Trần Công Sản là một người làm thơ hồn nhiên, anh sáng tác khá đều đặn, chuyên cần đến mức say đắm. Thơ của anh mềm mại, nhẹ nhàng, tinh tế và phảng phất âm hưởng của dân ca quan họ, của dòng thơ lãng mạn thời kỳ 1930 - 1945.
Trần Công Sản sinh ra và lớn lên ở một vùng đất có nền văn hóa, chính trị, xã hội lâu đời nhất của đất nước. Ở đó, hiện còn những di tích lịch sử, văn hóa đã tồn tại vài nghìn năm, những chùa chiền với những huyền thoại, kiến trúc tinh sảo, những danh nhân nổi tiếng, những con sông đôi bờ ngô lúa mướt xanh. Làng Thư Đôi của anh cũng có truyền thống khoa bảng, văn hóa từ xưa và nay. Những đặc trưng ấy đã là nền tảng tạo nên phần xác, phần hồn giúp anh đi vào thơ ca với nhiều sắc thái đáng quý.
Đọc thơ của Trần Công Sản thì thấy những vấn đề tình yêu hoặc liên quan đến tình yêu, chiếm vị trí chủ đạo, thường trực trong tâm tưởng của anh. Kể cả khi anh viết về chiến tranh, gia đinh, về lịch sử, văn hóa quê hương, về con người, danh thắng trong tỉnh và đất nước, anh vẫn khéo léo lồng vào đó những ý tưởng, gợi mở đến tình yêu để người đọc tự cảm nhận.
Thơ của anh đa dạng, đa cảm, đa chiều và cả đa tình. Bởi vậy, bút pháp của anh cũng rất uyển chuyển, biến hóa cho phù hợp với tâm trạng, thể loại. Đọc ba tập thơ “Ngõ xưa”, “Tơ vương”, “Trăng rừng” của anh, ta thấy, ở mỗi thể loại anh đều có những câu thơ hay, những bài thơ thành công nhưng ở thể thơ lục bát anh có nhiều thành công hơn cả. Ta cũng có thể nói như vậy đối với những đề tài, lĩnh vực mà thơ anh động chạm đến như chiến tranh, hậu chiến, giáo dục, gia đình, tình yêu thì ở lĩnh vực cuối cùng là tình yêu anh có nhiều thành công nhất.
Thơ về Quan họ của anh cũng có vài bài để lại nhiều vương vấn nhưng không có đỉnh. Anh là người làm thơ khá điêu luyện và sống hết mình với thơ.
Trong mảng thơ về chiến tranh mà tôi giới thiệu ở đây, anh đã có những bài “đứng được” nhưng chưa chạm đến đỉnh mặc dù anh viết với tâm thế một người trong cuộc (anh đã có nhiều năm trong quân ngũ), có lẽ do thể trạng của anh hợp với thơ trữ tình hơn. Dưới đây là những trích thơ của anh nói về sự gian khổ của những người nông dân, công nhân, trí thức mặc áo lính vượt Trường Sơn đi giải phóng miền Nam:
“Hành quân dốc đứng đường trơn Đêm mưa đuổi giặc áo sờn tả tơi
(Hai ta)
Và: “Cái ngày Tết ở Trường Sơn
Hành quân ngang dốc, mây vờn dưới chân”.
(Tết Ở Trường Sơn)
Còn trong bài thơ “Tiểu đội”, tác giả không quên nói về những ác liệt của chiến trường: “Tiểu đội mình xuất kích, trong bão bùng mưa chan/ Đồn giặc vỡ tan hoang/Thủ pháo nhoàng ánh chớp”. Và “Câu thơ loang máu khoảng trời/ Cánh tay người lính rụng nơi gốc đào" (Tết ở Trường Sơn).
Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu trong bài viết về thơ của Trần Công Sản, ở phần về chiến tranh này, tôi không nói đến những “nàng vọng phu" thời đại Hồ Chí Minh, họ là những người vợ chờ chồng trong mong nhớ thăm thẳm mà anh đã đề cập trong bài “Chị tôi”: “Bảy ngày quấn quýt vợ chồng/ Rồi đưa tiễn với năm mong, mười chờ". Và: “Nỗi riêng đau cả đêm nằm/ Giường xô chiếu lệch ,vo chăn gối đầu/ Mấy mươi năm chị làm dâu/ Ngày làm vợ tính trên đầu ngón tay". Và đây nữa là sự hy sinh cao cả của những cô thanh niên xung phong làm nhiệm vụ coi kho vũ khí, đạn dược hoặc lương thực trong những hang động trên dãy núi Trường Sơn từ lúc mười bảy, đôi mươi đến khi giải phóng miền Nam thì đã hai mươi năm trôi qua, hết thì xuân sắc. Một sự hy sinh không tiền bạc nào có thể bù đắp, cứu vãn lại được: “Bao lần thăm chị không nhà/ Rưng rưng những cánh rừng già bừng lên/ Tuổi hai mươi chị bỏ quên/ Đâu son phấn, đâu những đêm hẹn hò/ Hai mươi năm chỉ giữ kho/ Hàng đi, hàng đến toan lo vẹn toàn”. (Tháng ba thăm chị).
Viết về những người lính sau chiến tranh, Trần Công Sản đã mô tả cho ta thấy cảnh gặp nhau của những người đồng đội trong bối cảnh mà tác giả đã khéo chọn lựa, khiến người đọc không thể nào quên: “Nhìn nhau nước mắt chảy tràn/ Hai cánh tay cụt ôm choàng cánh tay” (Về Khoái Châu thăm bạn). Tôi giật mình khi đọc hai câu thơ này và coi đây là thơ hay viết về chiến tranh. Không đao to búa lớn nhưng hai câu thơ ấy có sức nặng làm nhói trái tim ta khi nhìn thấy cảnh hai người đồng đội, hai ngừơi thương binh, hai người đều cụt tay, người cụt cả hai tay ôm chầm lấy chiến hữu chỉ còn một tay. Những cánh tay đã bị chiến tranh hủy hoại như thế làm sao mà ôm nhau trọn vẹn trong cuộc viếng thăm đầy tình nghĩa ấy. Ôi, đau xót và chua chát biết bao!
Tuy vậy, Trần Công Sản lại có cách nhìn biện chứng về chiến tranh, anh không bi lụy hóa vì không cuộc chiến tranh nào tránh được tổn thất, mặt trái của chiến tranh là vậy dù là chiến tranh chính nghĩa và anh có cách nhìn riêng của của mình, nhẹ nhàng hơn khi viết về những hy sinh, mất mát trong mỗi cuộc chiến: “Lời thơ thơm ngát hương bay/ Bỗng bom thù nổ, hoa gầy tả tơi"(Tết Ở Trường Sơn).
Tuy nhiên, xét cho thấu đáo thì cách nhìn chiến tranh của Trần Công Sản có phần thiên về thi vị hóa, như: “Trường Sơn vọng tiếng suối reo, Nhớ đoàn quân mũ tai bèo đón Xuân”. Hoặc: “Đêm về đuổi ánh trăng rơi, Củ mài, củ sắn ngọt bùi đùa reo”.Những người lính của chúng ta phần lớn xuất thân từ nông dân, quen chịu đựng gian khổ, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, một lòng theo Đảng nhưng từ đó thi vị hóa lên coi đi vào Trường Sơn như một ngày hội thì không nên.
Nhưng cách nhìn chiến tranh thiên lệch như của Trần Công Sản thì trong thời gian kháng chiến chống Pháp đã từng có. Khi ấy, mô tả về sự hy sinh của các anh Vệ Quốc Đoàn, cũng có nhà thơ đã viết: “Thây rơi như cánh hoa đào”. Ôi đẹp quá! Tác giả ấy đã thấy sự ngã xuống trên chiến trường của các chiền sĩ ta đẹp như những cánh đào đang rơi, tác giả chỉ nhấn mạnh đến cái đẹp mà làm mờ đi sự hy sinh.
Như đã nói ở trên, tỉ trọng lớn trong thơ của Trần Công Sản chủ yếu rơi vào thơ tình, tình yêu đôi lứa. Anh có khả năng cao để khai thác vựa lúa tình yêu này theo nhiều hướng khác nhau. Đây là tình huống tác giả phát hiện đôi mắt của cô gái xinh đẹp mà anh bị “hút hồn “trong một phiên chợ quê:
"Chợ phiên hôm ấy, hôm rằm
Ta mê đôi mắt lá răm theo về"
Đây nữa, một cô gáí có duyên thầm khiến mọi người nao lòng:
"Không son phấn má vẫn hồng,
Nét duyên ẩn kín vào lòng thảo thơm"
Rồi anh trách yêu một cô gái làng quê về cách ăn mặc khiến anh liêu xiêu:
“Sao em mặc cái yếm sồi
Buộc hờ vai áo để tôi đắm đò”.
Câu thứ vừa trích ở trên gợi nhớ đến hai câu thơ của ai đó cùng mô típ như vậy:
“Tay em anh chỉ nắm hờ
Mà như có lửa truyền qua suốt đời”
Và hai câu trích dẫn cuối cùng này cũng rất sáng giá:
"Bóng chiều, nắng quái xiên khoai
Chợ đông, em chớ đứng ngoài chợ đông".
Trong diễn đạt, Trần Công Sản biết tạo nên tình huống để thể biểu đạt được cảm nhận yêu đương một cách tế nhị, nếu không có sự từng trải, không thể viết được những câu như vậy. Nhưng trong văn chương không phải cứ qua trải nghiệm, đi thực tế, về nông thôn, gắn với đồng ruộng là có thơ hay, mà có khi ngược lại, giống như trong quan họ đã có câu mang tính phát hiện:
“Yêu nhau đứng ở đằng xa
Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”
Về nghệ thuật thể hiện, Trần Công Sản là nhà thơ có tài khi sử dụng thể thơ lục bát, những câu thơ hay, những bài thơ nổi trội của anh đều thuộc thể loại thơ ấy. Những câu thơ trích dẫn ở bài viết này trên chín mươi phần trăm là thơ lục bát. Bài thơ hay nhất của Trần Công Sản là bài “Bến Tầm Phu” cùng viết theo thể lục bát , nó ngang giá trị với truyện ngắn cùng tên của nhà văn Hoàng Giá đã vài lần được đưa vào Tuyển tập Truyện ngắn quốc gia. Bài thơ nói về sự hy sinh vì đất nước của người con trai ở một làng gần “Bến Tầm Phu” (Cái tên bến này là do Hoàng Giá, người cùng quê với Sản đặt ra rồi mọi người gọi theo, đây là một bằng chứng nói lên sức mạnh của văn chương), anh có người yêu là cô lái đò, xin trích hai khổ:
"Người đi mấy chục năm trời
Giặc tan người chẳng một lời với nhau
Dòng sông sóng vỗ thuyền đau
Cắm sào cô lái đếm màu tóc sương
Trắng bờ lau quyện khói hương
Có linh, người ở Trường Sơn xứ nào
Hãy về trong giấc chiêm bao
Cho tình ta được tan vào ngàn mây".
Thể thơ lục bát dễ làm vì đã có “quy trình” về vần bằng trắc, về sự đồng âm câu trên và câu dưới nhưng khó hay, nếu ý tứ không sâu, thiếu cảm xúc, hình tựợng mờ nhạt thì chỉ là những bài vè có chữ, không có hồn. Trần Công Sản đã vượt qua được những quy ước ấy để thành công.
Thơ về thời kỳ đổi mới của anh của anh cũng có một số bài đọc được về du lịch Sa Pa, Đồng Mô, Ba Bể… nhưng mới chỉ khơi khơi tìm tòi và chưa tìm thấy đúng huyệt. Thơ về Quan họ của Trần Công Sản có một số bài hay và bài rất hay để lại nhiều vương vấn nhưng không có đỉnh nhưng tôi đánh giá bài “Ao làng quan họ” là hay nhất vì ngoài cái hay về kết cấu, hình tượng, anh lại có sự tìm tòi dùng quan họ để giải thích Quan họ như: “Ao làng Quan họ trong xanh, Lơ thơ bèo dạt để thành mây trôi”, “Ao làng Quan họ như mơ/ Mắt dao cau khéo giả vờ đấy thôi/ Nhìn ai cứ tưởng nhìn tôi/ Ngân nga giã bạn , bồi hồi trăng lên”. Và thơ anh lại có nhiều câu khiến người ta cứ tưởng đó là câu của quan họ: “Đã không vợ vợ, chồng chồng/ Gương soi bẻ nửa, cánh hồng chia hai/ Canh khuya cửa chẳng then cài/ Giường xô lệch cả ban mai xế tà”. Tư duy thơ của Quan họ dường như đã nhập vào tư duy của anh.
Đọc thơ của Trần Công Sản thấy hiện lên phần nào bóng dáng, tính chất con người thơ của anh: “Chàng thi sĩ, Phóng bút hoa mộng mị/ Trên ngực trần, Người ngọc Tiên Sa”. Anh là người làm thơ khá điêu luyện và sống hết mình với thơ.
Từ những điều phân tích nói trên cho ta thấy Trần Công Sản đã làm thơ bằng tâm hồn thi sĩ thật sự. Anh viết chân thành về những điều anh trải nghiệm hoặc suy tưởng với sự cân nhắc, chọn lọc bằng tâm hồn, lý trí của một thi nhân, không vội vã chạy theo những vấn đề thời cuộc khi thấy chưa thấm vào con tim, khối óc. Và khi đã thấm, anh viết nó ra theo cách riêng của mình với bút pháp, văn phong của mình, bởi vậy thơ của anh không mang tính chất thơ chính luận thời sự.
Tuy vậy, thơ anh cũng có những hạn chế. Tầm nhìn, tầm cao trong thơ của anh chưa tương xứng với những mong đợi của độc giả và của cả chính anh, nhất là khi anh viết về những hiện hữu thời cuộc. (Thời đất nước còn chia cắt, ranh giới Nam – Bắc hiện hình rõ nét, nhà thơ Bằng Việt đã nhắc nhở mình và các bạn thơ của anh qua câu nói gửi người yêu: “Đất nước chia đôi, em đừng ở giữa, Dù chỉ ngồi nghe nhạc Bit-tô-ven”. Câu ấy hiện nay còn giá trị đến đâu mỗi người viết cần nhận biết để viết.
Về thiếu sót trong cách viết, ai cũng dễ thấy rằng, thơ của Trần Công Sản còn để lại một số “hạt sạn”, một vài bài cảm xúc chưa chín, sử dụng ngôn ngữ chưa đắc địa, đôi khi xáo mòn, vài ba câu bị ép vần, gượng gạo, ngược nghĩa hay vô nghĩa, ví dụ: “Nhát dìu như dao cạo, Cứa vào miền hoang sơ” (Cây rừng ứa máu). Nhưng những nhược điểm ấy dễ khắc phục, không ảnh hưởng mấy đến việc đánh giá chất lượng thơ của Trần Công Sản./.
NGUYỄN TIẾN LỘC