Trang chủ Chân dung hội viên

NHỮNG TRANG VIẾT GIÀU TÂM HUYẾT CỦA NGƯỜI THƯƠNG BINH CẦM BÚT
10:04 | 29/03/2019

     “Vì khả năng có hạn, nên dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng những trang viết của mình còn lâu mới được như các bạn. Nhưng mình coi đó là động lực để trau dồi, học hỏi để tiếp tục viết, để luyện chữ rèn người, thỏa mãn niềm đam mê và may ra, đóng góp được điều gì có ích cho mọi người…”

        Từ lâu, bút danh Hoàng Ngọc Bính đã trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc xa gần, chân dung tác giả và tác phẩm cũng đã được giới thiệu trên mặt báo và sóng phát thanh truyền hình đã nhiều lần, nhưng với tôi, cùng là người cầm bút, lại biết nhau đã lâu, quý nhau cái nết, trọng nhau cái tình, nên nhân dịp tác giả ra mắt bạn đọc ấn phẩm “Chuyện đời thường”, cũng là cuốn sách thứ 3 của mình, tôi không thể không viết về anh và tác phẩm đôi dòng, âu cũng là cái tình, cái nghĩa của một đồng nghiệp để bạn đọc hiểu thêm về một cây bút xuất thân từ người lính, người thương binh giàu tâm huyết này.

Nhà báo, nhà văn Hoàng Ngọc Bính sinh năm Nhâm Thìn (1952), quê ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Thời trai trẻ anh tham gia quân đội, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, bị thương hỏng mắt phải, hiện mảnh đạn vẫn còn trong hố mắt, tỉ lệ thương tật 61%, được xếp hạng thương binh 2/4 vĩnh viễn. Năm 1974, anh được ra Bắc rồi đi học nghề điện, về công tác tại Công ty thủy nông Bắc Đuống. Vừa là công nhân, vừa là cán bộ đoàn của Công ty, Hoàng Ngọc Bính rất sôi nổi trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lại có năng khiếu ca hát và hội họa nên đã không ít lần “mang vinh quang” về cho đơn vị qua các kỳ hội thao, hội diễn. Anh đã từng đạt giải nhì về vẽ tranh cổ động, nhiều giải thưởng về văn nghệ và thể thao của tỉnh Hà Bắc, được Đài truyền hình tỉnh ghi hình và phát sóng cả một chương trình để giới thiệu giọng hát của mình. Hoàng Ngọc Bính còn làm thơ, chụp ảnh, sáng tác nhiều kịch bản sân khấu và làm đạo diễn cho nhiều cơ quan, đơn vị đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn… từ cấp thị xã, cấp tỉnh cho tới toàn quốc. 

Cũng nhờ có những tài năng ấy, lại có đức tính khiêm nhường, cởi mở, sống với anh em bè bạn, đồng chí, đồng nghiệp thì hết lòng tận tụy, chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn, nên anh chàng thương binh đã ở tuổi “băm”, nghèo rớt mồng tơi, đã được người con gái Đình Bảng trẻ hơn gần một giáp, vừa xinh đẹp, nết na, lại giỏi chuyên môn nghiệp vụ (sau này trở thành kế toán trưởng của cơ quan) đem lòng yêu mến, họ đã nên vợ nên chồng. Từ đó, Hoàng Ngọc Bính quyết định lấy Đình Bảng là quê hương thứ hai để sinh sống và lập nghiệp, theo đuổi niềm đam mê viết lách của mình. 

Hoàng Ngọc Bính kể lại, từ những năm 70 - 80 đã có bài đăng trên báo Tiền Phong và báo Hà Bắc… nhưng vì nhiều lý do mà niềm đam mê viết lách ấy đành gác lại, mãi đến tận sau này anh mới tiếp tục cầm bút. Khi đã cộng tác nhiều với báo, lại luôn cầu thị, khiêm tốn học hỏi các bạn viết nên kỹ năng làm báo của anh cũng ngày càng hoàn thiện, chất văn cũng mỗi ngày đậm đặc hơn. Nhờ sáng tác được nhiều tác phẩm báo chí và văn học nghệ thuật chất lượng, Hoàng Ngọc Bính được kết nạp vào Hội nhà báo Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Bắc Ninh. Mặc dù tuổi mỗi ngày mỗi cao, sức mỗi ngày mỗi yếu do thương tật, con mắt còn lại cũng mờ dần, lại một lúc gánh vác nhiều công việc xã hội như Chi hội Trưởng Chi hội Nhà báo Tạp chí Người Kinh Bắc; Ủy viên Ủy ban MTTQ thị xã Từ Sơn; Ủy viên BCH Phân hội VHNT, Báo cáo viên Hội CCB thị xã Từ Sơn; Phó chủ nhiệm CLB thơ Đền Đô, Trưởng ban liên lạc Hội hưu… vậy mà các tác phẩm của Hoàng Ngọc Bính vẫn cứ ra đời đều đặn. Với anh, “còn sức thì còn viết, còn sáng tạo”, coi đó là niềm vui sống của mình. Đến nay, Hoàng Ngọc Bính đã có hàng nghìn lượt tác phẩm được đăng tải trên mấy chục đầu báo, tạp chí từ Trung ương tới địa phương; được nhận tới gần 20 giải thưởng báo chí và văn học nghệ thuật, được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa - Thể thao và Du lịch”, cùng rất nhiều giấy khen của Hội Nhà báo, Hội VHNT, Báo Bắc Ninh, Đài phát thành truyền hình tỉnh và UBND thị xã Từ Sơn. Đặc biệt, anh còn vinh dự là một trong hai nhà báo tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh được Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong 20 năm tỉnh Bắc Ninh xây dựng và phát triển - Giai đoạn 1997 - 2017”.

Năm 2014, nhà văn, nhà báo Hoàng Ngọc Bính xuất bản cuốn sách đầu tay có tựa đề “Những trang viết Hoàng Ngọc Bính”. Sách khổ lớn, số trang đầy đặn, nội dung phong phú, được nhiều bạn viết cổ vũ, giới thiệu, ghi nhận sức viết, sức sáng tạo của mình. Năm 2016, tác giả lại cho ra mắt cuốn “Những bông hoa đời thường”, cũng khổ lớn, số trang đầy đặn như cuốn trước, gồm 115 bài viết về những tấm gương điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, tôn vinh những tấm gương bình dị mà cao quý trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuốn sách đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội nhà báo, Hội VHNT tỉnh và đông đảo bạn đọc đánh giá cao, bởi đã có sức lan tỏa rộng lớn và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cổ vũ, động viên mọi người cùng làm việc tốt, đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương đất nước. 

Cuối năm 2018, đúng chu kỳ “ba năm đôi”, Hoàng Ngọc Bính lại tiếp tục cho ra mắt cuốn “Chuyện đời thường”. Sách dầy trên 200 trang, đây là những bài viết thuộc loại “sở trường” của anh, rất gần gũi đời thường, nhưng lại mang tính xã hội nhân văn sâu sắc. Vấn đề nêu ra trong các câu chuyện của anh đều theo hướng tích cực, tiến bộ và nhân bản.

Trong “Chuyện đời thường”, tác giả giới thiệu với bạn đọc 50 tác phẩm, trong đó có 8 kịch bản sân khấu, nội dung xoay quanh chuyện nhà, chuyện làng, chuyện phố… Đây là những kịch bản anh viết nhằm tuyên truyền những vấn đề cụ thể ở địa phương, với các thể loại kịch nói, chèo, cải lương, quan họ... rất phù hợp với các hội thi tuyên truyền và phong trào văn nghệ quần chúng hiện nay. Cùng với các tiểu phẩm sân khấu kể trên là 42 tác phẩm văn xuôi, tác giả viết ở thể loại ký, truyện ngắn, tạp bút... thể hiện sự quan sát tỉ mỉ cuộc sống thường ngày ở mỗi làng quê, khu phố, sáng tạo nên những câu chuyện giàu tính giáo dục sâu sắc: Ngồi ăn bữa “cơm bụi” nghe chuyện “rất đời thường” về mối quan hệ vợ chồng, gia đình người khác mà tự nhắc nhở bản thân phải trân trọng, gìn giữ tình cảm vợ chồng mình Câu chuyện trong quán cơm. Với người đi làm ăn xa đã có lúc trót quên người vợ thuở hàn vi, để tới khi xám hối thì mái đầu đã bạc, và ngày về là nhân bản biết bao Trở về. Lại có người tuổi đã xế chiều, nhưng gặp hoàn cảnh éo le, “chòng chành như nón không quai”, đành “rổ rá cạp lại” vì “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông” cũng được nhà văn viết rất cảm động trong Xuân muộn. Nhưng quan hệ vợ chồng nếu không biết giữ gìn tất sẽ có ngày “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, để rồi “đường ai nấy đi”, dẫn đến hậu quả thương tâm mà con cái phải gánh chịu. Câu hỏi sau li hôn, Thằng Hiếu và Chiều muộn là những lời cảnh tỉnh thấm đẫm nước mắt dành cho những cặp vợ chồng bên bờ vực đổ vỡ.

Mối quan hệ gia đình còn thể hiện trong nhiều câu chuyện khác nhau, rất đời thường mà muôn hình muôn vẻ. Đó là việc chiều con, yêu con sai cách thì sẽ gặp Hậu quả tất yếu, việc thiếu nêu gương của bố mẹ sẽ dẫn đến Con hư tại bố, sự ăn ở thiếu công bằng của cha mẹ với con cái, con cái bất hiếu, phụ công sinh thành của bố mẹ cũng là những bài học mang tính nhân văn sâu sắc Lòng mẹ. Nhưng nếu biết thương yêu và san sẻ yêu thương thì con cái cũng sẽ noi gương, biết hy sinh niềm vui riêng của mình để lo cho cha mẹ, anh em, bè bạn… Ngày hội làng của Thủy, Tết trung thu vui nhất. 

Bên cạnh đó, vấn đề tệ nạn xã hội đã từng gây nhức nhối ở mỗi làng quê, góc phố cũng được tác giả đề cập đến như cờ bạc Vỡ mộng; Con hưu tại bố; Nạn tảo hôn: Niềm vui của bà Quý; Gái mại dâm: Không bao giờ muộn… bằng những lời văn dung dị, hài hước nhưng chứa đựng nhiều tâm trạng: Giận mà thương, thương mà giận.

Hoàng Ngọc Bính dành nhiều trang viết về mối quan hệ hàng xóm láng giềng, “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Từ cái rãnh nước chảy qua nhà hàng xóm Cái rãnh nước; Cái giếng quê sát bên bờ dậu Niềm vui bình dị rồi luống rau, con gà Chuyện nhỏ một chiều quê; Cái bóng điện lắp bên đường, Ngõ Sáng… Những chuyện làng, chuyện phố bình dị và rất đời thường ấy đã được tác giả kể lại như những lời nhắc nhở chân tình, hướng mọi người tới vẻ đẹp của tấm lòng vị tha, cao thượng. Có ông hàng xóm nhiều tiền chơi sang, mua loa đài công suất lớn, bất chấp quy ước văn hóa của địa phương, mời bạn bè về “tự làm ca sĩ” hát suốt ngày đêm, tra tấn xóm giềng bằng âm thanh quá lớn trong Một kiểu tra tấn. Rồi chuyện con mèo có công bắt chuột cho cả xóm, nhưng lại bị đòn oan, nhưng hai nhà vẫn đoàn kết, cùng thương và chạy chữa cho mèo chứ không làm mất đi tình cảm xóm giềng Chuyện nhỏ mà không nhỏ. Chuyện hai nhà hàng xóm cũng đề cập đến mối quan hệ làng xóm láng giềng, “một điều nhịn chín điều lành”, luôn nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau thì sẽ nhận được tình cảm tốt đẹp. Lại có người rất chắt chiu, nghiêm khắc với bản thân nhưng lại rất nhiệt tình trách nhiệm với việc chung, tích cực đóng góp tiền của và công sức để làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng xã hội Người “ki bo” nhất xóm, Ngõ sáng…

Đời sống hiện đại có nhiều thứ xô bồ đã và đang tác động mạnh đến thuần phong mỹ tục ở mọi làng quê. Những mối quan hệ gái trai sa đọa, chung chạ thời xưa bị lên án gay gắt, thậm chí còn bị định tội, thì hiện nay đang được coi là bình thường. Thế nhưng, để có những trang viết tinh tế về vấn đề này, Hoàng Ngọc Bính lại có cái nhìn của riêng mình, tác giả luôn trăn trở và lên án một cách nhẹ nhàng, thâm thúy nhưng cũng không kém phần cảm thông chia sẻ. Bài học đắt giá, Câu hỏi sau ly hôn… Hiện tượng đánh vào lòng tham, hám lợi của người dân, hoặc bị một số kẻ xấu tìm muôn phương nghìn kế trục lợi bất chính cũng được nhà văn cảnh báo, vạch trần trong các chuyện: Một kiểu lừa; Tham vọng. Chưa hết, một hiện trạng đáng buồn là người dân cố tình không hiểu hoặc chưa hiểu dẫn đến vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và xã hội, qua các chuyện: Ông Thành đi kiện; Chuyện nhà ông Chấp... đã như những lời cảnh tỉnh về kỹ năng sống và ý thức trách nhiệm của một bộ phận dân chúng hiện nay. Bằng tình cảm và trách nhiệm của người lính, người đồng đội năm xưa, tác giả đã tỏ thái độ chê trách, lên án một người bạn chiến đấu nay đã tha hóa biến chất về đạo đức, lối sống, coi mạng người rẻ hơn đồng tiền trong Lần gặp cuối cùng.

Trong “Chuyện đời thường”, không thể không đề cập đến những truyện tác giả viết về chủ đề thiếu nhi. Qua ngòi bút của mình, anh đã kể cho chúng ta nghe những câu chuyện đầy xúc động về tuổi thơ. Trẻ con sống vô tư đấy, hồn nhiên đấy, nhưng câu chuyện nào cũng như xoáy vào lòng người lớn, động tới trái tim người lớn. Tác giả vui với nguồn vui của con trẻ, đau nỗi đau của con trẻ để gửi cho chúng ta một thông điệp: “Trẻ em như búp trên cành”, hãy dành cho trẻ thơ những điều tốt đẹp nhất để những búp non ấy ngày càng xanh tươi màu mỡ, dâng hoa thơm trái ngọt cho đời…

Có lần Hoàng Ngọc Bính tâm sự với tôi: “Vì khả năng có hạn, nên dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng những trang viết của mình còn lâu mới được như các bạn. Nhưng mình coi đó là động lực để trau dồi, học hỏi để tiếp tục viết, để luyện chữ rèn người, thỏa mãn niềm đam mê và may ra, đóng góp được điều gì có ích cho mọi người…” Hoàng Ngọc Bính đã đánh giá rất thật về mình như thế, nhưng với tôi, đã là người cầm bút ai cũng có thế mạnh, cũng có hạn chế của riêng mình. Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn viết còn cho rằng, Hoàng Ngọc Bính là một nhà văn, nhà báo luôn có cái tâm trong sáng và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng xã hội, luôn luôn tìm tòi, luôn luôn khám phá. Dù chưa được trải qua một lớp đào tạo nào về làm báo và sáng tác văn học, sức khỏe lại hạn chế rất nhiều về thương tật, nhưng anh đã tự học, tự rèn để trang bị cho mình kiến thức, phản ánh sự kiện, chân dung con người và cuộc sống một cách sinh động và hiệu quả qua rất nhiều tác phẩm chất lượng, tạo được hiệu ứng tích cực cho xã hội. Có thể nói, ít có người thương binh làm văn, làm báo nghiệp dư nào lại có thể gặt hái được không ít thành công qua các bài viết, với rất nhiều đề tài, từ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao… cho đến chính sách thuế, chống buôn lậu, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bình đẳng giới, rồi các di sản văn hóa, danh nhân văn hóa và khoa học, cùng hàng trăm tấm gương điển hình tiên tiến, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại…. như Hoàng Ngọc Bính. Được hội tụ bởi kỹ năng làm báo và sáng tác văn học, nên các tác phẩm của anh luôn giàu tính phát hiện, ngồn ngộn chất liệu của cuộc sống. Vừa cụ thể, chi tiết theo các thể loại báo chí, vừa giàu chất hư cấu và lãng mạn của các tác phẩm văn học, thỏa mãn hai chức năng, đó là: tính định hướng xã hội và nhu cầu giải trí và thưởng thức của đông đảo công chúng. 

Bên cạnh các ấn phẩm đã được xuất bản trước đây, “Chuyện đời thường” được tác giả ra mắt bạn đọc hôm nay là tập hợp, tuyển chọn các bài viết đã được các báo và tạp chí từ Trung ương tới địa phương sử dụng. Các tác phẩm này cũng đã trải qua sự “thẩm định” nghiêm túc và đánh giá tích cực của bạn đọc. Tuy nhiên, nếu nhận xét một cách “khó tính” hơn, ở một số truyện của mình, nếu được tác giả đầu tư nhiều hơn, thể hiện “chắc tay” hơn thì chắc chắn, nội dung tư tưởng sẽ được sáng tạo một cách sinh động và sâu sắc hơn, tính nghệ thuật cũng sẽ cao hơn, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Nhưng nói thì nói thế thôi, những cố gắng của anh, những gì anh gửi gắm trong tập sách này là rất đáng để chúng ta trân trọng và đón đọc. 

Để có những trang viết đầy tâm huyết trong “Chuyện đời thường”, Hoàng Ngọc Bính đã ngày đêm trăn trở, dùng ngòi bút và ý thức trách nhiệm của mình khắc họa nên bức tranh xã hội thu nhỏ nhiều màu sắc, phản ánh cái hay, cái dở, những việc làm đẹp và chưa đẹp của một bộ phận dân chúng ở mỗi thôn làng, khu phố, những mối quan hệ nhân quả, về tình người, tình bạn… bằng tấm lòng bao dung nhân hậu. Với mong muốn cuộc đời này, cuộc sống này sẽ ngày một tốt đẹp lên. Giá trị Chân, Thiện, Mỹ sẽ ngày càng được đề cao và hoàn thiện hơn, cùng vững niềm tin hướng tới ngày mai tươi sáng./.

                                                                                                                                                                                 PHẠM THUẬN THÀNH