Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

Thêm tác phẩm mới mừng Xuân của nhà giáo, nhà thơ Kinh Bắc
15:53 | 18/01/2023

Vừa cùng hai nhà thơ khác mang tuổi Mậu Tý (1948) là Nguyễn Anh Thuấn và Thái Khoát trình làng tập thơ chung “Mãi nhớ về nhau” trong năm 2022, nhà giáo - nhà thơ Đàm Thế Du lại tiếp tục giới thiệu với bạn đọc ngay trong năm tập thơ riêng “Yêu quê lại về”. Đây là tập thơ thứ 12, đồng thời cũng là đứa con tinh thần thứ 14 được nuôi dưỡng, “sinh nở” trong suốt hơn 50 năm vừa dạy học, vừa là cán bộ chủ trì cấp huyện, cán bộ quản lý về Văn học nghệ thuật ở cấp tỉnh… thực sự là một con số biết nói đáng trân trọng.

Nếu tập thơ “Miền cao vẫy gọi” ra đời trước đó (năm 2021) như trải lòng với độc giả về những kỷ niệm sâu sắc gần như cả cuộc đời thanh xuân của mình gắn bó với con người, mảnh đất Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng hết sức bao dung, nghĩa tình… thì tập thơ “Yêu quê lại về” với gần 100 bài, bằng ngòi bút phóng khoáng, dưới nhiều thể loại khác nhau ra đời lần này, Đàm Thế Du muốn ngỏ lòng tri ân đặc biệt tới các bậc tiền nhân, với quê hương Bắc Ninh Văn hiến, hiếu học và truyền thống ngàn năm - nơi mình đã sinh ra được nuôi dưỡng, khôn lớn, trưởng thành… để có được như ngày hôm nay. Cùng với đó là tự sự về nhân tình thế thái, những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, cuộc đời sinh viên, tình yêu đôi lứa, với gia đình, quê hương đất mẹ Hương Mạc thân thương - nơi mà ông chính thức từ nay "xa chốn quan trường, đường phố/… về làm người nhà quê” (Về quê).

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhà thơ Đàm Thế Du về với miền quê Quan họ ghé thăm chùa Dâu, Bút Tháp, Kinh Dương Vương, Đền Đô - nơi thờ 8 vị Vua của Vương triều nhà Lý - Triều đại mà cách đây hơn 1000 năm đã xây dựng nên một Đại Việt hùng cường: “Lý Bát Đế - Tám Vương triều nhà Lý/ Thế rồng bay - Đại Việt thái bình”. Một triều đại đáng được nhân dân tôn vinh, kính trọng, bởi họ khi sống là những ông Vua khiêm nhường đức độ, tài năng… nhưng khi mất đi, họ đâu có cần Lăng tẩm đồ sộ, sang trọng; vẫn nghĩ đến dân, vì dân: “Không Lăng tẩm nguy nga tráng lệ/ Mộ Vua nằm xen lẫn với thường dân” (Nhớ Vương triều nhà Lý). Về với Bắc Ninh, du khách muôn nơi không những chỉ đắm say bởi những làn điệu Quan họ thao thiết, mặn mà; những miếng trầu cánh phượng được têm khéo tay, đẹp mắt, mà còn bị níu kéo suốt đời vì những chén trà sóng sánh, toả hương thơm nồng bởi những “người ngoan” với những đôi mắt đen láy, long lanh, lóng lánh: “Nước sóng sánh hay mắt em lóng lánh/ Để hương trà đi suốt đời anh” (Tình Quan họ).

Đàm Thế Du là người sống nội tâm, có trước có sau. Sở dĩ công việc, cuộc sống được như ngày hôm nay, nhà giáo - nhà thơ không bao giờ quên những bước đường gian nan vất vả, những tình cảm, việc làm mà người thân trong gia đình, quê hương bạn bè đã quan tâm, đùm bọc, che chở, nâng đỡ, tiếp sức cho ông đủ nghị lực, quyết tâm vượt qua. Hãy nghe ông chia sẻ về cha mẹ, người thân, bạn bè đã dành bao tình cảm thực sự gần gụi, yêu thương, xúc động cho mình, ngược lại ông đã đáp lại những tình cảm trời biển đó với bậc sinh thành: 

 

“…Con đã già

Vẫn bồn chồn như trẻ

Nước mắt chảy quanh suốt cả chặng đường.

Thương đời mẹ 

Còn nhiều dở dang…”

                                                 (Mẹ ơi)

Hay: 

… Dẫu cuộc đời bao chăn đệm mới lành

Con vẫn đắp chiếc chăn ngày ấy

Chăn tỏa ấm hay lòng cha vậy

Ấp ủ con như những ngày nào.”

                               (Hơi ấm tình cha)

Với đồng nghiệp, thầy cô giáo cũ, bạn bè xa xưa gặp khó khăn, hoạn nạn… Đàm Thế Du càng xót xa, thương cảm bội phần. Đặc biệt, cứ mỗi lần họp lớp, bạn đến mỗi lúc một ít đi, số lần gặp mặt thì thưa vắng dần: “Ngày họp lớp mỗi năm một thưa…/Cô giáo cười mà nước mắt đỏ hoe…/ Mỗi tuổi mỗi cao, nên ít lời ca hát/ Người đọc thơ mỗi năm thêm nhiều (Họp lớp).

Theo quy luật tạo hoá, mỗi con người dù nam hay nữ được sinh ra và lớn lên trên cuộc đời này, đến tuổi trưởng thành hầu hết đều đi đến hôn nhân rồi sinh con đẻ cái. Cuộc sống một vợ một chồng, thuỷ chung, gia đình hạnh phúc thực sự là nền tảng xây dựng xã hội phát triển văn minh, bền vững. Song trước và sau hôn nhân, không có nghĩa là mỗi người “không được” có thêm những tình cảm bạn bè “ngoài luồng” âm thầm, trong sáng, không hề ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc riêng tư đối với gia đình nhỏ bé của mình. Và biết đâu, đó sẽ là động lực, là chất men, chất xúc tác mới giúp mỗi người thêm vui vẻ, tự tin để vươn lên hoàn thành tốt hơn mỗi công việc của mình… Đàm thế Du cũng không phải là trường hợp đứng ngoài tư duy đó, nhất là khi đã bước sang cái tuổi “xế chiều”, đã thực sự “xa chốn quan trường… về làm người nhà quê”. Điều đó đã thể hiện khá rõ qua hàng chục bài thơ ở cuối tập như: “Thu nay”, “Buồn - thương - nhớ”, “Em và tôi”, “Chờ đón ngày thu”, “Nào ai ngăn cấm ai đâu”, “Mắc nợ với đời”… trong đó nổi lên có những câu thơ:

 

“Đi suốt cuộc đời tìm được tin nhau

Lúc hoàng hôn - biết không còn trẻ,

Vẫn thăm thẳm hai đầu nỗi nhớ

Như Sao hôm - Sao Mai lấp lánh gọi    

nhau hoài…”

(Chờ đón ngày thu)

Hay:

“Ngỡ mình đang lúc chơi vơi

Gặp em - em nới em cơi cho bằng

 

 

Ngỡ mình giá lạnh ngày đông

Gặp em - em thắp lửa hồng tim tôi…”

(Em và tôi)

Là người đã từng trải qua một số cương vị lãnh đạo, quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, huyện và đơn vị cơ sở… nên khi về với đời thường được chứng kiến, “mắt thấy tai nghe” nhiều điều trong cơn lốc cơ chế thị trường. Cái hay, cái đẹp, sự phát triển đi lên là chính, là cơ bản; song đâu đó vẫn phảng phất, xen lẫn những điều chưa hay, chưa đẹp, còn tồn tại, kéo dài ở mỗi con người cụ thể, ở một tập thể… Nói không đi đôi với làm: “Nhắc ai đừng có lắm lời/ Nói - làm là một để người ta tin…” Đàm Thế Du tuy có đôi chút bức xúc trước những tồn tại, tiêu cực đó, nhưng với cách nhìn nhận khách quan, khoa học, không cực đoan; phê phán một cách nhẹ nhàng, tế nhị với mong muốn dù là một công chức hay người dân lao động, hãy tự lựa sức mình, từng bước khắc phục để tiếp tục phát triển đi lên, làm chủ cuộc sống:

“Biết kiếp mình sống trong bùn

Giữ sao cho sạch để thơm cho đời

Đem tấm thân hiến cho người

Cháo lươn, rán chả… vẫn vui phận mình”…

                                       (Thân lươn)

Với bề dày về trải nghiệm cuộc sống và sáng tác, nhân dịp xuân Quý Mão 2023 đến gần, chúng ta cùng chúc nhà giáo - nhà thơ Đàm Thế Du luôn minh mẫn, khoẻ mạnh để độc giả gần xa tiếp tục được đón nhận những tác phẩm mới của ông trong một ngày gần đây./.

                                                                                                                                                                          NGUYỄN TỰ LẬP