Dáng người dong dỏng cao, bước đi nhanh nhẹn; khuôn mặt toát lên vẻ nghiêm khắc nhưng không kém phần dí dỏm, hài hước. Nghệ nhân nặn tượng đồng thời cũng là tác giả độc nhất vô nhị sáng tạo nên một “sản phẩm” độc đáo - “Cờ toán Việt Nam”, đó chính là nhà điêu khắc Vũ Bẩy. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày tác giả “Cờ toán Việt Nam” được công nhận bản quyền tác giả, bài viết này xin điểm qua một số nét chính về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.
Nhà Điêu khắc Vũ Bẩy sinh năm 1938, nhà ở tại Dốc Suối Hoa, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Người ta biết và nhắc đến Vũ Bẩy trước tiên với tư cách ông là một nhà Điêu khắc. Xuất thân từ thành phần gia đình cố nông, nhiều đời làm ruộng; với tinh thần tự học, tự mày mò, nghiên cứu kết hợp với đôi bàn tay khéo léo đã giúp ông cho ra đời những tác phẩm mang nét độc đáo của riêng mình.
Tinh thần dân tộc và tình yêu quê hương đất nước… đã trở thành mạch nguồn, khơi gợi cảm hứng chính trong những sáng tác của ông. Tất cả đã làm nên một phong cách riêng - một phong cách không dễ nhầm lẫn - phong cách “Nhà Điêu khắc dân gian” Vũ Bẩy. Nhìn lại từng chặng đường với những sáng tác của ông, ta dễ dàng nhận thấy: hình ảnh những bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lãnh tụ, người có công với đất nước hay những liền anh, liền chị Quan họ… là chủ đề hấp dẫn và có sức lôi cuốn lớn đối với ông. Những tác phẩm ấy đều toát lên những nét mang đậm màu sắc dân gian, ẩn chứa những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Ngay từ tác phẩm đầu tay “Bức tượng Hoàng Hoa Thám”, ông đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ông gây được sự chú ý và được nhiều người biết đến hơn khi cho ra đời hàng loạt những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và giành được nhiều giải thưởng cao quý. Trong đó đặc biệt phải kể đến tác phẩm “Tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ” (Giải A tỉnh Hà Bắc năm 1992); tác phẩm “Cào cào giã gạo” (Bằng khen của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch - 2001); tác phẩm “Bất khuất” (Giải nhất tỉnh Bắc Ninh - 2003); “Phút bình yên của mẹ” (Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam - 2004)… và nhiều giải thưởng cao quý khác. Tính đến nay, ông đã tham gia hàng chục cuộc Triển lãm mỹ thuật trong tỉnh và toàn quốc. Ngoài công việc chính là nặn tượng, nhà điêu khắc còn dành một góc đam mê cho sáng tác văn chương. Là cây bút viết không nhiều, không thành danh trên mảnh đất văn chương nhưng ông vẫn lưu dấu ấn với tác phẩm “Chân dung một nhà văn” - Tác phẩm đoạt Giải A về văn xuôi thể Ký của Báo Văn nghệ năm 1989. Ông vinh dự trở thành hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh và được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.
May mắn được làm việc tại tòa soạn Tạp chí Người Kinh Bắc - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, tôi có dịp thường xuyên được gặp và tiếp xúc với ông. Con người ấy, tính cách ấy khi đã từng có dịp được tiếp xúc quả là rất dễ lưu lại ấn tượng. Chẳng thế mà tôi còn nhớ có lần khi chồng từ đơn vị về, trong lúc đợi đón tôi ở cơ quan có một chút thời gian ngắn được nói chuyện với ông, trên đường về anh cứ nhắc ông mãi và muốn được biết thêm về con người ông. Tôi cười nói: “Người ta biết đến ông Vũ Văn Bẩy không chỉ với tư cách là một nhà Điêu khắc mà trong tỉnh, toàn quốc biết đến ông còn bởi ông chính là “chủ nhân” của sản phẩm Cờ toán Việt Nam. Anh muốn biết cho tường tận thì phải dành thời gian một buổi xin được ngồi nói chuyện với ông”. Thật không quá bất ngờ khi “chủ nhân” của bộ môn cờ toán ấy lại mới chỉ học hết trình độ 7/10. Nói như vậy bởi lẽ đối với một con người mà tinh thần tự học, niềm say mê và ý chí không ngừng lao động sáng tạo luôn được đẩy lên cao thì điều đó không có gì là khó hiểu. Kiến thức của ông có được chủ yếu là do tự học, tự đọc, tự mày mò - đó là một quá trình làm việc nghiêm túc. Cờ toán Việt Nam được ông “thai nghén” trong một thời gian khá dài. Qua quá trình tìm hiểu, ông thấy hiện người ta đang chơi nhiều loại cờ nhưng lại khá đơn giản trong nước đi và tất cả các loại cờ mà chúng ta đang chơi đều do du nhập từ nước ngoài. Bản thân nước ta, dù không sáng tạo ra cờ nhưng chơi cờ dường như đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa từ xưa đến nay. Từ những suy nghĩ ấy trong đầu ông luôn nung nấu một hoài bão mình sẽ sáng lập ra một loại cờ mang đậm “Màu sắc Việt Nam”. Từ đó ông mày mò đi sâu vào tìm hiểu quy luật của những con số, các phép toán cộng, trừ, nhân, chia… Đến năm 1982, trò chơi Cờ toán Việt Nam do ông sáng tạo ra chính thức ra đời. Với niềm mong muốn được mọi người biết đến trò chơi thú vị này, ông đã lặn lội mang “đứa con tinh thần” của mình đến các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền tác giả nhưng đều không được công nhận. Không vì vậy mà nản chí và trời đã không phụ lòng người; sau nhiều lần đi, về thì ngày 18 tháng 5 năm 2005, cờ toán của ông đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật cấp giấy chứng nhận bản quyền. Gần 30 năm thai nghén lao tâm khổ tứ ông mới “đẻ ra” được Cờ toán Việt Nam. Có một điều mà ông Vũ Văn Bảy luôn trăn trở đó là làm sao tất cả các em học sinh trên cả nước biết đến và chơi được môn cờ toán của ông. Và cuối cùng thì niềm mong ước bấy lâu của ông đã dần trở thành hiện thực khi một nhóm sinh viên gồm có 3 chàng trai của trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm một đề tài nghiên cứu riêng về bộ môn Cờ toán của ông. Công trình này đã vinh dự đoạt giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học - Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy là từ nay “hương thơm quả ngọt” - “Cờ toán Việt Nam” đã lan tỏa đi khắp địa cầu với tốc độ truy cập nhanh trên mạng Game online.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác cùng với phát minh “Cờ toán Việt Nam” của ông Vũ Văn Bẩy là một cuộc hành trình dài đầy “kỷ niệm” với bao tâm huyết, niềm say mê lao động và sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của ông cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng.
Với những gì đã làm được cho đời, tên tuổi của ông đã thực sự lưu được dấu ấn. Thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau nữa sẽ luôn nhắc và nhớ tới ông - Ông Tổ của “Cờ toán Việt Nam”. Nhân kỷ niệm tròn 10 năm “Cờ toán Việt Nam” được công nhận quyền tác giả, cũng qua bài viết ngắn ngủi này: Thay mặt cho thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau xin gửi tới ông lời kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc và một năm mới Bính Thân An khang - Thịnh vượng; tiếp tục phát huy tài năng và sự sáng tạo của mình để cống hiến nhiều hơn nữa cho nền văn học nghệ thuật nước nhà./.