Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

Còn mãi những tên đất, tên làng đang trở thành huyền thoại - Nhân đọc truyện ký lịch sử "Miền quê yêu dấu" của Nghiêm Đình Thường
14:32 | 30/12/2022

Trước đây, tôi luôn nghĩ mình hiểu biết nhiều về Yên Phong, nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Mới đây, đọc cuốn sách "Miền quê yêu dấu" của nhà giáo Nghiêm Đình Thường, tôi không dám nghĩ như vậy nữa, thậm chí tự chỉ trích là "biết quá ít về mảnh đất có bề dày lịch sử - văn hoá" đặc sắc trong Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Tôi quen biết nhà giáo Nghiêm Đình Thường chưa lâu, chỉ từ khi được nghỉ hưu, tham gia công tác khuyến học tại quê nhà (xã Đông Tiến). Tôi kính trọng, cảm phục ông với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Yên Phong suốt nhiều nhiệm kì, và hơn thế, là người truyền cảm hứng học tập, cảm hứng khuyến học với bầu nhiệt huyết luôn ấm nóng và trí tuệ uyên bác! Tôi cũng được ông coi là "Người truyền cảm hứng khuyến học", nhưng ngay từ đầu tôi ngả mũ trước ông và chính ông đã là nguồn cảm hứng tiếp thêm cho tôi động lực dấn thân vào lĩnh vực đầy khó khăn phức tạp khi ở tuổi xế chiều. Dần dần, tôi càng bị ông cuốn hút bởi sự chân thành, phong thái bình dị, khiêm tốn đến lạ thường. Đặc biệt, mỗi khi trò chuyện, tôi luôn ngạc nhiên bởi những kiến thức sâu rộng của ông về giáo dục, lịch sử, văn hoá, nhất là về mảnh đất "Miền gió lặng". Không chỉ làm việc, gặp gỡ, trò chuyện, tôi còn được tìm hiểu, thưởng thức, khai thác những tác phẩm của ông như "Địa chí Yên Phong" (đồng tác giả); "Văn hoá làng xã Yên Phong" (đồng tác giả); nhiều tập "Toả sáng tấm gương thầy" (chủ biên) và một số tác phẩm văn, thơ khác với nhiều giải thưởng văn học và báo chí của tỉnh. Chính cuốn "Văn hoá làng xã Yên Phong" đã là nguồn tư liệu quí cho tôi khi viết cuốn "Chuyện làng tôi". Cứ thế, tôi được ông coi là "bạn vong niên" từ bao giờ để khi viết về ông, về cuốn "Miền quê yêu dấu" tôi phải tự làm chủ cảm xúc để chia sẻ với bạn đọc một cách thật khách quan về tác phẩm có nhiều giá trị mà theo tôi nghĩ, ai là người Yên Phong, người Bắc Ninh không đọc nó thì thật đáng tiếc!

Tập truyện - ký cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu tiên, những câu chuyện đầu tiên. Và rồi, sức hấp dẫn của nó khiến tôi đọc liền một mạch trong hai ngày, sau đó còn đọc đi đọc lại nhiều đoạn, nhiều bài để hiểu sâu và ghi nhớ những tình tiết, những sự kiện, tên đất, tên người nhằm bổ sung cho vốn tư liệu về miền quê yêu dấu. Tôi vô cùng thích thú với những hiểu biết mới lạ về những nét văn hoá đặc sắc của nhiều làng xã mà tôi tưởng như đã quá quen thuộc. Làng Đông Yên (xã Đông Phong), trước đây tôi chỉ biết là nơi huyện lỵ Yên Phong thời nhà Nguyễn, làng làm nón, có ngôi đình đẹp nhất xứ Kinh Bắc với câu ca "Thứ nhất là đình Đông Khang/ thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang Đình Diềm". Hoá ra, Đông Yên còn gọi là "Làng Cười" với phong tục "Hội Cười" hàng năm. Đó là hội thi nói khoác, một trong những hội quí hiếm của nước ta đã bị mai một. Câu ca "Đất Đông Khang cả làng nói khoác" hay "Đất Đông Khang dựng cầu nói khoác" phản ánh nét văn hoá độc đáo của ngôi làng cổ này. Qua truyện, tác giả cho thấy con người Đông Yên chất phác mà hóm hỉnh, giàu trí tưởng tượng với những khát vọng giải phóng con người vô cùng mạnh mẽ. Hội Cười Đông Yên nói lên đời sống tinh thần phong phú của người dân làng Cười nói riêng, người dân Yên Phong nói chung. Nếu như hội thi nói khoác ở làng Cười phản ánh khát vọng giải phóng con người thì hội thả chim bồ câu bay thể hiện khát vọng tự do một cách rõ ràng hơn. Dưới ngòi bút của tác giả, nghề chơi chim mới công phu, tinh tế làm sao, và luật lệ các cuộc thi cũng hết sức tỉ mỉ và nghiêm ngặt, thể hiện trí tuệ trong cách chơi. Chơi chim khó ở chỗ, người chơi phải tinh tường từ khi chọn chim để được chim khôn, rồi huấn luyện phải tài để chim bay đẹp. Người khôn, chim khôn là thế! Có câu "Chim khôn khôn cả cái lông/ Khôn cả cái lồng, người gánh cũng khôn". Theo tác giả, "Những người tham gia hội chim thường tự hào và luôn biết tôn trọng giữ gìn về nét đẹp văn hoá hội chim. Ấy là đến hội bao giờ quần áo cũng chỉnh tề, nói năng nghiêm cẩn, chẳng phải công an với bảo vệ nhưng chẳng bao giờ xảy ra xô xát to tiếng với nhau". Thế mới biết, hội chim cũng là nét văn hoá lễ hội quí hiếm, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú, thanh cao của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc mà Yên Phong có những đóng góp đáng kể. Được biết tác giả từng là người chơi chim, chả thế mà bài viết thấm đẫm tâm hồn của một người chơi đam mê kỳ thú. Tập truyện - ký còn đưa ta đến với những nét đẹp văn hoá đến ngỡ ngàng của làng nghề cày bừa Đông Xuất, làng tơ tằm Vọng Nguyệt, làng hát ví giao duyên Diên Lộc, thơm thảo bánh tẻ làng Chờ, nơi "đất tốt cò đậu" làng Đông Xuyên; làng Trần Xá với danh nhân khoa bảng Tiến sĩ Phạm Quý Thích; làng Ngô Nội với bức phù điêu có một không hai nơi đình làng; xa nhất mạn phía Tây của huyện, làng Đồng Nhân cùng mảnh đất "Tứ Yên" (thuộc xã Yên Phụ và xã Hoà Tiến) với những dấu tích lịch sử - văn hoá còn hiển hiện sinh động từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống do Lý Thường Kiệt chỉ huy. Ta lại càng ngỡ ngàng hơn với ngôi làng của tác giả, làng Nghiêm Xá, thị trấn Chờ, không chỉ với những hiểu biết mới lạ về những di sản văn hoá gắn với tên tuổi danh nhân khoa bảng Đình Nguyên Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuân (cụ Nghè Sổ) mà còn khiến ta trầm ngâm cảm phục nhân dân nơi đây về những việc làm chưa quá xa từ ngôi đình làng cũ và mới. Truyện kể: "Đình làng Nghiêm Xá được dựng vào năm 1832 (Minh Mạng thứ 12). Đình thờ Đức Thánh Tam Giang. Năm 1947 làng dỡ hai dãy dải vũ và tiền tế để xây dựng "Làng chiến đấu". Năm 1966, để đắp đường 295, làng dỡ nốt toà đại đình chỉ để thượng điện thờ cúng. Năm 1997, nhân dân kiến tạo lại đình làng và dịch chuyển về phía Đông. Năm 2003, đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh". Rồi, nhiều người có lẽ chỉ biết làng Quan Độ với rượu ngon, gái đảm chứ mấy ai tìm hiểu 1000 năm họ Nghiêm với cụ Tổ họ là thầy dạy học của Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) và rất nhiều danh quan, danh tướng, danh sĩ khoa bảng khác trong các triều đại Phong Kiến. 

Về mảng lịch sử, tác phẩm cũng cho chúng ta nhiều hiểu biết về mảnh đất và con người Yên Phong với những dấu xưa, tích cũ. Lớp lớp thời gian đã qua hàng nghìn năm mà dưới ngòi bút của tác giả vẫn vẹn nguyên, tươi mới. Đó là khi ta đọc bài "Về Yên Phụ tìm lại dấu xưa, tích cũ". Ngay cái tên Yên Phụ giờ ta mới hay là được vua Lý cho đổi từ "Yên Khang" sau chiến thắng Như Nguyệt vì nhân dân nơi đây đã góp nhiều công sức cho cuộc kháng chiến thần thánh. Tác giả dẫn ta đi qua "bảy ngọn núi thấp như chuỗi ngọc giữa vùng đồng bằng, người xưa gọi là Thất Diệu Sơn, ứng với bảy vị tinh tú trên bầu trời"... để rồi ta bâng khuâng bao nhiêu cảm xúc cùng với ông: "Thời gian của cuộc kháng chiến chống Tống đã ngót ngàn năm rồi. Bụi thời gian tưởng như xoá nhoà hết cả, nhưng dấu xưa, tích cũ còn truyền từ đời này qua đời khác. Nhiều khi sự tích ấy lại được huyền thoại hoá với nhiều chi tiết kì ảo, để con cháu ghi nhớ mà ám ảnh. Đó cũng là cách mà người đời để lại những giá trị tinh thần cho các thế hệ mai sau". Có chuyện nghìn năm, nhưng cũng có chuyện chưa mấy xưa cũ mà chắc đâu ta đã được tỏ tường. Đó là những mẩu chuyện mà với nhiều người vẫn cảm thấy mới lạ về nữ Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của Yên Phong - Nguyễn Thị Minh; về đồng chí Văn Tiến Dũng với cao trào Tổng khởi nghĩa ở Yên Phong; về Thuỵ Hoà - "Thủ đô" kháng chiến chống Pháp của huyện; về "Chợ Chờ... ngày ấy";... Cả những câu chuyện rất dí dỏm, hấp dẫn khiến trí tò mò của bất kì ai cũng không bỏ qua khi đọc các bài "Một trận đòn bút ở chùa Tiêu", "Về Ngô Nội - nhớ đồng chí Ông" và "Người được thưởng 3 Huân chương chiến công". Đó là những chiến sĩ Cách mạng kiên trung, mưu trí mà việc làm, chiến công hay thành tích của họ nghe bình dị mà vô cùng ấn tượng. Có câu chuyện khiến ta không thể không bùi ngùi tiếc nuối như trường hợp đồng chí Ông, một người ngoài Đảng một lòng theo Cách mạng, nuôi giấu cán bộ, có lúc đón cả đại đội bộ đội về nuôi quân chuẩn bị cho trận đánh mới. Vậy mà sau này, chỉ vì thành phần gia đình hào phú mà  hình ảnh đồng chí Ông cứ trôi trượt dần, mất hút theo thời gian. Tôi cảm thấy rưng rưng khi đọc bài này, thầm cảm ơn tác giả đã gợi lại hình ảnh đẹp đẽ của một con người bình dị. Thiết nghĩ, rất cần những bài viết nhân văn sâu sắc như thế để lưu gương sáng đến muôn đời. Bên cạnh đó, có những câu chuyện mới qua hơn 50 năm mà đã thành lịch sử. Đó là sự kiện Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn (thị trấn Chờ) đón thư khen của Bác Hồ. Nhiều nhân chứng sống vẫn còn đó chắc đọc truyện sẽ rưng rưng bởi những dòng văn hết sức chân thực mà cảm xúc. Qua nhiều bài viết, gợi cho nhiều lứa tuổi những kí ức trong hai cuộc kháng chiến, những kí ức thời bao cấp, thời đổi mới, những đổi thay trong giai đoạn vừa qua và cả những khát vọng vươn tới những bến bờ hạnh phúc của ngày mai.

Từng câu chuyện, từng trang viết cứ lôi cuốn ta theo dòng thời gian, theo từng tên đất, tên làng thân thuộc. Phải là người có vốn sống phong phú, đi nhiều, biết nhiều, hiểu lắm và yêu thương nhiều lắm mảnh đất quê hương mới có thể viết được như thế. Là nhà giáo, tác giả luôn chú ý đến tính thẩm mỹ và tính giáo dục trong sử dụng ngôn ngữ và truyền tải nội dung, hướng đến đại chúng. Văn phong vô cùng giản dị như đời sống của ông mà vẫn mượt mà thoa lên tâm hồn người đọc khiến ta cảm giác như được nhâm nhi thưởng thức hương vị quê hương. Sau mỗi câu chuyện, tác giả có những nhận xét, bình luận sâu sắc hay những gợi ý để người đọc suy ngẫm hoặc hướng mọi người đến những ước mơ, khát vọng tươi sáng. Điều đó thể hiện giá trị tri thức và nhân văn rất đáng trân trọng của một nhà giáo, nhà văn, nhà báo, và với tôi, ông còn là người viết sử Yên Phong bằng văn, bằng tình yêu quê hương ngọt ngào, da diết.

Cuốn sách gấp lại mà trong tôi còn ngân vang mãi những tên đất, tên làng. Tôi thấy yêu và tự hào hơn về quê hương mình, một miền quê yêu dấu./.

CAO VĂN HÀ