Trang chủ TRANG VIẾT TUỔI HỒNG

KHI MẸ VẮNG NHÀ
16:05 | 15/03/2022

 Trong khi tôi đang ngủ để mai còn học trực tuyến. Bỗng có tiếng khóc ở đâu đó, tiếng khóc nghe thật đáng thương làm sao. Tôi vội chạy sang phòng bố mẹ xem sao!

- Chuyện gì đấy Bi? - Tôi hỏi.

Ôi! Cảnh tượng đó chắc tôi không bao giờ quên được. Nước mắt, nước mũi Bi chảy như suối, hai mắt sưng húp lên. Mẹ nói:

- Đấy con thấy chưa! Khóc to quá làm chị Vy tỉnh rồi đấy!

Chưa bao giờ mẹ tôi lại dịu dàng đến vậy. Vì mỗi lần Bi khóc là mẹ sẽ quát lên rằng: “Có nín ngay không, nghịch cho lắm vào rồi bây giờ ăn vạ ai!”. Nhưng tự nhiên mẹ lại mặc bộ quần áo của bệnh viện. Tôi thấy lạ liền hỏi: 

- Sao mẹ lại mặc quần áo của bệnh viện vào nửa đêm ạ?

- Mẹ phải vào viện để giúp bệnh nhân nhiễm Covid -19! Hai chị em ở nhà ngoan không được trêu nhau nghe chưa. Mẹ đi đợt này chắc cũng như bố không biết chừng nào mới về. Hằng ngày, dì Mai sẽ sang đây kiểm tra nhà cửa thay mẹ. 

Nói đến đây tôi có cảm giác như mẹ sắp khóc vậy. Rồi mẹ lại kìm nén cái cảm xúc ấy nói tiếp: 

- Chị Vy ở nhà hằng ngày nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ giúp mẹ, nhưng nhớ vẫn phải học bài, làm bài tập đầy đủ và chăm sóc em Bi thay mẹ nghe con.

Mẹ tôi sụt sùi một phút rồi nói tiếp:

- Còn em Bi phải mạnh mẽ không được khóc nhè làm nũng chị Vy, phải nghe lời chị, giúp đỡ chị làm việc nhà. Nếu em Bi làm tốt thì khi nào mẹ về mẹ sẽ mua quà cho Bi. Hai chị em hiểu lời mẹ nói chưa? 

- Vâng ạ! Hai chị em tôi đồng thanh đáp.

- Còn bây giờ hai chị em đi ngủ đi! - Mẹ nói. 

Lúc đó, mẹ vội vã xuống nhà dắt xe máy ra. Tôi còn nghe được cả tiếng khóc của mẹ lúc đó, cái khoảnh khắc ấy tôi chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ mà không biết nói gì. Sau khi mẹ đi, tôi đóng cửa rồi lên tầng dỗ bé Bi ngủ. Trong lúc ngủ, thỉnh thoảng Bi lại ngồi dậy gọi “mẹ ơi”. Những lúc đó tôi chỉ biết kéo em nằm xuống rồi vỗ lưng cho em để em ngủ tiếp. Và rồi, những ngày không có bố mẹ đã đến.

Bố tôi là bộ đội nên đợt dịch trước bố đã phải ra tuyến đầu cùng các cô chú cán bộ chiến sĩ khác. Từ đó ba mẹ con tôi ở nhà mà không có bố. Còn mẹ tôi mặc dù làm bác sĩ nhưng lúc đó mẹ bị ốm nặng đã không đi được. Đợt dịch này ở tỉnh tôi căng quá bắt đầu xuất hiện nhiều F0 rải rác ở nhiều nơi nên mẹ tôi phải đi. Không chỉ vậy, mẹ tôi còn là bác sĩ Khoa hô hấp/lồng ngực và Khoa hồi sức cấp cứu.

Sáng hôm sau, khi chuông đồng hồ báo thức reo lên, tôi vội bật dậy ra đánh răng và vệ sinh cá nhân. Như một thói quen hàng ngày, tôi gọi vọng xuống nhà: “Mẹ ơi! Sáng nay ăn gì ạ?”. Ngay khi tôi nói xong từ “ạ!”, tôi sực nhớ ra “Mẹ đã đi từ đêm hôm qua rồi cơ mà”. Thế là tôi xuống bếp, mở tủ ra lấy một gói mì tôm rồi đổ nước sôi vào cốc mì. Lúc tôi đang ăn thì Bi dậy khóc gọi mẹ. Tôi chạy lên gác dỗ em:

- Bi Bi. Nín đi! Chị đây!!!

- Mẹ đâu chị Vy! Hu hu... - Bi vừa khóc vừa nói.

- Bi ngoan của chị! Không khóc nữa nghe lời chị ra đánh răng rửa mặt rồi chị nấu đồ ăn sáng cho Bi. Bi ngoan, mẹ về mẹ mua quà cho Bi. - Tôi nhẹ nhàng dỗ dành em.

Sau khi Bi đánh răng rửa mặt xong thì cũng là lúc đồ ăn của bé được chuẩn bị xong. Nói đến đây nhân tiện tôi giới thiệu luôn về Bi. Bi nhà tôi tên là Bình Minh, bé năm nay ba tuổi và bé cách tôi chín tuổi. Vậy nghĩa là năm nay tôi đã 12 tuổi rồi chứ bộ. Bi ăn sáng xong thì tôi dọn dẹp nhà cửa còn Bi thì ngồi xem mấy chương trình hoạt hình trên ti vi, có lúc nó còn cười ngặt nghẽo trông đến buồn cười. Tôi dọn dẹp nhà xong thì hướng dẫn bé ghép hình, chơi đồ chơi. Trong lúc đó tôi cũng tranh thủ học bài. Mệt nhưng cũng cảm thấy vui vui. Đến khoảng 9 giờ thì tôi lên phơi quần áo. Nếu lúc trước có bà ở nhà thì tôi không bao giờ phải làm mấy việc vặt này vì bà và mẹ làm nhưng bây giờ thì không! Vì bà phải về quê để chăm sóc cho em út nhà mợ, còn mẹ thì giờ phải ra tuyến đầu chống dịch. Nhìn bên trong cái máy giặt đầy quần áo mà tôi choáng váng đầu óc, mắt tôi hoa lên, chân tay bủn rủn. Tôi lấy quần áo ra chậu rồi bắt đầu gò lưng để mang lên tầng ba. Tôi chợt nghĩ ra Bi đang rảnh rang cơ mà”.

- Bi! Bi ơi! - Tôi bắt đầu gọi.

- Lên giúp chị nào

Lần một nó “Dạ!” một tiếng rõ to, tôi đợi... không thấy nó lên. Tôi tiếp tục gọi lần nữa. Lần này nó lại bảo “Em đây ạ!”, rồi vẫn chưa thấy nó vác mặt lên. Tôi bắt đầu khó chịu quát: 

- Bi, em có lên đây không thì bảo “cứ dạ” mà vẫn không thấy.

Chỉ chưa đầy một phút sau quả nhiên nó xuất hiện ngoan ngoãn hơn tôi nghĩ.

- Em đây, chị Vy bảo gì em đấy?

- Em giúp chị cùng bê chậu quần áo này lên gác và phơi với chị. Tôi nói giọng ngon ngọt.

Lên đến nơi, Ôi! Sao trời nóng thế! Đã nóng thì chớ lại còn nắng to nữa! Huhu..! Nhìn thời tiết như thế tôi đã muốn vứt luôn cái chậu quần áo đi rồi! Nhưng ngay sau đó trong đầu tôi hiện lên những lời mẹ nói và thế là tôi và bé Bi vui vẻ cùng phơi quần áo. Đúng lúc tôi phơi xong quần áo thì có ai đến và nói: “Xem ai đến này?” Tôi liền chạy một mạch xuống nhà mở cửa. Hoá ra là người dì yêu quý của tôi đến và tay dì xách khá là nặng. Tôi chào dì:

- Con chào dì!

- A! Dì Mai đến! - Bi nói bằng giọng thích thú.

Dì chào chúng tôi xong liền đặt “phịch” mấy cái túi xuống rồi nói:

- Đây là những thứ mà mẹ Nhung dặn dì mua cho mấy đứa lúc mẹ không có ở nhà.

Rồi dì lấy từng thứ ra một. Dì vừa lấy đồ ra vừa nói tên từng loại và hướng dẫn cách dùng như thế nào: “Đây là thịt băm dùng để nấu canh hoặc rang lên cũng được; còn đây là rau ngót, rau cải, rau muống dùng để nấu canh. Riêng rau muống thì luộc chứ không nấu với thịt con đã hiểu chưa? Chắc nhiêu đây hai chị em ăn tha hồ. Nhưng nhớ là mỗi hôm nấu vừa đủ ăn thôi đấy”. Hai chị em tôi gật đầu rồi dì tôi cũng về.

Đến 11h trưa, đói quá nên hai chị em tôi vào bếp để nấu ăn. Nhìn thấy cái bếp ga mà tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi vô cùng, có cảm giác như cái bếp chuẩn bị nuốt chửng tôi vậy. Hôm nay, hai chị em tôi sẽ ăn món cá rán và rau muống luộc. Tôi ra nhìn con cá đặt dưới sân giếng với ánh mắt như muốn cầu cứu ai đó: “Ước gì mẹ và bà có ở đây thì mình đã không phải làm mấy việc như thế này.” 

Tôi sai Bi đi lấy chảo đặt lên bếp, nhìn cái nút bật bếp mà tôi cảm thấy sờ sợ thế nào! Không hình dung được.

Nhưng tôi phải cố gắng để không làm mẹ phải lo lắng. Tôi bắt đầu hít một hơi thật sâu và bắt đầu bình tĩnh trở lại, cầm cái nút rồi “cạch” một cái, một ngọn lửa “bùng” lên làm tôi giật bắn cả người. Thằng Bi nhìn tôi rồi cười lấy cười để như trêu tôi vậy. Tôi sợ nên đã quát nó:

- Cười cái gì mà cười? Em giỏi thì ra đây mà làm.

- Ai cười chị đâu. Em ứ chơi với chị Vy nữa - Bi nói với giọng giận dỗi.

Rồi nó đi lên nhà xem ti vi. Tôi bật bếp rồi đổ dầu vào chảo như trước kia mẹ đã từng hướng dẫn tôi, sau đó tôi cho con cá vào chảo. Vì đây là lần đầu tiên tôi vào bếp cho nên chân tay tôi luống cuống, rối bời mà trên bếp thì dầu mỡ cứ “nổ tanh tách, như con cá đang thét gào vì dầu nóng” làm tôi sợ hãi. Tôi sợ quá chạy một mạch lên nhà. Sau khi lấy lại bình tĩnh tôi trở lại bếp để lật con cá. Do con cá quá to tôi không biết lật như thế nào. Sau một hồi loay hoay cuối cùng tôi cũng lật được con cá. Lần này nó còn bắn hơn cả lần đầu, tôi với con cá cứ như đánh nhau vậy để dành cái chảo và bếp. Con cá thì dùng mỡ và dầu để đấu với tôi. Còn tôi thì chẳng có gì ngoài hai cây đũa để chiến đấu với nó. Con cá nó sẽ nghĩ về tôi một cô bé không biết nấu ăn đã thế lại còn vụng về. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào con cá và thầm nghĩ: “Tao không thua mày đâu và tao không phải là đứa không biết nấu ăn”, ngay sau khi tôi nghĩ xong điều đó thì tôi bị mỡ bắn vào tay. Ôi, cái cảm giác nó vừa đau, vừa rát, lại vừa nóng. Tôi cứ luống cuống không biết làm gì. Trong đầu tôi lúc này chỉ xuất hiện hình bóng của mẹ “mẹ ơi, mẹ mau về với con, con đói quá!”. Tôi còn nhớ những gì mẹ dạy khi bị bỏng phải nhanh chóng xối nước lạnh trên vòi nước đang chảy vào vết thương một hồi lâu lâu rồi lấy thuốc bôi vào. Tôi vội chạy ra vòi nước và xả nước vào tay. Ôi! Cảm giác đó mới mát và dễ dịu làm sao. Sau khi vết thương dịu nhẹ tôi lên lấy thuốc bôi. Bây giờ tôi thấy những lời mẹ dạy thật là đúng. Tôi cứ khóc mãi, nước mắt cứ tự lăn trên hai má. Sau khi bình tĩnh lại lau nước mắt, đi xuống nhà và tắt bếp để chuẩn bị luộc rau. Bi nhìn thấy tôi lúc đó tròn mắt và hỏi:

- Sao mắt chị đỏ thế?

- Chắc có thứ gì bay vào mắt làm bị cay nên nó chảy như vậy!

Thôi! Đi xuống lấy bát, đũa để ăn cơm - Tôi nói.

Em gật đầu đi luôn, hai chị em đang ăn thì nghe tiếng: “đồng chí Chủ tịch thành phố đi thăm và động viên các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh” nghe đến đây hai chị em ngước nhìn lên ti vi đúng lúc đó họ chiếu đến hình ảnh của mẹ, Bi nói:

- A! Bệnh viện của mẹ kìa chị Vy ơi!

- Ừ, đúng rồi mẹ của chúng ta kìa Bi - Tôi nói.

Không chỉ chiếu hình ảnh bệnh viện, mà còn cả mẹ nữa, nhìn mẹ mặc bộ quần áo bảo hộ màu trắng mà còn đeo khẩu trang kín mít từ đầu xuống chân như này. Tôi tự hỏi: “Không biết mẹ có bị nóng và có thở khó không nhỉ? Mẹ có được ăn đầy đủ không? Mẹ có ngủ đủ giấc không?”. Lúc này, cô phóng viên phỏng vấn mẹ:

- Chị đi chống dịch thế này thì ai chăm sóc các cháu ở nhà? 

Mẹ tôi trả lời:

- Chồng tôi cũng đi chống dịch như tôi. Còn ông bà thì ở xa nên các cháu tự chăm sóc lẫn nhau. Tôi tin rằng hai bạn nhỏ sẽ biết cách tự chăm sóc bản thân vì tôi biết các bạn ấy sẽ làm được như mẹ của chúng ngay lúc này.

Bi nhìn thấy mẹ như thế liền gọi! Mẹ ơi...! 

Bi rất nhớ mẹ, mẹ có nhớ Bi không? Mẹ nhớ tự bảo vệ và chăm sóc mình mẹ nhé! Lúc này, cảm xúc trong tôi như vỡ oà. Nhớ ngày nào mẹ ở nhà tôi ít nghe lời mẹ dạy bảo, nhưng không hiểu tại sao lúc này tôi cảm thấy thương mẹ hơn bao giờ hết, tôi cố gắng kìm nén cảm xúc lại để Bi không thấy tôi khóc. Tôi tự nhủ rằng: “Phải mạnh mẽ, cố gắng không được bỏ cuộc giữa chừng để mẹ không phải lo lắng mà thật sự tin tưởng, tự hào về tôi”. Tôi biết rằng ở nơi chống dịch khó khăn, vất vả và gian lao kia mẹ sẽ không phải lo lắng về hai chị em tôi mà dồn hết tâm sức để phục vụ, giúp đỡ cho bệnh nhân đang bị nhiễm Covid - 19. Tối hôm đó, lúc nằm ngủ tôi cứ nghĩ mãi: “Không biết! Tại sao lúc trước tôi không bao giờ giúp mẹ làm việc nhà mà để mẹ làm một mình, đã thế lại cãi mẹ nhiều như thế. Mẹ đi làm đã vất vả lại còn phải về chăm sóc gia đình mà không than vãn một lời nào. Hôm nay, tự mình nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa chăm em đã thấy mệt, vất vả rồi. Tôi thấy mẹ thật vĩ đại. Tôi thật tự hào vì có mẹ là một bác sỹ và là một “cô gà mái” luôn yêu thương và chăm sóc cho chị em tôi. Ngày đầu không có mẹ của hai chị em tôi diễn ra như thế đấy. Tôi ngẫm phải cố gắng hơn nữa để những ngày tiếp theo không xảy ra như thế nữa. Vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chưa biết đến khi nào mới trở lại bình thường. Tôi nói với Bi rằng: “Mẹ còn đang ở nơi chiến trường gian nan kia, hai chị em mình cần phải cố gắng để mẹ không thất vọng. Lúc đó bỗng có tiếng chuông điện thoại vang lên “reng, reng,...” tôi liền nhấc máy. Alo! Ở đầu máy bên kia cất lên một giọng nói nhẹ nhàng: “Vy đấy con? Ở nhà hai chị em thế nào? Em Bi có ngoan không? Có nghe lời con không?” Tôi trả lời mẹ: 

- Ở nhà hai chị em con vẫn bình thường. Em Bi rất ngoan.

- Thế à! Thế thì mẹ yên tâm rồi - Mẹ tôi nói.

- Mẹ biết không, con kể mẹ nghe một chuyện thật thú vị, hôm nay con đã đánh vật với con cá như thế nào...

- Ừ, con kể mẹ nghe.

... Những ngày tiếp theo của tôi dần trở nên suôn sẻ hơn ngày đầu. Qua đợt dịch này tôi thấy tôi đã trưởng thành hơn nhiều trong những ngày mẹ đi chống dịch phục vụ Tổ quốc. Khi cuộc sống trở lại bình thường ba mẹ về sẽ thấy Vy hoàn toàn khác, không còn là cô bé lười nhác làm việc nhà như hồi nào. Con cảm ơn mẹ!

 
                                                                                                                                                                                      LÊ THẢO NGUYÊN
                                                                                                                                                                                    Lớp 9a1 - THCS Vệ An