Trang chủ Chân dung hội viên

NGHỆ SỸ ƯU TÚ NGUYỄN ĐỨC TÚ VÀ "DUYÊN NỢ" VỚI NGHỆ THUẬT VỚI NGHỆ THUẬT TUỒNG
08:55 | 14/07/2021

Sinh ra trên đất tuồng Tam Lư, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Đức Tú, Chi hội Trưởng Chi hội Sân khấu (Hội VHNT tỉnh) ngấm tiếng trống chầu từ khi còn thơ bé. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng để rồi hơn 40 năm qua, ông vẫn đam mê gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống của quê hương.

Niềm đam mê dang dở

Lần đầu ngồi với NSƯT Nguyễn Đức Tú, tôi đã ấn tượng với dáng ông ngồi tỉ mỉ khâu, đính từng phụ kiện vào những trang phục, đạo cụ cho diễn viên tuồng. Sự kiên trì ấy đến từ tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống mà ông đã theo đuổi mấy chục năm qua. Ông kể: Gia đình tôi mấy đời hát tuồng, ông ngoại là người truyền tình yêu cho tôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với tiếng trống chầu giục giã và những đêm trăng sáng ra sân đình xem tuồng. Vô vàn những tích tuồng từ cổ cho đến hiện đại trở thành người bạn không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Đức Tú dự tuyển vào Đoàn Tuồng Hà Bắc (cũ), là 1 trong 4 người trúng tuyển của huyện Tiên Sơn nay là thị xã Từ Sơn. Đức Tú được cử ra Trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh) đào tạo từ 1977-1981. Ra trường, ông đầu quân về Đoàn Tuồng Hà Bắc và là một trong những diễn viên chính của đoàn. Lưu diễn khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, Đức Tú được khán giả nhớ đến nhiều nhất ở các vai “kép pha”, “kép trung”, nhưng có lẽ công chúng ấn tượng nhất với ông ở các vai “kép phản”. Đang thời sung sức của tuổi trẻ, ông được thể hiện hết mình với đam mê thì năm 1991, tinh giản biên chế, Hà Bắc có 4 đoàn: Tuồng, Chèo, Kịch, Quan họ rút gọn chỉ còn 2 đoàn là: Chèo và Quan họ. Đức Tú là một trong số 11 anh, em diễn viên được lựa chọn sang Đoàn Chèo Hà Bắc. Tuy nhiên, chèo không thật sự là niềm đam mê nên ông xin nghỉ chế độ. Khi ấy, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ mời đích danh ông ra đầu quân cho Nhà hát Tuồng Việt Nam để tiếp tục thỏa niềm đam mê nghệ thuật, song do điều kiện gia đình ông xin từ chối.

Vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống quê hương

Về quê, song nghệ thuật Tuồng vẫn khiến ông trăn trở. Năm 1994, ông bắt tay thực hiện những dự định đã ấp ủ bấy lâu trên mảnh đất quê mình. Ông tái thành lập Đoàn tuồng Tam Lư, tập hợp những người yêu tuồng, vực dậy bộ môn truyền thống của quê hương một thời nổi tiếng khắp miền Bắc. Ông cùng với những người đam mê phát triển phong trào nghệ thuật tuồng quần chúng, lặn lội đến từng thôn, xóm tổ chức diễn tuồng. Thời kỳ còn khó khăn, Đoàn tuồng Tam Lư đi diễn phục vụ nhân dân nhọc nhằn, vất vả lắm, đôi lúc phải ăn nghỉ tạm bợ, thiếu thốn đủ điều, nhưng ông luôn cảm thấy vui và mãn nguyện khi thấy bà con sau một ngày làm việc ngoài đồng mệt nhọc, đêm về vẫn đi xem hát tuồng. Tuồng không chỉ sống lại trên quê hương Tam Lư, phong trào gìn giữ và biểu diễn tuồng ngày càng lan tỏa và phát triển rộng khắp ở các địa phương khác trong tỉnh. NSƯT Đức Tú góp công không nhỏ trong việc xây dựng các đoàn tuồng không chuyên ở thị xã Từ Sơn và nhiều địa phương khác trong đó có Đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên tỉnh Bắc Ninh.

Chuyên tâm phát triển nghệ thuật tuồng quần chúng, ông không chỉ làm diễn viên chính trong các buổi biểu diễn mà còn kiêm chuyển thể kịch bản, đạo diễn, dàn dựng tiết mục. Ông đã dàn dựng 20 tiết mục, trong đó 10 tiết mục đạt Huy chương Vàng, 6 tiết mục đạt Huy chương Bạc cho các đơn vị không chuyên trong tỉnh tham gia các hội diễn toàn quốc. Ông được mệnh danh là diễn viên Huy chương Vàng, bởi chưa khi nào ông nhận Huy chương Bạc cá nhân. Huy chương Vàng đầu tiên ông đạt năm 1990 khi ở Đoàn Tuồng Hà Bắc với vai “Trần Mỹ” trong vở “Chiếc bóng oan khiên”. Tính đến nay, ông giành hơn 10 Huy chương Vàng cá nhân ở các hội diễn toàn quốc, khu vực, của tỉnh.

Nhận thấy tuồng chưa “bén rễ xanh cây” trong đời sống hôm nay bởi thời hiện đại có quá nhiều loại hình nghệ thuật bắt mắt, trong khi những người gắn bó với tuồng ngày càng có tuổi, một số người không đủ điều kiện trụ lại. Nếu không có giải pháp thì tương lai không xa, tuồng sẽ không còn xuất hiện trong hội làng, trên sân khấu. Bởi vậy, năm 1996, ông cùng những người yêu tuồng của thị xã Từ Sơn thành lập Đội tuồng Đồng Ấu, gồm con, em của các thành viên và vận động các cháu khác tham gia. Ông lặn lội đi mời các thầy ở Nhà hát tuồng Việt Nam về truyền dạy cho Đội tuồng Đồng Ấu. Sau thời gian dài sinh hoạt, Đội tuồng Đồng Ấu đã đi biểu diễn, nhiều em có tình yêu với tuồng từ đó. Dù hiện nay, các thành viên Đội đã trưởng thành bận rộn với gia đình, cuộc sống, song ông vẫn luôn hy vọng, thế hệ tuồng Đồng Ấu sau này sẽ là những người nối tiếp truyền thống quê hương, tiếp tục gìn giữ nghệ thuật tuồng quý báu của ông, cha.

Với những cống hiến cho nghệ thuật tuồng, năm 2012, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm, bởi đến nay ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về việc bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc. NSƯT Nguyễn Đức Tú chia sẻ: Tuồng là bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo mang tính bác học, từng có một thời hoàng kim. Trên sân khấu, nhìn diễn viên bước đi, ánh mắt, nụ cười, động tác, cử chỉ, điệu bộ là biết được người đó diễn đạt hay không. Tài năng của diễn viên tuồng là khi diễn phải có hồn, làm rung động trái tim khán giả.

60 năm tuổi đời với hơn 40 năm hoạt động thầm lặng và bền bỉ, NSƯT Nguyễn Đức Tú vẫn luôn giữ lửa đam mê và cháy hết mình trên sân khấu. Ông đã góp phần gìn giữ, phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống cho nhiều thế hệ. Thâm tâm ông mong muốn, Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa để nghệ thuật tuồng trở thành di sản được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại./.

                                                                                                                                                                                                        MINH HƯỜNG