Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN KHI ĐỌC BÀI THƠ “VỀ ĐI ANH” CỦA NGUYỄN XUÂN SÀNG
10:26 | 06/08/2021

Ngày 09/5/2019, tôi được nhà giáo Nguyễn Xuân Sàng, nguyên là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Tài tặng bài thơ Về đi anh, do anh viết sau nhiều lần đi tìm hài cốt anh trai để đưa về quê hương.

Thời gian anh tặng tôi bài thơ trên chỉ cách ngày dân tộc ta kỷ niệm 60 năm ngày mở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại khoảng 10 ngày. Anh trai anh là liệt sĩ Nguyễn Xuân Tẩm, thuộc Binh chủng Pháo binh, đóng quân ở La Khê, Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh, để bảo vệ cho tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, anh hy sinh ở mặt trận Hà Tĩnh.

Cả tôi và anh Sàng, đều không góp mặt vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc, nhưng chúng tôi đều thấm thía sự tàn khốc và những mất mát do chiến tranh gây ra.

Bài thơ gồm 80 câu thơ ngắn, dài, càng đọc, càng xúc động, cứ như có ma lực thôi thúc tôi đặt bút để ghi lại những cảm nhận của mình. Một bài thơ gọi hồn anh trai ruột thật cảm động: Cảm động ở sự day dứt, trăn trở khôn nguôi. Sau nhiều lần đi tìm mộ anh, với mong muốn đưa anh về quê cho thỏa ước nguyện của gia đình.

Nguyễn Xuân Sàng không có khiếu làm thơ. Vậy mà lại bất ngờ phát lộ bài thơ dài gọi hồn anh thật lôi cuốn và cảm động. Thế mới thấy nếu không có sự rung động thật sự từ trái tim thì thơ, văn rất dễ rơi vào những lối viết sáo mòn. Bài thơ được viết lên bằng những lời gan ruột, từ tiếng gọi nơi sâu thẳm con tim, lại trong âm hưởng của sự nghiệp hy sinh cao cả của người anh trai với Tổ quốc.

Bài thơ không hề có chút nào sự ủy mị, mà âm hưởng chung là nỗi nhớ anh da diết, mãnh liệt và cất tiếng gọi hồn anh về nơi chôn nhau, cắt rốn.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Xuân Sàng trở lại chiến trường xưa, nơi anh trai đã chiến đấu và hy sinh:

Em lặng lẽ đi tìm khắp trời đất miền Trung

Hà Tĩnh, La Khê phía miền Tây Tổ quốc

Sừng sững núi Cầu Treo trong dải Trường Sơn

Vách đá thẳm trên đỉnh đầu hùng vĩ.

Hình ảnh “người lính” hiện lên trong chiến tranh bằng những câu thơ có hồn về một thời binh lửa :

Đây núi Cầu Treo vách đứng sườn tây

Kìa sông Ngàn Sâu đỏ ngầu sau lũ dữ

Mấy trăm trận đánh có còn nhớ đâu

Hàng ngàn tấn bom kẻ thù dội xuống

Cung đường này vẫn hùng dũng hiên ngang.

Trong mấy trăm trận đánh trả máy bay của giặc Mỹ, với hàng ngàn tấn bom dội xuống, người con trai ấy đã anh dũng hy sinh để bảo vệ non sông. Đứng giữa đại ngàn nơi chiến địa, Nguyễn Xuân Sàng nấc lên từng tiếng:

Hỏi đỉnh Cầu Treo đâu xác anh nằm

Hỏi sông Ngàn Sâu chỗ nào vực thẳm

Anh Tẩm nằm đâu, anh Tẩm mộ nào

Thịt da anh đã quện vào đất nước

Máu đồng đội bao lần nhuộm đỏ thắm Hương Khê.

Do sự tàn phá của chiến tranh, sự tàn phá khốc liệt khi hàng loạt tấn bom đạn của giặc Mỹ trút xuống trận địa La Khê, nên dù rất nhiều lần khảo sát, qua cả công nghệ thẩm định ADN, Nguyễn Xuân Sàng vẫn chưa xác định được chính xác hài cốt anh trai mình. Những câu thơ không ủy mị, và chấp nhận sự thật mất mát của chiến tranh :

Đất La Khê bom đạn Mỹ xới cày

Thất lạc khôn lường mất mát chiến tranh.

Bài thơ hồn anh còn gợi lại những kỷ niệm đẹp của Nguyễn Xuân Sàng với anh trai - liệt sĩ Nguyễn Xuân Tẩm từ thuở ấu thơ. Tất cả ký ức tươi đẹp vẫn còn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua: Đó là những buổi tắm sông, bắt ốc, bắt cua, đánh chài, chăn trâu, nhổ mạ, cắt cỏ… những câu thơ thật cảm động:

Về đi anh

Anh em mình lại tắm sông Chùa, sông Bến Đá

Bắt ốc đồng Khoai, đánh chài đồng Má

Nhổ mạ đồng Vực, cắt cỏ đồng Săng

Chăn trâu bãi Dừa, bắt cua đồng Đỗi…

Tác giả bài thơ tha thiết mong anh có thể trở về để chứng kiến sự đổi thay của quê hương, làng xóm, để đón nhận tình cảm của những người ruột thịt:

Cây Đa Quán trên đồng đã thành cổ thụ

Đồng Đỗ, đồng Màu nay thành nhà phố

Chắc anh về sẽ lạ lắm anh ơi

Làng Phú Văn nay đẹp tuyệt vời...

Bài thơ khép lại với những tiếng gọi giục giã:

Về đi anh! Về thôi anh! Về nhà đi.

… Hỡi rừng Trường Sơn trầm mặc uy nghiêm

Hỡi những vong linh hồn thiêng sông núi

Hãy lắng đọng cùng tôi mời gọi anh về.

Chắc hẳn khi viết những lời gan ruột trên, anh đã rơi không ít nước mắt. Ở thế giới bên kia, chắc hương hồn anh Tẩm cũng sẽ thấu hiểu và cảm nhận được.

Về đi anh. Về đi anh. Về thôi anh. Những điệp khúc lặp lại nhiều lần trong bài thơ, như tiếng chim khắc khoải gọi hồn anh da diết. Bài thơ có thể chưa đặc sắc về mặt từ ngữ, lối diễn đạt... nhưng nó đã diễn tả sâu sắc và nói lên được tiếng lòng, nỗi khát khao của người em trai với mong muốn tột cùng là có thể tìm được anh trai mình.

Vài lời cảm nhận khi được cùng chia sẻ bài thơ với tác giả Nguyễn Xuân Sàng, như một nén tâm nhang tôi muốn gửi tới người quá cố. Cầu mong linh hồn liệt sĩ Nguyễn Xuân Tẩm nơi chín suối được siêu thoát và yên nghỉ./.

                                                                                                                                                                                                                                    NGUYỄN ĐÌNH CHẾ