Trang chủ Chân dung hội viên

NGƯỜI MẮC NỢ HOA SEN
16:21 | 10/06/2019

         Có một nghệ sỹ nhiếp ảnh bao năm nay như người mắc nợ, cứ mùa sen đến lại xách máy lang thang khắp các ao hồ, đầm sen vùng Kinh Bắc để tìm kiếm và ghi lại vẻ đẹp muôn sắc của loài hoa vươn từ bùn đất đồng quê mà rực rỡ trên muôn loài hoa khác, thành biểu tượng – quốc hoa Việt Nam. 

Làng quê Việt tự bao đời vẫn lung linh những mảnh hồn ao, chiếc giếng, xôn xao lũy rặng tre làng, cây gạo đầu ngõ, cây đa bên đình. Trong thăm thẳm miền tâm linh đời người nối nhau, có tiếng chuông chùa ngân nga trong chiều nhạt nắng, tiếng mõ quyện trầm hương chở niềm mong cầu an lạc vẫn vang từ nếp chùa làng. Có tiếng trống chiêng tưng bừng ngày hội, rộn nhịp tim trái gái đương thì. Có chiếc cổng làng in dấu thời gian mòn trơ thịt gạch .. Với những ai xa quê mỗi khi nhớ về làng, ngoài những hình ảnh thân thuộc đến gần như mặc định kể trên, còn có cả những sắc màu thiên nhiên đồng bãi, cành cây ngọn cỏ, bìm tím dậu bờ, khói rơm trên đồng ngày mùa ngâm ngẩm... Đặc biệt trong đó có lẽ phải kể tới những chiếc ao đầm thả sen hầu như hiện diện khắp mọi làng quê, hạ về khoe sắc tỏa hương lọc dịu bàu không khí nóng bức và sức hương cho không gian khắp cả một vùng.

Có một nghệ sỹ nhiếp ảnh bao năm nay như người mắc nợ, cứ mùa sen đến lại xách máy lang thang khắp các ao hồ, đầm sen vùng Kinh Bắc để tìm kiếm và ghi lại vẻ đẹp muôn sắc của loài hoa vươn từ bùn đất đồng quê mà rực rỡ trên muôn loài hoa khác, thành biểu tượng – quốc hoa Việt Nam. Ông là nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Phan. Đã có gần 40 năm sáng tác ảnh nghệ thuật, Trần Phan là một trong số ít nghệ sỹ nhiếp ảnh của Bắc Ninh gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp. 6 năm liên tục từ 1998 đến 2004, ông đoạt giải Báo chí Ngô Gia Tự về thể loại ảnh báo chí; 2 Huy chương Bạc Triển lãm ảnh Nghệ thuật Toàn quốc, 1 Huy chương Bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, Cúp Đồng VAPA của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2008 cho tác phẩm “Đường nét vùng cao”; nhiều giải cao trong các triển lãm, cuộc thi cấp tỉnh…. Hiện ông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhà báo, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, và là thành viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh Quốc tế FIAP. Tuy vậy, trong ông vẫn luôn đau đáu khát khao được đi và tìm kiếm, những mong được gặp và ghi lại những vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, con người trong khoảnh khắc bấm máy. Người ta bảo ấy là duyên nghiệp. Còn tôi biết, đó là cái chất của một người không cam chịu những giới hạn, luôn muốn vươn về phía trước, để trả nghĩa đời bằng năng lực sáng tạo của mình.

Gia Bình quê hương nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Phan vốn vùng chiêm trũng, là “rốn nước” của tỉnh Hà Bắc cũ. Cuộc sống người làng ông xưa kia vốn lam lũ cùng bùn đất đồng chiêm, nghèo áo cơm nhưng không thiếu tình người. Gắn với khoảnh tre, đồng chiêm mùa úng lúc khô, người nghệ sỹ họ Trần cũng có tuổi hoa niên chảy trôi cùng hương lúa đồng quê, hương sen ngày hạ trong ao đầm, sông nước quê nhà. Sắc màu ấy, mùi hương gợi bao kỷ niệm ấy cứ theo anh như theo bao người sinh ra, lớn lên ở làng thành ám ảnh nhớ thương về nơi chôn nhau cắt rốn. Để rồi, khi có cơ duyên ùa về chiếm đoạt cả hồn xác kẻ đang đau đáu niềm mong được thể hiện tất cả vẻ đẹp hồn hậu ấy của loài sen qua những mùa hoa nở. Ông vẫn đùa với nhiều người rằng ông phải lòng “em Liên” (hoa Sen trong Hán tự đọc là Liên), nên nhiều khi quên ăn, bỏ ngủ. Người ta thấy ông lăn lóc từ những ngày chớm hạ, khi những ngó sen bắt đầu dè dặt ngó ra khỏi mặt nước ao đầm; cho đến tận lúc cúc vàng đơm bông, cả đầm sen chỉ còn trơ những cuống lá khô đen trong heo may xào xạc. 

Nhiều nhà nghiên cứu bảo rằng, sen đã có mặt trên trái đất hàng trăm triệu năm trước đây. Điều này có cơ sở, bởi loại cây thân mềm sống chủ yếu ở dưới nước này có sức sống mãnh liệt như bao loài thủy thảo. Chẳng vậy mà âm thầm dưới bùn nước qua cả mùa đông lạnh giá, rễ, củ của cây vẫn thao thức chờ ngày bật chồi, vươn lên đón ánh dương, hít khí trời rồi nhẹ nhàng bung nở những cánh hoa khi mùa hạ đến. Cũng chẳng vậy mà đã có biết bao áng thơ văn, bao dòng nhạc cảm, bao tác phẩm hội họa, điêu khắc, bao bức ảnh đã nói về loài sen. Vẻ đẹp thánh thiện, an lạc và giải thoát của loài hoa này luôn khiến cho mọi người sự yêu quý. Và yêu quý hơn khi thấy hoa sen tuy sống giữa bùn nhơ nhưng đã biết khoe sắc, tỏa hương để tô điểm cho đời. Sắc đẹp và hương thơm thanh khiết đó mang đến cho con người cảm thức về một đời sống đẹp. Sống đẹp với chính mình và sống đẹp với mọi người xung quanh. 

Với người Việt, hoa sen là biểu tượng của mùa hạ, được xếp vào bộ tứ quí (bốn mùa): Lan, sen, cúc, mai. Đồng thời, cũng được xếp vào hàng “tứ quân tử” là: Tùng, trúc, sen, cúc. Lại nữa, sen mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, tụ được khí thơm trong của trời đất, nên từ củ, đến hoa và lá đều là những vị thuốc hay. Trong văn hóa Việt, sen là loài hoa biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh tao. Còn trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết, thánh thiện, trí tuệ, sự giác ngộ và tinh thần bất nhiễm. Do đó, từ lâu sen đã đi vào cuộc sống và nghệ thuật của người Việt. Đó cũng là lý giải cho sự thèm khát được lưu mãi những mùa sen, những dáng hình, sắc màu và vẻ đẹp cụ thể cũng như hàm chứa của loài hoa này - giống như sự mắc nợ cùng hoa - trong mỗi người nghệ sỹ -  như Trần Phan.

Tôi đã có những ngày dài rong ruổi cùng nghệ sỹ Trần Phan qua các làng quê Xứ Bắc đến với những ao đầm đủ loại hoa sen mà ông gần như đã thuộc làu, thậm chí còn đặt tiền chủ đầm để giữ lại vạt sen cố định cho yên tâm và chủ động chụp hình. Ông bảo sen thì hầu như ở làng quê nào cũng có, thậm chí còn rất nhiều. Nhưng để tìm và ghi lại đủ mọi loại hoa, mọi dáng vẻ, trạng thái của sen thì phải dày công tìm kiếm. Sen đỏ, sen hồng, sen trắng, rồi những bông sen hai màu, sen tịnh đế.. Chỉ có đi nhiều mới biết. Mà càng đi nhiều thì càng say, càng như lạc vào thế giới đầy mê đắm khó mà dứt ra được. Vậy nên mỗi mùa sen, anh cùng các thành viên CLB nhiếp ảnh của vùng quê nam sông Đuống cũng như nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh mê sen khác từ mọi miền đất nước vẫn chẳng hẹn mà thường xuyên gặp nhau bên những cánh đồng, ao đầm ngát hương sắc của hoa sen Xứ Bắc. Đi từ mờ đất. Như người nông dân ra đồng. Đó là lúc sương đêm chưa tan, nắng chưa kịp lên, và đám côn trùng vẫn chưa thôi rỉ rả. Bởi như sự lặng lẽ và nhẫn nại của loài hoa, người muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của hoa cũng cần phải học cách làm việc đôi khi lặng lẽ và nhẫn nại. Sen chỉ nở bừng và đẹp nhất về sớm, trong khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ. Vậy nên, bao giờ anh em nghệ sỹ nhiếp ảnh cũng phải có mặt ở hiện trường từ rất sớm. Đó là công việc cần rất nhiều thời gian, nhiều tâm sức và chẳng thể thiếu vắng niềm đam mê. Nhưng bù lại, người nghệ sỹ luôn được hòa trong thế giới tràn trề hương sắc thiên nhiên cùng sen, được trả công bằng những tác phẩm có thể lưu mãi với thời gian. Trò chuyện cùng tôi, nghệ sỹ Trần Phan chia sẻ, ông vẫn mong đến một lúc nào đó, khi đã hội đủ vốn liếng mà ông dày công theo đuổi việc chụp sen, ông sẽ mở một triển lãm ảnh về sen xứ Bắc. Ở đó, có cả những hàm chứa chiều sâu tư tưởng, văn hóa của vùng đất, con người xứ Bắc bên vẻ đẹp cụ thể mà siêu thoát của loài hoa.

Chắc rằng trong tương lai, những đầm sen quê có thể đổi thay kích cỡ, hình dạng cùng với sự thay đổi về diện mạo mỗi làng quê. Nhưng loài hoa thì vẫn thế. Vẫn nở rồi tàn, vẫn tưng bừng cánh đỏ, e ấp cánh hồng, trong trẻo sắc trắng tinh khiết mỗi khi mùa đến, rồi cả gợi buồn heo hút khi tàn tạ lúc tiết hạ chuyển sang thu. Đó là quy luật của đời sống tự nhiên. Nhưng trong hành trình cùng người nghệ sỹ tìm và lưu lại những mùa sen, tôi biết và tin rằng, dù thời gian đang hằn những bước chân vào tạo hóa, bông hoa sen dù có trải qua bao cuộc đổi thay bởi môi trường sống, thì sẽ vẫn giữ được vẻ đẹp thanh khiết, mùi hương dịu dàng giống như con người Việt Nam. Và đến hẹn thời gian, những mùa sen vẫn về. Hoa sen vẫn luôn vươn lên tỏa sáng rạng rỡ giữa cuộc sống mến thương./.