Trang chủ Chân dung hội viên

NGƯỜI THUYẾT MINH ĐẶC BIỆT Ở ĐỀN ĐÔ
15:53 | 16/07/2019

          

Nhắc đến ông Nguyễn Đức Thìn, người con của quê hương Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh của Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động được Nhà nước vinh danh. Nhưng ít ai biết, ông còn là người hướng dẫn viên cần mẫn, miệt mài, có 30 năm gắn bó với việc thuyết minh, tuyên truyền miễn phí cho hàng chục triệu lượt khách du lịch về thăm Khu di tích lịch sử Đền Đô. 

GIEO HỒN THƠ VÀO LỜI GIỚI THIỆU

Buổi sớm mùa xuân, ánh nắng nhạt chiếu qua hàng xoài cổ thụ lộ rõ những mảng sáng tối. Người đến đền Đô ngày một đông, chúng tôi chú ý đến người đàn ông lớn tuổi mặc áo thanh niên tình nguyện màu xanh dương, đội chiếc mũ có in hình lá cờ đỏ sao vàng đang hướng dẫn một nhóm du khách vừa bước qua cổng Ngũ Long môn. Ông có dáng người nhỏ nhắn nhưng hành động thì rất nhanh nhẹn, dứt khoát. Đó là ông Nguyễn Đức Thìn, Trưởng Ban tuyên truyền Khu di tích lịch sử Đền Đô đang trực tiếp giới thiệu cho khách tham quan. 

Chúng tôi hòa vào nhóm du khách đang chăm chú lắng nghe từng lời giới thiệu. Ông Nguyễn Đức Thìn đứng cạnh lư hương, giọng truyền cảm, đầy cuốn hút: “Đất Đình Bảng nghìn năm hương Cổ Pháp/ Hương đồng thơm gió nội đón người thân/ Về Đền Đô lòng bừng bừng hào khí/ Cây đời xanh tươi bản sắc Việt Nam… Gạch đá quý vị đang đứng gợi nhắc trời tròn đất vuông từ thuở vua Hùng dựng nước. Chính giữa là lư hương, hai bên là Bát Đế đăng, tức cây đèn lịch sử ứng với 8 vị vua Lý hiển linh chứng giám cho tấm lòng thành của khách thập phương. Khói hương bay lên là sợi dây nối các dòng trí tuệ từ xưa đến giờ, cho ta tiếp nhận linh khí của trời đất…”. 

Và cứ thế, ông Thìn đưa du khách đi qua những khu vực nhà Phương Đình, Tiền Tế, Chuyển Bồng, Hậu Cung… Khi dừng lại tại khu nhà bia, ông chạm tay lên "Cổ Pháp Điện Tạo Bi" (bia đền Cổ Pháp) ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý, nhấn mạnh hơn cho người nghe: “Trong chiến tranh, khi chiếm đóng Đình Bảng, giặc Pháp phá Đền Đô, đã lấy bia này để tập bắn. Từ ngày xây dựng lại Đền Đô, tấm bia được đặt lại vị trí cũ. Dẫu trên mình còn những vết thương chiến tranh, nhưng tấm bia vẫn thật vững vàng, để hôm nay, chúng ta thấy và con cháu chúng ta mai sau hiểu sự tồn tại của một dân tộc, đất nước như hôm nay là nhờ sự hi sinh của bao người”. 

Qua mỗi di tích, ông Thìn lại có những câu chuyện, vần thơ riêng. Hình ảnh về các đời vua triều Lý, truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc cứ thế ngân vang, bay bổng. Quay trở lại trước cổng Ngũ Long môn, ông Thìn nhắn nhủ: “Quý vị đã dâng hương tưởng niệm các vua Lý, thăm các hạng mục công trình, nghe giới thiệu lịch sử. Mời quý vị một phút lãng mạn đứng ở cửa Rồng, nhìn về Thăng Long - Hà Nội. Mỗi lần đứng ở cửa Rồng, đền Đô, ta cảm nhận thêm bao điều mới lạ Đất Nước ơi ngàn đời xanh cây lá, bàn tay người chăm sóc bốn mùa tươi, từng bậc thang nâng bước thang đời, cửa rồng mở rồng bay lên hùng vĩ đền đô thiêng thiên, địa, nhân…”. 

Lời giới thiệu kết thúc, đoàn người không ai bảo ai đều vỗ tay tán thưởng dành cho ông Thìn. Đứng cạnh tôi, anh Nguyễn Văn Hải (Long Biên, Hà Nội) không giấu được sự cảm phục. Anh nói nhỏ với tôi: “Tiếc quá, không có máy ghi âm để lưu lại lời cụ Thìn. Mỗi lời, mỗi câu nói của cụ đều xuất phát từ đáy lòng mình, như tâm huyết của cụ với Đền Đô vậy”. 

BỒI DƯỠNG HƯỚNG DẪN VIÊN TRẺ

Sau buổi hướng dẫn, ông Nguyễn Đức Thìn tiếp chuyện chúng tôi. Nắm chặt bàn tay bị cụt những đốt ngón vì di chứng của bệnh phong, chúng tôi hiểu hơn những nghị lực lớn lao trong con người nhỏ bé ấy. Ông Thìn nhớ lại, vào năm 1989, ngay khi bắt tay vào xây dựng lại Đền Đô, ông đã bắt đầu gắn bó với việc thuyết minh, hướng dẫn cho các đoàn du khách đến tham quan. Dù là người lao động hay các cấp lãnh đạo, đoàn học sinh hay đoàn khách quốc tế, mỗi khi bày tỏ mong muốn tìm hiểu về Khu di tích lịch sử Đền Đô, ông Thìn đều nhiệt tình tiếp đón, giới thiệu. 

Thời gian đầu, dù làm không lương, ông Thìn vẫn cần mẫn với công việc. Không chỉ làm công tác thuyết minh đơn thuần, ông còn sáng tác thơ và chụp ảnh, góp phần làm phong phú hơn nội dung giới thiệu cho khách tham quan. Nhưng từ năm 2010, khi số lượng khách về thăm Đền Đô ngày càng đông, ông Thìn không thể một mình làm hết các công việc như trước. Để hỗ trợ ông, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Đô đã thành lập Tổ Tuyên truyền. Trong quá trình thuyết minh, sẽ có nguồn thu để chi trả cho đội ngũ hướng dẫn viên.

 

Ông Thìn có thêm nhiệm vụ mới làm Tổ trưởng Tổ Tuyên truyền, phụ trách việc nghiên cứu viết sử Đền Đô, duy trì Câu lạc bộ Thơ Đền Đô và đặc biệt là bồi dưỡng lớp trẻ làm hướng dẫn viên du lịch. Cũng từ đó, ông Thìn đã đào tạo được 3 hướng dẫn viên nữ là chị Đặng Thị Diệp, Nguyễn Ngọc Lương, Đặng Tố Hoa. Những học trò mới đều là nữ giới, lại thêm bận rộn việc gia đình, ông Thìn vừa hỗ trợ kĩ năng, vừa khéo léo động viên giúp các chị thêm yêu nghề. Chị Đặng Thị Diệp khi nhắc đến người “thầy” hướng dẫn mình khi chập chững bước vào nghề vẫn còn nhớ những lời dặn ban đầu: “Hướng dẫn viên du lịch cần đức sáng, tâm trong, hiểu sâu lịch sử và thực tế xã hội, nồng cháy niềm tin yêu con người và cuộc sống. Phải đam mê và thắp sáng mình trong công việc, yêu thương quê hương, đất nước. Phải chăm chỉ học tập, nâng cao trình độ, hy sinh cho công việc, cùng là người hướng dẫn viên cũng phải biết hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. 

Sau gần chục năm, nhóm hướng dẫn viên trẻ của ông Thìn đã trưởng thành, có thể chủ động đón những đoàn khách lớn trong và ngoài nước về tham quan. Nhìn hình ảnh ấy, ông Thìn từng xúc cảm dành tặng cho các học trò: “Em duyên dáng trong từng lời tha thiết/ Chuyện Đền Đô - chuyện kể nước non nhà/ Những tiếng đời mười thương nhớ vang xa/ Nghe lịch sử thêm tin yêu cuộc sống…”. 

Đánh giá cao những đóng góp của ông Nguyễn Đức Thìn trong việc giới thiệu hình ảnh Đền Đô đến du khách trong và ngoài nước, ông Nguyễn Đức Vỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Đô chia sẻ: “Ông Thìn là người gắn bó và có nhiều kinh nghiệm với công tác tuyên truyền về Đền Đô. Nội dung tuyên truyền của ông đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng tham quan khác nhau”. 

Chia tay Đền Đô, chúng tôi luôn nhớ đến hình ảnh của người hướng dẫn viên nhỏ bé, đôi tay khó khăn cầm chiếc máy ảnh nhưng khi nhắc đến Đền Đô thì lời nói và hành động luôn chứa đầy cảm xúc. Khách đến tham quan thường gọi ông bằng nhiều tên gọi khác nhau như “Nhà Đền Đô học”, “ông Từ Đền Đô”, còn ông luôn đón chào với tấm lòng yêu mến: “Đền Đô thiêng, Thiên - Địa - Nhân vi mĩ/ Người dân hương khói tỏa ấm nhân tình/ Sáng hồn Việt, đẹp tấm lòng nhân ái/ Uống nước nhớ nguồn, không hẹn cũng lên!” ./.