Trang chủ Chân dung hội viên

XỨNG DANH NGHỆ NHÂN ƯU TÚ
12:30 | 03/11/2022

Từ khi còn đang công tác tại Đoàn Tuồng Hà Bắc. Tôi đã được nghe tới anh rằng: “Ở đoàn Tuồng Đa Hội - Châu Khê - Từ Sơn có diễn viên “Tiến Béo” vừa đẹp trai vừa hát hay”. Vậy mà cơ duyên mãi tới năm 1993, tôi được Cụ Đàm Mạnh Dần (Tấn Bào) mời hát Tuồng góp tại Me Con (Vĩnh Thọ) hôm đó mới “đích mục sở thị” gặp anh. Qua giới thiệu của Cụ Dần trước mặt tôi là anh Tiến Béo (nhưng đâu có béo như tôi tưởng tượng trong đầu). Anh người đậm, cao thoáng, da trắng trẻo, khuôn mặt to, cân đối, vầng trán cao, ánh mắt hiền dịu dễ gần. Với vài câu xã giao rồi tâm sự, Tôi thấy như đã quen Anh tự ngày nào?

Đêm đó đoàn diễn vở Triệu Đình Long cứu Chúa, Anh Tiến thủ vai kép chính Triệu Đình Long. Tôi bất ngờ với chất giọng Tuồng của anh: To, cao, vang sang sảng, diễn xuất nhẹ nhàng đi vào chiều sâu lòng người. Buổi gặp mặt và biểu diễn góp đầu tiên với anh đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp mà sau này tôi với anh như “cơ duyên” trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Tiếp theo là biết bao buổi diễn, tôi và anh trở thành anh em bạn thân từ lúc nào không biết. Nhớ lần đứa con trai út của anh lâm bệnh phải điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Biết tin hai vợ chồng tôi ra viện thăm cháu, đêm đó tôi xin ở lại viện cùng anh chăm sóc cháu - Một đêm trắng hai anh em không chợp mắt, lúc thì bên giường cháu, lúc lại thơ thẩn dưới hàng cây và ánh đèn mờ trên con đường trong viện. Khuya… Anh tâm sự với tôi nhiều điều trong cuộc sống đã qua, những vui, buồn… Học hết cấp III trường Lý Thái Tổ đạt loại Giỏi, dự định thi vào trường Đại học Bách Khoa nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, anh tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mùa xuân năm 1973 tạm biệt quê hương, chiếc xe tải đón đưa các tân binh về Mai Sưu thuộc đơn vị Tiểu đoàn 505, Trung đoàn 568. Hết thời gian huấn luyện đơn vị chuyển sang đóng quân tại Phú Xuyên - Hà Tây chuẩn bị hành quân. Dốc toàn lực cho chiến trường Miền Nam, phiên vào đơn vị chính quy C1 - D10 - E187 - F316 Quân đoàn 3 giáp tết năm 1974 đơn vị Nam tiến. Qua những ngày tháng trèo đèo lội suối, khó khăn gian khổ, qua bao khốc liệt cản phá bước tiến vượt Trường Sơn của giặc, Mùa xuân năm 1975 đơn vị anh tham gia chiến dịch Nam Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiệm vụ hoàn thành, cuối năm 1975 đơn vị trở ra Bắc về Bình Lư - Lai Châu. Trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới để xây dựng đất nước sau chiến tranh, năm 1978 anh chuyển ngành về công tác tại nhà máy Phân Đạm Hà Bắc.

Với tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật, anh thủ thỉ: “ Mình yêu văn nghệ lắm! Từ thời còn học phổ thông cơ. Tối học sớm xong bài (lúc đó còn đèn dầu chứ đâu đã có điện) mình nghe tiếng trống Tuồng các cụ tập, lại vội vàng xếp sách vở rồi chạy sang nhà cụ Trùm xem. Đông lắm, mình sang muộn có tối chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào… vậy mà cũng thuộc được mấy câu. Khi ở đơn vị các cậu biết mình ở Đa Hội cứ bắt mình hát Tuồng trong các buổi sinh hoạt, ngượng lắm nhưng rồi vẫn phải hát, bắt chước các cụ thế mà nhận được khối tràng pháo tay của đồng đội. Ngày rời khỏi nhà máy Phân Đạm Hà Bắc về quê, sau buổi tiếp đón họ hàng anh em, gần tối anh hỏi: “U ơi! Tối nay họ có tập Tuồng không ạ?” và tối đó sau hơn 7 năm xa quê anh lại mải mê ngồi xem tập Tuồng. Nhưng không phải cậu học trò thư sinh thuở nào mà là một chàng trai chững chạc, dạn dày sương gió ngồi xem tới tận cuối buổi. Đưa cốc nước vối Ông kép Bát bảo:

- Bác thấy cháu rất thích Tuồng, cháu vào đoàn nhá?

- Cháu sợ cháu không làm được! Khó lắm ạ!

- Được! Cứ yêu thích là cháu làm được! Về nói trước với u đi, mai đoàn cử người sang nói chuyện.

Thế là anh được nhận vào đoàn, sau những buổi được các bác, các chú trong đoàn dạy hát, múa. Vai đầu tiên anh được kép Bát giao vai và truyền nghề là vai Vua Tống trong vở Chiêu Quân cống Hồ. Cứ thế anh được học thêm nhiều vai khác nữa. Năm 1983, để gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống. Các cụ nhất trí đề nghị chính quyền địa phương cho phép thành lập Đoàn Tuồng Tuổi trẻ Đa Hội. Trần Đức Tiến được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn cho đến ngày nay. Với cương vị trưởng đoàn, anh luôn năng nổ, nhiệt tình, tận tâm, hoà đồng cùng tập thể, lãnh đạo đoàn hoạt động sôi nổi trong khu vực. Anh cũng rất chăm lo cho thế hệ kế tiếp, tuyển chọn, động viên hơn 10 thành viên mới, truyền nghề, luyện tập và tham gia biểu diễn.

Trần Đức Tiến với sức trẻ khoẻ, ham học, được các nghệ nhân hết lòng uốn nắn, chỉ bảo truyền dạy nghề, đặc biệt được nghệ nhân Đàm Mạnh Dần trực tiếp cho văn vở, tận tình truyền nhiều vai thể hiện suất xắc như: Vua Tống vở Bao Công tra án, vai Triệu Đình Long vở Triệu Đình Long cứu Chúa, vai Lý Hiếu Trung vở Lý Hoài Hiền giáo tử... Anh luôn khiêm tốn, cầu tiến bộ, lấy cái hay, cái đẹp của bạn nghề bổ xung cho mình. Anh tỉ mỷ hỏi tôi cách vuốt râu của nhân vật, cách hoá trang kẻ lông mày, sống mũi sao cho đẹp, cách diễn xuất, cách múa vào vai các nhân vật Tuồng hiện đại. Anh bảo: “Nghệ thuật Tuồng có tính cách đặc trưng, cách điệu và ước lệ cao. Càng tìm hiểu, càng học hỏi càng thấy những cái hay và cái quý của Tuồng”.

   Những năm tháng toả sáng trên sân khấu phục vụ nhân dân Đức Tiến còn tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan, hội diễn cấp tỉnh, Thủ đô Hà Nội mở rộng và toàn quốc. Trong nhiều kỷ niệm thì kỷ niệm khó phai nhất là Liên hoan “Tác phẩm của tác giả Tống Phước Phổ” toàn quốc năm 2015 do Hội Nghệ sỹ Sân Khấu Việt Nam - Bộ VH TT&DL tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Anh được CLB Tuồng Tam Lư - Đồng Nguyên mời tham gia thủ vai Đổng Kim Lân vở Sơn Hậu (Đạo diễn NSƯT Nguyễn Đức Tú). Mặc cho thời tiết nóng bức các nghệ sỹ, diễn viên vẫn hăng say tập luyện, gần tới ngày xuất phát vào Đà Nẵng thì Đức Tiến bị tai biến nhẹ. Mọi người rất lo lắng khuyên anh nghỉ nhưng anh vẫn quyết tâm xin tham dự… buổi biểu diễn đó đối với anh thực sự đáng khâm phục. Trong bài tổng kết Liên hoan. NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã biểu dương Trần Đức Tiến là tấm gương sáng cho giới nghệ sỹ, vượt qua ốm đau, bệnh tật vì nghệ thuật vẫn gắng lên sân khấu biểu diễn và anh được trao tặng giải Huy chương Bạc.

Trên 60 năm hoạt động nghệ thuật với đức tính trung thực, khiêm nhường, hoà nhã, ham học hỏi, nhiệt tình. Trần Đức Tiến giữ trọn niềm tin yêu, kính trọng, tình cảm khâm phục, mến mộ của bạn nghề, của khán giả và nhân dân. Anh như con chim đầu đàn để các bạn nghề và các thế hệ nối tiếp noi theo về phong cách, đạo đức nghề nghiệp và cả cuộc sống đời thường.

 

Đáp lại sự cống hiến của anh cho nghệ thuật, Trần Đức Tiến được tặng thưởng 05 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hoá quần chúng, nhiều Giấy khen của Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Vinh dự hơn nữa năm 2018 được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân hát Tuồng”. Năm 2022 được Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Mùa dịch Covid 19 với bao gian khổ, khó khăn đã qua. Chuẩn bị cho những buổi diễn sắp tới, ngước đôi mắt rạng ngời niềm tin nhìn tôi, anh mỉm cười: “Mình sinh năm 1955, tuổi mình cũng cho là cao, sức mình có giảm nhưng lực vẫn tràn trề. Vẫn diễn, cứ diễn, diễn đến khi nào không thể lên sân khấu được nữa mới thôi. Tú à!”.

Vâng! Thật cảm phục anh! Cầu Tổ độ! Kính chúc anh luôn mạnh khoẻ, luôn là “Người giữ lửa” để cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật, cho nhân dân./.

 
 
 
                                                                                                                                                                                                            NGUYỄN ĐỨC TÚ