Trang chủ Chân dung hội viên

BẠN TÔI
16:10 | 09/01/2020

Phân hội VHNT huyện Thuận Thành hiện có 31 hội viên. Đó là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ sĩ đã có những thành công trong sự nghiệp văn hóa văn nghệ, mà trong đó tiêu biểu là nhà văn Phạm Thuận Thành.

Phạm Thuận Thành sinh năm Tân Sửu, dáng vóc cao lớn, phong độ, đẹp trai, quê ở làng Ngo có hai Trạng nguyên, nay là thôn Thường Vũ, xã An Bình. Anh vừa là nhà văn, vừa là nhà thơ, vừa là nhà báo, vừa là nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian. Trước kia anh từng là sĩ quan quân đội, giảng viên ở một trường sĩ quan, thông tin viên báo “Quân đội nhân dân”, nay đã phục viên, sống là làm việc ở quê hương. Anh là mẫu hình khá lạ, chân lội ruộng cày cấy nhưng đầu óc lại tư duy văn chương, học thuật. Từ năm 2001 anh đã là hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Anh thường có bài in ở tạp chí “Ngôn ngữ và đời sống” của Hội. Có năm tạp chí ra 11 số thì anh được in tới 12 bài. Anh còn viết bài tham gia hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc. Với lợi thế am hiểu Hán học anh thường la cà di tích lịch sử văn hóa để khoan sâu các tầng văn hóa dân tộc, từ đó có tác phẩm ra đời. Anh thường có bài viết in trên tạp chí “Xưa và Nay” của Hội Lịch sử Việt Nam. Tích tiểu thành đại, anh đã xuất bản hơn 20 đầu sách biên khảo văn hóa lịch sử. Tiêu biểu là các cuốn “Truyền thuyết thành cổ Luy Lâu”, “Huyền tích chùa Bút Tháp”, “Kể chuyện quê hương nhà Lý”…

Về văn chương, Phạm Thuận Thành là hội viên Hội VHNT Bắc Ninh. Từ năm 2004 anh được bầu là Phân hội phó VHNT Thuật Thành và Ủy viên BCH Chi hội Văn học. Từ năm 2015, anh được bầu là Phân hội trưởng VHNT Thuận Thành. Năm 2017 anh được kết nạp vào Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, sau đó là Chi hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tỉnh Bắc Ninh. Theo tôi được biết Phạm Thuận Thành đã cho ra đời hơn 30 đầu sách, trong đó có 4 tiểu thuyết, 8 tập truyện ngắn, 1 tập thơ và sách khảo cứu văn hóa. Đặc biệt là trên lĩnh vực báo chí tháng nào anh cũng có bài in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, như báo Văn nghệ, Quân đội nhân dân, Nhân dân, Giáo dục và thời đại, Bắc Ninh, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Người Kinh Bắc… Với tài năng bẩm sinh, với lòng say mê nghề nghiệp, với quyết tâm cao, Phạm Thuận Thành đã đạt được nhiều giải thưởng các cấp, trong đó đáng chú ý là giải C trong cuộc thi thơ 2002 - 2004 của Tạp chí Văn nghệ quân đội và giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Đặc biệt là “Huy chương vàng”, theo cách nói của anh em, anh có 2 tác phẩm “Khí phách Đại Việt” và “Hội võ mùa xuân” được chọn in trong sách giáo khoa lớp 3 cải cách.

Phạm Thuận Thành không phải là người nhàn nhã, chuyên tâm cho việc văn chương mà cũng phải bươn trải lo cơm áo gạo tiền, phải lo việc đồng áng nuôi con học đại học. Cơm áo không đùa với khách thơ. Bù lại sự gian lao vất vả đó anh có một gia đình rất là hạnh phúc. Mẹ già ngoại bát tuần vẫn mạnh chân khỏe tay trồng rau nuôi gà giúp con cháu. Người vợ hiền, đảm đang, chung thủy và những đứa con hiếu học, hiền thảo. Đối với gia đình thì vậy, còn đối với anh em, bạn bè thì Phạm Thuận Thành luôn hết mực giúp đỡ, chia sẻ. Anh quả là một người đàn ông mẫu mực. Từ khi anh được bầu làm Phân hội trưởng Phân hội VHNT Thuận Thành thì hoạt động của Phân hội trở nên sôi động hơn. Đó là cuộc thi thơ phát động toàn quốc về văn hóa Luy Lâu đã thành công tốt đẹp với hàng nghìn bài dự thi, từ đó tìm ra những bài chất lượng nhất để trao giải. “Nhà sách Luy Lâu” do Phạm Thuận Thành phối hợp cùng với nhà văn Nguyễn Hữu thành lập nên với số lượng hiện nay đang có trên 6 nghìn bản sách. Rồi, đó là những lần tổ chức cho anh em hội viên đi thâm nhập thực tế ở nhiều nơi trong huyện để lấy cảm hứng sáng tác theo yêu cầu nhiệm vụ.

Phạm Thuận Thành thực sự trở thành trung tâm đoàn kết của Phân hội là một cây viết trẻ tài năng, đầy triển vọng mà anh em trong Phân hội ai cũng mến yêu, thán phục.

Phạm Thuận Thành không ngừng nâng cao trí tuệ, tu dưỡng bằng cách đi nhiều, đọc nhiều, học nhiều. Và nhất là việc tham gia các trại sáng tác. Đây là thời gian quý báu để viết những cái ấp ủ, cũng là cơ hội tốt giao lưu, học hỏi các bậc đàn anh trong văn giới. Và có lẽ chính vì thế mà Phạm Thuận Thành đã tỏ ra rất nhiệt tình, háo hức khi mỗi lần được mời đi hoặc cử đi, cho dù có bão mưa, khó khăn, đường xá xa xôi đến đâu cũng quyết tâm lên đường. Anh đã từng tham gia nhiều trại sáng tác. Đó là Trại của Liên hiệp, của ngành công an, của quân đội, của Hội VHNT các DTTS Việt Nam… Đây là niềm vinh dự tự hào của Phạm Thuận Thành trong giới Văn nghệ sỹ Bắc Ninh.

Có một chi tiết khá đặc biệt mà anh kể cho tôi nghe. Đó là lần đi Trại sáng tác của Nhà xuất bản Quân đội ở Hồ Núi Cốc. Chỉ trong 25 ngày dự Trại, trong đó có đến 5 ngày đi thực tế, tham quan mà anh “cày” xong cuốn tiểu thuyết “Cổ Trai xuất đế” dày trên 300 trang viết về thế kỉ chiến tranh của nước ta, thế kỉ 16, xung quanh ba dòng họ Nguyễn, Trịnh, Mạc. Cuốn này ngay sau đó “ăn” giải của Liên hiệp. Và qua đó mới thấy sức viết, sức sáng tạo của Phạm Thuận Thành mãnh liệt biết chừng nào.

Giờ đây, khi cả nước đang gấp rút hoàn thành mọi công việc để chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới, Xuân Canh Tý, năm 2020 thì nhà văn Phạm Thuận Thành lại có thêm một niềm vui mới. Mới đây, anh được bầu giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Bắc Ninh. Thêm chức vụ là thêm trách nhiệm với phong trào VHNT của tỉnh. Tôi nghĩ rằng, Phạm Thuận Thành sẽ còn có những bước tiến xa hơn nữa bởi tài năng, đức độ, bởi anh lại đang ở tuổi sáng tác chín nhất, sung sức nhất, thanh xuân văn đàn nhất.

Bạn tôi, nhà văn Phạm Thuận Thành là như thế đó./.

                                                                                                                                                                                                                                                 NGUYỄN HỮU