Trước khi sang công tác ở Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Ninh, anh Nguyễn Công Hảo từng làm Trưởng Đài phát thanh huyện Tiên Du, rồi làm Trưởng phòng Huấn học (Ban Tuyên giáo tỉnh ủy). Anh là hội viên Hội VHNT tỉnh ở chuyên ngành Văn nghệ dân gian. Đầu năm 2013, tại đại hội lần thứ 3 Hội VHNT tỉnh anh được bầu làm Chủ tịch Hội. Ở cương vị công tác mới, mặc dù phải họp hành nhiều, đặc biệt là phải “tiếp khách” hội viên nhiều, nhưng anh vẫn là người rất ham viết, coi sáng tạo VHNT là lẽ sống, là niềm vui sống của mình. Bên cạnh những bài viết “tức thì” đảm bảo tuyên truyền và định hướng sáng tác cho cả Hội, anh còn dành nhiều tâm sức cho công trình mang tính dài hơi mà anh đã ấp ủ từ lâu “Khảo cứu tục ngữ và một số chuyên luận văn hóa liên quan đến làng xã tỉnh Bắc Ninh”. Phần lớn anh viết vào ban đêm. Một mình anh với cây đèn là hai bên trang giấy trắng. Chồng bản thảo cứ dầy thêm sau một đêm miệt mài lao động. Lao động nghệ thuật là cô đơn lắm. Mà càng cô đơn thì mới càng có nhiều suy nghĩ cho từng con chữ ra đời. Năm 2015 cuốn sách được Nhà xuất bản (NXB) Thông tin và Truyền thông ấn hành. Cuốn sách này đã được nhà văn Bùi Việt Phương (Hòa Bình) giới thiệu, rồi được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải thưởng.
Sau thành công cuốn sách đầu tay, Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Nguyễn Công Hảo vừa tổ chức viết và tự viết nhiều tác phẩm có giá trị lần lượt ra đời: “Văn nghệ dân gian Bắc Ninh tập 3”, “Văn nghệ dân gian Bắc Ninh tập 4”, “Di tích và lễ hội tiêu biểu Bắc Ninh tập 1”, “Tìm hiểu bản sắc văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc”, “Ân tình người Bắc Ninh với Bác Hồ”, “Truyền thuyết và diễn xướng dân gian ở Bắc Ninh”, “Tìm hiểu về Truyền thuyết ba làng Ngang”. Chỉ viết về đêm mà có khối lượng trang viết như vậy thì thật đáng khâm phục. Nhưng sức người có hạn. Quá lao lực tất ảnh hưởng sức khỏe. Anh chủ động xin nghỉ công tác, không tiếp tục tái cử nhiệm kì mới sẽ đại hội vào cuối tháng 10/2018, mặc dù tuổi công tác còn cho phép. Để có thể nghỉ công tác thuận lợi, anh đã kịp bồi dưỡng người kế cận chức Chủ tịch Hội VHNT tỉnh vững vàng. Đúng như người xưa đã nói: Muốn thôi được nghề lái đò thì anh hãy trao mái chèo vào tay người khác. Suy cho cùng, việc nghỉ công tác của anh cũng là từ sự ham viết.
Ngay sau Đại hội, bạn đọc lại đón nhận cuốn sách mới của anh, tuyển tập bút kí “Một thoáng sông trăng”, NXB Hội nhà văn 2018. Đây là cuốn sách hội đủ “hai tay” của anh: nhà báo và nhà nghiên cứu VNDG. Chất nhà báo thể hiện ở sự nhanh nhậy, quan sát vấn đề, phát hiện vấn đề. Chất nhà nghiên cứu thể hiện ở việc tiếp cận, tìm hiểu sự kiện, vấn đề. Và điều quan trọng nhất là lòng ham viết để con chữ ra đời. Vì thế, anh có rất nhiều bài viết ở những địa phương mà anh đặt chân tới. Như “Lời ngỏ” anh tâm sự: “Đến mỗi vùng quê mới thấy đất nước ta đẹp vô cùng, mỗi nơi một vẻ, một sắc thái văn hóa riêng. Những mảnh đất nơi tôi đặt chân đến, khi tìm hiểu kĩ mới thấy mỗi gốc cây, ngọn cỏ cho đến những dòng sông, những dải núi, những cánh đồng… vẫn còn lắng đọng bao trầm tích về văn hóa đặc trưng của miền quê ấy”. Với cương vị là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, mỗi khi trên bố trí cho Hội đi thực tế sáng tác, anh đều họp trước toàn bộ hội viên tham dự Trại sáng tác để bàn bạc và thống nhất lịch trình đi giao lưu và thực tế sáng tác. Như năm 2016 có đợt dự Trại sáng tác Vũng Tàu, ngoài việc giao lưu với Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đi thực tế sáng tác trong tỉnh, anh đã bố trí cho cả anh em đi thực tế sáng tác và giao lưu với các địa phương khác gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Cảm hứng sau mỗi chuyến đi là những trang viết đong đầy kỉ niệm và nỗi nhớ về quê hương Việt Nam. Trong cuốn sách có loạt bài như vậy: “Mênh mang sông nước miền Tây Nam Bộ”, “Hương gió đất Quảng”, “Đến với hương rừng Yên Bái”, “Nơi dòng Bôi buông xuống”, “Nơi hội tụ văn hóa xứ Đông-xứ Bắc”, “Đến với địa danh ngẩng mặt đụng trời”, “Một vài kỉ niệm với thành Tuyên”, “Cao Bằng một thời để nhớ”…
Trong bài viết “Mênh mang sông nước miền Tây Nam Bộ”, người đọc cùng anh đến thăm ba địa danh nổi tiếng: Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Đến Cần Thơ cùng đi thăm chợ nổi Cái Răng. “Chưa đi chợ Nổi thì chưa đến miền Tây”. Đoạn sông Hậu rộng mênh mông, thuyền hàng nông sản đậu kín hình thành chợ Nổi thuộc địa phận quận Cái Răng. Đến Bạc Liêu bạn đọc sẽ gặp địa danh “hội tụ di sản”. Thành phố đang mở rộng nhưng vẫn giữ được hơn mười ngôi nhà cổ xây từ thời Pháp mới cai trị, nay thành điểm du lịch hấp dẫn, tiêu biểu là “Nhà công tử Bạc Liêu”. Phần xây mới rất ấn tượng là Quảng trường Hùng Vương, nơi đặt biểu tượng cây đàn nguyệt của đờn ca tài tử, cạnh đó là Nhà hát Cao Văn Lầu. Cách đó không xa là Khu lưu niệm ông tổ đờn ca tài tử Cao Văn Lầu với nhiều hạng mục tiêu biểu và nổi trội về đờn ca tài tử. Ngoại vi ven biển thành phố Bạc Liêu là vùng tôm và vùng năng lượng gió. Những cây quạt khổng lồ cũng là nơi du lịch mới. Đến Bạc Liêu không chỉ chiêm ngưỡng biểu tượng văn hóa đờn ca tài tử, mà còn được nghe những nghệ sĩ “đất tổ” ca “Dạ cổ hoài lang” bản gốc. Nghệ sĩ trẻ Minh Hạnh là người đã hát và truyền cảm hứng cho văn nghệ sĩ quê Quan họ Bắc Ninh nhiều cảm hứng sáng tác. Đến Cà mau được đi thăm Khu du kịch Đất Mũi. Con đường gần như là độc đạo chạy suốt chiều dài tỉnh hai bên là biển, nước và sình lầy với ngút ngàn đước, chàm và dừa nước. Tỉnh Cà Mau chọn cây dừa nước làm biểu tượng về văn hóa lấn biển và kinh tế bám biển. Đất mũi Cà Mau cũng lắm anh tài, tiêu biểu là nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư, tác giả “Cánh đồng bất tận” nổi tiếng.
Còn trong bài viết “Đến với địa danh ngẩng mặt đụng trời”, tác giả Nguyễn Công Hảo lại đưa bạn đọc đến với Hà Giang cao nguyên đá. Đường đến Cổng Trời (Quản Bạ) mà gian nan, mà “thót tim”. Nhưng đường từ Quản Bạ đi Đồng Văn còn “mất ngủ” hơn nhiều. Tuy nhiên, vượt qua nỗi khiếp sợ và gian nan đi đường thì cao nguyên đá lại trở thành “Bản tình ca từ đá”. Nơi đây có hoa tam giác mạch đẹp mê hồn. Bao nghệ sĩ nhiếp ảnh “mất ăn mất ngủ” để chụp những kiểu ảnh đẹp nhất về loài hoa này. Nơi đây còn có cột cờ Lũng Cú, biểu tượng của Tổ quốc Việt Nam. Cột cờ cao 33,15 m, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu trống đồng và các họa tiết minh họa từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Trên đỉnh có cán cờ cao 12,9m và lá cờ kích thước 9x6 m, diện tích 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Đến Hà Giang là đến với đại danh lịch sử Thanh Thủy-Vị Xuyên. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, núi đá Hà Giang bị quân địch bắn pháo thành “Lò vôi thế kỉ” nhưng chiến sĩ ta vẫn “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.
Dù có rất nhiều cảm hứng với các miền quê khác nhau, nhưng tác giả Nguyễn Công Hảo vẫn dành nhiều tình cảm nhất cho quê hương mình. “Một thoáng sông trăng” được lấy làm tên sách. Đây là chuỗi cám xúc từ chiến thắng Như Nguyệt oai hùng thời nhà Lý đến sự phát triển mau chóng, manh mẽ của thành phố Bắc Ninh hôm nay bên dòng sông Như Nguyệt lịch sử ấy. “Lang thang trên những con đường làng” là chuỗi cảm xúc về sự đổi thay trên vùng quê nông thôn Quan họ. Con đường là tấm gương soi sự đổi thay. Đường đất, đường cấp phối, đường đá răm rót nhựa, đường áp phan hai làn rộng rãi. Nhưng cùng sự phát triển là những bất cập đã và đang xảy ra cần suy ngẫm “Vui buồn bất phân thắng bại”, như hiện tượng “báo nổ” mang tính xã hội ở nông thôn hiện nay.
“Một thoáng sông trăng” là một kỉ niệm, là một thử nghiệm, nhưng cũng là một thành công mới của tác giả Nguyễn Công Hảo. Với đam mê ham viết, hi vọng anh sẽ còn nhiều thành công mới trên con đường văn học và nghiên cứu của mình.