Trang chủ Chân dung hội viên

THƯƠNG NHỚ MỘT NGHỆ SỸ TÀI HOA
10:42 | 14/06/2021

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian (VNDG) - nhà thơ Phúc Toản vừa vĩnh biệt chúng ta đúng vào “Ngày hội non sông”, đó là ngày Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nghe tin anh mãi mãi đi xa sau một thời gian đau đớn phải chịu đựng, chống đỡ với chấn thương nặng do hậu quả của vụ tai nạn khó lường, lại đúng vào giai đoạn tình hình dịch covid - 19 ngày càng diễn biến phức tạp, kéo dài, không thuận cho việc chăm nom, thăm hỏi cũng như khi thực hành nghi thức tang lễ, phúng viếng lúc qua đời… càng làm cho tôi và bao bạn bè, đồng nghiệp thêm xót xa như mình có lỗi, với niềm cảm thương tiếc nuối khôn nguôi!

Anh Phúc Toản ơi! Mới hôm nào, cách đây chưa qua hai tuần trăng, giữa một ngày đẹp trời se lạnh, nơi khu Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt uy nghiêm, trang trọng, nằm sát bên dòng Như Nguyệt lịch sử và thơ mộng ấy… bao thi huynh thi hữu từ khắp mọi nơi cùng về tề tựu, chung vui; cùng giao lưu, gặp gỡ nói nói cười cười; trong đó có anh và tôi còn đọc cho mọi người thưởng thức, chiêm nghiệm những trang thơ sâu lắng tình đời, tình người… Chúng mình còn hẹn với các bạn thơ và đồng nghiệp lại gặp nhau giữa lễ hội Đền Đô thiêng linh, đầm ấm, đông vui vào một ngày gần đây. Vậy mà nay đã âm dương cách biệt, xa cách nghìn trùng!

Nhà nghiên cứu VNDG - nhà thơ Phúc Toản, tên khai sinh là Nguyễn Viết Toản, tuổi Mậu Tý (1948). Anh sinh ra và lớn lên tại làng Dương Lôi (nay là khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn) - một miền đất truyền thống và văn hiến. Cùng trang lứa, nhà cách nhau chỉ vài ba cánh đồng, nhưng cả hai thực sự biết nhau mới hơn chục năm nay sau khi tôi nghỉ hưu và chính thức tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ (CLB) thơ Đền Đô, Sông Cầu, Hội văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, mà lúc đó anh đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, Phân hội phó Phân hội VHNT huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn); Ủy viên Ban chấp hành CLB thơ Việt Nam, Phó Chủ tịch CLB thơ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh…

Được cùng làm việc, tham gia các hoạt động giao lưu, gặp gỡ đồng nghiệp, bạn thơ ở nhiều nơi nhiều chỗ, tôi thêm hiểu và mến phục, trân trọng tính cách điềm đạm, thân mật, gần gũi nhưng hết sức chân tình, cởi mở của anh. Chẳng thế mà mỗi lần vắng vì công việc gia đình hay lý do cá nhân nào đó, nhiều tập thể cũng như bạn bè đều hỏi anh Phúc Toản hôm nay đi đâu mà chưa thấy...Và điều lý thú nhất mà tôi luôn được chứng kiến là đi đến đâu, dù thuộc địa bàn trong hay ngoài tỉnh… cũng không ít nhà thơ, nhà văn đều nhắc, đều gọi và thường “gán” cho anh một cái tên không biết là đùa hay thực: “Thi sĩ đa tài, đa tình” từ khi nào? Ôi thật sự thú vị, đáng yêu làm sao! Tôi không rõ mỗi lần được nhắc như thế, trong thâm tâm anh “vui” hay “buồn”, chỉ nhận thấy những nụ cười luôn thường trực trên môi, phấn chấn hẳn lên. “Đa tài” thì hẳn đúng rồi, bởi theo số tử vi người mang tuổi Tý, nhất là Mậu Tý nếu làm chính trị thì khó thành công, nhưng trở thành một nhà báo, nhà văn xuất sắc thì cũng chẳng có gì kinh ngạc! Còn “đa tình” thì hãy cứ đợi đã…

Trước hết, cùng điểm lại cái “đa tài” của anh. Ngay từ thời còn rất trẻ, do có năng khiếu về hội họa, anh đã được tập thể tín nhiệm giao đảm đương trọng trách Giám đốc xí nghiệp Mỹ nghệ Sơn mài - một nghề nổi tiếng có truyền thống lâu đời ở Đình Bảng, Từ Sơn. Và chính những thành công bởi tinh thần tự học hỏi, sáng tạo, năng động của mình cống hiến cho xí nghiệp, mà anh vinh dự được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Bàn tay vàng” quốc gia, được công nhận là Hội viên CLB Tài năng sáng tạo khoa học & công nghệ Việt Nam. Điều nổi trội nhất trong cái “đa tài” mà nhiều người thường nhắc đến là sự phấn đấu thường xuyên, liên tục không biết mệt mỏi, không ngơi nghỉ của anh trong lĩnh vực nghiên cứu VNDG và sáng tác các tác phẩm về Văn học, trong đó nổi trội là Thơ. Được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh năm 1999. Qua hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp VHNT tỉnh nhà, anh đã cho ra đời 8 đầu sách. Trong đó về Văn có: “Truyền thuyết một vùng quê”; Truyện thơ có: “Thánh Mẫu Lý Triều”; còn lại là các tập thơ như: “Hoàng hôn xanh”, “Thơ tình Quan họ”, “Dòng sông thao thức”, “Lục bát thi tình” và tập thơ & lời bình: “Hương sau mùa”, cùng tập giới thiệu chân dung văn học: “Người thơ xứ Bắc”. Ngoài ra, thơ Phúc Toản còn được chọn in chung trên hàng chục đầu sách tuyển tập. Có rất nhiều bài đăng trên các báo, tạp chí, giới thiệu trên sóng phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương, cùng với gần 20 bài được phổ nhạc, dàn dựng chuyển thể, phát sóng. Đặc biệt, trong các cuộc thi thơ thuộc mọi cấp ở địa phương và cả nước, anh đã có 15 tác phẩm được trao giải… Đó là những thành quả hết sức trân trọng, đáng ghi nhận. Ngoài ra, Phúc Toản còn là thành viên sáng lập Hội Kiều học Việt Nam, có khả năng viết, trình bày thơ theo dạng thư pháp khá nhuần nhuyễn, thành thục. Đó là những thành quả xứng đáng được trân trọng và biểu dương.

  

Nhà thơ Phúc Toản cùng BCH Hội VHNT tỉnh trong chuyến hành quân về nguồn tại Tuyên Quang

Còn cái “đa tình” thì khỏi phải bàn. Bởi thơ Phúc Toản, nhất là mảng thơ tình vừa dung dị gần gũi, vừa giàu cảm xúc, dễ nhớ… nên rất nhiều người, nhất là “phái yếu” - những người yêu thơ trên mọi miền đều thuộc, đều “say” thơ anh đến độ “ra ngó, vào trông”. Mặt khác anh còn là “bà đỡ” trực tiếp đọc và giới thiệu hàng chục tập thơ (cả chung và riêng) trong nhiều năm qua cho nhiều nơi như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng yên, Thái Nguyên… và hầu như toàn bộ các huyện, thị, thành của tỉnh Bắc Ninh, thì việc gọi đến “cháy máy”, gọi và nghe đến ù tai không kể ngày đêm… rồi kết cục có tháng phải trả bạc triệu tiền điện thoại - như đâu đó có những lời đồn đại, đàm tiếu là “khổ vì bồ” thì âu cũng chẳng có gì là lạ, và cũng chẳng còn “oan ức” chút nào...

Một vài điều trải lòng cho vơi nỗi nhớ, cũng là nén nhang dâng anh trong thời khắc đau thương - đặc biệt này. Nơi suối vàng bình an anh Phúc Toản nhé! Tôi và bao đồng nghiệp vẫn luôn ở bên./. 

                                                                                                                                                                                                     NGUYỄN TỰ LẬP