Nhưng tôi tin, sẽ có người hiểu cho, thấu cho. Cả đời tôi có tham nhưng là tham cho bạn. Bạn được là mình được. Khi xa nhau, không tới được nhau, trong một không gian nào đó mà nhắc tới tên nhau, hay một kỷ niệm nào đó, là ta đã có nhau rồi. Tôi tin là vậy.
Nhưng mà tôi lại thương cho NAT hơn tôi. Vì sao? Vì anh là người chịu trách nhiệm chính. Vì anh còn là Chi hội trưởng Chi hội Văn học lúc bấy giờ. Anh phải gánh chịu dư luận dữ dội.
Quả nhiên. Ngày gặp mặt văn nghệ sỹ đầu xuân năm ấy. Tôi phải tránh rất nhiều những ánh mắt, nửa như chia sẻ, nửa như trừng phạt. Nhưng trừng phạt thì nhiều. Tôi dịch ra những lời cay nghiệt, từ cái nhìn, từ cách nhìn có lửa, giá băng, ngàn trùng !. ..Tôi không mảy may hờn giận. Tôi cám ơn cuộc đời. Tôi nâng niu tất cả. Và. Tôi im lặng !
Trôi qua một thử thách giáp mặt vì một sự nóng vội. Tiếng xì xào tụ như mây đen, rồi cũng theo gió thời gian mà tan ra.
Trời xuân lại xanh thắm !
Nhưng mây trắng lại về nơi trắng đậu. Mây trắng đậu trong phiên họp ở Phân hội VHNT Thuận Thành. Sự phẫn nộ thỏa đáng được bung ra, tung lên, cao hơn cả thành Luy Lâu, cao hơn cả ngọn Bút Tháp. Nhà văn Hoàng Giá, Thường vụ BCH hội, Phân hội trưởng, anh cũng chỉ biết im lặng. Anh điện cho tôi ( ...)• Tôi thật vui, vì lúc này tôi thích lắm. Anh lấy nhu thắng cương chứ gì. Anh cười át cả tiếng ầm ào trong điện thoại.
Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn, UVBCH Hội, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, cũng về dự. Anh cắt nghĩa giời khi mà gặp phải những cơn thịnh nộ. Hãy để cho nó tự tan thì mọi điều lành sẽ đến. Những câu thơ thật hay, ta lấy ở đâu, nếu không ở những góc khuất khúc ấy. Những trang văn, ta lục đâu ra, nếu sự đời trong cuộc sống này cứ trôi chảy, thì văn chương, thì nghệ thuật làm gì còn chỗ đứng!
Chao ôi! Nếu không có những va đập thiên hà, những hành tinh nào đã được sinh ra. Nếu không có sự trôi của lục địa, thì bây giờ ta đâu có năm châu bốn biển. Kỷ niệm nhỏ trên bàn biên tập viên như tôi, của tôi nói riêng, xin được ví như những sự va đập cần và có, xin được ví như nước, thứ nước của sự sống, thứ nước trong sạch cho cuộc sống phồn sinh, thứ va chạm đáng có trong sáng tạo nghệ thuật. .
“Bà và mẹ học ở đâu mà thuộc nhiều đến thế
Có phải đau nhiều nên biết được nhiều chăng!”
Có phải, tôi đã học được, ở những câu thơ đại loại ấy, mà vững vàng chăng. Những cơ duyên ta còn đó, e gì không kẻ đón người đưa. Kỷ niệm trên, âu cũng là thứ quà tặng, cho tôi và cho bạn, gửi tới lòng chia sẻ, trước bàn biên tập. Trước mùa xuân mới chớm nụ kìa ...
Bạn hỡi!