Trang chủ Chân dung hội viên

NHÀ VĂN HOÀNG GIÁ VÀ NHỮNG BÀI THƠ
08:38 | 19/04/2019

      Hoàng Giá quê ở xóm Ô Trì, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông là lính đặc công đã từng xông pha trận mạc ở chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mĩ, nay về nghỉ chế độ bệnh binh và lại đang xông pha trên mặt trận văn hóa văn nghệ.

          Ông là nhà văn, nguyên Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh, nguyên Phân hội trưởng Phân hội Văn học nghệ thuật Thuận Thành, nguyên Chi hội phó Chi hội Văn học. Ông đã in một số tiểu thuyết, tập truyện ngắn và đăng tải nhiều tác phẩm văn xuôi trên báo chí. Nay ông lại bước sang lĩnh vực thơ. Thơ của ông đã từng được đăng ở Tạp chí Người Kinh Bắc, Báo Bắc Ninh. Thực ra thì tôi chưa được đọc nhiều thơ của ông mà mãi gần đây ông mới đưa cho tôi xem tập bản thảo thơ có tên là “Bóng thời gian” và nhờ tôi đọc, rồi tham gia góp ý. Tôi nhận lời, và cảm thấy cũng hơi lo, vì biết nói thế nào đây?

          Nói rằng ngạc nhiên thì cũng không đúng. Bởi một khi đã có tài, có tâm hồn nghệ thuật thì ai chẳng muốn thi tài, đọ sức, nếm trải xem sao. Vả lại, xưa nay cũng không thiếu gì những người vừa là nhà văn, vừa là nhà thơ. Bởi vậy, cũng không có gì đáng để gọi là ngạc nhiên khi nhà văn Hoàng Giá lại chuyển sang làm thơ. Và cũng là lẽ tự nhiên bởi nó cũng giống như người đang trên đường đi tìm ra cái mới, tìm ra tiềm năng vốn có của mình để bứt phá vươn lên, tự khẳng định mình, và cũng là để cống hiến, lưu danh.
          Vậy là tôi đã đọc, đọc rất kĩ cả tập thơ. Tôi có cảm giác dường như Hoàng Giá vẫn chưa bứt phá ra khỏi tâm trạng của người cầm bút viết văn nên hầu hết các bài thơ đều làm theo ý chí, ngôn từ nặng về báo chí mang tính thông tấn mà ít bài có cảm xúc, có tứ độc đáo, ít có những câu thơ “thần”. Và trong tất cả những bài thơ được soạn thảo ra trong tập thơ tôi đặc biệt chú ý đến hai bài. Đó là bài “Đôi dép” và bài “Xin làm cây tầm gửi”.
         Về bài thơ “Đôi dép” thì ưu điểm nổi bật: Đó là bài thơ có tứ độc đáo, có tính sáng tạo. Nếu chỉ là một đôi dép bình thường thôi thì không có gì để nói. Nhưng ở đây đôi dép lại liên quan đến chiến tranh, đến nghĩa tình. Một bà mẹ có con là thương binh, bị cụt mất một bên chân. Một người vợ cũng có chồng là thương binh, cũng bị cụt mất một bên chân. Cả hai cùng vì tình thương yêu mà đi tìm mua dép, nhưng khốn nỗi không ai lại đi bán có một chiếc mà phải bán cả đôi. Và thực ra đó cũng là một nỗi buồn, trớ trêu. Nhưng rồi may thay hai người đã gặp nhau để cùng sẻ chia. Tuy so le nhưng lại trùng khớp vì hai người thương binh kích cỡ bàn chân bằng nhau, một người mất bàn chân trái, một người mất bàn chân phải. Như thế, chẳng khác nào trời xui đất khiến, hai người hợp tác lại mua được cả đôi. Ý tứ của bài thơ rất hay, nhưng tiếc thay câu chữ trong bài thơ hơi quá thật thà nên dẫn đến hơi thô, nó không nhuần nhuyễn sâu lắng nghĩa tình.
Rồi tiếp đến là bài “Xin làm cây tầm gửi”. Bài thơ này mới thật sự là nhuần nhuyễn. Cả ý, cả tình có dấu hiệu của sự sáng tạo, chắp nối. Phải chăng thơ hay là bởi tác giả đã nói thật với lòng mình. Có thể nói: Bài thơ này là bài thơ có tứ, có cốt truyện. Cốt truyện đó đã được tác giả diễn đạt bằng cảm xúc thơ.
          Ngay từ những câu đầu của bài thơ Hoàng Giá đã tỏ ra rất thật. Ở đây tác giả đã hẹn hò gặp gỡ người yêu giữa buổi đắp đê đại hà. Ở cái chỗ nhộn nhịp, đông vui, có đến hàng trăm người thì biết nói sao. Kể thì cũng lạ. Rồi ở trên bờ đê thì có gì ngoài nắng và gió mà tác giả vẫn thấy “Bờ sông bỗng nở đầy hoa”. Thế mới biết là tâm trạng của người đang yêu thì nhìn cái gì cũng thấy vui, thấy đẹp. Và thực ra đây mới chỉ là cuộc gặp gỡ ban đầu nên tác giả vẫn chưa thể hiểu người mình yêu ra sao, chỉ biết là khát khao chờ đợi “Thế rồi em đến như mơ”. Em đến mà tác giả vẫn chưa tin là thật. Thế rồi, người mà mình yêu trẻ đẹp quá khiến cho tác giả trở nên e sợ. Ngộ nhỡ “Người ta không lấy mình” thì sao đây? Thế là, tác giả: “Thế rồi tôi quyết cậy người mối mai”. Và cuối cùng tác giả đã là người chiến thắng. Người yêu đã chịu “gật đầu”. Song, tuy nhiên, cũng không phải dễ dàng gì. Vẫn phải trải qua bao nhiêu thử thách. Đó là gió mùa đông bắc, đó là mưa ngâu. Vẫn phải chờ đợi. Và cuối cùng thì hai người đã thành hôn, nên vợ nên chồng. Người yêu ấy, người vợ ấy, chính là vợ của nhà văn Hoàng Giá bây giờ, bà Phạm Thị Lê. Đó là người vợ đảm đang, chung thủy, yêu chồng, thương con, cả đời lo toan gánh vác gia đình để chồng con yên tâm học hành, công tác. Và có lẽ chính vì vậy mà nhà văn Hoàng Giá đã nảy sinh ra cái tâm trạng lúc nào cũng cảm thấy như mình là người có lỗi để rồi dẫn đến làm bài thơ “Xin làm cây tầm gửi” để đáp đền. Khi viết đến đây tôi lại chợt nhớ đến cố nhà thơ Huy Cận. Huy Cận đã từng có câu: “Giá đời có một đời sau/Tôi xin trở lại hát câu ân tình” với làng quê Quan họ Bắc Ninh (đại ý là như vậy). Rồi đến bây giờ thì Hoàng Giá lại có câu khi nói về tình cảm vợ chồng: “Ví dù có kiếp luân hồi/Xin là tầm gửi suốt đời bên em”. Đó là một ý tưởng hay. Song, cũng không phải là như vậy. Bởi lẽ, nhà văn Hoàng Giá đâu phải là loại người ăn bám, mà cũng là sĩ quan quân đội nghỉ có chế độ trợ cấp đàng hoàng, là người có danh có giá làm sáng đẹp cho gia đình, họ hàng, làng xóm quê hương. Đó chẳng qua là vì nhà văn Hoàng Giá quá yêu vợ, thương con nên mới nghĩ thế thôi. Mà trái lại, chính người vợ phải ơn chồng vì “Gái có chồng như rồng có vây”, “Khôn vì chồng” nhưng không “Dại vì con”. Chính vì vậy mà người vợ của nhà văn Hoàng Giá mới có quyền ngẩng cao đầu trước anh chị em, họ hàng, làng xóm. Hiện tại nhà văn Hoàng Giá đang được sống trong một gia cảnh rất yên vui, hạnh phúc. Nhà cao cửa rộng. Vợ hiền, con cái hiếu thảo, thành đạt. Bạn bè đông vui.
           Xin chúc mừng nhà văn. Thơ và đời cùng nở hoa.
                                                                                                                                                                         NGUYỄN HỮU