Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

HƯƠNG SẮC MIỀN QUÊ VẦ KHÁT VỌNG TỪ LÀNG NHÂN ĐỌC TẢN VĂN "CHUYỆN LÀNG TÔI" CỦA CAO VĂN HÀ
17:25 | 24/06/2023

Cuốn sách Chuyện làng tôi được viết ra với mục đích rất khiêm tốn “Không đơn thuần là tác phẩm văn chương mà còn là một tư liệu để lưu giữ truyền tụng cho thế hệ mai sau và trên hết đó là sự đón nhận tấm lòng một người con của làng” (Vì sao tôi viết cuốn sách này).

Tập tản văn Chuyện làng tôi của Cao Văn Hà với 26 mẩu truyện phản ánh quá trình nghiên cứu đầy trách nhiệm của tác giả về tất cả các việc: Từ lịch sử, lệ làng đến lối làm, lối ăn, sinh hoạt văn hóa, học hành, đan xen vào đấy các mối quan hệ gia đình, họ mạc, làng xóm, bạn bè… với những cảm xúc chân thành của người con quê hương có tác dụng truyền cảm hứng không chỉ cho người làng Đông Thái, xã Đông Tiến quê hương ông mà còn đến với người đọc nói chung, các cung bậc cảm xúc về “Hương sắc một miền quê và Khát vọng từ làng”.

 *      *

*

Làng Đông Thái cũng giống như bao làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ, với lịch sử hơn 200 năm, từ làng Nội Rối huyện Lý Nhân (Hà Nam) lên lập nghiệp rồi định cư. Lúc đầu đến ở phố hàng Nong, thôn Phương La Đông, xã Tam Giang. Từ năm 1802 lỵ sở của Yên Phong chuyển từ Phương La Đông về làng Đông Yên (xã Đông Phong) thì người ở phố hàng Nong cũng lại xuôi sông Cầu về định cư ở xóm Bến thôn Đông Xuyên (xã Đông Tiến) để dễ bề buôn bán và làm ăn sinh sống.

Sông Cầu như dải lụa mềm uốn lượn giữa đôi bờ rau tươi, lúa tốt, cùng với bao thuần phong mỹ tục, những câu hò, câu hát lay động lòng người. Dòng sông cũng là “Chớp treo thanh kiếm ngang trời” tiêu diệt các đạo quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền độc lập của Quốc gia, của quê hương. Sông Cầu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, về đến Yên Phong gặp sông Cà Lồ ở Ngã Ba Xà lịch sử. Dòng sông chảy qua xã Tam Giang đến thôn Đông Xuyên (xã Đông Tiến) thì chảy theo hướng Đông - Bắc, uốn cong như cánh cung, tạo thế “tụ thủy” mà ở đó cư dân làng Nội Rối (Lý Nhân - Hà Nam) chọn chỗ đứng chân lập làng Đông Thái, gắn bó với nghề sông nước, gắn bó với nghề thủ công mà các sản phẩm làm từ cây tre. Sông là nơi nuôi dưỡng chở che, sông cũng là bạn tâm giao với người đi lập nghiệp, dựng làng. Tác giả dành nhiều trang với cảm hứng dâng trào để mô tả dòng sông quê hương với những kỷ niệm máu thịt của cả đời người với tấm lòng biết ơn thao thiết: “Sông với làng tôi như một cặp không thể tách rời. Sông là lý do để tổ làng dựng nghiệp, lập làng ở đó. Sông giúp con trai quanh năm sông nước ngược xôi, giúp con gái làng dẻo dai, gánh gồng, đan lát…

... Sông luôn là tiếng gọi thiết tha để ai ai đi xa cũng mong mỏi tìm về” (Sông tắm).

Làm ăn thuận lợi người Nội Rối lại theo nhau lên buôn bán sinh sống thành thử người cứ đông dần lên. Là người ngụ cư nên phải đoàn kết trong nội bộ, khôn khéo trong đối nhân xử thế với người sở tại để được yên ổn làm ăn. Bởi vậy trong Chuyện làng tôi tác giả nhắc nhiều đến làng Đông Xuyên với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Từ người dân ngụ cư tiến tới có làng rồi có tên làng là cả hành trình gian khổ. Thế mới biết khi có tên làng Đông Thái do thầy giáo già Trần Bỉnh Niệm đồng thời lại là nhân sĩ yêu nước (được đưa vào danh sách để bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946) đặt tên cho. Đông Thái nghĩa là đông đúc, thái bình, thịnh vượng mới thấy tên làng đẹp đẽ biết bao. Có tên làng lại phải có văn hóa vật chất của làng, ấy là ngôi đình, ngôi chùa. Ở những ngôi làng cổ  thì ngôi đình, ngôi chùa đem đến cho người dân trong làng niềm tự hào làng quê cổ kính, nền nếp, yên bình, khá giả… Còn làng Đông Thái tuy có làng rồi nhưng vẫn mơ ước “Tiếng trống đình khát vọng trăm năm”.

Ở bên này con sông Cầu mỗi khi nghe tiếng trống từ đình làng Mai Hạ bên kia sông vọng tới, nỗi khao khát ngôi đình làng ngày càng cháy bỏng và rồi phải đến năm 1998 - 1999 mái đình làng mới trở thành hiện thực.

Tác giả viết những câu văn như có lửa “Làng ta có Đình, Đình của làng ta đây rồi”. Già trẻ, gái trai reo lên ở trong lòng cùng với tiếng trống đình cứ ngân vang thôi thúc. Từ đây mái đình là biểu tượng danh xưng của làng, dân làng gửi trọn cả tình yêu vào trong đó. Tuy mới nhưng mái đình như găm vào nắng mưa của cả trăm năm, mái đình cong như ôm trọn bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu số phận, ôm trọn sự buồn vui của làng. Đao đình vút cong lên nền trời như để thăng hoa những ước mơ khát vọng về cuộc sống hạnh phúc”.

Phải là người hiểu được khát vọng trăm năm của người làng Đông Thái tác giả viết những câu văn gan ruột, xúc động lòng người đến vậy.

Tập tản văn Chuyện làng tôi đem đến cho người đọc nhiều điều thú vị nhất là nếp làm ăn, nếp giao đãi, phân công việc làm của các thành viên trong gia đình, cho đến các món ăn ngon của làng… Xưa kia không có đất cắm dùi, Đông Thái chuyên làm nghề mà sản phẩm gắn liền với cây tre. Muốn có tre lại lên mạn ngược mua tre đóng bè xuôi về sông Cầu tập kết ở các bãi sông ven làng. Đi bè biết bao vất vả tôi luyện người đàn ông Đông Thái can trường, khôn khéo, giỏi giao tiếp và nấu ăn cũng giỏi, đồng thời lại quảng giao, hiếu khách. Có được tre và lại phân loại cây nào vào việc ấy, gốc vào việc của gốc, ngọn có việc của ngọn. Sản phẩm của Đông Thái là đồ gia dụng, nong để phơi thuốc lào, để nuôi tằm, rồi cót để quây thóc, để lót sàn đổ trần, rồi còn đòn gánh tre các loại… Các sản phẩm ấy được các mẹ, các chị gồng gánh trên vai đem đến các chợ phiên quanh vùng. Việc làm ấy làm cho con gái Đông Thái đảm đang, ý tứ nhẹ nhàng, nói năng dễ nghe, kết thân với bạn chợ ở nhiều nơi.

Bài “Gánh hàng của mẹ” là bức tranh sinh động về sự đảm đang, tháo vát của người phụ nữ Đông Thái. Tôi thật sự xúc động đến ứa nước mắt khi đọc những câu văn “… tôi cứ ám ảnh mãi về đôi vai thành chai của u, tôi đã nhìn thấy, sờ thấy bao lần từ thuở nhỏ. Đôi vai nhô lên mà chai cứng to bằng cái bánh dầy. Đôi vai mảnh mai, gầy guộc mà dẻo dai, cứng hơn cả sắt thép. Đôi vai gánh bao nhiêu hàng, gánh cả cơ nghiệp, gánh cả cuộc đời tôi. Nếu có kiếp sau tôi chỉ ước ao được cả đời gánh Mẹ”.

Sống bằng nghề buôn bán tre và làm ra những đồ gia dụng bằng tre, tác giả phát hiện nhiều điều thú vị gắn với tiềm thức của mình ấy là “Mùi tre”. 

“… Mùi hương thơm thơm, hăng hăng, nồng nồng, cứ ùa về. Mùi của tre làng ta đây rồi. Cái tinh túy của tre đã thuộc về tâm hồn tôi vĩnh viễn”. Không chỉ có mùi tre đâu, đó còn là “Mùi trầu”. Tục ăn trầu nhuộm răng, cách thức ăn trầu và giao đãi bằng miếng trầu thông qua hình ảnh bà nội và mẹ, là nét đẹp văn hóa của làng quê xưa. Đọc bài “Mùi trầu” tôi khâm phục tác giả có những quan sát kỹ càng, miêu tả văn hóa trầu cau rất sâu sắc thấm đẫm tình yêu gia đình, yêu bà, yêu mẹ… Mỗi năm khi vào năm học mới có quyển sách mới, mở sách ra áp sách vào mặt để hít hà “Mùi sách” mới thấy được khát khao thèm có sách để học, để đọc của lớp học trò cũ. Rồi mùa hạ đến ta lại thấy “Hương mùa hạ”, đây chính là nét độc đáo làm nên hương sắc tập tản văn này.

Là người gắn bó với hoạt động khuyến học xã Đông Tiến, ông Cao Văn Hà luôn khát vọng làm mọi việc để thực hiện triết lý “Học để thay đổi” và sự học trước hết là học ở sách. Ông đã cùng gia đình bà Đào Thị Khanh, vợ cố PGS.TS Nguyễn Đức Lữ ở thôn Đông Xuyên, từ tủ sách gia đình xây dựng thành thư viện cộng đồng “Thư viện làng cò Đông Xuyên”. Ngày 13/12/2020 thư viện được khai trương với 7000 đầu sách đặt trong khuôn viên 700m2, thiết kế hiện đại đủ các hạng mục của một thư viện. Thư viện phục vụ miễn phí người dân trong thôn, trong xã. “Xin chữ đầu xuân” không phải là xin chữ cụ đồ nho xưa mà đến thư viện để đọc thêm cuốn sách, đọc để thay đổi nhận thức, để từ đó góp phần thay đổi cuộc đời. Bằng nghị lực và tài năng của mình ông Cao Văn Hà đã truyền cảm hứng đến những người làm khuyến học Đông Tiến, đến với nhân dân Đông Tiến nói riêng và những người làm khuyến học Yên Phong nói chung.

                      *     *

                       *

Tập tản văn Chuyện làng tôi đong đầy kỷ niệm của tác giả về một thời gian khổ nhưng đầy tình người. Mỗi người chúng ta ai chẳng có kỷ niệm tương tự như vậy. Vì thế khi đọc tập sách này trong mỗi chúng ta trào dâng kỷ niệm về một thời xa ngái, để từ đó càng đồng cảm với tác giả hơn. Bút lực của tác giả dồi dào lắm, nên đọc không chán, nhiều bài phải đọc chậm rãi nhâm nhi từng con chữ, từng ý để ngấm vào trong ta khiến chúng ta cảm thông và đồng cảm với tác giả. Nhiều chi tiết được nêu bài này rồi lại nêu ở bài khác vẫn không thừa. Được biết tác giả viết Chuyện làng tôi trong thời kỳ cả nước phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 và đầu năm 2022, thế mới biết sự say mê lao động nghệ thuật biết nhường nào.

Hiện tại làng Đông Thái của tác giả đang chuyển mình đổi mới đi lên. Đông Thái cũng như các làng quê khác ở tỉnh Bắc Ninh “Làng trong phố, phố trong làng” rồi thì  “Hồn quê, dáng phố” không nhận ra đâu là phố đâu là làng. Nhưng hồn quê, hồn làng, đất và người với bao ngành nghề, bao thằng trầm, bao ước vọng được ghi trong tập tản văn này phải đổi bằng mồ hôi nước mắt của bao thế hệ người dân Đông Thái. Bởi vậy những câu, chữ trong tập sách nhỏ này, không chỉ là chữ nghĩa đơn thuần, là mồ hôi là máu thịt của người viết.

Tập tản văn Chuyện làng tôi được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ký hợp đồng mua bản quyền tác giả, chỉ riêng việc ấy thôi cũng nói lên giá trị của cuốn sách này.

Tôi muốn tiếp tục được đọc văn của ông, thơ của ông, nghe bài hát phổ thơ của ông để thêm yêu mảnh đất quê hương, biết trân trọng quá khứ, để cảnh cũ, người xưa sống lại, luôn tươi mới và hướng tới cuộc sống tốt lành và “Khát vọng từ làng” của ông trở thành hiện thực./.

                                                                                                                                                                                                       NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG