Tôi có thói quen khi đọc xong một tác phẩm dù bất cứ ở thể loại nào như (truyện ngắn, tản văn, bút ký, hay phóng sự, ghi chép…) nếu chưa quen biết tác giả, thường dành ít phút ngẫm ngợi, mường tượng để khắc họa chân dung tác giả ấy. Ông là một trong những người tôi đã khắc họa chân dung bằng trí tưởng tượng như thế. Viết về Đảng, về Bác là hai đề tài rất khó. Viết làm sao để người đọc không thấy “mòn” thấy “sáo”, thấy như đã đọc ở đâu đó: thì còn khó hơn “bắt người ta nuốt một thanh gươm”, vậy mà tác giả Hồng Minh đã làm được điều ấy. Ông viết về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng góc nhìn của riêng ông, xúc cảm của riêng ông, một đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, thành kính tin yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh từ trong sâu thẳm trái tim, nên đã tạo được chất giọng không thể lẫn: thủ thỉ chân thực, mộc mạc, không nặng triết lý nhân sinh nhưng lại đầy ắp tình người.
Và tôi đã khắc hoạ về ông. Là người đọc nhiều và ngẫm ngợi nhiều, là cán bộ làm công tác Đảng, từng trải, đức độ và hiền từ. Một mẫu cán bộ “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”.
Thế rồi, tôi đã được gặp ông: Dịp Triển lãm Mỹ thuật, sau khi dự lễ khai mạc ngắn gọn xong, chúng tôi đi xem tác phẩm. Trong dòng người hờ hững bước, nhiều vị chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, tôi thấy có một người lặng lẽ dừng lại đứng trước một bức tranh, không phải xem, mà là người ấy đọc, bởi tôi thấy ông đứng đó rất lâu, với gương mặt tập trung cao độ. Tôi chỉ tay về phía ông, hỏi anh bạn đi cùng: “Ông già kia là ai thế”? Anh bạn ngạc nhiên: “Bác Hồng Minh, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đấy! Ông chưa biết à”? Tôi bối rối thú nhận: “Chỉ mới biết qua tác phẩm, hôm nay mới biết người”. Dừng lại tôi ngắm nhìn ông. Cơ bản những gì tôi đã mường tượng về ông đều đúng, nhưng vóc dáng to cao, nước da hồng hào thì không đúng. Trước mặt tôi, một ông già thân hình nhỏ nhắn, hơi gầy, mái tóc trắng như cước, gương mặt chữ điền điềm tĩnh. Ông mang dáng dấp của một nhà giáo hơn là một cán bộ làm công tác Đảng. Tôi đến chào ông, và biết ông từ dạo ấy.
Đọc và viết vốn không phải là công việc nhàn tản gì, với người về hưu lại được quyền lựa chọn “sân chơi”, nên rất ít người chọn cho mình cái “sân chơi” đọc và viết luôn phải độc hành trong sự cô đơn, trừ khi công việc đó là miền đam mê, là cái nghiệp phải mang. Tôi không ngần ngại để đưa ra một nhận định với nhà báo, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hồng Minh: đọc và viết vừa là đam mê, vừa là cái nghiệp phải mang. Từ năm 1963 ông đã có tác phẩm đăng báo và tạp chí, cho đến nay bút danh Hồng Minh vẫn thường xuyên xuất hiện trên nhiều báo và tạp chí Trung ương, địa phương. Riêng với Tạp chí Người Kinh Bắc (Tạp chí của Hội VHNT Bắc Ninh) tác giả Hồng Minh là một trong những cây bút chủ lực, ông có khá nhiều bài viết được đăng tải trong các chuyên mục như “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Hương sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc”, “Nghiên cứu trao đổi”, “Chân dung văn nghệ sỹ”, “Đọc sách”…
Những bài viết của ông có tính thời sự cao, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, nhưng lại thể hiện cái nhìn hết sức điềm tĩnh bao dung.
Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những xúc động chân thật, thành kính, câu chuyện không mới, thậm chí nhiều người đã đọc, nghe ở đâu đó rồi nhưng những dòng viết của ông vẫn cuốn hút.
“Bác ơi tim bác mênh mông thế”; “Hạnh phúc lớn nhất là được trò chuyện với Bác Hồ”. Đó là tiêu đề ông đặt cho một bài viết về đêm 30 của hai cái Tết Bính Tuất 1946 và Canh Tý 1960, Bác lặng lẽ đến thăm hai hộ nghèo không có tết ở Thủ đô Hà Nội. Và ghi chép lại hồi ức của Trung tướng anh hùng LLVT Nguyễn Văn Cốc khi được gặp Bác Hồ. Ông viết giản đơn như thủ thỉ kể lại để lan tỏa cảm hứng của chính ông, của thế hệ các ông đã kinh qua mọi thăng trầm của đất nước, và biết được cái giá phải trả để có ngày hôm nay.
Với các đề tài khác như viết về quê hương Bắc Ninh, viết về chân dung bè bạn ông đều viết với một tâm thế trong veo, trân quý hết mình. Đặc biệt tôi rất ấn tượng với những bài viết ngắn, bởi có bài viết ngắn nhưng lại dài vì làm người đọc phải ngẫm ngợi.
Ông bình về bức tranh “Đám cưới chuột” (tranh dân gian Đông Hồ). “… Bức tranh đám cưới chuột sử dụng màu sắc chủ đạo như đỏ, xanh, vàng, hiện lên khung cảnh đám cưới chuột rực rỡ, nhộn nhịp. Mặt khác với nhân vật mèo, dù chuột có thể là kẻ thù “không đội trời chung” của nó nhưng mèo vẫn tỏ vè hài lòng, tán đồng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng trẻ…”
Mở những trang viết trong tập tác phẩm chọn lọc “Giữ trọn niềm tin sắt son với Đảng” được Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Ninh ấn hành năm 2015, làm quà tặng Đại biểu Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 19 của tác giả Hồng Minh, dù viết cách đây khá lâu rồi, tôi vẫn ngỡ ngàng, bởi câu chuyện chưa hề xưa cũ.
“…
- Tại sao những người đến họp đều là cán bộ cơ quan đóng ở thành phố, nơi xa nhất chỉ trên dưới một cây số, mà phải đi ô tô? Tôi mạnh dạn hỏi anh, điều tôi băn khoăn từ lâu mà không tiện hỏi.
Anh ghé tai tôi nói nhỏ:
- Toàn xe đưa đón các “vị” từ nhà đến nơi họp đấy, ngày bốn lần đưa đi đón về.
- Nhà nước đã có quy định tiêu chuẩn sử dụng xe cơ mà?
Anh vỗ vai tôi:
- Đấy là quy định. Người ta có nghìn lẻ một cách “vận dụng”. Chẳng ai tính đến tiêu chuẩn đâu anh ạ. Có cơ quan bốn vị lãnh đạo cùng đi họp một chỗ, nhưng không ai chịu đi chung.
Nghe anh nói và nghĩ tới nội dung cuộc họp, tôi bảo:
- Có lẽ hội nghị nên bàn ngay về chuyện cái xe ô tô.
(Lại chuyện cái ô tô. In báo Nhân Dân ngày 19/10/1994)
“… Bí thư Đảng ủy xã nói tiếp:
- Chúng tôi đã mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa sang thả cá và trồng cây có năng suất cao…
Chưa dứt lời, Bí thư Huyện ủy “bật lò so”:
- Anh nói thế thì phá xã, phá huyện. Ta làm thế thật, nhưng phải có cách chứ. Anh chưa biết Chính phủ cấm chuyển mục đích sử dụng đất lúa à?
Bí thư Đảng ủy xã nhìn chúng tôi với vẻ băn khoăn:
- Ta làm thế nào thì cứ nói thực như thế.
Nhưng hôm sau, báo cáo lãnh đạo tỉnh chúng tôi không thấy đồng chí Bí thư Đảng ủy xã báo cáo vấn đề này nữa. Một đồng nghiệp nói nhỏ với tôi:
- Thế mới biết, làm đã khó, viết báo cáo lại càng khó hơn.
(Làm đã khó, viết báo cáo lại càng khó. In báo Hải Hưng 18/01/1996)
Tập sách được biên tập khá kỹ càng logic, có lời giới thiệu của Tiến sỹ Nguyễn Bá Sinh - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Tổng Biên tập báo Bắc Ninh, khá đầy đủ và chi tiết. Sách gồm ba phần: Phần một: “Lời người lời của nước non”. Phần hai: “Giữ trọn miềm tin son sắt với Đảng”. Phần ba: “Quê hương biết mấy tự hào”. Tôi đã đọc hết, và tôi bị ám ảnh. Ám ảnh không phải vì nội dung bài viết “sốc” hay “mới lạ” mà vì tôi nhận ra một nhân cách. Nhân cách người đảng viên trung kiên và mẫu mực. “Văn là người” phải là một ông cán bộ đức độ, mẫn tiệp với chức trách lắm, mới viết được những bài viết tâm huyết thế này.
Cách đây không lâu chúng tôi có chuyến đến thăm ông, cư ngụ tại ngôi nhà trong ngõ phố mang tên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, khá yên tĩnh và đầy bóng râm. Tuổi 82, ông không được khỏe vì đang mang bệnh trọng, cuộc sống trên dương thế tính được từng ngày, nhưng ông vẫn cười:
- Quỹ thời gian không còn nhiều, thế nên cứ vui vẻ thôi, làm được gì có ích thì cứ làm, viết được vẫn viết.
Tôi không cố ý, buột miệng:
- Biết được ngày rời cõi tạm cũng là một ân huệ, phúc lành mà trời đất ban cho.
Tôi viết những dòng này trong một đêm không ngủ, cố gắng hoàn thành để gửi đến Nhà báo, nhà nghiên cứu Văn nghệ Dân gian Hồng Minh, như gửi đến ông một bức ký họa chân dung. Tôi mơ màng, ước được như ông: Ở cuối hành trình trên cõi tạm, giấu nỗi đau thân xác luôn nở nụ cười./.
NGUYỄN THÁI SƠN