Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

NHẬT KÝ THƠ NGUYỄN ANH THUẤN - KHÔNG CHỈ LÀ GIẤC MƠ
14:59 | 17/11/2022

"Con xin kính lạy ông bà

Nhưng con chả thích í a cả đời"

Thơ của nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn đấy ạ. 

Chưa từng gặp nhau ngoài đời, nhưng đọc thơ  của anh, có cảm giác mình đang  là hàng xóm . Vì đường ngang ngõ dọc trong đời, đi đâu, làm gì, tương tư ai... anh đều để hết trong thơ. Mình chỉ gặp một số ít người như anh. Viết thơ tự sự như viết nhật ký. 

Chả biết anh có phật ý không khi mình gọi Không chỉ là giấc mơ là cuốn nhật ký thơ. Vì mình thấy anh không che giấu hay tiết chế cảm xúc. 

Anh sẵn sàng nói quá lên một chút, khi tình cờ đi qua ruộng khoai lang, gặp những bông hoa màu tím nở lặng lẽ. Ngay lập tức anh nhớ về những trận đói kinh hoàng trong ký ức. Và ở đó, khoai là vị cứu tinh. Khoai quan trọng thiết thực hơn thơ, hơn cả mọi hào quang chữ nghĩa. Khoai cứu cả nửa hồn tôi cơ mà :.

"Làng đói đêm. Gió cứ thổi ào ào

Trẻ con học râm ran đầy vách đất

Bếp trấu ủ một nồi khoai chảy mật

Hương thơm lừng. Hương cứu nửa hồn tôi...

Trong nhật ký, anh thừa nhận mình tồn tại có một nửa. Nửa kia là "em". Có thể em chưa đến. Có thể em đến rồi đi. Nửa kia là thiếu vắng. Anh luôn chỉ có một nửa, trống trải, hoang mang, bơ vơ quá chừng…

"Chiều nay mưa. Gió lạnh. Ánh đèn...

Tôi ướt một nửa tôi trong phòng ấm

Một nửa khô lại khiến tôi nổi giận

Ngày...

lại ngày...

Sao tôi vẫn thiếu em!"

Đây nữa:

"Bỗng thấy mình hâm ti tỉ độ

Tự dưng đi ngủ trọ phố Chờ

Tự dưng đày ải thân lau sậy

Khoe giữa đông người nỗi chỏng chơ".

Ô hay! Anh đi lắm thế làm gì? Ai bắt anh phải một mình, để rồi trách cứ, nổi giận. Lại còn vùng vằng, chất vấn nọ kia. Chính anh cũng nhận là anh hâm tỉ độ rồi còn gì.

"Anh chẳng thích mình anh trong phòng rộng

Chăn ấm ơi! Chăn ấm để làm gì

Anh chẳng thích mình anh trên đỉnh núi

Cao với trời. Cao ấy để làm chi?

(Tam Đảo, một mình)

"Hồ phập phồng khẽ thở...

Em đang xa...Ta thấm lạnh một mình"

(Đại Lải, chiều mưa)

Ta là sỏi đầy rêu...mình đã rửa

Ta là cát sạch tinh. Là vôi vữa...

Xây ngôi đền ơn nghĩa với ông Công!

(Nhớ sông Công)

"Dù một thoáng cũng đã tình với suối

Dẫu trăm năm rêu đá vẫn xanh ngời...

Xin cúi lạy đám cỏ lau vạn tuổi

Tràng An về...bỗng gió bốn bề tôi!"

(Một thoáng Ninh Bình)

"Không em không em không em

Mưa dầm mưa dề mưa dầm

Ta bóc ta hoài hỡi nắng!

Phơi trần chưa hết lem nhem..."

(Ngao ngán dầm mưa)

Đấy, đêm phố Chờ co ro một mình, rồi Tam Đảo cũng một mình co ro. Đại Lải chiều mưa vẫn mình anh. Tiếp đến Thái Nguyên, Ninh Bình, anh miệt mài đi, miệt mài một mình. Hình như không có bài học nào được rút ra từ những cô đơn ấy cả. Một mình này nối vào một mình kia, cũng khiến mình thấy anh hâm thật. Chả hâm mà lại cứ buộc mình mường tượng ra rằng. Hễ anh đến đâu là nơi ấy nhuốm phủ màu hiu quạnh, buồn tẻ. 

Hằng loạt những giận dỗi vùng vằng như thế trong nhật ký của anh đã tố cáo anh. Đa tình quá và si tình quá. Nhưng mà, nói thật chứ. Chả ghét anh, cũng không cáu anh. Vì mình đã bao giờ viết được những câu thơ như thế này đâu!

"Yên Bái một đêm giường chiếu lạnh

Em như than lửa... vẫn xa vời

Ta như mây trắng không quen nước

Rơi xuống lòng hồ, xa xót ơi!"

(Yên Bái một ngày Yên Bái một đêm)

 "Ta như mây trắng không quen nước, rơi xuống lòng hồ, xa xót ơi".  Kỳ tài! Xin không bình gì về những câu thơ này cả. Chỉ biết là mình như được đáp đền khi gạt công việc sang một bên để đọc tập thơ dày khộp này. 

Những chuyến đi "một mình" của nhà thơ, hẳn nhiên gợi cho mình cơ man nào là sự thỏa mãn. Ừ nhỉ, chả che đậy gì cả. Cứ hiển hiện. Hiển hiện mà không chẻ hoe. Chan chát, ầm ào mà không suồng sã. 

Ngay cái sự đi hội của nhà thơ, cũng không giống ai. Đây, nhật ký của anh có những đoạn thế này:

"Dội lên tiếng trống lưng chừng núi

Người đi như nước chảy đa dòng

Em hát ở nơi đầy gió lạnh

Trên đồi keo vật vẫn chửa xong

Chả dại chơi đu mà lơ lửng

Thôi anh lên núi với hàng cây...

Đi hội mà sao tâm trạng lại ngao ngán bải hoải thế chứ. Cái chỗ em đứng hát đầy gió lạnh nên dù thương em, thích em, anh cũng chả đứng. Cái chỗ vật nhau nữa, cũng chẳng có gì vui, mãi chửa xong. Chơi đu ư? Dại gì mà lơ lửng. Thôi anh lên núi với hàng cây.... Đi xem hội mà còn mệt thế, khổ sở thế, thì hẳn là anh cũng có cái nhìn rất khác về hội và người đi hội . Đúng là khác thật. Anh thương họ, mệt thay họ. Thương đến mức thay họ nói "trắng phớ" ra. Đến là phũ phàng.

"Bao nhiêu nước chảy qua cầu

Liền anh liền chị mời trầu chửa xong

...

Miếng trầu một kiếp nhạt vôi

Miếng yêu lơ lửng thành lời í a...

....

Con xin kính lạy ông bà

Nhưng con chẳng thích í a cả đời" .

(Thương người quan họ)

Với tác giả khác, tác phẩm khác, mình chưa bao giờ dám đồng nhất nhân vật trữ tình với nhà thơ. Nhưng với nhà thơ Anh Thuấn thì mình dám. Mình không tin cái nhân vật trữ tình sinh động trong thơ anh lại là ai khác ngoài anh. Hãy xem anh ấy viết về vợ để thấy, anh ấy dí dỏm như nào, tinh tế như nào và ấm áp như nào:

Anh không ngờ nhà em nhiều gió thế

Gió từ hồi hai ta chưa biết nhau

Gió từ đêm ai nỡ lòng chối bỏ

Gió như sông mê mẩn chảy qua người...

Ta ngược gió, tơi bời như trẻ lạc

Bay tận cùng cho một kiếp chim đôi...

Và đây nữa :

Xòe hai bàn tay trắng

Nghĩ thương em thắt lòng!

Em chưa hề được trẻ

Già đã về bên song...

Đấy, em chưa hề được trẻ, già đã về bên song. Thơ viết cho vợ chả khác lời nói hằng ngày là mấy. Không cần trau chuốt, tự đã nghĩa tình, tự đã thân thương, tự đã máu thịt. Anh không cần tô vẽ gì, cũng không nịnh nọt phù phiếm. Những tháng ngày vất vả, khó khăn và đầy giông gió, hai người đã vượt qua gói trong hai câu thơ "Ta ngược gió tơi bời như trẻ lạc. Bay tận cùng cho một kiếp chim đôi". Sóng gió là một phần của hôn nhân. Nói thật với nhau được câu ấy, thì đã là tri âm tri kỷ và duyên nợ của nhau rồi. Nên mộc thôi, mà vẫn thấm thía, trĩu nặng.

Chứ không như thơ viết cho ai đó. Loay hoay, cầu kỳ. Để làm đẹp lòng những bóng hồng chấp chới như ảo ảnh trong cuộc đời thi sỹ, mệt lắm chứ chả đùa.

"Nhưng thơ thì không thể rét

Loay hoay đốt lửa tim mình

Gạn chắt từng mi li chữ

Thành câu bỏng rát cho em!"

Vất vả, trồi trụt thế, nhưng anh chấp nhận hết. Chấp nhận đắm say, chấp nhận si mê,  để rồi nhận về sự rã rời và đơn lẻ : 

Cô đơn như rượu đắng

Mà anh đau dạ dày!

Nhưng biết làm sao được

Đời anh cần đắm say

Cô đơn như chiếc bóng

Anh xua đi trọn đời

Nhưng mỗi lần ngoái lại

Hoa hay lệ vừa rơi...

Có rất rất nhiều câu thơ hay mà mình không chép ra hết được. Tập thơ đã dày. Bài thơ thì dài và phần lớn là thơ tám chữ. Đã tám chữ, anh lại còn năng sử dụng dấu (...) như để thách thức người đọc là tôi chưa viết ra hết đâu. Cứ đợi đấy, mai tôi viết tiếp. Vì nó có "cấu trúc" giống như một cuốn nhật ký nên mình tò mò và đọc hết tập thơ trong một thời gian ngắn. 

Có những tuyên bố của anh khiến mình thấy lạ. Đấy là khổ thơ bốn câu thì hai câu đầu giống y như văn chính luận. Nhưng hai câu cuối lại rất trữ tình, rất thơ. Cứ như vừa đánh vừa xoa. Mà có nhiều bài anh dùng lối viết này. Những câu chữ cứ tôn nhau lên, vực nhau lên, khiến người đọc không thể bắt bẻ hay chất vấn gì. Câu tiền làm bàn đạp, làm phông nền cho câu hậu bật lên, ghim vào tiềm thức của người đọc.

"Thôi chả hát lai rai bài hát cũ

Cháu con tôi rồi sẽ viết thêm lời

Tôi chỉ biết yêu mình như ngây dại

Nhã Nam đầy trong sâu thẳm hồn tôi!"

Những bài thơ viết về thế thời, những bất công, những thói tật, vấn nạn trong xã hội, thật sự nhiều lúc thấy anh gay gắt chẳng nể nang. Anh nóng nảy, anh khảng khái, đầy chính kiến. Nhưng để thơ phải gồng gánh thời sự, thời thế lớn lao ấy, thú thật, một người viết văn xuôi như mình, thấy không nỡ. Và anh cũng khẳng định, anh đang dùng tản văn và tạp văn để nói những điều mà thơ không nói hết được. Cũng có lúc, thấy anh bóng bẩy cầu kỳ. Chỉ ngược đời là khi anh bình tĩnh, không nổi cáu, không giận dữ. Là khi anh buồn quá. Buồn muốn khóc! Hóa ra, khi buồn chạm đáy thì người ta trở nên yếu mềm.

"Dùng dằng mãi thì anh sẽ khóc

Bụi trần gian tê tái cả sương chiều

Anh cầu nguyện để sông Thương trong sạch

Dẫu chia dòng không chia cắt tình yêu!"

Thơ thì thể hiện mình rất mực hào hoa đa tình. Nhưng dày đặc trong thơ cũng là những rên rỉ cô đơn. Là sao nhỉ? Anh nói với con Mik, ngày nó chết. Rằng "Cái vẫy đuôi mừng rối rít của mày. Thật hơn bao lời thề non hẹn biển". Chua chát quá thể. Nhưng lại thật đến bủn rủn. Không có dấu hiệu của sự làm màu ở đây. Anh đã khóc trước sự ra đi của con chó. Chia tay nó như chia tay một người bạn thân thiết. Từ lâu rồi, cậu Vàng của lão Hạc đã không chỉ sống trong đời sống văn học. Người ta nhắc đến mỗi ngày, vào những khi con người loay hoay trong ngõ cùng của cuộc sống. Câu nói "Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ" trở thành lời tâm sự kinh điển. Ẩn ức và ám ảnh. Văn thơ viết về "người bạn" biết vẫy đuôi của con người thì không ít. Nhưng so sánh cái vẫy đuôi của con chó với những thề non hẹn biển, thì chỉ có anh viết như thế. Một sự so sánh rất khập khiễng. Chó với chủ, dẫu có "bình đẳng" và thân thiết như bạn bè, dẫu có yêu, có coi như con, thì cũng còn hiểu được. Nhưng mà so sánh chó với "thề non hẹn biển" thì rất khó. Vì thề hẹn thuộc về một phương diện tình cảm khác, thuộc về lứa đôi. Nhưng đọc kỹ, thì lại thấy anh chỉ đề cập đến cái mức độ chân thật, chân thành của tình cảm. Cái vẫy đuôi của con chó là thật, mừng vui thật, yêu mến là thật. Còn những thề hẹn này kia, khi không tới bờ nào, bến nào, không thành hiện thực thì cũng là không thật. Nghĩa là thương con chó quá, nghĩ đến tháng ngày sau đó thui thủi một mình và trống trải, thì anh cáu, anh nhân tiện trách cứ ai đó:

..." Sao hôm nay đắp mộ cho mày

Nước mắt rơi nhiều thế!

....

Rồi mày cũng già

Tao cũng già

Chó và người nương tựa vào nhau

Vượt qua ngày trống rỗng

Vượt qua đêm nát nhàu...

Cái vẫy đuôi mừng rối rít của mày

Thật hơn bao lời thề non hẹn biển

Thôi từ nay biền biệt

Xa...

Mik yêu ơi

Để mày yên nghỉ nơi góc vườn

Để tao còn có nơi trò chuyện

Để tao có sức mà đi tiếp.

Qua những buổi chiều tê tái nỗi cô đơn..

Thôi thì, mừng là anh vẫn đang đi tiếp với thơ. Từng này dòng ngắn ngủi chỉ là chút cảm nhận sơ sài thôi. 78 bài thơ trong một tập như thể in dồn. Còn nguyên đấy cho những ai muốn đọc, muốn khám phá và trình bày những cách thụ cảm khác. Để nói gì đó khi gấp lại cuốn nhật ký Không chỉ là giấc mơ, này,  thì mình xin được nói với nhà thơ hai tiếng "sẻ chia"./.

                                                                                                                                                                                                                 TỐNG NGỌC HÂN