Trang chủ Chân dung hội viên

TRỊNH VĂN TRONG THƠ VÀ THƠ TRỊNH VĂN
15:07 | 21/12/2021

Lời bao quát về tác giả này có thể nói gọn: Với ảnh Trịnh Văn đẹp hơn đời, nhưng với thơ mình Trịnh Văn còn đẹp hơn ảnh rất nhiều.

Còn nhớ ngày kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, lúc đó Hội chưa có trụ sở phải mượn hội trường của UBND xã Đại Phúc, Ban Tổ chức đã nghĩ người thanh niên lam lũ chăn gà vịt nào đó rẽ vào uống nước (mà không phải là Trịnh Văn) nên đã mời đi khéo (đuổi nhầm nhà thơ) để rồi sau đó phải chạy theo xin lỗi. Trời đã không phú cho anh một chút dáng dấp thi nhân nhưng cuộc đời, gia đình và vùng đất Thụy Mão - Mão Điền cùng dòng sông Đuống như dành ưu ái anh rất nhiều về trí tuệ văn chương, như thể là sự bù lại nỗi trớ trêu bất bằng của tạo hóa. Công tâm mà nói, văn chương mới chính là chân dung đích thực của Trịnh Văn.

Lật giở từng trang thơ của anh trong tập Trước Lăng Kinh Dương Vương ta sẽ không được gặp một Trịnh Văn đen đúa, khắc khổ như từng hiện hữu ở quê nhà.  Cũng đã có thời anh là sinh viên ở ký túc xá buông cung đàn thánh thót... Toàn thân đẫm dòng nước phúc, từ mạch nguồn dịu mát tay em; Từng vui mừng cùng màu xanh căng đón những bài ca. Đời Trịnh Văn dàn trải:

Khi làm nhà giáo không thành

Khi làm kinh doanh không đạt.

Cuối cùng, vịn vào lòng mẹ, vào gia đình, vào con thơ, vào những cây rau, những cây đời rẻ rúng mà đi với đôi thùng trên vai ngày ngày làm việc leo lên cung bậc nhọc nhằn trồng tỉa, hy vọng và luôn phải chạm mặt với loài sâu đổi màu theo sắc lá. Chứng kiến sự phi lý đến tàn nhẫn thổi vào bao vụ mùa màng, nghe bao loài sâu bọ hát ca. Cứ sống, ngày vắt kiệt mồ hôi cho xứ sở, đêm phơi mình trên ngọn giáo thi ca. Tự biết mình như ngọn Hỏa diệm sơn buồn, gương mặt vò nhầu trang giấy... khi thiên hạ đẻ ra thơ, thiên hạ đẻ ra tiền, vẫn mang nỗi niềm đồng cảm với người nông dân chống cuốc đăm đăm nhìn tầng mây ám khí, ánh mắt như viên đạn đã lên nòng.

Những cung lộ Trịnh Văn trải qua vắng nụ cười, đằm giọt mồ hôi, cho nên thấy: Trăng côi cút dưới trời mây nức nở, Đàn trâu vầy nhão nhoẹt vầng trăng, thấy từ thiện bị lưu đày biệt tích, thấy những mảnh đời quê chỉ một lần ngẩng lên là khi về thế giới bên kia.

Vận may xa lánh, biết mấy nhọc nhằn, vậy mà vẫn nghĩ đến những đứa trẻ ăn mày lăn lóc, để bàn tay xòe năm ngón giữa trang thơ mình, vẫn lặn lội đến tận Trại thương binh Thuận Thành, nhận thức rõ hơn những mất mát thiêng liêng của thế hệ cha anh trong công cuộc giải phóng đất nước.

Những người quân phục màu xanh

Bấy nhiêu năm vẫn chưa lành vết thương

 Bao nhiêu gian khổ chiến trường 

Ngấm vào tim óc thịt xương tháng ngày…

Những người quật quã hôn mê

Xác thân tê buốt hồn về rừng xanh.

Chuyến thăm ấy làm “Hai phần tóc bạc nỗi người năm xưa”. Chưa hết, bước chân trẻ tuổi của nhà thơ biết tự tìm đến (dẫu chỉ có hai bàn tay trắng) thắp nén nhang lòng tưởng nhớ bốn người con của một mẹ đã lần lượt hy sinh. Mỗi người lên đường ra trận mẹ trồng một hàng cây trong vườn. Mỗi mùa cây bói, mỗi mùa báo tử người con xa: Những trái đầu mùa mang thương nhớ mênh mang.

Trịnh Văn sống bên cạnh và muốn cấp giấy khen cho những “Người đàn bà đốt đèn đi hái rau đêm”, “xoay sở cả thân mình che ngọn đèn vận mệnh, gánh rau ngày một cao, móng tay ngày một cụt; người hái cụt đời mình trên cánh đồng rau”.

Điểm lạ trong thơ: Vẫn có một Trịnh Văn cao giọng giã từ quá khứ “Hai nhăm năm với tuyệt vời đắng cay”; khóc than không nước mắt “Hỡi ôi thế thái nhân tình, xót đau mình lại xoa mình mới căm”. Đây chỉ là sự giã từ bằng con chữ (không thực sự hoặc không thể giã từ), chỉ là mượn chữ nói nỗi đau đời, nói những nỗi niềm nhiều ít mỗi người đọc lên đều có chút hoa đồng.

Vẫn là còn đó một Trịnh Văn trong thơ lã chã giọt mồ hôi cùng con trẻ gạn chắt nụ cười, cùng những phụ nữ đôi thùng trên vai, một nắng hai sương, trồng rau kiếm gạo… Đó là đôi nét phác thảo về nhà thơ. Tuy nhiên điều đáng nói không phải là cuộc đời anh, đáng kể lại là bút pháp của anh -  một cây bút vùng hạ lưu sông Đuống chưa gặp vận.

Nếu với “Sự mất ngủ của lửa” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều canh giữ nỗi buồn - báu vật của cố hương thì với Trịnh Văn cuộc sống trần trụi sao có thể khỏa lấp! Cũng là nói về tôi, với tôi tưởng như có gì đó hao hao giữa hai cây viết, hai cuộc đời khá sung mãn về những tứ thơ lạ và buồn - thứ buồn sâu rộng ít được nói đến một cách nghệ thuật nhưng không hề hòa lẫn. Một người - Nguyễn Quang Thiều ra đi luôn nhớ đến mọi thứ trong làng Chùa tội nghiệp của mình, một người (Trịnh Văn) muốn thoát đi không nổi, cắm mặt với làng Thụy Mão -  làng như cái lỗ lươn, giữa bụi bờ xứ sở, nhìn lại quê, nhìn kỹ nơi mình khao khát đến, rồi cũng bật ra những thơ hay, nhiều câu thơ hay, rất hay, rất mới. Trong 68 bài thơ của tập Trước Lăng Kinh Dương Vương hầu như bài nào cũng có câu hay, tứ hay, nhiều từ, cụm từ sắc lẻm. Song lại có thể nói không quá rằng, Trịnh Văn thành thục về cách nói đại ngôn, nói một cách văn chương hàn lâm, không dung dị. Ở bài “Gương mặt làng quê” hai khổ đầu mang chút Trịnh Văn, ba khổ thơ sau thực sự làm xô lệch, khô cứng Trịnh Văn hoặc ít ra cũng không giống với Trịnh Văn trí tuệ văn chương chút nào. Đây là bài làm giảm chất Trịnh Văn. Ở một số bài khác, kết có thể còn vội, chưa thỏa, tứ thơ báo động chèn lấn sắp trùng lặp. Nhưng nhìn toàn diện đây là tập thơ có độ lấp lánh và âm vang của ngôn từ và sự bất phá của tác giả. Cũng là mô tả biển, Trịnh Văn tả biển trong đêm, biển đã bị ô nhiễm nặng (từ 20 năm trước - năm 2000): Nhân loại đổi giấc mơ mà em không biết. Trịnh Văn mới lạ, thẳng thắn và thoáng đạt hơn “Đêm mát lành mà biển sục sôi, sùng sục sóng rùng rùng biển thở… Sóng oằn oài, gương mặt biển bầm đen...”

Đó thực sự là những câu thần. Còn nhiều câu nữa, các bậc đàn anh, các độc giả khó tính phải gật gù. 

Trong cái “làng như cái lỗ lươn” thật mừng đã sinh ra một Trịnh Văn và thật buồn khi anh sớm ngẩng lên… về thế giới bên kia. Bài viết này tâm sự thêm đôi chút về anh, xin được coi là nén hương lòng thắp mãi, sẻ chia./. 

                                                                                                                                                                                                                                           TƯ DUY