Trang chủ Chân dung hội viên

Người kể chuyện trên đất cổ tích - ANH VŨ
14:37 | 03/02/2015

NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRÊN ĐẤT CỔ TÍCH

Anh Vũ

     Ông là Hoàng Giá, tác giả tập truyện ngắn: “Người bày cờ thế” được nhà xuất bản quân đội nhân dân ấn hành năm 2002. Còn đất cổ tích nào phải đâu xa, rõ ràng là quê hương Thuận Thành - Bắc Ninh của nhà văn. Tôi đã may mắn đọc tác phẩm này còn trong dạng bản thảo. Cứ băn khoăn mãi rằng sao các câu chuyện đều phải phê tròn trĩnh quá. Rồi đến lúc được tác giả tặng sách, tôi lại thong thả đọc thêm lần nữa. Rềnh rang cả tháng rồi cũng xong. Hình như Hoàng Giá có cái gì khá riêng của mình. Mấy lần cầm bút định viết chữ cho nhau, chữ nghĩa trốn đi đâu cả bởi tôi còn lúng túng lắm. Mấy tờ giấy trắng nõn chưa biết vết mực nào đã vô tình bị sự bức bí của tôi vò đi trong tiếng thở dài “Thôi cho qua”  tự bảo thầm mình thế mà nào có cho qua được - chả ai nhắc đâu, tôi vẫn thấy mình như mắc nợ. Vào cuộc văn chương, chơi cả đời với nhau sao có thể lấy vài câu đãi bôi, phơn phớt bên ngoài mà tính sự dài lâu. Vả lại cứ cho là chưa quen biết, quan hệ gì với nhau đi mà để tuột qua tay một vật giá trị chưa đủ sức đọc ra, chẳng là kém cỏi lắm sao? Và thế là lần thứ ba tôi đọc lại Hoàng Giá. Có lẽ lần này do đọc liền một mạch, xâu chuỗi truyện nọ kế tiếp truyện kia, tôi mới phát hiện ra giọng điệu kể chuyện của Hoàng Giá quả thực có sự tiếp nối từ mạch nguồn vùng quê anh. Nơi ấy có đền thờ Kinh Dương Vương và bao nhiêu đình thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ,… Tiêu biểu cho cả thời các vua Hùng dựng nước. Nơi ấy còn bao dấu tích về sự truyền bá đạo Nho phật lúc khởi đầu. Trải mấy nghìn năm thăng trầm dâu bể, cái tinh hoa vẫn còn lại trong nếp sống, nếp nghĩ. Đó là chữ trung và niềm tin có nhân có quả lồ lộ trong các thân phận nhân vật của Hoàng Giá. Quyết định cả kết cấu câu chuyện và câu chữ kể cả của nhà văn. Quá nửa đời người bôn ba nay đây mai đó làm tròn nghĩa vụ của anh bộ đội cụ Hồ, nay Hoàng Giá mới có dịp về sống dài lâu ở làng mình. Bằng sự từng trải và gắn bó máu thịt với quên hương, nhà văn từng mặc áo lính này có nhiều thời gian và điều kiện hơn để hồi tưởng cũng là tìm hiểu cặn kẽ cuộc sống quen thuộc quanh mình. Qua suy nghĩ, chiêm nghiệm và nhào nặn, Hoàng Giá dần dà đã có đủ chất chứa và dồn nén để đưa lên ngòi bút, kể thành chuyện mạch lạc. Rồi chuyện nọ chuyện kia, cả tập truyện “Người bày cờ thế” cũng được hoàn chỉnh. Tác phẩm đầu tay của Hoàng Giá này, là một văn phẩm đẹp bởi sự gọn gàng, xinh xắn đến trọn vẹn. Chưa đầy 200 trang khổ giấy bình thường, Hoàng Giá vẫn trải ra và gói lại đủ 14 chuyên đề truyện có đầu có cuối. Tất cả như được viết liền hơi liền mạch, truyện nọ bổ sung cho truyện kia, gợi lại cả một không gian vừa tươi xanh vừa bàng bạc khói sương nhuốm màu cổ nhân, cổ tích. Bằng tiếng nói xuất phát tự chân tâm, chân tình của nhân ái, cảm thông, Hoàng Giá đã phản ánh khá đầy đủ bức tranh toàn cảnh đầy những biến động cả ở bề nổi và sâu xa bề chìm của một vùng đất cổ qua suốt hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc cùng là những đổi mới lớn lao của quê hương trong thời gian mở cửa hiện nay. Với hàng mấy chục cuộc đời đan xen nhau. Nào Dũng, Chất, Thắm trong truyện “Người bày cờ thế trên Bến Hồ”. Nào Định, Lợi, Hiền, Dịu trong truyện “Bạn đọc”. Nào Vân, Đông, Ngọc, Mơ, Hoa, Khanh, Đạt, Lan,.. trong các truyện khác. Bao nhiêu nhân vật nam cũng như nữ ấy, mỗi người một vóc dáng, một số phận, một hoàn cảnh đường đời khác nhau. Có éo le, oan khuất. Có thương xót, lầm lạc. Có hy sinh, mất mát chả ai giống ai… Hình như các nhân vật này phần lớn đều đồng trang lứa với tác giả. Chí ít cũng là đồng hương với nhau. Tất cả đều được sinh ra và lớn lên, hoạt động và thử thách qua bom đạn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong cái nền là khung cảnh những làng xóm trù phú nằm ven bờ Nam sông Đuống, bốn mùa xanh mướt lúa ngô với các cánh bãi phù sa ngờm ngợp dâu,  đay tươi tốt. Đây đó, thấp thoáng nổi lên hình bóng các đình đền rêu phong cổ kính và bao nhiêu ngôi cổ tự Bút Tháp, Chùa Dâu,… mỗi tên đất, tên làng đều quen thuộc tự nghìn đời. Này là làng Bến, làng Hồ, làng Bút, làng Đại. Này là bến đò Hàn, bến Tầm Phu, bến Hồ cũng có truyện vượt ra khỏi những đình Lâm, đình Tân, chùa Nhạn Tháp, quán Tiên,… vượt ra khỏi vùng quê xứ Bắc vào mãi tới khu năm với những Phù Cát, Cò Loi. Hay ngược lên mãi phía Hiệp Hòa tới tận tỉnh biên giới Lạng Sơn. Môi trường có thay đổi đôi chút nhưng bản chất con người nhân vật vẫn được tác giả thể hiện nguyên vẹn những nét cơ bản móng nền truyền thống, đặc trưng cho tính cách con người gồm đất cổ truyền thống tranh dân gian giấy Điệp và dân ca Quan họ liền anh liền chị. Tưởng dịu dàng mảnh mai nhưng bền bỉ, dẻo dai mấy ai bằng - củ mỉ cần cù nhưng lúc cần vẫn dám mạnh mẽ, quyết liệt - ít lời ít tiếng nhưng sâu nặng tình người. Có tín có nghĩa với bạn bè đồng chí. Một lời đã hứa thì sống chết không chịu quên. Những con người như thế đến với tình yêu chả bao giờ vội vã. Đã e ấp lại đắm đuối và thật son sắt thủy chung. Nâng niu trân trọng những phẩm chất truyền thống tốt đẹp ấy. Hoàng Giá tự khép mình như người tác giả vô danh của bao chuyện cổ tích lưu truyền trong vùng để đưa các chuyện của mình vào hướng kết có hậu, cũng là đúng lý thôi. Với văn phong giản dị, chân mộc gặp nhiều khớp đoạn khá rắc rối, Hoàng Giá vẫn dễ dàng vượt qua một cách tự nhiên, suôn sẻ. Tình và cảnh luôn đan xem, tan hòa với nhau. Đây là nét mạnh sẽ giúp cho Nhà văn trong bước đường hội nhập với văn phong hiện đại đương thời. Lấy bất chợt một câu ngay đầu sách, tôi thấy đây không còn chỉ là tình và cảnh nữa. Chẳng he hé ra đó, một ý tưởng triết lý kín đáo nhắn gửi chung cho cả cuốn sách đó ư? “Họ tần ngần ngắm bãi ngô xanh mướt, con đê sừng sững uốn lượn, cái lô cốt bê tông bị che kín bởi cái sặp hàng và cây đa có đến hàng trăm tuổi…“ Thêm một cây đa ấy, làm sao không tin nhau được./.