Trang chủ Đặc biệt

NHỮNG SÁNG TÁC ĐI CÙNG NĂM THÁNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
10:51 | 01/06/2018

 NGÔ HỒNG GIANG

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam di sản văn học có giá trị, gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng và đời sống tinh thần của dân tộc.

Sinh thời, Bác Hồ không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương và Người cũng không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ hay nghệ sỹ mặc dù Bác rất yêu văn thơ và cũng rất đỗi tài hoa. Trong hoàn cảnh đất nước lầm than, với lòng yêu nước cháy bỏng, Bác đã quyết tâm tìm đường giải phóng dân tộc và trên con đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ ấy, Người nhận ra rằng, văn chương cũng có thể là vũ khí đấu tranh cách mạng. Vì vậy, Người đã dùng văn chương như một vũ khí để phục vụ cách mạng và đã trở thành nhà văn, nhà thơ lớn ngoài ý muốn của mình. Chính Bác đã từng viết rằng:

"Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do"

Quan điểm sáng tác nghệ thuật của Bác cũng rất đặc biệt. Người xem văn nghệ là vũ khí, nghệ sĩ là chiến sĩ vì văn chương phải phục vụ cách mạng, phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống lại cái ác, bất công ngang trái. Lúc ở trong tù ngục, Bác cũng đã từng quan niệm:

"Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp

Mây gió trăng hoa tuyết núi sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong"

Năm 1951, trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa ở chiến khu Việt Bắc, Bác viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Bác Hồ cũng đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức và tiếp nhận văn chương. Văn chương trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Người quan tâm đến quảng đại quần chúng vì Người cho rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Văn thơ của Bác nhằm vận động tuyên truyền quần chúng làm cách mạng và Người đã nêu lên một kinh nghiệm chung cho các văn nghệ sĩ, người cầm bút phải xác định rõ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Và viết cái gì? Viết như thế nào? Và đó chính là ý thức, là trách nhiệm của người cầm bút.

Theo Bác, văn chương phải phản ánh chân thực và hùng hồn cuộc sống và hiện thực cách mạng, chú ý noi gương người tốt việc tốt và uốn nắn phê bình cái xấu. Nhà văn cũng phải chú ý đến hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề, hình thức của tác phẩm phải hấp dẫn, ngôn từ chọn lọc, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt. Sự nghiệp sáng tác văn học của Bác in đậm dấu ấn ở 3 thể loại: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca.

Ở thể loại văn chính luận, Người dùng lối tư duy sắc sảo, giàu trí tuệ, lập luận sắc bén, giàu chất luận chiến, dẫn chứng xác thực và tính thuyết phục. Các tác phẩm ở thể loại này được Bác viết với mục đích chính trị, thể hiện những nhiệm vụ cách mạng qua những chặng đường lịch sử. Tiêu biểu có thể kể đến như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, viết từ năm 1921 đến 1925 bằng tiếng Pháp, có 12 chương. Đây là tác phẩm chính luận sắc sảo nói lên nỗi đau khổ của người dân bản xứ và tố cáo trực diện chế độ thực dân Pháp, thức tỉnh, kêu gọi những người nô lệ đứng lên chống lại ách áp bức bóc lột. "Bản án chế độ thực dân Pháp" là một tác phẩm có phần luận bàn lý lẽ, có chứng cứ ở sách vở và cuộc đời, có phần kết tội đanh thép. Tiếp đó là tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập”, đây là một văn kiện chính trị có giá trị lịch sử lớn lao phản ánh khát vọng độc lập tự do và cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của dân tộc ta và đã giành chiến thắng. Tác phẩm tuyên bố quyền độc lập của dân tộc Việt Nam trước nhân dân Việt Nam và cả thế giới, được viết với cảm hứng phấn chấn, giàu cảm xúc, cấu trúc chặt chẽ, lý lẽ sắc bén. Ngoài ra còn một số tác phẩm tiêu biểu khác như: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” viết năm 1946; “Không có gì quý hơn độc lập tự do” viết năm 1966; “Bản Di chúc” viết từ năm 1965 đến năm 1969.

Ở thể loại truyện và kí, các tác phẩm của Bác Hồ đem lại cho người đọc những rung cảm sâu xa và nhận thức lớn lao với một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Một số tác phẩm nổi bật như: “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Chuyện con rùa”, “Những con người biết mùi hun khói”, “Vi hành”, “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu”. Hay “Nhật ký chìm tàu”, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, “Giấc ngủ 10 năm”… Tất cả các tác phẩm này nhằm vạch trần bộ mặt tàn ác, xảo trá, bịp bợm của chính quyền thực dân, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc.

Hàm chứa chất trí tuệ sắc sảo, nội dung các tác phẩm hướng về những vấn đề lớn của nhân sinh, của quốc gia và cách mạng với cách viết hiện đại cả về ngôn từ, cách xây dựng nhân vật. Ngòi bút của Bác chủ động, sáng tạo, khi là lối kể chân thực tạo không khí gần gũi, có khi lại là giọng điệu châm biếm thâm thúy và tinh tế. Người thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén, mang giá trị về văn học và chính trị, đem lại cho người đọc những rung cảm sâu xa và nhận thức lớn lao với một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa.

Ngoài văn chính luận và truyện, kí, Bác còn để lại một di sản thơ ca phong phú. Trước hết phải kể đến là tập thơ “Nhật kí trong tù”, gồm 133 bài với hai nội dung lớn: Tố cáo nhà tù vô nhân đạo và xã hội Trung Quốc bất công, đồng thời khắc họa bức chân dung vĩ đại của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Bác Hồ còn viết nhiều bài thơ với bút pháp giản dị nhằm tuyên truyền đường lối của Đảng và động viên nhân dân hăng hái tham gia cách mạng. Đặc biệt trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Bác cũng viết nhiều bài thơ tức cảnh, trữ tình thể hiện chất trữ tình đằm thắm và cảm hứng anh hùng ca thời đại của bậc đại trí, đại dũng với tâm hồn lạc quan tươi sáng, phong thái ung dung tự tại và một tấm lòng luôn canh cánh nỗi niềm lo âu cho “nỗi nước nhà”. Một số tác phẩm tiêu biểu như:  "Tức cảnh Pác Bó", "Cảnh khuya", "Đi thuyền trên sông Đáy", "Lên núi", "Rằm tháng giêng", "Báo tiệp", "Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn", những bài thơ chúc Tết…

Thơ ca của Bác có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. Nét cổ điển thể hiện ở ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi, nhân vật trữ tình thường có phong thái ung dung, đề tài thiên nhiên chấm phá, nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng. Nét hiện đại thể hiện ở đề tài dân chủ gắn với chính trị, thời sự và cách mạng, chất lãng mạn bay bổng, giọng điệu thâm trầm.

Có thể khẳng định rằng, sự nghiệp sáng tác văn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản vô giá, có những tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của mỗi con người Việt Nam. Những tác phẩm văn học của Người cũng có sự gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng, thể hiện tư tưởng, tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Văn thơ, dù chỉ là thể hiện phần nào phong cách, con người Bác nhưng đối với dân tộc Việt Nam, đó lại chính là kho tàng quý giá, chứa đựng giá trị truyền thống và hiện đại, không chỉ là kết tinh của dân tộc mà còn của cả nhân loại./.