Trong phong trào thơ mới từ 1930 đã xuất hiện các tác giả Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp... bỗng nổi lên một tác giả là phụ nữ - Nữ sĩ Anh Thơ, “Nhà thơ áo trắng” từ bến sông Thương.
Anh Thơ tên khai sinh là Vương Kiều Ân sinh ngày 25/1/1921 tại xã Ninh Giang (nơi đặt nhiệm sở của cha) tỉnh Hải Dương. Nhưng lớn lên vào đời và trở thành nhà thơ từ phố Thùng Đấu, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang.
Phố Thùng Đấu ở ngoại vi thị xã nên cuộc sống, phong cảnh, con người như một làng quê. Cha tuy làm viên chức nhưng gia đình vẫn trồng dâu nuôi tằm, mua thóc giã gạo.
Cảnh sắc làng quê với những cổng tre, hàng dâm bụt, hoa xoan, hoa mướp, ao bèo đã sống hồn nhiên trong thơ:
Gió may nổi, bờ tre buồn xào xạc
Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
(Sang thu)
Ấn tượng sâu sắc vẫn là những cảnh chợ. Tuổi thơ của Anh Thơ có nhiều kỷ niệm với những phiên chợ. Một nét của giới tính có lẽ là hay đi chợ. Đó là công việc và cũng là niềm vui. Nữ sĩ Vân Đài có bài thơ “Chợ rừng quanh”.
Anh Thơ có nhiều câu thơ hay về cảnh chợ:
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
(Bến đò ngày mưa)
Cảnh chợ ngày mưa và cả cảnh chợ ngày hè:
Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây.
(Chợ mùa hè)
Thời gian Anh Thơ vào đời và làm thơ vào thời kỳ giao thời giữa cái cũ và cái mới. Thời kỳ cuối suy tàn của nho học và ảnh hưởng của văn hóa mới mà chữ quốc ngữ đã đi vào đời sống các đô thị.
Anh Thơ đi học chữ quốc ngữ nhưng cá tính không hợp với khuôn phép của nhà trường. Không chịu bị phạt quỳ nhà thơ đã bỏ học. Việc bỏ học lúc đó được sự đồng tình của xã hội. Khi đó việc đi học của con gái còn bị thành kiến “Ai cũng nói như bà tôi: Học nhiều để mà ế chồng à ?”.
Không được đến trường, Anh Thơ càng có nhiều thời gian đọc sách. Anh Thơ đã sống với những nhân vật và những trang sách của Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Nhị Độ Mai, với Thúy Vân, Thúy Kiều của Nguyễn Du...
Rồi những “Văn đàn bảo giám” với các tác giả từ Lê Thánh Tôn đến Tam Nguyên Yên Đổ cùng những bài thơ luật Đường đầy cuốn hút. Người cha nghiêm khắc cấm con gái làm thơ nhưng chính tủ sách của ông đã mở ra một chân trời đầy mơ mộng. Ông là viên chức thời Tây nhưng lại học Hán học, xuất thân là một sinh đồ vỡ mộng khoa bảng vì Nhà nước không mở khoa thi Hán học.
Không được làm thơ công khai, Anh Thơ làm thơ vụng trộm, làm ban đêm, làm những khi cha không có nhà. Lần thứ nhất ông bắt gặp tập thơ đầu tay của Anh Thơ. “Bố tôi gọi mẹ tôi ra nghiêm giọng nói: Đẻ dậy con như thế này ư? Nó hiểu gì là thơ là phú chứ. Ông vừa nói, và bật diêm châm lửa đốt cháy cả tập thơ của tôi. Tôi im lặng nhìn những mảnh tâm tình của mình đang cháy thành tro, lòng như cháy theo”.
Lần thứ hai “Bố tôi lại vớ được những bài thơ tôi làm lần thứ hai. Lần này ông nọc tôi ra giữa nhà, sai chị Sen lấy ra thanh củi tạ. Ông vừa định nện vào tôi thì chị Sen đã lăn ra đè lên trên người tôi...”.
Lần thứ ba “Có một hôm bố tôi về nhà giữa buổi làm, ông về bất ngờ bắt được quả tang sự ngỗ ngược không vâng lời của tôi. Lại một trận sấm sét nổi lên. Lần này thì tôi bị đòn thật sự. Chị Sen đi chợ vắng, không còn ai đỡ đòn cho tôi”.
Càng bị cấm Anh Thơ càng say mê làm thơ. Những tờ báo Quốc ngữ như Đông Phương, Ngày nay, Phong hóa đã có cảnh hưởng trong xã hội. Anh thơ quyết tâm làm thơ và gửi thơ đăng báo. Để giữ bí mật Anh Thơ lấy bút danh đánh lạc giới tính là Anh Thơ. Nhưng rồi những bài thơ đăng báo cũng đến tay người cha. “Bố tôi về, tay cầm tờ báo chẳng nói chẳng rằng vất trước mặt tôi, tôi sợ hơn bị đòn. Bố tôi thở dài và đến trước bàn thờ mẹ tôi thắp hương rồi khấn vái rì rầm...”.
Bỏ học chữ Quốc ngữ nhưng lại ham thích đọc sách, đọc báo. Bị cấm làm thơ nhiều lần, càng cấm càng say mê làm thơ. Làm thơ như một sự giải thoát của tâm hồn, của cuộc sống.
“Tự lực văn đoàn” một tổ chức có uy tín về văn học lúc đó lại tổ chức một cuộc thi văn thơ. Được sự canh gác của anh chị em trong nhà Anh Thơ đã viết mỗi buổi trưa một bài thơ để dự thi. Thế là “Bức tranh quê” hoàn thành và được giải khuyến khích cùng với tập thơ “Hoa niên” của Tế Hanh.
Nói về Anh Thơ rất đúng với câu “Thơ là họa cảm thấy - Họa là thơ nhìn thấy”. Anh Thơ đã vẽ nên những bức tranh về nông thôn, gần gũi và thơ mộng:
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
(Chiều xuân)
Những bức tranh được vẽ nên từ một cảm xúc tinh tế, từ một trái tim luôn rung động, nhạy cảm trước cuộc đời. Dưới những con chữ là tâm hồn tác giả:
Trên khoảng biếc mắt sao nhìn thăm thẳm
Đấy tiếng lòng hay đấy tiếng đêm sâu.
(Đàn bầu)
Chỉ là tả thôi mà “Bức tranh quê” có bao nhiêu tâm tình, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu những vấn đề về gia đình, về xã hội của thời kỳ giao thời đã được đặt ra. Với bút pháp tả thực có nhiều câu thơ đã có sức khái quát cao về xã hội:
Cờ hồng đỏ ngõ, khăn tang trắng nhà
Về những hi sinh, mất mát lớn lao của những người mẹ:
Năm con chung một bàn thờ khói hương
Với xúc cảm nhân văn và sự cảm thông cao độ cuộc sống gia đình, thân phận người phụ nữ:
Xóm làng đi hết đàn ông
Đàn bà heo hút sống trong thẳm rừng
(Kể chuyện Vũ Lăng)
Trong thơ, Anh Thơ luôn là người trong cuộc khi được hưởng niềm vui, khi chịu nỗi đau buồn. Là người con luôn day dứt với ngày tháng trên mái tóc của cha:
Cha già thêm tóc bạc
Chống gậy bước lên đồi
Thương một mùa vải đỏ
Má hồng con đang tươi...
(Tiếng chim tu hú)
Niềm vui trong cuộc đời hay những thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật Anh Thơ đều phải trải qua vất vả, mồ hôi, nước mắt có khi cả sự hi sinh:
Tôi hái hoa này máu rớm bàn tay
Từ trăm núi ngàn sông gian khó
Tôi hái trọn một niềm vui bừng nở
Nâng niu về đem tặng bạn gần xa
(Hoa dứa trắng)
Từ bến sông Thương. Vượt qua định kiến và sự cấm đoán của người cha, Anh Thơ đã vụng trộm làm thơ và thành công. Anh Thơ trở thành nhà thơ nữ đầu tiên của phong trào thơ mới. Anh Thơ trở thành nhà thơ trong hàng ngũ những văn nghệ sĩ đi tiên phong trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Dù ở nơi đâu, ở thời điểm lịch sử nào “Nữ sĩ áo trắng” vẫn là người từ bến sông Thương, từ phố Thùng Đấu, Phủ Lạng Thương - Người con gái thanh cao, tiêu biểu xứ Kinh Bắc./.