Trang chủ Chân dung hội viên

NHỮNG DÒNG KỶ NIỆM VỀ NHÀ THƠ, NHÀ GIÁO ANH HÙNG
08:48 | 28/03/2019

       Tôi và nhà thơ - Nhà Giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn cùng quê (Đông Ngàn xưa, nay là thị xã Từ Sơn), và hiện tại đang sinh hoạt trong Chi hội Thơ thuộc Hội VHNT tỉnh, điều này hẳn nhiều người đã rõ. Song việc thầy và tôi còn có tình thầy - trò đặc biệt từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến bây giờ… thì có lẽ ít người biết đến!

Năm 1963, Nguyễn Đức Thìn là giáo viên dạy văn - sử. Thầy là Tổng phụ trách Liên đội TNTP Ngô Gia Tự kiêm Bí thư Đoàn Trường cấp II Liên Sơn huyện Từ Sơn (nay là Trường THCS xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn), còn tôi khi ấy chỉ là cậu học sinh lớp 5 loắt choắt. Tuy người nhỏ thoi, nhưng học lực khá, lại nhanh nhẹn, tháo vát và có chút “năng khiếu” về văn hóa - văn nghệ nên tôi được thầy Thìn tiến cử làm Liên đội phó phụ trách báo tường kiêm Đội trưởng đội Đuốc Sống. Là anh giáo làng, nhưng với tinh thần trách nhiệm và đam mê với nghề nghiệp, thầy Thìn luôn chăm lo đến “sự nghiệp trồng người” như lời dạy của Bác. Thầy coi mỗi học sinh là một bông hoa trong vườn hoa tươi đẹp, nhiều vẻ: “Mỗi người là một bông hoa/ Mỗi bông hoa lại hóa ra một người...”. Bởi vậy, từ nhà trường đến mỗi gia đình cần thường xuyên chăm lo, vun xới. Bằng cách nhìn nhận, ứng xử với học sinh mang tính nhân văn sâu sắc, tình người cao đẹp trong sáng, nên thầy đau đáu đêm ngày tìm cách dạy và học của thầy cũng như trò sao cho sát, hợp, đem lại hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, ngày 24 tháng 3 năm 1963, phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”, được gọi tắt là phong trào “Nghìn việc tốt” do thầy Nguyễn Đức Thìn khởi xướng và phát động, với quan điểm mà thầy thường chia sẻ: “Làm nghìn việc tốt/ Cùng trừ việc xấu/ Cộng nhân thương/ Chia niềm thông cảm”. Đến nay, sau 55 năm ra đời và phát triển, nó đã trở thành phong trào thi đua sôi động, có sức mạnh lan tỏa sâu rộng không những với thiếu niên - nhi đồng trong cả nước mà còn có tiếng vang lớn với bạn bè khắp năm châu bốn biển, được Bác Hồ, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đúng như lời tâm sự của một bạn học sinh viết trên báo tường của Nhà trường ngày ấy đã nói lên tất cả: “Làm nhiều việc tốt bao nhiêu/ Bác Hồ càng quý càng yêu em nhiều…”.

Tôi còn nhớ như in phong trào thiếu nhi Tam Sơn “Làm nghìn việc tốt – xứng danh cháu ngoan Bác Hồ” lúc bấy giờ bao gồm nhiều nội dung hết sức phong phú, trong đó có việc “Đọc và học, làm theo sách - báo” không những được mọi đội viên, học sinh Nhà trường hưởng ứng với tinh thần hào hứng, nhiệt huyết mà còn được thiếu niên - nhi đồng cả nước đồng tình, cùng “Thi đua, bắt tay với thiếu nhi Tam Sơn…”. Điều hứng thú nhất là Thầy luôn động viên, khuyết khích các trò ham đọc, thích đọc nhưng đọc xong phải biết tóm lược và viết được lời cảm nhận qua từng cuốn sách, tác phẩm, trang báo. Đồng thời từ đọc và học trên sách báo, từng học sinh phải biết vận dụng vào thực tiễn học tập, lao động thường ngày… Chỉ có như vậy mới đem lại hiệu quả. Để thúc đẩy, nâng cao sức mạnh cuốn hút của phong trào, thầy cũng như Nhà trường hết sức chú trọng công tác động viên, khích lệ.Có biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt kịp thời, nhắc nhở những hạn chế, yếu kém một cách nhẹ nhàng, đúng mức… vào buổi chào cờ đầu tuần, sơ kết tổng kết phong trào thi đua hằng tháng, trong mỗi học kỳ và cả năm. Chính từ phong trào “Đọc và học, làm theo sách - báo” trong suốt những năm học ở cấp II thực sự là trang bị ban đầu hết sức bổ ích, cần thiết. Nó là cánh cửa rộng mở giúp bản thân cũng như một số bạn học của tôi từng bước tiếp cận, bước vào sự nghiệp văn chương sau này.
Sau Tết Đinh Mùi năm 1967, hai thầy trò vinh dự được cùng Đảng bộ - nhân dân và thiếu nhi xã Tam Sơn vui đón Bác Hồ về thăm, tôi lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Từ đó, chúng tôi ít có điều kiện gặp nhau. Song những gì thầy phải trải qua những thách thức, cam go do bệnh tật, công việc ập đến hay những vinh quang rực chói của Thầy được tôn vinh, đón nhận… tôi đều luôn dõi theo, sẻ chia. Nhất là những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của Thầy để trở thành một văn nghệ sỹ chân chính của tỉnh nhà, với nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật sáng tác có giá trị được tham gia trưng bày ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, cùng hàng chục ấn phẩm Văn, Thơ, Lịch sử truyền thống viết quê hương, đất nước… Trong đó có nhiều tác phẩm được trao thưởng theo chủ đề lớn: “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất giai đoạn 2012 - 2017. Đặc biệt, với những đóng góp đáng trân trọng, ghi nhận, thầy là một trong 50 nhân tố tiêu biểu toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tôn vinh là cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 1997 - 2017 vào đúng dịp kỷ niệm 185 năm thành lập và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh.Gần đây nhất, tháng 8 năm 2018 vừa qua, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Nhà văn - Dịch giả Hoàng Thúy Toàn (cùng quê Từ Sơn) được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tôn vinh Gương mặt tiêu biểu hội nhập toàn cầu. Đó không những là vinh dự cho đội ngũ VNS trong toàn tỉnh, của Từ Sơn mà còn là phần thưởng xứng đáng báo công với gia đình, quê hương - nơi đã nuôi dưỡng Thầy từng bước lớn lên và thành đạt.
Sau khi rời quân ngũ về với đời thường, thầy Nguyễn Đức Thìn luôn gặp gỡ, khích lệ, động viên tôi tham gia hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Thầy giúp tôi vào sinh hoạt ở CLB thơ Đền Đô, sau đó bổ nhiệm vào BCN. Khi thấy mình tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, thầy đã tự rút lui không tham gia vào BCH và phụ trách Phân hội VHNT thị xã Từ Sơn Nhiệm kỳ 2013 – 2018 nữa. Từ đó đến nay, ngoài việc không ngừng phấn đấu hoàn thành những cương vị, nhiệm vụ chức trách thuộc các đoàn thể xã hội mà mình tham gia, Thầy luôn gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ của một hội viên Hội VHNT tỉnh cũng như Phân hội. Tôi thực sự xúc động mỗi lần ở bên Thầy, được nghe những lời động viên khích lệ, giúp tôi có thêm động lực để gắng sức vượt qua những khó khăn hạn chế, hoàn thành và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chức trách được đảm nhiệm trong những năm qua.
Tháng 9 này kỷ niệm ngày sinh của Thầy , cũng là năm đánh dấu 55 năm Phong trào “Nghìn việc tốt” do Thầy khởi xướng tiếp tục đơm hoa kết trái. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhiều qua những lần tai nạn bị chấn thương sọ não, do di chứng của căn bệnh hiểm nghèo... Nhưng với trái tim nhiệt huyết, cháy bỏng không giờ phút ngơi nghỉ, hằng ngày ngoài công việc là thuyết trình viên ở Đền Đô, dự các cuộc gặp mặt các điển hình tiên tiến, tham gia hội thảo… do tỉnh và Trung ương tổ chức, Thầy vẫn tiếp tục làm thơ, viết sách, giao lưu cùng bè bạn gần xa với nhiều lứa tuổi khác nhau qua sinh hoạt các CLB, hay trên mạng xã hội facebook… Mặc dù Thầy sáng tác nhanh, chỉ là  những vần thơ chân chất, mộc mạc nhưng sâu đậm tình đời, tình người, mang những triết lý sâu sắc:“ Làm giỏi hơn nói giỏi/ Nói làm phải đi đôi/ Đã nói là phải làm/ Làm hơn điều đã nói”…
Năm 2017, Thầy Nguyễn Đức Thìn vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Chích bông không ngủ trưa” (Tập I). Vẫn chủ đề trên, Thầy đang có kế hoạch trình làng Tập II vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019. Vậy là, với tuổi suýt soát bát tuần, Thầy Nguyễn Đức Thìn vẫn có những dự định riêng để tiếp tục dâng tặng cho đời những đứa con tinh thần với những trang viết mới. Xin gửi những dòng kỷ niệm thay lời tri ân sâu sắc của một cựu học trò nhân ngày sinh nhật lần thứ 78 của Thầy./.
                                                                                                                                                                    NGUYỄN TỰ LẬP