Một buổi sáng mùa thu trời trong xanh, mây bay nhè nhẹ tôi đến “phố Nghệ sĩ”, nơi vốn là khu tập thể của Đoàn dân ca Quan họ (nay là Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh) thăm gia đình nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm. Khi nghe tôi tự giới thiệu là người hâm mộ bộ phim “Đến hẹn lại lên” do anh đóng vai chính thì hai vợ chồng nghệ sỹ Tự Lẫm và Minh Phức vui vẻ dẹp hết công việc tiếp đón tôi, mặc dù gia đình đang bận rộn với việc sửa nhà. Anh trải tạm chiếc bạt nilon giữa nhà bề bộn những đồ đạc, câu chuyện giữa chủ và khách thân mật như những người thân lâu ngày gặp lại.
Anh Hai Chi năm xưa giờ đã là một người đàn ông chững chạc, từng trải, phong trần với mái tóc dài đen nhánh buộc sau gáy rất nghệ sĩ và bộ râu con kiến cắt tỉa gọn gàng. Vợ anh - nghệ sĩ Minh Phức sinh ra trong làng Quan họ cổ Ngang Nội, cũng là một “liền chị” Quan họ nổi tiếng một thời với giọng ca ngọt ngào, đằm thắm, nay đã hơn 60 tuổi nhưng dáng vẻ vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát, với đôi mắt to lúng liếng từng làm xao xuyến bao lữ khách thập phương.
Tôi là một trong hàng triệu người miền Bắc nước ta, một thời mê đắm bộ phim “Đến hẹn lại lên’’. Đó là một tác phẩm nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước. Đến hẹn lại lên là câu chuyện cảm động xoay quanh số phận người con gái miền quê Quan họ (cô Nết) trong bối cảnh xã hội Việt Nam trước cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nết (Như Quỳnh đóng) và Hai Chi (Tự Lẫm đóng) cảm mến nhau, “phải lòng” nhau qua những canh hát Quan họ. Mối tình của họ đầy trắc trở khi Bình (Cao Khương đóng), con trai một địa chủ muốn cưới Nết đã vu cho Chi là Cộng sản, dồn ép gia đình Nết phải gả cô làm vợ Bình. Trong cơn tuyệt vọng Nết đã bỏ trốn…Mỗi nhân vật một số phận đan cài vào nhau để sau đó họ đối diện nhau trong hoàn cảnh bất ngờ, đầy éo le và xúc động. Bộ phim được làm từ hơn 40 năm trước nhưng giá trị tư tưởng và nhân văn của bộ phim vẫn đọng lại với thời gian.
Trong bộ phim “Đến hẹn lại lên” Vũ Tự Lẫm, diễn viên Đoàn dân ca Quan họ được đạo diễn Trần Vũ chọn đóng vai Chi - anh hai Quan họ - cùng diễn viên Như Quỳnh. Với lối diễn xuất sâu lắng, nội tâm, nhập vai, hóa thân vào nhân vật bằng cảm xúc gan ruột, hai nhân vật chính trong phim đã chiếm được cảm tình, gây xúc động mạnh mẽ với khán giả màn ảnh rộng.
Nhắc đến bộ phim “Đến hẹn lại lên”, Nghệ sỹ Tự Lẫm bồi hồi, xúc động, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, ánh mắt lấp lánh, thả hồn về anh Hai Chi một thuở xa xăm. Thấm thoắt đã hơn 40 năm có lẻ. Năm ấy anh 22 tuổi, được chọn đóng phim đúng thời điểm hoàng kim của Đoàn dân ca Quan họ. Anh cùng các diễn viên trong đoàn lặn lội đến các trận địa pháo cao xạ, đàn, hát động viên bộ đội và dân quân, tự vệ làm nhiệm vụ chống trả các cuộc ném bom, bắn phá của giặc Mỹ; đến tận các làng, bản xa xôi heo hút miền núi của tỉnh Hà Bắc phục vụ nhân dân…vừa biểu diễn, vừa đóng phim. Anh bảo làm việc như vậy lẽ ra phải ăn hai lương vì anh đã kí hợp đồng làm phim với xưởng Phim truyện Việt Nam. Anh hóm hỉnh cười khi tôi hỏi cát xê: - Nếu nói tiền cát xê chắc em sẽ thấy giật mình đấy. - Cao thế cơ ạ !- Rất cao. - Bao nhiêu ? - Mỗi ngày đóng phim được bồi dưỡng 1 đồng (giá một bát phở lúc đó là 6 hào). Cả năm đi đóng phim quy ra được gần tạ thóc.
Nhìn anh cười hớn hở và nháy mắt hóm hỉnh với vợ tôi thấy yêu chất nghệ sĩ trong con người anh. Tôi càng trân trọng sức làm việc của anh. Mặc dù anh chưa qua trường lớp sân khấu điện ảnh nào nhưng khi đóng phim anh đã hóa thân là một chàng trai thôn quê vùng châu thổ sông Hồng với lòng yêu nước nồng nàn, dấn thân cho lý tưởng cao đẹp, giải phóng dân tộc khỏi áp bức, lầm than. Anh thổ lộ: “Tôi vừa tham gia đóng phim vừa phải đi diễn cùng Đoàn Quan họ, nên ít gặp Như Quỳnh, tôi chỉ đến đoàn làm phim khi đạo diễn yêu cầu, nhưng do hiểu được vai diễn, tôi đã nhập vào nhân vật với cảm xúc chân thực”. Có một thời, đi đâu mọi người đều nhận ra, gọi anh với tên gọi trìu mến “anh Hai Chi - chồng cô Nết”.
- Khi diễn đạt tình cảm với “cô Nết” thì làm thế nào ?
- “Đến hẹn lại lên” không có cảnh “nóng” như phim bây giờ, chỉ có một cảnh nắm tay nhau xoay người nhẹ nhàng. Có những trường đoạn chỉ diễn bằng mắt và biểu cảm trên nét mặt...
Số phận trắc trở của Hai Chi trong “Đến hẹn lại lên” như vận vào đường đời của Nghệ sỹ Tự Lẫm. Như Quỳnh sau vai “cô Nết” ngày càng nổi tiếng, được phong tặng danh hiệu NSND đã lâu, còn “Hai Chi” vẫn gắn bó với làng quê, áo the khăn xếp, chung thủy với những làn điệu Quan họ nặng nghĩa, nặng tình. Anh tâm sự: Với tôi, điện ảnh là một sự tình cờ hay nói là may mắn cũng được. Sau vai diễn này tôi vẫn là một nghệ sĩ quan họ, hoạt động trong Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc bởi vì tôi nghĩ mỗi người có một đam mê riêng, với tôi đam mê lớn nhất là dân ca Quan họ.
Tôi ướm lời :
- Giêng hai, mùa lễ hội của Bắc Ninh-Kinh Bắc, tôi và bạn bè muốn thưởng thức giọng ca Quan họ của anh chị được không ?
- Rất sẵn lòng mời bạn bè đến uống rượu, ca hát, dù cho cuộc đời ngày mai có thế nào cũng không thể bỏ được Quan họ.
Trải qua gần một đời cống hiến cho nghệ thuật với bao thăng trầm, nghệ sĩ Tự Lẫm vẫn giữ được cốt cách của liền anh quan họ, thủy chung, mực thước với những lời ca cổ...
Là con trai làng Sặt (nay là khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn), nơi được vua Tự Đức đời thứ 24, năm 1871 ban tặng cho làng bức đại tự: “Mỹ tục khả phong”. Vũ Tự Lẫm nhớ lại hơn 40 năm trước khi anh mười bảy tuổi, được tin Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh tuyển diễn viên anh háo hức ghi tên thi tuyển. Tuy không phải là người làng quan họ gốc, nhưng với khiếu ca hát bẩm sinh và giọng ca truyền cảm anh đã trúng tuyển ngay từ vòng đầu. Những ngày tháng đầu tiên nhập đoàn, anh cùng đồng nghiệp lặn lội đi khắp 49 làng Quan họ cổ sống trong nhà dân, cùng ăn, cùng ở với các nghệ nhân, tìm hiểu văn hóa Quan họ, học các nghệ nhân về kỹ năng phát âm, nhả hạt, luyến láy… Một lớp diễn viên trẻ khi ấy như Thúy Cải, Lệ Ngải, Xuân Mùi, Hai Tráng, Vũ Tự Lẫm... sau này trở thành lứa diễn viên trụ cột của Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Thực hiện chủ trương “trẻ hóa”, anh “được” về hưu trước tuổi quy định, trái tim nghệ sĩ trong anh rớm máu. Anh như con chim sơn ca gãy cánh trước bầu trời cao rộng, anh khát thèm tiếng hát. Khi màn đêm buông xuống, đóng cửa tắt đèn muốn chìm vào giấc ngủ để quên sự đời, thì con tim lại thôi thúc, dòng máu nghệ sỹ kéo anh trỗi dậy, lẩm nhẩm những giọng ca cổ. Không chỉ hát một mình, anh lay thức người vợ cùng hát, cùng ngân nga những làn điệu Quan họ cổ, hát chay không nhạc đệm, không đàn sáo. Hát da diết như giãi bày. Giọng ca vang, rền, nền, nẩy ngân nga như nhập đồng.
Cơm áo không đùa với “nghệ sỹ” ! Vợ chồng “anh hai” “chị hai” nức tiếng một thời, có lúc đành đem giọng hát của mình vào chầu văn, hát xẩm để nguôi ngoai nỗi khát khao với “nghiệp” và để… kiếm sống, nhưng vợ chồng anh vẫn dành một cõi thiêng với Quan họ. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, nơi này nơi kia mời chào với tiền bồi dưỡng cao, nhưng Vũ Tự Lẫm quyết không dùng Quan họ làm phương tiện thương mại, Quan họ phải là văn hóa sang trọng. Nhiều năm qua Nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm và các nghệ sỹ gạo cội của Đoàn dân ca Quan họ đang sống ở “phố Nghệ sỹ” vẫn say sưa trong các canh hát Quan họ phục vụ bạn bè và du khách trong dịp đầu xuân; tham gia truyền dạy Quan họ cho thế hệ trẻ; họ đã cùng nhau dựng và phát hành album La Rằng, một giọng hát đặc biệt quan trọng chi phối toàn bộ nghệ thuật diễn xướng của một canh hát Quan họ cổ.
Ngắm nhìn Vũ Tự Lẫm hôm nay nhớ về anh Hai Chi xưa tuy vóc dáng dày dạn phong trần, nhưng tâm hồn liền anh Quan họ vẫn thấm đẫm tình người Kinh Bắc. Vừa qua Nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch lập danh sách đề nghị Nhà nước phong danh hiệu NSƯT, tuy hơi muộn mằn, nhưng đó là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến âm thầm của Tự Lẫm, về tinh thần giữ gìn một góc thiêng cho di sản Quan họ, người luôn lấy sự quý mến, ngưỡng vọng của công chúng làm tấm huy chương cao quý cho mình./.