Trang chủ Chân dung hội viên

TỰ ĐÁNH DẤU MÌNH BẰNG CHẤT KINH BẮC QUÊ HƯƠNG
16:03 | 17/11/2020

 

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Chương (1940 - 2020), quê xóm Ngòi, Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh, hội viên sáng lập Hội Văn nghệ Hà Bắc (1980), tác giả tập thơ “Gửi người đang yêu”, tập văn “Những hạt vàng siêng nhặt”, tập “Thơ văn tinh tuyển”, giải Tư thơ lục bát, báo Giáo dục &Thời đại, giải Ba VHNT Bắc Ninh lần thứ I (2012 - 2017). 

Cách đây không lâu báo Văn nghệ có đăng bài về chuyện nhà thơ Nguyễn Văn Chương (Bắc Ninh) đến thăm nhà thơ Nguyễn Văn Chương (Bình Định), bài của chính nhà thơ Chương (Bình Định). Chuyện trùng tên của các nhà văn nhà thơ ở ta không hiếm, nhưng thường có người tự thay đổi tránh đi, kiểu Vũ Bão thành Bão Vũ, Nguyễn Tuân thành Tuân Nguyễn chẳng hạn. Còn hai nhà thơ Chương của chúng ta trùng khít cả tên, tên đệm và họ lại không ai chịu nhường ai. Hẳn mỗi người có lí do riêng của mình. Nhà thơ Chương (Bình Định) thế nào tôi không rõ, còn nhà thơ Chương (Bắc Ninh) thì có lý do chính đáng, cái tên mang tính định mệnh gắn người với thơ, thơ với người: Văn Chương. 

Nhà thơ Nguyễn Văn Chương tuổi Canh Thìn, quê làng Chằm (Thuận Thành, Bắc Ninh). Làng Chằm vốn là dân Đình Bảng di cư về sau khi nhà Trần lên ngôi. Làng lắm nhân tài. Riêng thế hệ ông có đến gần chục nhà thơ, như Nguyễn Duy Hợp, Nguyễn Phan Hách, Duy Phi, Duy Khoát... Hồi nhỏ ông tên là Cự. Mê thơ ca từ tấm bé. Bấy giờ có cụ giáo Dưỡng (quê Mỹ Hào) dạy ở làng, thơ ca đầy mình. Cụ giáo có tài dân vận bằng cách đặt vè cho nhiều người trong làng. Nhờ cụ mà những người nông dân chân chất làng Chằm trở thành nhân vật văn học được truyền tụng. Ông chỉ nghe lỏm mà thuộc hết thơ thầy. Lại biết vận vào đời sống. Một lần cụ giáo thử tài, cho mượn cuốn sách giáo khoa lớp nhất, vài hôm sau hỏi có thuộc bài nào không. Không ngờ cậu trò nhỏ đọc thuộc làu tất cả các bài thơ, kể cả bài Hận Sông Gianh khá dài, nhiều học sinh lớp nhất còn bị điểm kém vì nó. Cụ giáo nói với bà mẹ cậu trò nhỏ nên đổi tên cho cháu thành Chương, sau này cậu bé nhất định phát lộ tài năng văn chương. Với lòng kính trọng thầy, bà mẹ y lời, cải tên Cự thành Chương cho con trai, với mong muốn con sẽ văn hay chữ tốt.

Nhưng đấy mới là kì vọng của thầy, của mẹ. 

Còn cậu học sinh lớp 7 đã suýt rẽ ngang làm anh văn thư Ủy ban hành chính ở Thái Nguyên. Cũng là do cái vạ văn đầu đời. Cậu viết truyện ngắn Cái khăn tang gửi cho báo Nhân Văn đúng vào lúc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị dọn dẹp. Cậu sợ bị kỷ luật nên bỏ học, rồi lên chơi nhà ông chú làm cán bộ ở Thái Nguyên. Ông chú đang thiếu cán bộ có học lấy cháu vào làm. Bấy giờ thầy chủ nhiệm thấy cậu trò yêu bỏ học lâu, đến nhà tìm hiểu. Vỡ lẽ, thầy khuyên nên học cho đến đầu đến đũa thì sau mới phục vụ cách mạng tốt hơn. Tuổi ăn học hãy lo học chu đáo đã. Vậy là không bị kỷ luật, cậu quay về trường học tiếp.

Dấu ấn đáng kể đầu tiên đủ sức đẩy Nguyễn Văn Chương dấn thân vào văn học là sự kiện bài thơ Chữa máy thời gian của ông được in trên báo Văn học năm 1960. Từ cú hích này mà ông đam mê sáng tác. Ở trường Sư phạm Hưng Yên ông được học thầy Trương Ngọc Liên, một nhân cách lớn, một tâm hồn thi sĩ. Thầy Trương Ngọc Liên sau là biên tập viên tạp chí Người Hà Nội, có vài tập thơ đã in. Ảnh hưởng của thầy Liên rất sâu đậm tới nghiệp thơ của ông. Đến mức sau khi thầy Liên qua đời, ông lập bàn thờ riêng thờ thầy, một cách biết ơn thầy hiếm gặp thời nay. Ông được khuyến khích, được tạo điều kiện hoạt động văn học trong trường. Ông là mẫu người đặc biệt nhiệt thành với sáng tạo. Mỗi khi ông có cảm xúc thì người ông như ở tình trạng không trọng lượng. Ông mô tả: Cảm xúc dồn về xôn xao như đàn ong mang nhụy hoa về tổ (Cô pháo thủ làm thơ). Thỉnh thoảng ông có thơ in ở các số quan trọng trên báo Văn nghệ, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân, ba tờ báo lớn bấy giờ.

Hồi ấy ông dạy học ở huyện miền núi Lục Nam, mỗi lần về thăm nhà phải đạp xe mấy chục cây số qua sông Lục, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống. Khi qua cầu Bắc Giang, gặp đơn vị pháo binh bắn cháy máy bay Mỹ đến đánh phá cầu, ông xúc cảm viết bài Bên nòng pháo đêm nay. Bài được in ở báo Nhân Dân năm 1967, rồi được tuyển vào tập thơ chống Mỹ cứu nước của Nhà xuất bản Giáo Dục năm 1968 và trở thành phần phụ lục chương trình phổ thông. Ông lấy cái tứ lao động hoà bình để đối lập chiến tranh. Chàng trai lực điền từ bé đã theo cha mở phù sa cày cấy, vì giặc Mỹ xâm lược mà tòng quân trở thành pháo thủ ngay trên mảnh đất quê hương. Trong âm hưởng lớn cả dân tộc lên đường cứu nước, nhà thơ trẻ giãi bày: Anh lớn lên ở bờ Nam sông Đuống/Phù sa đỏ rực ước mơ/Đã hẹn với lòng từ thuở bé thơ/Lớn theo cha mở phù sa bát ngát/Mồ hôi đổ theo lúa gieo từng hạt/Giấc mơ ươm như mầm mạ lên nhanh/Xanh cả ruộng đồng, xanh cả tuổi xanh/Cánh cò trắng cũng dập dìu trong giấc ngủ/Nhưng hôm nay lại là người pháo thủ/Bên sông Thương hương lúa toả mênh mông/Khi dải Ngân Hà nghiêng bóng dòng sông/Đầu anh cũng chói ngời Sao Chiến Sĩ…

Cảm xúc mạnh thì tác phẩm có dấu ấn. Mang nặng đẻ đau thì quý mến nâng niu. Cảm xúc ấy còn đậm nét trong ông mãi sau khi tác phẩm đã hoàn thành. Ông thuộc hết các tác phẩm của mình, kể cả văn xuôi. Bài tản văn Chị em đi chợ Tết dài ngót 5 nghìn chữ ông viết hàng tháng mới xong mà vẫn thuộc làu đến từng dấu câu trong bài. Ông quan niệm tác phẩm của mình mà mình còn không thuộc thì người khác ai thèm đọc. Thuộc còn để tiếp tục đánh vật với từng câu từng chữ thay đổi xê dịch cho hoàn thiện. Viết xong là muốn đọc ngay cho bạn bè góp ý. Thậm chí nắm cơm đạp xe ra Thủ đô gửi bài tận cơ quan báo. Như hồi theo bước chân thần tốc, ngày 29/3/1975 ta giải phóng Đà Nẵng và đang tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn, nhà thơ trào dâng cảm xúc viết bài Cả non sông đang điểm giờ khánh hạ, dài 72 câu, 6 chú thích, viết một mạch từ 9 giờ đêm đến 2 giờ sáng là xong:

Có phút giây nào trang nghiêm mà sôi động/Bằng những phút giây ta đang sống bây giờ/Dẫu thiên tài nhạc, dẫu thiên tài thơ/Chẳng tưởng tượng kịp bước chân anh giải phóng/Cưỡi ngựa sắt thuở xưa Thánh Gióng/Ruổi quân thù có nhanh thế này chăng.

Ông bảo vợ nắm cơm muối vừng cho rồi tức tốc gò lưng đạp xe ra Hà Nội. Nhà báo Phú Bằng (Phó Ban Văn Nghệ) ở báo Quân đội Nhân dân nhận bài rất phấn khởi duyệt in ngay. Lúc này nhà thơ đã bình tâm hơn, xin đăng vào số chủ nhật (13/4/1975) ở trang văn nghệ.

Đang lúc thăng hoa thì nhà thơ giật mình phát hiện còn có Nguyễn Văn Chương khác ở Bình Định. Bị báo động hụt mấy lần. Cứ tưởng thơ mình được in hoá không phải, Chương khác. Lại còn nhầm bài của mình, Chương (Bắc Ninh) bị ghi rõ thành Nguyễn Văn Chương (Bình Định) như bài Câu đối trong văn hoá người Việt in trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống. Ông chủ ý tự đánh dấu thơ mình bằng chất Kinh Bắc quê hương. 

Kinh Bắc là trung tâm văn hoá Việt, mật độ tục ngữ ca dao đậm đặc, nhà thơ sử dụng nhiều chất liệu dân gian này vào tác phẩm. Đã đành nhà thơ nào cũng có quyền và có thể sử dụng như thế, nhưng với ông tần suất cao hơn. Và nó cũng là một dấu hiệu riêng của phong cách. Định hình được phong cách cá nhân thì dễ nhận cái riêng biệt của mỗi người. Sử dụng nhiều chất liệu tục ngữ ca dao dân ca thì thơ gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân hơn, câu chữ mềm hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Và ngược lại, chính cái giọng điệu dân gian này lại làm nên sự thành công mới của nhà thơ. Thống kê riêng tập Gửi người đang yêu gồm 63 bài thì vận dụng ca dao 17 lần, đồng dao 1 lần, câu đố 1 lần, tục ngữ 32 lần, dân ca Quan họ 2 lần, thành ngữ 65 lần. Bài thơ Bàn tay cô thợ khắc tranh có 5 lần sử dụng chất liệu dân gian: Làng em có lịch có lề (ca dao làng Mái, làng làm tranh); Cha sinh mẹ dưỡng (tục ngữ); Cuốc bẫm cày sâu (thành ngữ); Tháng tốt ngày lành (thành ngữ); Đường kim đã khéo vá vai (tục ngữ). Bài thơ Hành trang sang gặp bạn có 5 lần sử dụng chất liệu dân ca: Môi son má phấn (thành ngữ); Mớ bảy mớ ba (thành ngữ Quan họ); Mang chuông sang đất bạn (tục ngữ); Tiếng thơ ngâm ngoài lái (lời dân ca Quan họ). Bài thơ Ghi ở làng trẻ S.O.S có đến 8 lần: Cắt rốn chôn rau (thành ngữ); Muối mặn gừng cay (thành ngữ); Con bế con bồng (thành ngữ); Con cò con vạc con nông (ca dao); Lưng ong mắt phượng (thành ngữ); Kẻ trọng người khinh (thành ngữ); Cây dứa dựa cây đa (tục ngữ); Mẹ gà con vịt (thành ngữ)...

Ngôn ngữ dân gian, chất Kinh Bắc còn cô đặc trong hàm lượng văn hoá truyền thống tranh Đông Hồ, hát Quan họ, các anh hùng văn hoá và lễ hội. Nhà thơ Nguyễn Văn Chương suốt đời tắm mình trong chất Kinh Bắc này và lấy đó là cảm hứng sáng tạo. Mảng đề tài tranh Đông Hồ ông có một loạt bài thành công: Bàn tay cô thợ khắc tranh, Bến làng phiên chợ Tết, Tặng cô thợ cấy Đông Hồ, Con gái vùng Dâu, Hứng dừa, Đề tranh Đinh Sửu... Đề tài Quan họ ông cũng có loạt bài thành công: Lựa nhịp nào em ơi, Hành trang sang gặp bạn, Người ngoan, Núi huyền thoại sông dân ca, Hội chèo, Hát đôi... Đề tài lễ hội ông có loạt bài: Hội chen, Sang xuân trẩy hội, Giao thừa gọi bạn, Qua đền thờ Tấm... Nhưng dù lấy cảm hứng từ đề tài nào thì chất quê kiểng, chất dân dã vẫn hiện diện trong từng câu thơ và toát lên chất nhân bản nhân văn mang đậm lối sống Kinh Bắc. Nhà thơ cứ tỉ mẩn, chậm rãi tải chất văn hoá vào thơ. Không vội vã. Không xô bồ ào ạt. Thơ cốt tinh không cốt nhiều. Chỉ khi nào cảm hứng ùa về rộn rã như bầy ong mang nhuỵ hoa về tổ làm mật lúc ấy ông mới cầm bút. Làm xong còn trau chuốt từng chữ, khi đó ông mới cho xuất xưởng. Ta hãy thưởng ngoạn câu thơ vẽ cảnh thôn quê không qua bóng tre mái rạ mà qua những hình ảnh: Cỏ may vẫn bám đê làng/Phấn hoa mướp vẫn nhuộm vàng cánh ong (Con sáo sang sông). Hay cảnh: Ríu ran dịu cả nắng hè/Lội ao nhà hái muống bè chấm tương (Tình quê) Ai đời táo chín còn chua/tưởng ghê răng cả người khua trống đình (Hội chèo). Hồn người hồn quê: Đỏ như hoa gạo tháng ba/Xanh như cỏ mộ ông bà giêng hai (Tình quê). Láng giềng đồng đến mời nhau/Xua đi cái giá miếng trầu trao tay (Tặng cô thợ cấy Đông Hồ). Cảnh chợ quê ngày Tết: Vun cao như bầu sữa/Cối gạo nếp hoa vàng/Những con gà mào lửa/Vỗ cánh chào xuân sang (Bến làng phiên chợ Tết). Bài thơ Bến làng phiên chợ Tết do nhà thơ Duy Phi viết lời bình, phát sóng nhiều lần trên Đài tiếng nói Việt Nam vào những dịp áp Tết. 

Hát Quan họ đầu xuân thực ra cũng là một phần của lễ hội dân gian. Nhà thơ lẩy chất Quan họ và kỹ tính: Giọng kim rồi giọng thuỷ/Vốn riêng thành của chung để Giữ nhịp hoà cho vang khi: Tiếng thơ ngâm ngoài lái/Hương rượu bình trong khoang (Hành trang sang gặp bạn).

Làm thơ từ sớm nhưng mãi ngoài bốn mươi tuổi Nguyễn Văn Chương mới dám làm thơ lục bát. Bởi loại thơ này dễ làm khó hay. Ông bỏ ra nhiều công sức học thể loại từ Kiều kết hợp với kĩ thuật ngữ âm hiện đại. Về bằng trắc thì chữ thứ hai câu tám bao giờ cũng là thanh bằng, chữ thứ tư câu tám bao giờ cũng là thanh trắc. Không bao giờ dùng vần lưng, hạn chế dùng vần mát, luôn tránh vần mát như in/im, in/inh, an/ang... Không bao giờ vần quẩn (chữ thứ sáu cùng khuôn âm với chữ thứ tám của câu 8) khiến thơ ông nhuần nhị. Thơ là đề cao cái đẹp ngay từ đề tài, xây dựng hình tượng. Thậm chí tên bài cũng nói lên tứ. Như: Dặn con vào đại học, Ông Phúc Hậu... Nói về cuộc sống hiện đại mà lại toàn lấy truyền thống ra làm điểm tựa, như bài Dặn con vào đại học chẳng hạn. Lời dặn từ gan ruột của người cha trở thành của chung của nhiều người nhiều nhà hôm nay: Cha thì không còn khoẻ nữa/Con ngoan đời sẽ dạy khôn/Gánh nặng đường dài sắp sửa/Chả ai gánh được thay con/. Vẫn biết bây giờ khác trước/Nào ăn nào mặc nào xe/Tiền thuê nhà tiền điện nước/Sách mà mua chịu ai nghe/. Cha chạy đồng tiền bát gạo/Con đừng chạy điểm chạy bằng/Ba nước cờ phải xuất tướng/Bảo cha thanh thản được chăng/. Cả nước trăm trường đại học/Người vào mỗi năm trăm ngàn/Con ơi đừng quên cái gốc/Đua đòi con lính tính quan/. Hỏng việc đã đành là sửa/Hỏng người dễ chữa được đâu/Nhà mình người ít của kiệm/Lòng cha canh cánh lo âu.

Nguyễn Văn Chương viết chậm. Hơn 40 năm làm thơ ông mới rụt rè công bố tập riêng cuối năm 2001 chỉ với 63 bài. Chính sự tự trọng và cẩn trọng mà ông luôn giữ được chất tươi trẻ, chất sôi trào của cảm xúc. Mỗi tác phẩm của ông luôn được sự chờ đợi của bạn đọc. Bài Hội chen gần đây khẳng định điều đó: Cất ở nhà cái máu ghen/Rủ nhau ta đến Hội Chen Nga Hoàng /Đêm nay tháo khoán cả làng/Cái Nường cái Nõn rộn ràng xôn xao/Lư trầm hương án thì cao/Nẻo tình thì thực khát khao thì gần/Tối như bưng cả mắt Thần/Còn ai bắc cái đồng cân làm gì!/Trống tùng, chiêng cũng bi ly/Cái bao lỏng trước yếm thì tuột sau/Tay dài, chân cũng rướn mau/Xổ đầu khăn lượt, rơi đâu mất hài/Chen nhau thích cánh nghiêng vai/Mặc ai hổn hển, mặc ai thì thào/“Sáo làm sương” sướng làm sao/Hẳn rồi đồng trũng bãi cao được mùa/Hẳn rồi hồ lắm tôm cua/Hẳn rồi... đến Bụt trên chùa cũng say/Nhà gianh nhà ngói gì đây/Cả năm có một đêm nay... tắt đèn!

Một hồn thơ bền bỉ, gắn bó máu thịt với làng quê làm nên giọng thơ Nguyễn Văn Chương (Bắc Ninh) trên văn đàn mấy chục năm qua. Ông thường tâm sự phần tinh của thơ được đong bằng hàm lượng văn hoá. Mà chỉ có khoan thật sâu vào mảnh đất thân yêu của mình mới có được. Sự ý thức tự đánh dấu mình bằng chất Kinh Bắc của ông chính là chủ động sáng tạo làm nên phong cách Nguyễn Văn Chương Bắc Ninh./. 

                                                                                                                                                                                                                                                PHẠM THUẬN THÀNH