Trang chủ Chân dung hội viên

NHÀ ĐIÊU KHẮC LÊ THANH - TỪ NGÕ NHỎ VỆ AN ĐẾN CÁC TRẠI ĐIÊU KHẮC QUỐC TẾ
10:18 | 11/06/2018

 TRẦN ANH TRANG

 

Trong những năm tháng của thập kỷ bảy mươi trong một ngõ nhỏ của phố Vệ An có một em thiếu nhi khép mình trong nhà với những trò chơi của trẻ nhỏ. Lúc là chiếc ô tô bằng gỗ, lúc nặn con trâu, con chó, con gà… Cha đi công tác xa, em đối diện với không gian quen thuộc và trò chuyện với chính mình. Đó là những ngày thơ ấu của nghệ sĩ điêu khắc Lê Thanh. Em sinh ra cuối những năm thập kỷ 50 và lớn lên theo học trường cấp I Kinh Bắc, Thị xã Bắc Ninh cùng các bạn trong khu phố.

Vốn yêu thích hội họa và điêu khắc, Lê Thanh đã được theo học lớp mỹ thuật của trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Bắc. Ngôi trường đơn so với những phòng học một tầng tại khu đất cây số 4 đường lên huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngôi trường đơn sơ đã từng là nơi tập trung và rèn luyện nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành. Một thuận lợi cho Lê Thanh là có người bác là thầy Nguyễn Vinh làm Hiệu trưởng, trong những ngày khó khăn của kinh tế thời bao cấp, thày Nguyễn Vinh đã thông cảm, thương yêu và tạo mọi điều kiện cho học sinh học hành. Một thuận lợi nữa cho các em học Mỹ thuật thời đó là được họa sĩ Nguyễn Thuần trực tiếp giảng dạy. Tài năng và chất nghệ sĩ của thày Nguyễn Thuần đã để lại trong các em sự rung cảm nghệ thuật và lòng yêu nghề. Dưới mái trường của trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc, nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành và góp phần hình thành những lớp văn nghệ sĩ đầu tiên của tỉnh Hà Bắc.

Năng khiếu nghệ thuật của Lê Thanh ngày càng phát triển, đã thi đỗ vào khoa Mĩ thuật của trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Được học đúng năng khiếu, sở trường, đang say mệ học tập thì do sức khỏe nên không thể theo học được nữa, đành xa trường, xa các bạn trở về quê hương. Thị lực giảm sút, con người càng trở nên trầm lắng, khép kín và thiên về nội tâm. Có lẽ những hình ảnh, những hình tượng sống động trong cuộc sống đã hình thành trong thế giới nội tâm của Lê Thanh.

Trở về quê hương để bươn trải trong cuộc sống, Lê Thanh đã làm quảng cáo, vẽ tem nhãn cho nhà máy thuốc lá Bắc Sơn, rồi mở cửa hàng mỹ thuật, vẽ tranh, bán tranh, làm tượng…

Đang loay hoay với nghệ thuật và kiếm sống thì năm 1989 tỉnh Bắc Ninh được tái lập. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh được thành lập, Chi hội Mỹ thuật đã tập hợp được những tác giả thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên như Lưu Quang Lãm, Vũ Bảy, Minh Đạt, Minh Châu, Lê Xuân Khánh, Nguyễn Đăng Chế…

Triển lãm mĩ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất được tổ chức tại trụ sở Liên minh các HTX. Hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật đã có sự chỉ đạo của Ủy ban toàn quốc các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Trung ương, các triển lãm khu vực và toàn quốc được mở. Các họa sĩ nổi tiếng như Vũ Giáng Hương, Trần Khánh Chương đã có nhiều dịp về dự triển lãm và trao đổi với các họa sĩ trong tỉnh.

Các triển lãm khu vực và toàn quốc, các trại sáng tác đã nâng tầm nhìn và sự giao lưu nghề nghiệp được rộng mở.

Lê Thanh thường xuyên có tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật khu vực và toàn quốc. Tại triển lãm Mỹ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất năm 1989, Lê Thanh được trưng bày tượng “Mẹ con” và bức “Phù điêu Quan họ” bằng chất liệu thạch cao. Năm 2000, tác phẩm “Liền chị” bằng chất liệu tổng hợp đã được giải thưởng tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Với những thành tích đạt được, năm 2001 Lê Thanh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 2003, tác phẩm “Nhịp điệu ngày mùa” bằng chất liệu gốm sành đã được giải C tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Năm 2005, tác phẩm “Sự sống”“Liền chị” bằng chất liệu tổng hợp đã được giới thiệu tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Năm 2010, tác phẩm “Thông điệp hòa bình” bằng chất liệu đồng đã được giới thiệu tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Năm 2013, tác phẩm “Gia đình đương đại” bằng chất liệu đá đã được giới thiệu “10 năm điêu khắc Việt Nam”.   

Năm 2009, trại Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Đất tổ Hùng Vương” được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Lê Thanh được mời tham dự và anh đã được tuyển chọn hai tác phẩm “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” bằng đá cẩm thạch và “Nguồn gốc Hùng Vương” bằng chất liệu Granite.

Nội dung trong những sáng tác của Lê Thanh ngày càng phong phú: những vấn đề truyền thống dân tộc nguồn gốc con người, hạnh phúc gia đình, xã hội được đề cập đến. Quy mô tác phẩm ngày càng độ sộ với những chất liệu vĩnh cửu như đồng đúc, đá cẩm thạch…

Bước sang thế kỷ hai mươi, các thành phố, đô thị rộng lớn được xây dựng với tốc độ chóng mặt. Các trại quốc tế đương đại được tổ chức để đáp ứng phần nghệ thuật, phần sinh động bên cạnh những kiến trúc đồ sộ. Với chủ đề “Đam mê châu Á” là sự gặp gỡ sáng tạo, đam mê giữa các nghệ sĩ quốc tế mà các tác phẩm điêu khắc là minh chứng cho tình yêu, khát vọng vô tận cho một châu Á thịnh vượng…  

Ngày 13/12/2013 tại Quảng Châu - Trung Quốc đã long trọng khai mạc Triển lãm điêu khắc Quốc tế lần thứ 22 của các nhà điêu khắc đương đại châu Á. Triển lãm là sự gặp gỡ, giao thoa, giới thiệu sự sáng tạo giữa các nghệ sĩ từ nhiều vùng, nhiều dân tộc với các tác phẩm bằn nhiều phong cách khác nhau thể hiện tình cảm với cuộc sống cho một châu Á ngày càng thịnh vượng.

Triển lãm điêu khắc châu Á đương đại đã trưng bày 150 tác phẩm của tác giả các nước và khu vực: China - Japan - Korea - Taiwa -  Hồng Kong - Macao - Singapore - Malaysia - Syria - Việt Nam…

Với tác phẩm “Liền chị” bằng chất liệu đồng đúc tác giả Lê Thanh (Bắc Ninh) đã được Ban tổ chức chọn mời tham gia Triển lãm điêu khắc đương đại châu Á lần thứ 22 tại Quảng Châu - Trung Quốc.

Vừa qua tại thành phố Trường Xuân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã long trọng khai mạc Trại điêu khắc quốc tế lần thứ 14. Ban tổ chức đã nhận được từ 90 quốc gia và khu vực 975 tác phẩm của 320 tác giả gửi tới tham dự.

Ban tổ chức đã lựa chọn được các tác giả tiêu biểu cho 10 quốc gia trên thế giới: Bungari, Cuba, Costarica, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Trung Quốc - nước chủ nhà. Với 23 tác phẩm điêu khắc được tuyển chọn bằng các chất liệu đồng và đá. Các tác phẩm ở Trại điêu khắc quốc tế lần này nội dung hết sức phong phú, phong cách đa dạng, thể hiện từ hiện thực đến hư cấu, cách điệu, đưa nhiều cảm xúc, nhiều chiều rung động đến người xem.

Nhà điêu khắc Lê Thanh, Hội viên Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam - tác giả duy nhất của Việt Nam được Ban tổ chức mời tham gia Điêu khắc quốc tế lần thứ 14 tại Trường Xuân - Trung Quốc. Sau thời gian dự trại sáng tác Lê Thanh đã được tuyển chọn hai tác phẩm: Tác phẩn “Hạnh phúc - Hòa bình” bằng đá thạch cao  3m. Nội dung đề cao tình cảm người mẹ đối với các con, đón nhận che chở nâng niu và bảo vệ. Tác phẩm thứ hai mang tên “Vĩnh cửu” làm từ đá granite cao 2,5m. Cách thể hiện tượng trưng, phóng khoáng đưa yếu tố tự nhiên trong cuộc sống vào tác phẩm, nói lên “Tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, hạnh phúc là vĩnh cửu”. Các tác phẩm của Trại điêu khắc quốc tế đương đại lần thứ 14 đã được đặt tại công viên Trung tâm của Thành phố Trường Xuân - Trung Quốc.

Với lòng nhiệt huyết và niềm đam mê nghệ thuật, từ ngõ nhỏ Vệ An, các tác phẩm của Lê Thanh đã vươn tầm thế giới và được quốc tế công nhận. Nhà Điêu khắc Lê Thanh đã cống hiến nhiều công trình điêu khắc có quy mô to lớn và nội dung phong phú. Những tác phẩm được tuyển chọn đặt trong các công viên đẹp đẽ và để lại tình cảm sâu đậm trong lòng người đương thời./.