Trang chủ Chân dung hội viên

CHÂN THỰC, ĐAM MÊ ĐẦY SỨC GỢI
15:54 | 27/03/2019

       Năm mười bốn tuổi cậu bé Hoàng Tiến đã là Đội viên đội Du kích đảm nhiệm các nhiệm vụ: Liên lạc, Văn phòng… hòa bình được điều lên huyện đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn gay go, quyết liệt, Hoàng Tiến nhập ngũ, tạm biệt vợ hiền và bốn đứa con thơ dại, ba lô lên đường hành quân vào mặt trận Trị Thiên Huế. Sau chín năm gian nan, từ người lính trở thành cán bộ Tiểu đoàn, trải nghiệm cuộc đời mình trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nên anh đã viết được những trang bút ký chân thực, sinh động và đầy sức gợi.

Hoàng Tiến đi vào con đường Văn chương hơi muộn. Có thể nói đến gần cái tuổi “xưa nay hiếm” anh mới chính thức bước chân vào làng Văn. Bạn bè tếu táo gọi anh là nhà Văn trẻ U70. Thế nhưng sức làm việc, sức sáng tạo của anh lại đầy nghị lực và sung mãn. Tìm đọc lại hệ thống các tác phẩm Hoàng Tiến, tôi thầm cảm phục tâm huyết ý chí của một Cựu chiến binh - Nhà văn, một cây bút hết lòng đam mê với văn chương. Thành quả ấy thể hiện qua các giải thưởng gây ấn tượng trong lòng độc giả.

Thế mới biết, đời người là hữu hạn, sức sáng tạo của con người là vô hạn.

Hoàng Tiến đến với nghề Văn khá đặc biệt, anh trình làng đứa con tinh thần đầu tiên là một bài thơ: “Áo the nâu”. Bài thơ đăng lên báo gây được tiếng vang. Một đề tài ít nhà thơ nào nghĩ tới. Một cảm xúc dâng trào. Thành công đầu đã làm xúc tác đến sự nghiệp Văn chương. Những tưởng Hoàng Tiến sẽ đi theo con đường thơ phú. Lạ thay anh chuyển sang văn xuôi. Bút lực tung hoành trên trang viết. Những đứa con tinh thần cứ sòn sòn ra đời, cái trước gọi cái sau, cứ như nó được kìm nén trong lòng, bây giờ mới có dịp bung ra.

Năm 2010 anh có tập Truyện ngắn “Đêm lặng lẽ trôi”, năm 2016 tập Truyện ngắn “Tình yêu ni cô” và năm nay (2018) Hoàng Tiến lại cho ra mắt bạn đọc tập Truyện ký: “Đi theo đường của Bác” tập hợp hơn hai mươi truyện ký về hai cuộc kháng chiến ái quốc của dân tộc.

Viết về chiến tranh là một thử thách lớn lao, đòi hỏi tài năng, bản lĩnh và cả tấm lòng của người cầm bút.

Hoàng Tiến đã hội tụ đủ các yếu tố và làm được điều đó. Phải chăng anh là người trong cuộc - Năm mười bốn tuổi cậu bé Hoàng Tiến đã là Đội viên đội Du kích đảm nhiệm các nhiệm vụ: Liên lạc, Văn phòng… hòa bình được điều lên huyện đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn gay go, quyết liệt, Hoàng Tiến nhập ngũ, tạm biệt vợ hiền và bốn đứa con thơ dại, ba lô lên đường hành quân vào mặt trận Trị Thiên Huế. Sau chín năm gian nan, từ người lính trở thành cán bộ Tiểu đoàn, trải nghiệm cuộc đời mình trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nên anh đã viết được những trang bút ký chân thực, sinh động và đầy sức gợi.

Đi theo đường của Bác là hồn cốt của cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, là những góc khuất với những con người bình thường nhưng vĩ đại. Đó là bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hạc bị bọn giặc tra tấn dã man vì có hai con là Việt minh. Mẹ đã chửi thẳng vào mặt bọn Việt gian làm tay sai cho Pháp: “Chúng mày là lũ chó săn, hại dân, hại nước” (Mẹ - con và cháu). Đó là bác lái đò trên bến đò Dền, đêm đêm chở bộ đội, du kích qua sông. “Chuyến đò đêm ấy” đưa ta về năm 1950 của thế kỷ 20, khi quê hương còn đầy bóng giặc. Dòng sông Đuống quặn mình khi tiếng súng quân thù chát chúa bên sông. Những chuyến đò đêm vẫn cần cù như con thoi nối hai bờ Nam - Bắc. Bọn địch luôn tuần tra, phục kích ở bến đò Dền. Có tiếng động là chúng vãi đạn xuống lòng sông. Bác lái đò nhắc mọi người bình tĩnh, nép mình xuống mạn thuyền “không được nhảy xuống sông khi chưa có lệnh”. “Bà con nhớ chưa”. Người lái đò rập rình đẩy mái chèo đưa thuyền cập bến giữa “những quầng lửa như lưỡi con thuồng luồng quấn lấy mạn thuyền”. Bộ đội và nhân dân an toàn. Người lái đò máu loang dòng nước nằm lại nơi bến sông lộng gió.

“Chia lửa với Điện Biên” lại là hồi ký đầy xúc động về một trận chống càn của du kích và nhân dân xã Trí Quả (Thuận Thành, Bắc Ninh) để chia lửa với chiến trường chính. Bằng cách kể sinh động, tác giả làm sống dậy trận chống càn oanh liệt của quân dân xã anh hùng này. “Chia lửa với Điện Biên” là nén tâm nhang tri ân tưởng nhớ các liệt sĩ đã quên mình trong những ngày quê hương đạn, bom và khói lửa.

“Liệt sĩ và bài thơ” là một bút ký hay, xúc động. Đọc xong cứ làm ta ám ảnh mãi. Hình ảnh người chiến sĩ trung kiên hy sinh vì độc lập - tự do. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm kháng Pháp, có biết bao người con ưu tú chiến đấu cho quê hương và hy sinh thầm lặng cho quê hương.

“…Anh là chiến sĩ

Đời không biết tên anh

Máu xương anh đã, xây thành

Cho sông núi Việt nêu danh muôn đời…”

Bài thơ nói về sự hy sinh quả cảm của người chiến sĩ Phạm Khắc Thiêm đã bị lớp bụi thời gian phủ kín và trôi vào quên lãng. Đâu ngờ đã được nhà văn Hoàng Tiến rũ sạch lớp bụi thời gian, trả lại cho người chiến sĩ tấm gương trong, qua những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Vinh. Có anh hùng, có thi nhân. Thi nhân sánh bước cùng người anh hùng.

“… Thái dương sinh những bông hồng

Mẹ hiền sinh những anh hùng thi nhân…”

(Puskin)

Phạm Khắc Thiêm dũng cảm kiên cường mới có thơ Nguyễn Vinh. Nguyễn Vinh đã khắc họa tượng đài Phạm Khắc Thiêm. Nhà văn Hoàng Tiến một lần nữa lại xây dựng tượng đài người anh hùng trong lòng dân và tôn vinh một nhà thơ trong lòng bạn đọc.

Hoàng Tiến có lối kể chuyện tự nhiên, không cố làm duyên mà vẫn rất duyên:

“Tôi vỗ trán, vẫn không nhớ ra người mang tên Định. Thạc hiểu ý - chú Định - một trong những người bạn của anh đấy” (Ấm mãi trong lòng dân). Những trang viết, tác giả tái hiện sống động những trận đánh độc đáo, táo bạo, dũng mãnh phi thường: “Chuyện kể bên nghĩa trang”, “Vỏ chai diệt địch”, “Võ sư làm Quản tổng” với những con người bình thường, giản dị như anh Hàm và đội Du kích Hà Mãn. Tôi tin người đọc sẽ vô cùng cảm xúc và không thể không xót xa, thương tiếc, đau lòng và cũng sẽ tràn trề niềm tự hào về những truyện ký: “Những người bạn”, “Bên nghĩa trang liệt sĩ”. “Những người bạn” còn sống thương nhớ “Những người bạn” nơi yên nghỉ. Họ không nguyên vẹn. Họ nằm chung trong một mộ chín người. Họ không người nối dõi. Họ là những người: Anh hùng, hay về một loạt trận đánh càn, gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm, chúng ta phải gánh chịu những tổn thất nặng nề, Trung đoàn bộ binh 98 và quân dân xã Chi Lăng anh hùng đã viết nên trang sử anh hùng, làm nên chiến công hiển hách: Hơn nghìn tên giặc phơi thây. Viết hồi ức về 65 năm trước, nhà văn phải đọc thật nhiều sử sách, lại đến tận nơi xảy ra chiến cuộc, gặp gỡ những nhân vật có mặt trong thời kỳ ấy. Đoạn văn sau đây hẳn bạn đọc có nhiều suy nghĩ “… Du thở đứt quãng: “Anh ơi! Anh!”, “gì thế?”. Tôi ôm chặt Du. “A.n.h. Mình… Mình yêu nhau đi…”. “Toàn thân tôi căng lên, bụng thóp lại. Em đẹp như nàng tiên, pháo đang soi tỏ. Em mềm nhũn trong vòng tay tôi…”. Đấy là trong tình huống mười chết - một sống nhưng anh lính Trung đoàn 98 và cô du kích làng Quế Ổ vẫn vừa lạc quan, vừa lo sợ: “Nhỡ có chết”. Vâng! Chết thì thôi, nhưng cái cao quí thiêng liêng của đời người họ có quyền được hưởng. Nhưng (lại nhưng) cuộc yêu đã không có. Những tiếng réo của pháo địch gây cản trở. 

Đọc “Phải thắng! Nhất định không trở về rừng”. Tiêu đề có vẻ dài dòng. Không! Chúng ta nhớ rằng năm 1968 (Mậu Thân) ta đã dốc toàn lực cho công cuộc giải phóng Miền nam nhưng cái điều không thể ngờ, không ai muốn lại vẫn xảy ra: Chúng ta lại phải trở về rừng thêm… bảy năm nữa. Mãi đến mùa xuân 1975 với sức mạnh của - ít        ra - là năm Quân đoàn chủ lực, mọi cán bộ - chiến sĩ - phải xây dựng quyết tâm: “Phải thắng! Nhất định không trở về rừng” Hoàng Tiến là người trong cuộc, anh cũng là một người chỉ huy nên đã tái hiện chân thực trận chiến cuối cùng ấy.

Một số truyện ký, bút ký, ghi chép khác trong "Đi theo đường của Bác" như những con người thành tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Hoàng Tiến viết khá sắc nét. Những “Truyện” ấy giúp con người nhận ra lẽ sống chân chính trên đời, biết hy sinh vì con người, biết xua đi những cám dỗ tầm thường để trở nên người đáng sống. Đó là những gương anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đánh địch bằng ba mũi giáp công “Trong chiến công hiển hách làm nên lịch sử có một mũi quan trọng là binh vận” (Tiếng gọi non sông). Tập truyện ký có tới hai phần ba số bài viết mang hình bóng Bác. Còn lại theo mô tuýp Tiếng gọi non sông. Vì vậy tập truyện đã gây nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.

Cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 30 năm ở Việt Nam đã là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn khai thác. Nhưng dường như chưa có tác phẩm Văn học nào xứng với tầm vóc cao cả ấy. Nhà văn Hoàng Tiến cũng không phải là ngoại lệ.

"Đi theo đường của Bác" hình như giành nhiều để viết về những sự kiện với những con người trên quê hương anh. Trong một chiều dài hai cuộc kháng chiến và sau những năm hòa bình trở lại: “Ở một xã anh hùng”, “Quê hương đậm đà thành quả”, “Đất người và thơ Thuận Thành…”. Chính vì lẽ đó tôi ưu ái bài “Một thoáng Cát Bà” của anh. Trong một chuyến đi thực tế của Văn nghệ sĩ Bắc Ninh, Hoàng Tiến đã miêu tả sinh động nơi non xanh nước biếc hữu tình. Nơi có những ngư dân không chỉ chịu thương, chịu khó bám biển ngày đêm, săn luồng cá đi, đánh bắt hải sản làm giàu cho quê hương đất nước. Họ còn là những người làm cột mốc giữ gìn chủ quyền nơi biển đảo… Họ luôn cảnh giác với những người láng giềng “Tay cứ bắt mà chân cứ đá…”

“Đi theo đường của Bác”, tập truyện ký của một nhà văn đã vào tuổi 80. Ông đã khắc họa đậm nét bức tranh chân thực từ công cuộc giải phóng dân tộc trong chiến tranh, gìn giữ đất nước trong hòa bình. Vẻ đẹp trong những trang truyện ký nằm ở những trang tự sự đan xen trữ tình rất có giá trị nghệ thuật văn chương.

Còn một góc khuất cuộc đời ấy là “Nỗi đau! Đau đến bao giờ” Hoàng Tiến không muốn thổ lộ cùng ai. Sau chiến tranh trận mạc trở về, anh lính này mang trong mình nỗi đau chất độc da cam. 

Nhà thơ Tạ Bá Hận đến thăm nhà văn Hoàng Tiến vào một chiều đông tê tái, gặp con gái út anh ngơ ngẩn đứng nhìn. Hỏi mới biết cháu ngoài ba mươi còn ngơ ngác hơn đứa trẻ thơ. 

Nhà thơ xúc động viết bài thơ Nỗi đau da cam, phụ đề ghi: tặng Cựu chiến binh - Nhà văn Hoàng Tiến: 

"Con từ cha mẹ sinh ra

Tay chân chẳng được như là tay chân

Nỗi đau xé ruột trăm lần

Nét xuân mẹ héo, mờ dần mắt cha".

Gập trang bản thảo, mắt tôi rưng rưng ngấn lệ. Tôi thầm cảm phục sức lao động sáng tạo của nhà văn lão thành. Tôi gọi anh: Nhà văn Chiến sĩ…

                                                                                                                                                                              TRẦN CÔNG SẢN