Trang chủ Chân dung hội viên

Nhìn mưa nhớ Nguyễn Ngọc Ly - VŨ TỪ TRANG
15:01 | 03/02/2015

NHÌN MƯA  NHỚ NGUYỄN NGỌC LY

                                                          Vũ Từ Trang

Mấy ngày nay mưa dầm dề thối đất. Dầm mình trong mưa, tôi bỗng nhớ về Nguyễn Ngọc Ly làm sao. Thực ra, ở cái thị xã Bắc Ninh nhỏ bé này, hầu như rất ít người biết tới Nguyễn Ngọc Ly. Anh không là người nổi tiếng gì, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, cho dù nổi tiếng cả về cái tốt, cái xấu. Anh bị lòe nhòe trong vô vàn người lòe nhòe ở cái chốn  tỉnh lẻ, mà còn có phần buồn tẻ của thị xã bị bỏ quên một thời. Ấy mà tôi lại nhoi nhói nhớ anh. Bởi chưng, anh có dính dáng đến chữ nghĩa, anh có mê viết lách. Mà nghiệp chữ nghĩa, anh cũng chưa được hưởng vinh quang chói lọi gì, nó chỉ là những đốm lửa lom đom, le lói khiêm nhường. Ấy nhưng lại là những ánh sáng mong manh chiếu lên  thân phận anh. Mà cũng lạ, cái thị xã nhỏ bé này, có tới hơn chục người ham mê văn chương chữ nghĩa, nghệ thuật. Ấy là Đỗ Chu xuất hiện rất sớm, với những trang viết trong trẻo, đắm say và có dấu hiệu của những tài năng ngay từ những ngày đầu tiên. Ấy là Dương Thu Hương tài hoa và ngang ngạnh. Ấy là Anh Vũ đắm say, là Nguyễn Thanh Kim hổn hển, là Trần Anh Trang chỉn chu tới mức rời rạc. Chí ít ra, như các họa sỹ đắp tượng, vẽ truyền thần kiếm tiền xây nhà nuôi vợ con đề huề như Vũ Bẩy, Minh Đạt, Minh Châu... Còn Nguyễn Ngọc Ly mà tôi biết, lại chẳng được trời ban cho cái khả năng vênh vang đó. Tôi biết anh khi anh đang là gã thanh niên gầy guộc đạp xích lô chạy xòng xọc quanh bến xe, bến tàu kiếm tiền nuôi miệng, nuôi vợ con bìu díu nheo nhóc. Cái gã đạp xích lô ấy, thi thoảng trả khách xong, ghé quán cóc ngồi bệt xuống đất làm mồi thuốc lào, gã rít lấy rít để như kẻ sắp chết đói vớ được bát cơm nguội. Đôi lúc, gã khoan thai mơ màng nhả khói, ngửa mặt ngắm trời xanh vòi vọi trên cao như có phần cứu rỗi gã. Thực ra, Nguyễn Ngọc Ly có thơ in trên báo Văn Nghệ rất sớm. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì bài thơ “Ngày mưa” của anh được in vào năm 1966, thời điểm mà lớp anh em mê viết lách ở cái thị xã nhỏ bé ấy mới chỉ có Đỗ Chu được in truyện trên báo Văn Nghệ. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác báo Văn Nghệ khi ấy đền đài và cao vòi vọi mà chúng tôi  mơ tưởng chưa biết bao giờ được đặt chân tới. Vậy mà Nguyễn Ngọc Ly đã được in thơ trên báo đó. Ngày đó, tôi  chỉ mới biết tên chứ chưa gặp anh, nhưng tôi đã thấy nể lắm. Nghe nói, nhà anh có hiệu sách Khánh Ký sang trọng giữa phố chính của thị xã . Đấy là giai đoạn cuối của thời vàng son gia đình anh. Bài thơ anh viết về cơn mưa thị xã  với những cảm xúc rất đáng yêu: Không có người gánh nước dưới mái hiên Mà cứ mưa tầm tã Ôi ngày mưa thị xã Rãnh nước ngập ngừng ...nhớ thuyền giấy đàn em. Ngay ngày đó, anh đã có những niềm tin ...lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Anh biết chăng phía sau ngôi nhà đổ Là mảnh vườn đã mọc hàng xoan. Cái cảm xúc trong trẻo, niềm tin trong sáng vào cuộc sống có phần thái quá ấy, có thể chỉ những người đã  sống cùng thời mới cảm thông hết. Nhưng tôi biết những cảm xúc đó của anh là hoàn toàn chân thật. In một bài thơ, rồi anh mất tích trên báo. Không chỉ trên báo Văn nghệ, mà các tờ báo khác, cũng không thấy thơ anh công bố, không thấy tên anh xuất hiện. Mãi sau này, tôi mới biết anh bị dính líu chuyện gì đó không hay về sinh hoạt. Thế rồi đời anh đã trôi dạt theo một hướng khác. Lâu lắm, sau chiến tranh phá hoại, anh xuất hiện trở lại ở thị xã nhỏ bé ấy với tấm thân kiệt quệ, còm cõi. Gia đình đuề huề yên ấm một thuở đã tan nát, nhà mặt phố có cửa hiệu sách Khánh Ký đã bán và xẻ chia tan nát sau khi bố mẹ anh mất. Anh không nghề nghiệp, không vốn liếng. Anh thành người lao động tự do và cuối cùng tìm đến cái xích lô làm bạn mưu sinh. Bạn bè viết hồi đó cũng lạ, dù  chỉ xuất hiện trên báo có một lần với một bài thơ, ấy mà không chỉ riêng anh em viết lách ở cái thị xã nhỏ bé đó nhớ anh, mà tôi nhớ  có dạo xuống Hải Phòng, gặp nhà thơ Đào Cảng, nhà thơ Nguyễn Tùng Linh, các anh đều hỏi tôi sao không thấy Nguyễn Ngọc Ly xuất hiện tiếp? Với chi tiết này, tôi thấy ngày trước có phải lượng thông tin báo chí còn hẹp, nên anh em viết lách quan tâm và nhớ nhau đến  vậy không? Chả bù bây giờ, thời buổi in ấn tự do, có người in hàng chục tập sách,  có nhắc tên cũng chả mấy ai hay biết? Hồi ấy, tôi làm biên tập ở một tờ báo. Một bữa,  nhà thơ Nguyễn Thanh Kim ở Bắc Ninh ra, có chuyển tôi mấy bài thơ của Nguyễn Ngọc Ly. Tôi thấy có bài dùng được, liền chọn in một bài. Chắc là anh cũng vui lắm khi nhận được báo tôi gửi về. Anh có nhắn tôi về Bắc Ninh chơi. Tôi có nhận lời, mà thu xếp mãi vẫn chưa về được. Thực tình, đến khi ấy, tôi vẫn chưa được gặp anh. Anh em chỉ  biết nhau qua thư từ và lời nhắn gửi qua bạn bè. Một buổi Nguyễn Ngọc Ly về Hà Nội tìm tôi. Có lẽ anh ngại tới tòa báo, mà anh đến tìm tôi tại nhà riêng ở một ngõ nhỏ khu Vân Hồ. Tôi đi làm về,  bà con hàng xóm chuyển lại thư anh gửi, mới hay anh đến tìm tôi mời về dự cưới tái hôn của anh. Mấy chú đạp xích lô hàng xóm đang sửa xe trong ngõ kể lại, anh còn xắn tay áo lúi cúi sửa giúp họ hồi lâu, rồi mới ra đi. Ngày vui của anh, tôi không về dự được, vì cơ quan phân công tôi đi tỉnh xa  viết một bài điều tra gấp. Tiếc là không về dự được, nhưng tôi thầm vui, vậy là anh đã có tổ ấm mới. Theo các cụ nói, hạnh phúc của rổ rá cạp lại, tuy nhiên với anh, tôi thấy cũng là tốt rồi. Gây dựng lại gia đình, lầm lũi làm việc kiếm sống, nhưng xem ra đời sống tinh thần của anh cũng chả được cải thiện gì đáng kể. Số anh em mê viết lách ở thị xã đèn dầu một thuở, nay đã ly tán cả. Người về Hà Nội, người ngược Bắc Giang, cũng có người ở lại thị xã, nhưng đời sống mưu sinh đã kéo mỗi người đi một ngả. Sau những giây phút còng lưng hay ngửa mặt kiếm đồng tiền nát nhừ  mồ hôi lương thiện của mình, cầm những đồng tiền lẻ về nuôi vợ nuôi con, Nguyễn Ngọc Ly lại áp mặt vào tờ báo, trang sách mong tìm lấy những từ ngữ đồng cảm và an ủi số phận mình. Ấy rồi anh viết. Niềm say mê thi ca chưa đoạn tuyệt với anh. Cho dù thơ ca chẳng đổ đầy thêm thùng gạo, chẳng thay thế hóa đơn thanh toán tiền điện nước, chẳng hóa thành cuốn vở cho con tập viết, nhưng Ly đã thấy, nếu không có niềm say mê đó, thì anh khó có thể đi qua được nỗi vất vả thường ngày. Đương nhiên phố xá mải buôn bán, mọi người mải chạy theo mánh mung phi vụ ép-phe hàng hóa hoặc tranh giành chức sắc còm nào đó, hỏi làm sao họ đồng cảm cùng anh về những mơ mộng viển vông? Chưa kể, anh lại là người làm nghề dưới đáy xã hội, theo con mắt thông thường của người đời thuở đó. Anh trở về căn phòng tồi tàn với lối đi nham nhở vôi vữa và ánh sáng tù mù của ngọn đèn điện tiết kiệm không đủ sáng. Vợ con anh chỉ biết anh là người chồng lam làm thương vợ thương con; làm sao hiểu cái khát khao bay bổng, cái  mơ hồ, mong manh, âm ỉ làm sung sướng, làm đau khổ  tâm hồn anh.  Đôi lúc, như có sức mạnh vô hình bất thần kéo dựng anh thức dậy giữa nửa đêm, hoặc nâng tiếp đôi chân anh dấn mạnh trên chặng đường trập trùng lam lũ. Có thể ai đó sẽ cho anh là người dở hơi, hão huyền. Thực ra, đã là kẻ mê chữ nghĩa, thì ai chả có phút giây hão huyền, dở hơi ? Nhưng  Nguyễn Ngọc Ly không thể sống mãi với trạng thái hão huyền đó. Cuộc sống kéo anh căng ra như chiếc chão nhầu nhĩ đang gồng sức kéo con thuyền qua vùng nước cạn, kéo cỗ xe gia đình nặng nề ngược dốc. Anh chỉ có những giây phút ngắn ngủi dành cho thi ca. Ấy là đêm đêm khi vợ con đã ngủ say trong tấm màn bùng nhùng như gọng vó tôm cũ nát, hoặc ban trưa khi  ngồi trên thùng xe xích lô chờ khách, anh thả tâm trí mình cho tự do bay lượn theo một tứ thơ bất chợt. Cũng có thể anh ngồi vục mặt vào cuốn vở cũ mèm  lấm lem dầu mỡ, ghi địa chỉ  khách hàng cần chuyên chở hàng hóa. Anh xoay ngược cuốn sổ, lật trang cuối , ghi  chép lại những câu thơ vụt đến. Không biết bài thơ “Mưa” của anh có phải được ghi chép trong tình huống như thế không? Trời đất như đã run rủi  cho anh bài thơ này. Ấy là tôi nói ngày xưa Mẹ tôi tái giá - đò đưa theo dòng Không mưa cũng thể phập phồng Lừa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau Ấy là tôi nói ca dao Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi Bà đừng ru nữa bà ơi Vít thêm ngọn nắng mồng tơi dậu nhà Ấy là tôi nói áo hoa Mẹ mua cho tết tỉnh xa gửi về Dì tôi dỗ: áo của dì Để cho tôi mặc, không thì tôi không... Ghét lây bẩy sắc cầu vồng Giá như biết chặn lối vòng cơn mưa. Bài thơ là câu chuyện buồn về cảnh ngộ  cậu bé phải ở lại nhà nhờ người dì nuôi, vì mẹ cậu đi tái giá. Xem ra, người mẹ cũng chẳng vui gì, tâm trạng dùng dằng lừa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau. Cậu bé  không dám oán trách, mà chỉ hờn dỗi. Cái áo hoa, ngày tết mẹ thương con gửi về cho con, phải nhờ người dì dỗ là dì mua Thì tôi mới mặc, không thì tôi không... Rõ là cậu hờn dỗi rồi. Cậu nhớ mẹ và trách ông trời sao không đem cầu vồng bảy sắc đi chắn cơn mưa. Ca dao cổ có viết Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? Cái xót xa, đắng đót từ bài thơ, âm thầm lan tỏa sang người đọc. Có thể người này thích hoặc người khác không thích, nhưng với tôi, tôi thấy đây là bài thơ hay. Có lẽ số phận đã xô đẩy anh phải gánh chịu  những tai ương  gió mưa tan nát, nên anh  có được bài thơ này. Tôi không tiện hỏi đời tư của anh có chịu cảnh éo le của đứa trẻ bị bỏ rơi vì người mẹ tái giá đi bước nữa hay không? Nhưng tôi tin chắc chắn anh đã đồng cảm sâu sắc những cảnh ngộ kia, thì anh mới có những câu thơ đau nhoi nhói như vậy. Bài thơ chuyền tay bạn viết ở cái thị xã nhỏ bé, rồi được gửi và in trên báo ngoài Hà Nội, rồi được tuyển chọn trong Tuyển thơ lục bát Việt Nam. Lần về thăm anh, trên bàn thờ nhỏ, thấy anh bầy trang trọng tập thơ tuyển ấy trước  bát hương xum xuê  tàn hương. Tập thơ được mở ra đúng trang có in bài thơ “Mưa”. Tôi biết, đấy không phải là anh tự tôn vinh  mình, mà là sự  tôn thờ thành kính trời đất đã cho anh những cảm xúc thấm đẫm chân thành như thế. Nhưng cõ lẽ đã có một cái điềm gì đấy vận vào cuộc đời anh. Bài thơ đầu tay anh công bố, và bài thơ được nhiều bạn bè anh nhắc tới khi nói về anh, cũng là những bài thơ mưa. Ngay thời anh còn sống, năm 1990, Hội văn nghệ Hà Bắc đã tập hợp và in cho anh tập thơ “Mưa thầm”. Năm 2006. sau ba năm ngày anh mất, Hội văn nghệ Bắc Ninh với nghĩa cử tình người đáng trân trọng,  tập hợp in cho anh tập thơ “Ngày mưa”. Trong tập thơ của anh thấy nhắc rất nhiều đến mưa. Đời thuở nào, ngay tên bài trong tập, cũng có tới bảy bài thơ về mưa. Bạn bè  có người nói, thơ Ly chỉ  hay khi viết về đề tài mưa gió. Đúng là mưa đã vận vào cuộc đời anh thật. Mà thông thường, tâm trạng con người thấy mưa thì vui ít, buồn nhiều. Mưa thì vốn tơi bời, mù mịt, thẳm xa tất cả. Chuỗi ngày tháng trên cõi dương gian với Nguyễn Ngọc Ly đúng là buồn nhiều hơn vui. Nghe nói, những ngày cuối, anh uống rượu nhiều, anh uống lặng lẽ, không làm phiền ai. anh  ôm mặt, uống. Anh  sống cô đơn với chính mình. Công việc thường nhật  thu nhập bữa đực bữa cái. Anh không kêu ca, oán thán. Tấm thân gầy guộc của anh đã không còn đủ sức kéo cỗ xe thân phận tiến thêm chút nào nữa. Anh đã đổ gục. Anh là người ít may mắn. Có lẽ cái may mắn nhất với Nguyễn Ngọc Ly, là anh đã tìm tới thi ca. Thi ca đã làm anh không sớm bị quên lãng. Nói theo cách khác, thi ca đã làm anh không bị mất tích trên cõi dương gian. Cho dù ý nghĩa này, có thể chỉ đúng trong phạm vi  bạn bè hạn hẹp của anh. Nhưng theo tôi, như thế cũng đủ hạnh phúc cho một kiếp người. Những năm gần đây, tôi thỉnh thoảng có trở về Bắc Ninh. Thị xã tỉnh lẻ bỏ quên dạo nào, nay đã là thành phố bề thế. Phố xá không còn nhiều bóng dáng xe xích lô như dạo trước. Cửa hàng cửa hiệu sáng trưng, ô tô đan nhau như mắc cửi. Tôi có tìm đến số nhà 142 phố Tiền An thuở nào. Phố xá đã đổi cả số nhà và tên phố. Tôi vẫn nhận ra nơi đây từng có một con người, từng lầm lũi sống, lầm lũi đi giữa bao cơn mưa cuộc đời, để viết được bài thơ hay về mưa. Nhưng hỏi người dân nơi đây, chả còn mấy người nhớ về Nguyễn Ngọc Ly nữa. Điều này, làm tôi  buồn sững lại./. (Rút trong tập chân dung văn học “Nhà văn độc hành độc bộ” của Vũ Từ trang)