Trang chủ Chân dung hội viên

NGƯỜI KỂ CHUYỆN CẢNH GIÁC ĐÃ RA ĐI
02:00 | 01/06/2016

Vũ Từ Trang

      Công nghệ truyền thông bây giờ quá phát triển, chứ như ngày đầu nhà báo Nghi Xuyên vào nghề thì dụng cụ tác nghiệp còn quá thô sơ, lạc hậu. Tuy vậy, chương trình phát thanh “Vì an ninh Tổ quốc” của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đó, tạo sự hấp dẫn ghê gớm cho thính giả. Đặc biệt, tiết mục “Kể chuyện cảnh giác” mà anh Nghi Xuyên tham gia thực hiện, đã gây sự chú ý của hàng triệu thính giả từ nông thôn cho tới thành phố. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của chương trình phát thanh “Vì an ninh Tổ quốc” ngày đó còn ít ỏi. Nhà báo Nghi Xuyên ngày đó là phóng viên trẻ xông xáo, nhiệt tình. Anh sốt sắng đi thực tế, cặm cụi viết bài. Nhiều buổi, anh còn là người trực tiếp đọc bài của mình viết. Tuy chỉ là phát thanh viên nghiệp dư, nhưng trời phú cho anh giọng đọc truyền cảm, nên rất cuốn hút thính giả.

Nhiều người còn nhớ, hơn bốn mươi năm về trước, chương trình phát thanh “Kể chuyện cảnh giác” lúc 7 giờ tối thứ bảy hàng tuần. Làng quê ngày đó, mọi nhà chưa có ra-đi-ô, đài bán dẫn như bây giờ; nên cứ chập tối, bà con cô bác lại tập trung đông bên chiếc loa công cộng đầu làng, để đón nghe chương trình. Có ông vác cái ghế đẩu ra ngồi. Có bà lại mang manh chiếu ra trải cho bà con cùng ngồi nghe. Mấy chị ngoài đồng về muộn, vẫn chân lấm tay bùn, quang gánh quang gồng rơm rạ, quẩy vội về đầu làng có gắn cái loa đài công cộng để nghe kể chuyện cảnh giác. Trẻ làng vốn nghịch ngợm, hét hò inh ỏi, nhưng hễ loa đài phát chương trình kể chuyện cảnh giác, là chúng nó lại im thít, ngồi nghe. Chương trình “Kể chuyện cảnh giác” không chỉ cuốn hút bà con ở nông thôn, mà ngay ngoài thành phố, nó cũng làm đảo lộn nhịp điệu sinh hoạt nhiều người. Mấy chị, mấy mợ tiểu thương buôn bán chợ Đồng Xuân thường rất mê “Kể chuyện cảnh giác”. Hễ tối thứ bảy, cả dãy chợ, mấy chị mấy mợ bảo nhau nhanh nhanh đóng quầy hàng, để còn về nghe “Kể chuyện cảnh giác”. Có chị nấn ná ngồi kiểm kê sổ sách, tiền hàng, khi đến giờ phát thanh, vội ném cả mớ tiền vào két sắt để mai kiểm lại, hẵng nghe chuyện đã. Người làm báo, làm đài, hỏi còn có gì sung sướng và hạnh phúc hơn khi đông đảo bà con đón nhận chương trình mình làm ra?

Nhà báo Nghi Xuyên, người gắn bó trọn đời với chương trình “Kể chuyện cảnh giác", vốn là người quê Thanh Hóa. Sinh trưởng trong nhà nghèo, thoát ly công tác rất sớm, lại sớm được vào làm việc ngành công an. Công việc đi đây đi đó nhiều, anh lính trẻ Nguyễn Xuân Mỡn, (tên thật của nhà báo Nghi Xuyên) khát khao cầm bút viết về đồng đội quanh mình, viết về những miền đất đã qua. Lặng lẽ ghi chép, lặng lẽ viết. Rồi mạnh dạn gửi về Cục công tác chính trị (Bộ Công an), rồi gửi cho một vài tờ báo. Những mẩu tin, những tiểu phẩm đầu tiên được in trên báo là niềm vui khôn tả. Cho tới khi được lãnh đạo cử đi học Trường cao đẳng Nghệ thuật sân khấu, tốt nghiệp khoa Biên kịch - Đạo diễn, Nghi Xuyên trở thành lớp người làm báo đầu tiên của lực lượng Công an.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày đó có sức hút to lớn với các nhà báo. Nghi Xuyên đã sớm có mặt tại tuyến lửa miền Trung. Anh là nhà báo dũng cảm lao vào tọa độ lửa ngã ba Đồng Lộc, kịp thời viết về sự hi sinh anh dũng của mười cô gái thanh niên xung phong. Anh có mặt tại đất lửa Vĩnh Linh viết về cây cầu Hiền Lương một ngày thay cờ bốn lần giữa đạn bom khốc liệt. Những vùng đất nóng bỏng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Việt Trì…anh từng tới và viết. Phải ghi nhận, từ khi về phụ trách chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”, nhà báo Nghi Xuyên mới phát huy hết năng lực của mình. Đi, viết, biên tập, dựng chương trình, nhà báo Nghi Xuyên đã dốc hết sức mình để góp phần tham gia phong trào bảo vệ anh ninh Tổ quốc. Một con người sốt sắng và nghiêm túc với công việc, nhưng đời thường lại có tác phong xuề xòa, cởi mở. Chả biết có phải vì cái danh “Nghi Xuyên - chuyện cảnh giác”, hấp dẫn với bao cô gái không chứ anh về làm rể làng tôi thật suôn sẻ. Nhân một buổi theo người thủ trưởng cơ quan về thăm vợ con sơ tán ở làng tôi, Nghi Xuyên bị hút hồn bởi vẻ đẹp các cô gái đoan trang miền quan họ. Không chỉ một lần, rồi nhiều lần, ngày nghỉ, anh lại đạp xe về thăm cái làng cổ có đặc sản khế ngọt gần ga Từ Sơn. Làng Trang Liệt ngày đó, còn giữ được nguyên vẻ đẹp cổ kính, trù phú của làng cổ xứ Bắc. Con đường làng lát gạch nghiêng đỏ au sau trận mưa, những ngõ nhỏ cài răng lược và những khuôn cửa gỗ lim im lặng khép hờ, như hút hồn bao du khách. Nghi Xuyên ngày đó có thú đi săn bắn chim. Khẩu súng bắn đạn ghém tự chế, có thể hạ gục bao con cò con vạc, chim sâu chim chích, trên cánh đồng mỡ màu hoặc trong các mảnh vườn um tùm tán khế tán bưởi. Một bữa mải đuổi theo con chim lạc vào khu vườn ngõ Phướn, tình cờ anh nhận ra cô gái đang ngồi may vá bên hiên nhà. Cô thợ may xinh đẹp và dịu dàng ấy vẫn mải ngồi đạp máy khâu, mặc cho chàng trai buông thõng khẩu súng săn trên tay khi nào không hay. Mối tình sét đánh, hay là định mệnh? Họ thành vợ chồng trong bao con mắt hoan hỉ của xóm làng. Cô thợ may, có tên gọi Vũ Thị Sơn, là con bác ruột tôi. Nhà báo Nghi Xuyên và tôi sớm trở thành thân hữu. Không chỉ vì là người nhà, mà phần khác, chúng tôi cùng chung niềm đam mê viết lách. Anh chàng nhà báo chuyên viết chuyện cảnh giác về ở rể quê tôi ngày đó rất oai. Có bữa anh tự lái xe mô - tô ba bánh kềnh càng về làng, tiếng máy nổ ầm ầm, ống xả phụt khói khét lẹt, làm lũ trẻ chạy theo hò hét. Làng tôi có ba bốn nhà báo, làm việc ở các tờ báo lớn, từng đi công cán Tây, Tàu với các nguyên thủ quốc gia; lại có hai nhà thơ là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, tác giả của hàng chục cuốn sách văn học và khảo cứu văn hóa giá trị, ấy mà có mấy người làng biết đến đâu? Thế nhưng, hễ Đài tiếng nói Việt Nam phát mục “Kể chuyện cảnh giác”, như cả làng lắng nghe, chờ đợi. Ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi: Nghi Xuyên giỏi quá, nổi tiếng quá!

Tính nết người làng tôi vừa dễ, vừa xóc xói. Tự xa xưa, luôn phân biệt sự đối sử người ngụ cư và người quê gốc. Nhưng riêng với Nghi Xuyên, trong làng ai cũng quý anh, coi anh như người con đẻ của làng. Ngày thường, sang Hà Nội làm việc. Chủ nhật, ngày nghỉ, lại về Từ Sơn, anh cùng vợ con chăm chút mảnh vườn nho nhỏ. Nghi Xuyên là người ham việc. Anh trồng cây bưởi, cây na, gây giàn gấc cho mát mảnh sân nhà. Ông bác tôi mất từ hồi cải cách. Bà bác tôi cùng hai chị gái, bao năm sống lặng lẽ trong nếp nhà ngói năm gian, cửa gỗ bức bàn luôn đóng im ỉm. Từ khi anh về ở rể, ngôi nhà luôn chộn rộn tiếng cười tiếng nói. Chị Sơn của tôi, sinh ba người con gái đẹp như tranh vẽ cho anh. Sau phút chơi đùa với con nhỏ, Nghi Xuyên lại trần lưng cuốc vườn, tưới cây. Cái ao nhỏ góc vườn, thời cải cách ruộng đất, bác ruột tôi đã trẫm mình ở đó. Anh Xuyên và chị Sơn đã lấp lại. Cái ao góc vườn, chỉ rộng dăm manh chiếu, lúc nào nước cũng chỉ xâm xấp bụng chân, mà lạ sao, ông bác ruột tôi lại gục chết ở nơi đó, như một nỗi oan khiên. Ngày bố tôi còn sống, hễ mỗi lần nhắc lại cái đận tang tóc đó, khuôn mặt bố tôi đầy nỗi ngậm ngùi. Thời cuộc bể dâu, biết làm sao được. Cái ao góc vườn bao lâu vẫn lõng bõng nước tù đọng như một vết thương tấy nhức. Từ khi cái ao tù được lấp, cành khế cành na xanh rờn, vươn xòa khỏa lấp. Mùa xuân năm ấy, chim chích chim sẻ lách chách về làm tổ.

Ấy rồi hạnh phúc chả được bao lâu, chị Sơn tôi lại đột ngột ra đi vì bệnh tim tái phát. Nghi Xuyên thành người góa vợ, cỗng kễnh gà trống nuôi con. Sáng sáng, ra Hà Nội làm việc, chiều hết giờ lại vội phóng xe về với ba con nhỏ. Sau khi các con đã ngủ yên, anh lại chong đèn cặm cụi ngồi viết chuyện cảnh giác cho kịp chương trình. Anh là người có tài tiên đoán mọi tình tiết trong câu chuyện phức tạp, nhưng anh có ngờ đâu người con gái thứ ba bệnh nặng, lại cũng vội bỏ anh ra đi, khi độ tuổi trăng tròn. Lại cú đòn số phận muốn đánh anh gục ngã. Nhưng với ý chí phải sống, đã cho anh sức mạnh vượt qua tất cả. Những câu chuyện cảnh giác, anh lại viết tiếp, lại đánh thức bao nỗi niềm thổn thức cho người nghe đài.

Sự đời vốn không mãi bi cực. Cảm thông trước cảnh anh nhà báo cỗng kễnh nuôi con, nhiều cô gái xinh đẹp, nết na của làng sẵn lòng mang bó rau, quả mướp, giúp anh mua mớ tôm mớ cá để anh lo bữa cơm tối. Chả biết có phải duyên số, hay vì “hoa thơm đánh cả cụm”, người con gái út cô ruột tôi, nhà kế bên, sẵn lòng đem tuổi trẻ của mình sang làm người kế vị thay chị gái họ, chăm nom nhà cửa cho anh, rồi sinh cho anh một trai một gái. Nhà báo Nghi Xuyên được hạnh phúc mới đắp đền, lại hăng say làm việc. Tiết mục “Kể chuyện cảnh giác” của anh vẫn không phụ lòng thính giả mến mộ. Với năng lực và sự đam mê cống hiến cho sự nghiệp tuyên truyền an ninh Tổ quốc, hàng trăm kịch bản, hàng trăm bài báo về đề tài an ninh, với nhiều kịch bản phim truyền hình, phim nhựa đã dàn dựng, nhà báo Nghi Xuyên được đón nhận nhiều huy chương, huân chương qua các hội diễn toàn quốc và năm 1998, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Vẫn tác phong người chiến sĩ - nhà báo, sau những năm tháng làm việc hết mình ở cơ quan, đến tuổi hưu, Nghi Xuyên về ở hẳn quê tôi. Vẫn tính nết năng nổ, chan hòa, anh tham gia tập tục làng, như người con đẻ của làng. Cái làng Trang Liệt quê tôi nay đã chuyển thành phường của thị xã, nhưng nếp sống và tập tục vẫn giữ nguyên như làng cổ. Ngày tết, anh theo các cụ bô lão làng, áo dài khăn xếp ra lễ đền và dự việc làng. Anh tham gia tục ngồi đồng niên, không mặc cảm người ngụ cư. Anh còn tham gia viết kịch bản sân khấu cho đội văn nghệ địa phương trình diễn. Thi thoảng, anh còn tham gia giảng dạy tại Trường cao đẳng Phát thanh và Truyền hình Hà Tây. Nhiều học trò anh, nay đã là những phóng viên, biên tập viên xuất sắc của nhiều đài Phát thanh và Truyền hình.

Sau phút vinh quang ồn ào của nghề nghiệp, nhà báo Nghi Xuyên lại trở về phút giây tĩnh lặng riêng của mình. Anh biết phần việc “Kể chuyện cảnh giác” mà anh tham gia, đã xong sứ mệnh của nó. Xã hội đã tiến bước dài. Cái xấu, cái ác đã phát triển ở cấp độ khác. Những câu chuyện ly kỳ thưở nào như không còn phù hợp. Hàng loạt tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học về đề tài an ninh đã thành công ở tầm cao mới. Một thế hệ cầm bút mới lại ra đời. Họ có nhiều kiến thức mới, tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến. Nhưng cốt lõi là lòng yêu nghề thì thời buổi nào,vẫn được coi trọng. Anh tự nhận như một người lính gác đã xong phần việc, đã bàn giao, chuyển giao cho thế hệ sau. Nhưng hễ mỗi khi nghe đài, hoặc xem vô tuyến, gặp chương trình an ninh Tổ quốc, lòng anh lại chộn rộn khó tả. Nghiệp viết lách vẫn ám ảnh và canh cánh. Căn bệnh hiểm nghèo đã hành hạ anh suốt mấy năm nay. Tiếc thay, nhà báo - NSƯT - Thượng tá Nghi Xuyên, người chuyên viết “Kể chuyện cảnh giác” từng làm xao xuyến bao lòng người đã ra đi vào rạng ngày 29 tháng 11 năm 2015, hưởng thọ 77 tuổi./.