Trong số các nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi là một cây bút tiêu biểu. Ông là nhà văn hóa lớn, nhà tiểu thuyết, nhà thơ, nhạc sỹ và kịch tác gia. Thơ của Nguyễn Đình Thi không nhiều nhưng đều xuất sắc, lắng đọng và có sức ám ảnh tâm trí bạn đọc. Sau đây là một bài thơ nhỏ ông viết năm 1948 trên đường tham gia kháng chiến tại Nhã Nam. Một bài thơ nhỏ, ngôn ngữ giản dị và kiệm lời. Nhưng sức ám ảnh của nó thật lớn, dù ba phần tư thế kỷ đã trôi qua...
KHÔNG NÓI
Dừng chân trong mưa bay
Liếp nhà ai ánh lửa…
Em, em nhìn đi đâu
Em, sao em không nói?
Mưa rơi ướt mái đầu
Mỗi đứa một khăn gói
Bao giờ, lần gặp sau?
Đoàn thể gọi…
Chiều mờ
Gió hút…
Nào đồng chí
bắt tay...
Em
bóng nhỏ
đường lầy…
(Nguyễn Đình Thi - 1948)
Nhân vật trữ tình trong bài thơ này là hai người yêu nhau, họ đang trên đường tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Không gian và thời gian của bài thơ là một buổi chiều tà cô quạnh, có mưa rơi, với ánh lửa le lói bên đường. Trong một khung cảnh buồn đến se lòng như vậy, chia tay nhau đâu có dễ dàng, nhất là đang thời buổi loạn ly, không dễ gì có ngày gặp lại:
Mưa rơi ướt mái đầu
Mỗi đứa một khăn gói
Bao giờ lần gặp sau?
Đoàn thể gọi…
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào thời điểm năm 1948 (giai đoạn cầm cự) đang vô cùng gian khổ và khó khăn. Đôi trai gái trong bài thơ này đã biết gác tình riêng, nén lại lòng mình, đi theo tiếng gọi của đoàn thể, của cách mạng. Cái tuyệt vời nhất của buổi chia tay này nằm trong sự lặng im... "không nói" của họ. Cô gái đã tránh không nhìn chàng trai. Cô cần phải kìm nén lòng mình để có đủ nghị lực chịu đựng cuộc chia ly này. Một cuộc chia ly trong chiến tranh, rất ít có cơ hội được gặp lại. Không gian cô quạnh và se buồn với mưa bay, chiều mờ, gió hút. Thời gian thật khắc nghiệt với chạng vạng hoàng hôn, ảm đạm đến se thắt lòng người. Một nỗi thương cảm dâng đầy đôi lứa đang yêu nhau. Nhưng Tổ quốc đang cần họ. Và cái hào khí của anh bộ đội Vệ Quốc đoàn thời chống Pháp đã chiến thắng cái đa cảm, cái si mê của chàng trai trẻ:
Nào đồng chí
bắt tay!
Em
bóng nhỏ
đường lầy …
Bài thơ tình này giống như một trang nhật ký thơ của chàng trai Vệ Quốc quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Một trường đoạn phim không có tiếng người mà vẫn âm vang nhịp đập của hai trái tim đang yêu, lặng im và dữ dội. Một tiếng nói nội tâm vô cùng sâu lắng và kìm nén. Một bức thi họa tuyệt vời của tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh, gác tình riêng vì nghĩa lớn. Hiện thực và vô cùng lãng mạn. Cao cả và tràn đầy yêu thương. Ngôn ngữ giản dị và dồn nén. Một tình yêu không lời mà trên bảy mươi năm qua vẫn vỗ sóng khôn nguôi trong lòng bạn đọc. Thi phẩm này xứng đáng là bài thơ tình hàng đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam thời kỳ chống Pháp./.
NGUYỄN ANH THUẤN