Trang chủ Chân dung hội viên

NGƯỜI THẦY CẦM CỌ TÀI DANH MIỀN KINH BẮC
09:16 | 28/03/2019

   Tranh của Lưu Quang Lâm đậm dấu ấn con người và cảnh sắc vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Phần lớn tác phẩm của ông thuộc dòng tranh đồng hiện, bán trừu tượng với sự xoắn luyến, quấn quện của tầng tầng lớp lớp không gian và thời gian trên một mặt phẳng. Đó là vẻ đẹp lung linh ảo giác chứ không lệ thuộc vào hình hài.

      Lưu Quang Lâm được đánh giá là một họa sĩ nổi tiếng sớm và bền bỉ nhất trong giới cầm cọ Bắc Ninh. Là họa sĩ chuyên nghiệp lại vừa là thầy giáo nên tư tưởng nghệ thuật của ông có ảnh hưởng nhất định đối với các họa sĩ trong tỉnh, đặc biệt là những họa sĩ mới vào nghề. Chính nghề giáo và nghiệp vẽ đã định hình nên một Lưu Quang Lâm với hướng tiếp cận nghệ thuật chân chính vị nhân sinh, vừa tự trọng, tự tôn trong sáng tạo tác phẩm vừa khắt khe, nghiêm cẩn với trọng trách đào tạo lớp họa sĩ trẻ có đủ tầm, đủ tài bước vào kỷ nguyên hội nhập.

Khi thầy giáo là họa sĩ

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành tranh lụa nhưng Lưu Quang Lâm lại bộc lộ phong cách nghệ thuật và gặt hái nhiều thành công, giải thưởng ở chất liệu sơn mài. Năm 2006, ông còn bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ mỹ thuật về tranh sơn mài qua đề tài “Thực-Hư - Chân - Ảo trong nghệ thuật hội họa Việt Nam”. Ở Bắc Ninh, những người được đào tạo mỹ thuật bài bản theo “trường dòng” như Lưu Quang Lâm không nhiều.

Không lãng phí vốn kiến thức khoa học uyên thâm được những người thầy thuộc “thế hệ vàng” của hội họa Việt Nam truyền thụ, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1987, họa sĩ Lưu Quang Lâm đã chọn nghề giáo. Ông về giảng dạy tại trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc, là nguyên Trưởng phòng đào tạo của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh. Hiện nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng thầy giáo, họa sĩ Lưu Quang Lâm vẫn đau đáu, chuyên tâm với học trò và hội họa.

Trong công tác giảng dạy, ông luôn nghiêm khắc đòi hỏi ở học trò sự cẩn trọng trong từng nét vẽ, cách phối màu. Thầy Lâm chia sẻ: “Mỗi đề tài, mỗi sự việc có màu sắc và sức sống riêng của nó. Người họa sĩ tài năng phải biết nắm bắt, thể hiện được cái hồn ấy bằng xúc cảm của mình. Với tôi, khi đã cầm cọ, không bao giờ cho phép mình cẩu thả, đơn giản, dễ dãi bởi dưới mỗi bức tranh luôn có chữ ký tác giả để khẳng định giá trị cá nhân. Sáng tạo nghệ thuật cũng là nhu cầu thiết yếu của tôi như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Hoạt động sáng tác hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong giảng dạy vì muốn là một người thầy mẫu mực thì trước hết phải là một nghệ sĩ tài năng. Ngược lại, nhờ nghề giáo tôi đã cập nhật nhiều sự đổi mới trong nghệ thuật và thấu hiểu quan điểm, tư tưởng của lớp họa sĩ trẻ bây giờ”.

Không dừng lại ở việc uốn nắn, rèn luyện kỹ thuật hội họa mà người thầy tài năng ấy còn như một đàn anh trong nghề, giúp các họa sĩ trẻ hiểu sâu sắc cái gốc của nghệ thuật là tình cảm. Qua đó khơi gợi cảm xúc và định hướng cho họ con đường sáng tạo nghệ thuật chân chính. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, họa sĩ Lưu Quang Lâm đã góp phần đào tạo bao lớp học trò trở thành họa sĩ hay cán bộ thiết kế mỹ thuật ở các cơ quan văn hóa, doanh nghiệp rồi cả những giáo viên mỹ thuật của các trường phổ thông. Trong số đó, có những tài năng đã tỏa sáng, khẳng định được phong cách và tên tuổi, tiêu biểu như họa sĩ trẻ: Nguyễn Khắc Hân, Nguyễn Xuân Tám, Nguyễn Đình Long…

Cầm cọ và cầm phấn là hai sự nghiệp mà Lưu Quang Lâm tâm huyết gắn bó, theo đuổi đến cùng bằng một niềm đam mê thực sự. Nhưng có lẽ, công chúng biết đến Lưu Quang Lâm với tư cách là một họa sĩ nhiều hơn là thầy giáo. Tài năng, tên tuổi của ông đã tỏa sáng cùng với những tác phẩm được giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Hồng và của tỉnh Bắc Ninh như: “Ao làng”, “Tế hội”, “Huyền thoại đồng chiêm”, “Tứ nữ”, “Nhịp điệu ngày mùa”…

Trong cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thầy giáo, họa sĩ Lưu Quang Lâm đã có nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao và công chúng ghi nhận. Tác phẩm “Ao làng” được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải Nhì năm 2001 (không có giải Nhất). Mới đây, năm 2015, tác phẩm sơn dầu “Nơi gặp gỡ lịch sử” của ông lại được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh trao giải A và Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải C…

“Cây cọ” tiêu biểu của mỹ thuật Bắc Ninh

Tranh của Lưu Quang Lâm đậm dấu ấn con người và cảnh sắc vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc. Phần lớn tác phẩm của ông thuộc dòng tranh đồng hiện, bán trừu tượng với sự xoắn luyến, quấn quện của tầng tầng lớp lớp không gian và thời gian trên một mặt phẳng. Đó là vẻ đẹp lung linh ảo giác chứ không lệ thuộc vào hình hài. Chính cái đẹp “Thực - Hư - Chân - Ảo” ấy khiến bất cứ ai xem tranh Lưu Quang Lâm cũng đều có cảm nhận, liên tưởng riêng, thậm chí có thể cùng sáng tạo với tác giả. Giới chuyên môn gọi đó là một thứ hội họa bản năng, giàu tính biểu cảm được vẽ bằng những cung bậc của sự mộng mị, say mê bồng bột mà duy nhất chỉ có ở Lưu Quang Lâm.

Tài hoa đến độ hồn nhiên cùng sự vững vàng, bài bản và cẩn trọng về sắc độ, bố cục hình tượng trong tranh, họa sĩ Lưu Quang Lâm đã khẳng định một bút pháp nghệ thuật phóng túng, giàu chất trang trí, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật dân gian với ngôn ngữ hội họa hiện đại.

Người ta thường định vị tranh của ông xuyên suốt một tông màu nâu trầm ấm như đã phả ra từ “Ao làng”, “Nhịp điệu đồng chiêm”, “Hoa đồng chiêm”, Huyền thoại đồng chiêm”, “Tiếng vọng đồng quê”, “Vương vấn đồng quê”… Nhưng thật ra, Lưu Quang Lâm luôn thay đổi màu sắc linh hoạt theo xu hướng “đan cài răng lược”. Lúc ông “cày sâu cuốc bẫm”, lặn ngụp trên đồng ruộng chiêm trũng quanh năm chua phèn nơi đất quê An Thịnh, Lương Tài thì sắc nâu ngập tràn chủ đạo. Nhưng khi rộn ràng, xúng xính áo khăn để tung tẩy cùng lễ hội mùa xuân Quan họ thì tranh của ông rực rỡ tưng bừng, lộng lẫy vàng son trong: “Tế hội”, “Di sản”, “Liền chị”, “Hội làng nghề truyền thống”…

Tranh Lưu Quang Lâm thuộc thể loại khó xem nên công chúng khá hẹp. Thế nhưng, giới trong nghề hễ nhìn thấy tranh của ông là nhận ra ngay cho dù không ký tên tác giả. Bởi chính những nét vẽ phóng túng, không rụt rè, chỉn chu, khéo léo tưởng như thô kệch, đã làm nên sự độc đáo, khó lẫn của Lưu Quang Lâm.

Chia sẻ về những điều thú vị trong quá trình sáng tác của mình, họa sĩ kể, đã bán khá nhiều tranh cho khách nước ngoài. Tại một phòng họp trong tòa nhà Quốc hội hiện nay đang treo một cặp tranh ký tên ông là “Miền Quan họ” và “Làng nghề truyền thống”. Họa sĩ còn bật mí, năm 1988, ông từng vẽ chân dung một cô giáo dạy hát Dân ca Quan họ theo trí nhớ và cảm xúc. Bức chân dung bột màu đó đã được ông hoàn thành trong một đêm và mang vẻ đẹp khiến chính tác giả cũng giật mình. Đó là lần duy nhất Lưu Quang Lâm vẽ tranh chân dung...

Họa sĩ từng kết hợp với một số bạn bè đồng nghiệp để mở triển lãm từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng đến nay ông vẫn chưa có một cuộc triển lãm của riêng mình. Dẫu vậy, Lưu Quang Lâm vẫn là một cây cọ hàng đầu của Mỹ thuật Bắc Ninh. Dự định khi về nghỉ hưu, ông vẫn trung thành với không gian đồng hiện nhưng sẽ tìm tòi mở rộng đề tài và thử sức với những chất liệu mới. Đặc biệt, ông sẽ dành thời gian đi đến từng làng Quan họ gặp gỡ các nhân chứng sống của Di sản để khai thác tư liệu và tìm cảm hứng cho một tác phẩm đang được ông ấp ủ về đề tài “Nghệ nhân Dân ca Quan họ”./.

                                                                                                                                                                             THUẬN CẨM