Trang chủ Chân dung hội viên

MỘT NGƯỜI NHIỆT HUYẾT
15:37 | 27/03/2019

 Năm 2014 nhà văn Hoàng Ngọc Bính xuất bản cuốn sách đầu tiên. Anh tâm sự dồn hết tâm sức cho cuốn sách này “làm kỉ niệm” và cũng chỉ in một cuốn này thôi, nên anh đặt tên sách là “Những trang viết Hoàng Ngọc Bính”. 

 Nhà văn Hoàng Ngọc Bính sinh năm Nhâm Thìn (1952), quê ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Thời trai trẻ anh tham gia quân đội, chiến đấu ở miền Nam, bị thương nặng vào phần đầu, được ra Bắc điều trị, và xếp hạng thương tật 2/4. Khi sức khỏe hồi phục, anh tiếp tục tham gia công tác ở Công ty thủy nông Bắc Đuống. Anh là người sôi nổi với các hoạt động văn nghệ, thể thao. Với hoạt động văn nghệ anh có chất giọng trầm ấm, khỏe khoắn, từng được Đài truyền hình tỉnh ghi hình cả một chương trình. Anh còn là người soạn vở cho các Đội văn nghệ cơ sở biểu diễn. Với hoạt động thể thao anh là cây đập bóng chuyền “khá dữ” của đơn vị. Với chất người phong độ ấy anh đã “cưa” đổ cô kế toán trưởng của Công ty, người con gái Đình Bảng xinh đẹp, nết na, giỏi nghiệp vụ và định cư tại Đình Bảng. Khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập anh đọc Báo Bắc Ninh và “tự phát hiện” mình có duyên với nghiệp báo. Bài viết đầu tiên anh gửi cho báo được sử dụng luôn. Thể loại ở giữa truyện mi ni và tiểu phẩm báo chí. Khi đã cộng tác nhiều với báo thì kĩ năng viết báo mới dần hoàn chỉnh, đồng thời chất văn cũng mỗi ngày mỗi đậm đặc hơn. Anh được kết nạp vào Hội nhà báo Việt Nam và sau đó tiếp tục được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh, sinh hoạt tại Chi hội Văn xuôi. Mặc dù tuổi mỗi ngày mỗi cao, sức mỗi ngày mỗi yếu do thương tật phát tác, đặc biệt là đôi mắt mờ dần đến mức không dám đi xe máy xuống cơ sở lấy tư liệu và gây cản trở rất nhiều cho việc viết. Vậy mà tác phẩm vẫn cứ ra đời. ở chất con người nhiệt huyết như anh thì “còn sức còn viết, còn sáng tạo” và đó là niềm vui sống của anh.

Năm 2014 nhà văn Hoàng Ngọc Bính xuất bản cuốn sách đầu tiên. Anh tâm sự dồn hết tâm sức cho cuốn sách này “làm kỉ niệm” và cũng chỉ in một cuốn này thôi, nên anh đặt tên sách là “Những trang viết Hoàng Ngọc Bính”. Sách khổ lớn, số trang đầy đặn. Cuốn sách được nhiều bạn viết cổ vũ, giới thiệu, ghi nhận sức viết, sức sáng tạo của anh. Tưởng in xong cuốn sách thì anh sẽ gác bút sống nhàn tản, ai dè, niềm vui sách càng thổi bốc lên tinh thần nhiệt huyết trong anh. Năm 2016 nhà văn Hoàng Ngọc Bính lại cho ra mắt cuốn “Những bông hoa đời thường”, cũng khổ lớn, số trang đầy đặn như cuốn sách trước. Đây là cuốn sách gồm các bài viết của anh về những tấm gương người tốt việc tốt, những bông hoa đời thường có sức lôi cuốn nhân dân cùng làm việc tốt, và là cách cổ vũ cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay.
Năm 2018 này, đúng chu kì “ba năm đôi”, nhà văn Hoàng Ngọc Bính tiếp tục cho ra mắt cuốn “Chuyện đời thường” (Nhà xuất bản Hội nhà văn). Sách khá dầy, gồm trên 200 trang in, tập hợp 42 bài viết và 8 kịch bản sân khấu. Đây là những bài viết thuộc loại “sở trường” của anh. Rất đời thường. Nhỏ mà không nhỏ. Tính xã hội sâu sắc. Lại nhân hậu. Vấn đề nêu ra nhưng giải quyết đều theo hướng tích cực, tiến bộ, nhân bản.
Hãy nói qua 8 kịch bản. Có đến 4 kịch bản là “chuyện”: chuyện nhà, chuyện bạn bè, chuyện công sở. Đây là những kịch bản anh viết nhằm tuyên truyền những vấn đề cụ thể ở địa phương như tuyên truyền về chính sách thuế, về an toàn giao thông, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về hòa giải, về tác hại của thuốc lá. Anh viết cả kịch nói, chèo, cải lương. Những món sở trường khi hoạt động trong phòng trào văn nghệ cơ sở.
Trong 42 tác phẩm văn xuôi thì có 2 tác phẩm thể loại kí báo chí: “Chuyện về hai bà mẹ” và “Người lính Trường Sơn và câu chuyện cảm động về tình bạn”. “Chuyện về hai bà mẹ” nói về cuộc đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Chuột ở Tam Sơn, “Người lính Trường Sơn và câu chuyện cảm động về tình bạn” nói về cựu chiến binh Trần Văn Hậu tìm và đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Ngọc Dư về quê. Còn lại 40 tác phẩm viết ở thể tạp bút, hư cấu, thể hiện sự quan sát tỉ mỉ, suy nghĩ sâu sắc về tính giáo dục xã hội và khả năng bung sức viết của tác giả. Ngồi ăn bữa “cơm bụi” nghe chuyện “bụi bặm” về quan hệ vợ chồng người khác mà tự nhắc nhở bản thân trân trọng, gìn giữ tình cảm vợ chồng nhà mình (Câu chuyện trong quán cơm). Với người đi làm ăn xa, có lúc nào chót quên người vợ hàn vi, rồi có lúc sẽ nhớ đến, và ngày về là nhân bản biết bao (Trở về). Lại có chuyện tuổi đã xế nhưng có hoàn cảnh éo le, “chòng chành như nón không quai”, vấn đề “rổ rá cạp lại” vì “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông” cũng được đặt rất cảm động trong “Xuân muộn”. Nhưng quan hệ vợ chồng nếu không biết giữ gìn tất dẫn đến đổ vỡ và những hậu quả thương tâm con nhỏ phải gánh chịu. “Câu hỏi sau ly hôn” và đặc biệt là “Chiều muộn” là những lời cảnh tỉnh thấm đẫm nước mắt dành cho những cặp vợ chồng bên bờ vực ly hôn.
Mối quan hệ gia đình còn thể hiện trong nhiều tác phẩm từ những khía cạnh khác nhau, rất thường nhật, muôn hình muôn vẻ. Đó là việc chiều con thì sẽ có “Hậu quả tất yếu”, đó là việc thiếu nêu gương của bố mẹ sẽ dẫn đến “Con hư tại bố”, sự ăn ở thiếu công bằng của cha mẹ với con cái cũng là một bài học (Lòng mẹ). Nhưng nếu biết thương yêu nhau thì con cái cũng sẽ biết từ bỏ đam mê riêng để lo cho cha mẹ, anh em (Ngày hội làng của Thủy, Tết trung thu vui nhất). 
Hoàng Ngọc Bính dành nhiều trang viết cho mối quan hệ hàng xóm láng giềng, “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Có tiền chơi sang, khoe của, mua loa đài công suất lớn về “tự làm ca sĩ” bất chấp quy ước văn hóa của địa phương, tra tấn xóm giềng bằng âm thanh quá ngưỡng trong “Một kiểu tra tấn” đang là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. “Chuyện nhỏ mà không nhỏ” là một câu chuyện cảm động. Con mèo hay chuột bắt mèo chuột cho cả xóm nhưng bà nọ quên câu “Chó treo mèo đậy” bị chính lũ chuột tha lôi thức ăn lại nghi oan cho mèo và mèo bị vạ ăn đòn. Nhưng hai nhà vẫn đoàn kết, cùng thương và chạy chữa cho mèo chứ không dẫn đến cảnh mất tình láng giềng. “Chuyện hai nhà hàng xóm” cũng nói về việc nếu biết “Một điều nhịn chín điều lành” nhường nhịn và giúp hàng xóm thì sẽ có lúc hàng xóm hiểu ra và biết cách cư xử hài hòa, tốt đẹp. Ở xóm làng còn có mẫu người rất chắt chiu, nghiêm khắc với bản thân nhưng lại rất rộng rãi với việc chung, việc làm lợi cho tập thể và chính những “Việc tốt ở quanh ta” ấy đã làm sáng lên con ngõ hẹp, sáng lên phẩm chất đẹp ở mỗi người (Người “ki bo” nhất xóm). 
Đời sống hiện đại có nhiều thứ xô bồ đã và đang tác động mạnh đến thuần phong mĩ tục mọi làng quê. Những mối quan hệ đĩ điếm, chung chạ thời xưa bị lên án gay gắt, thậm chí còn bị định tội, thì hiện nay đang bị “trơ mòn”, đang bị coi là bình thường. Cái nhìn của nhà văn thì luôn trăn trở và lên án. Hoàng Ngọc Bính có những trang viết tinh tế về vấn đề này: “Bài học đắt giá”, “Bài học quý”. Hiện tượng đánh vào lòng tham, hám lợi của người dân đang bị một số kẻ xấu tìm muôn phương nghìn kế trục lợi bất chính (Một kiểu lừa, Bài học quý). Một hiện trạng đáng buồn là người dân không hiểu pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật mà không biết, gây nhiễu loạn, mất thời gian của các cơ quan chính quyền (Ông Thành đi kiện). Với thói vô cảm “mặc kệ nó” nhà văn tỏ thái độ chê trách, lên án qua mô tả câu chuyện đáng thất vọng về một người bạn chiến đấu nay thành đại gia mà coi nhẹ việc xã hội (Lần gặp cuối cùng).
Còn nhiều mối quan hệ khác của xã hội được nhà văn Hoàng Ngọc Bính nhắc đến như mối quan hệ bạn bè, thầy trò, trên dưới, chuyện công sở… Trên hết là tấm lòng bao dung của nhà văn mong muốn xã hội ta ngày một tốt đẹp lên. Anh luôn mong muốn mọi người được sống “Trong vòng tay thân ái” bởi có vô số những “Việc tốt ở quanh ta”.
                                                                                                                                                                              PHẠM THUẬN THÀNH