Trang chủ Chân dung hội viên

MỘT NGƯỜI VÌ THƠ, VƯỚNG BẬN NHƯNG RẠNG NGỜI
15:59 | 23/09/2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi biết sau ngày đột ngột về với cõi vĩnh hằng sẽ có rất nhiều bài viết về anh, nhưng tôi vẫn viết. Bởi anh quảng giao, bởi con người anh không chỉ có phần xác, phần hồn, mà còn có phần thơ nữa. Thơ là cái gạch nối anh với bè bạn, thơ là niềm đam mê, là sự kiêu hãnh, nhưng thơ cũng như cây thánh giá nặng trĩu mà “con chiên ngoan đạo” Phúc Toản vác trên vai.

Hôm được tặng Người thơ Xứ Bắc tập chân dung văn học của anh, vì tò mò tôi lật nhanh tìm trang viết về mình:

… Ngựa ra thành phố - xa làng

Không ăn cỏ phố bởi nhớ đàn ở quê…

Anh họa tôi thế đấy. Tôi bật cười.

- Ngựa này là ngựa xích thố của Quan Vũ, hay ngựa cỏ của người H’mông, hả bác?

Anh cười sằng sặc:

- Sơn thì phải là ngựa xích thố.

Tôi nở mày nở mặt, rạng rỡ:

- Thế thì đề nghị bác ghi chú cho em hai chữ “xích thố” vào đây, cho nó oách.

Anh lại cười…

Tôi biết nhà thơ Phúc Toản ngay từ ngày được kết nạp vào Hội VNNT tỉnh (2007), sau đó là quen và thân, bởi lần nào tụ tập nhóm năm người bạn thơ: Phạm Hiển, Nguyễn Văn Hồi, Nguyễn Phúc Toản, Phạm Văn Nam, Đào Hữu Vụ, cũng có thêm tôi là sáu. Đàn ông vui nhất là lúc ngà ngà rượu. Họ thật, họ bốc đồng, họ đáng yêu. Họ đọc thơ, họ vung tay kể lại những câu chuyện đã hàng trăm lần kể, họ là number one, tất nhiên tôi cũng trong số ấy.

Nhà Thơ Phúc Toản không uống được rượu, anh ngồi bên nhà thơ Phạm Hiển cứ như thỏ gặp hùm. Tôi sung sướng hớn hở, bởi ngoài nhà thơ Phạm Hiển, không ai ép được nhà thơ Phúc Toản uống, dù chỉ là nửa chén. Văn chương với anh thực sự là mảnh đất để anh gieo trồng, gửi gắm những hy vọng, đam mê. Anh đã xuất bản hàng chục đầu sách: thơ, văn, tiểu luận, và rất khó thống kê anh còn có bao nhiêu tác phẩm đã được in chung, in trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương. 

Còn giải thưởng hầu như anh có tên khắp Bắc chí Nam: Giải Nhất thơ huyện Tiên Sơn (1972), Giải Nhất kịch bản Sân khấu huyện Tiên Sơn năm (1973), Giải Nhì kịch bản Chèo tỉnh Hà Bắc (1973), Giải Nhì thơ Hội VHNT Bắc Ninh (2003), Giải Ba thơ Tạp chí Cánh buồm - Bộ GTVT, Giải thưởng Tạp chí Tuổi ngọc Thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng thơ viết về đề tài nông thôn Bộ Nông Nghiệp (2009)…

Lần đầu tôi đến nhà anh, một ngôi nhà nhỏ trong làng Dương Lôi, giật mình đánh thót: Trời ơi, toàn sách là sách, sách được xếp cả trên ô thoáng cửa lớn, cửa nhỏ.

Không được đọc hết những tác phẩm của Nhà thơ Phúc Toản, nhưng kể từ khi có cơ hội ngồi ké mâm năm, tên tôi như được mặc định trong số người được anh tặng sách. Hương tỏa sau mùa (thơ) - NXB Văn học - 2008, Dòng sông thao thức (thơ) - NXB Văn học - 2011, Người thơ Xứ Bắc (chân dung văn học) - NXB Văn học - 2015, Lục bát thi tình (thơ) - NXB Hội Nhà văn - 2020.

Không có cách tân, không bí hiểm như nhìn vào tranh siêu thực, phải vò đầu bứt tai để hiểu. Thơ của Phúc Toản là thơ truyền thống, thơ giáo khoa (tôi không gọi là thơ cổ điển) có vần, có điệu, như ca dao, đọc, thấy lòng ta rưng rưng.

Đang thời bếp điện, bếp ga

Mẹ tôi đi quét lá đa nhóm lò

Người ta xài thịt, xài giò

Mẹ phơi tôm tép để kho ăn dần

Người đua sắm sửa áo quần

Mẹ đem vá lại cái khăn thuở nào…

                                    (Lòng mẹ) 

… Có một thời hào phóng thuở xa xôi

Yêu say đắm cháy cho người hết lửa

Để hoàng hôn mây trôi qua khung cửa

Mới giật mình luyến tiếc một tàn than.

                                       (Ngọn lửa) 

Phúc Toản (tên đầy đủ Nguyễn Phúc Toản) sinh năm 1948. Có một thời giữ chức Giám đốc Xí nghiệp Mỹ nghệ sơn mài xuất khẩu, nhà thơ đã được tặng danh hiệu: Nghệ nhân “Bàn tay vàng” quốc gia. Ở tuổi 73 qua nhiều thăng trầm, lại là con người tài hoa, gánh nhiều vận hạn, anh như lâu đài không mở hết cửa, luôn để cho mình một góc giêng, độc hành trong sự cô đơn của thân phận. Có lẽ vì vậy mà thơ với Phúc Toản không chỉ là những xúc cảm chợt đến, mà còn là sự phơi bày tâm trạng: 

Thời gian gió thoáng mây bay

Lênh đênh, chìm nổi quãng đời đã qua

Khúc thì dịu ngọt thăng hoa

Đoạn thì chua chát lệ nhòa mặn môi…


Con sông muôn thuở lở bồi

Hai bờ trong đục… vẫn trôi một dòng

Buồn đau lặn hết vào trong

Gượng vui là để chiều lòng thế gian.

                      (Viết tặng tuổi mình) 

Với đề tài tình yêu, tôi chỉ thống kê sơ bộ, đã có khá nhiều bài được in trong các tập thơ nói về sự chia ly, sự rung động, nhớ nhung đôi lứa. Nhưng chỉ đủ cho trái tim rung lên loạn nhịp, đủ cho nỗi buồn vời vợi mà không hiểu “vì sao lại buồn”.  Bởi với thế hệ anh khái niệm về tình yêu nó lung linh, nó thủy chung, chỉ một cái nắm tay nhau thôi đã như một lời thề. 

Câu thơ lưu lạc mùa đông

Tưởng chừng đã tắt lửa hồng từ lâu

Một chiều chạm mắt dao cau

Nhớ thương ơi! Đốt lòng nhau thế này.

                                (Mắt dao cau) 

Bao đêm gió mát trăng trong

“Chơi trò dâu rể …”

                  Nhưng lòng nghĩ chi

Để rồi… trầu héo nhỡ thì

Cau già quá lứa đò đi sang bờ.


Để một thời cứ vẩn vơ

“Vợ chồng ngày ấy…” bây giờ ra sao?

                                  (Ngày xa ơi) 

Nhà thơ Phúc Toản giữ khá nhiều chức vụ “vác tù và hàng tổng”: Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh... Ví lép, túi thơ, phương tiện là chiếc xe máy đã lăn bánh hàng vạn km, vậy mà sáng anh ở Câu lạc bộ thơ Gia Bình, chiều đã thấy anh về Câu lạc bộ thơ Quế Võ. Phẳng phiu, tươi rói, bởi buồn đau đã “lặn hết vào trong”, Phúc Toản quả thật là con người của thơ, vì thơ. Thơ làm Phúc Toản vướng bận nhưng rạng ngời. Đúng như câu thơ của nhà thơ Tiến Đường, đọc tưởng như đùa, mà lại rất thật. “Đi trăm cây số nghe thơ lại về”. Tôi vẫn như thấy anh đang đi, anh đang đọc thơ ở câu lạc bộ nào đó, giọng anh trầm ấm vọng tới gần thôi: 

… Cơn gió đông vô cảm xô chiều

Dòng se sắt nhìn con đò mắc cạn

Hạt cát biết cựa mình phát sáng

Nhen lửa hồng 

              sưởi ấm những bàn chân…

                     (Dòng sông thao thức) 

Tôi viết những dòng này sau 49 ngày nhà thơ Phúc Toản rời xa cõi tạm. Anh ra đi vì một tai nạn giao thông đến bất ngờ, nhiều dự định có thể còn dang dở, nhưng với sự nghiệp cầm bút, anh đã làm tròn sứ mệnh của mình. Có thể năm, mười năm nữa không còn nhiều người nhắc đến anh, nhưng thơ, và những tác phẩm VHNT của anh còn mãi với thời gian./.

                                                                                                                                                                                                   NGUYỄN THÁI SƠN