"Nhà văn Nguyễn Đình Tùng vốn là nhà giáo, từng công tác nhiều năm tại Sở Giáo dục & Đào tạo Bắc Ninh đến khi nghỉ hưu. Ông là cây bút viết kí sắc sảo, sâu sắc, nhất là những vấn đề về giáo dục. Nhưng thế mạnh chính của ông là viết truyện ngắn. Người “kĩ sư tâm hồn” và nhà văn hòa quyện nhuần nhuyễn trong trang viết, tạo nên một phong cách truyện ngắn Nguyễn Đình Tùng: tâm huyết với giáo dục, tâm huyết với nghề giáo, tâm huyết xây dựng nhân cách con người mới thông qua xây dựng tính cách nhân vật vừa rất đời sống vừa có tính điển hình.
Gần đây, nhà văn Nguyễn Đình Tùng thể nghiệm lối viết truyện ngắn trung bình. Nếu truyện ngắn thường có dung lượng khoảng 5000 từ (chữ), thì truyện ngắn trung bình có khoảng 2000 từ (chữ), còn gọi là truyện ngắn báo, vì dung lượng dễ in trên trang văn nghệ của các báo. Còn truyện ngắn ngắn khoảng 500 từ (chữ). Mỗi dạng đều có đặc thù riêng. Và như có người từng nói, đại ý, càng viết ngắn càng khó, thậm chí không có thời gian để viết ngắn. Với truyện ngắn thường, nhà văn Nguyễn Đình Tùng đã có khá nhiều thành công, với nhiều truyện ngắn đã găm vào lòng bạn đọc, như “Người đàn bà sợ mưa”, “Một bàn chân hai dấu chấm”, “Hoàn tục”, “Ông giáo Nhân”… Với truyện ngắn trung bình, Nguyễn Đình Tùng vẫn giữ được phong cách riêng của mình, và vẫn có những thành công mới, lấy được sự đồng cảm của bạn đọc.
Cuối năm 2019, nhà văn Nguyễn Đình Tùng đã tập hợp 17 truyện ngắn trung bình để in vào tập truyện và ký “Chuyện tình cuối mùa thu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 10/2019”. Hình ảnh nhà giáo luôn lung linh, đáng kính trong xã hội thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.
Trong truyện ngắn “Quà Tết cô giáo làng” tác giả xây dựng nhân vật cô giáo hết lòng vì học trò thân yêu, không chỉ ở trường, ở lớp mà còn ở cả trong đời sống thường ngày. Ngày Tết, bọn nhóc học trò mỗi đứa nghĩ ra một món quà tặng cô. Đứa thì góp tiền mừng tuổi mua kẹo vừng, củ đậu. Đứa thì đi mót hoa. Đưa thì “trộm” trứng gà của mẹ. Quà tết rất “trẻ con” nhưng cao hơn cả là tấm lòng chân thành, yêu kính cô giáo của trẻ. Ở chiều ngược lại, cô giáo cũng rất hiểu và thương lũ trẻ, quan tâm hết lòng với chúng. Chính cô đã chuẩn bị sẵn những phần quà nhưng chưa kịp mang tặng thì chúng đã đến quà tết cô trước. Đứa nhận tiền mua thuốc cho mẹ, đứa nhận tiền mua vở mới, đứa nhận vải về may áo mới, đứa nhận lại trứng để nuôi gà con làm kinh tế nay mai. Cô cũng nghèo: “Các em hiểu cho tình cảm của cô. Muốn tặng các em nhiều hơn, nhưng điều kiện cô chỉ có như vậy”. Cảnh cô trò tặng quà tết cho nhau rất thật, rất dung dị nhưng đủ lấy đi bao nước mắt người đọc, như cô trò cùng rơm rớm nước mắt thương quý nhau. Với môi trường giáo dục như vậy, học trò ngoan hiền, phấn đấu tiến bộ là tất yếu. Đúng như nhân vật Phương trong truyện đã nói: “Những gói giấy hồng điều của cô đã gói tất cả tấm lòng của cô đối với chúng em, tiếp thêm cho chúng em nghị lực để học hành, lập thân, lập nghiệp đấy thưa cô”.
Truyện ngắn “Bản lĩnh hâm” xây dựng nhân vật là nhà giáo nghỉ hưu nhưng vẫn đầy “chất lính” hăm hở góp công sức xây dựng làng quê. Chứ không “mũ ni che tai” làm ông giáo đạo mạo ở làng. Thế là hâm. Nhưng ông giáo vẫn có “bản lĩnh hâm” để công tác xã hội, dù “Ông muốn hắt nước lên giời, nhưng bao nhiêu nước lại đổ vào ông, vào vợ con ông đấy”. Và quả là như vậy. “Người dân quê, nhất là bọn trẻ, có khi cái hay thì không học, lại bưng về những thói hư tật xấu”. Phụ nữ mất dần phẩm chất tốt đẹp, sống thực dụng hơn. Thanh niên thiếu tiền hút chích dám giết cả bố để có tiền. Học sinh mải chơi game, bị cô giáo nhắc nhở còn đến nhà cô trả thù. Ông giáo già nghỉ hưu đến can thì bị ăn tát. Và thật đau lòng: “Cái tát trên mặt tôi chẳng là gì bằng cái đau, cái nhục cho sự học bây giờ ông ạ”. Thật thèm cảnh cô trò tặng nhau món quà Tết nghèo năm xưa.
Truyện ngắn “Chuyện tình cuối mùa thu” phác họa chân thực, nhưng mang tính khái quát về nghị lực và sự cống hiến cho xã hội của các nhà giáo. Không chỉ bộ đội mới biền biệt xa nhà. Hai vợ chồng nhà giáo cũng phải xa nhau đằng đẵng khi người chồng phải đi dạy học tận miền Tây Bắc để vợ được ưu tiên dạy học tại quê nhà. Cuộc sống của giáo viên vùng cao cũng gian nan lắm. Vợ lên thăm chồng tận mắt thấy cảnh nhà ở tuềnh toàng, bữa ăn chỉ một cái bát to, một cái thìa, thức ăn là quả trứng hấp và quả khế. Đấy là chưa kể cái khó khăn nhất, gian truân nhất là tình cảm vợ chồng xa vắng đang thì trai tráng, sung sức. Đây là đoạn văn đầy khái quát: “Những năm tháng gian nan, vất vả, chia xa của ông bà, hai nhà giáo nghèo đã ghi dấu không chỉ trên mái tóc, mà cả những nếp nhăn trên mặt và những mất mát về tinh thần, tình cảm trong lòng mỗi người”. Bù lại, dốc lòng cho sự nghiệp trồng người thì con cái mình cũng trưởng thành. Đúng như câu ngạn ngữ mới “Con nhà giáo thì ngoan”. Chưa hết, tác giả đẩy nhân vật vào tận cùng cảnh thua thiệt. Nghỉ hưu vợ chồng đang độ hồi xuân bù đắp những tháng năm chia cách thì người vợ mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Ông giáo xế chiều nào cũng ra mộ thăm vợ. “Chắc mấy chục năm xa cách họ có nhiều chuyện yêu thương vẫn còn có thể tâm sự với nhau”.
Đây là truyện ngắn cuối cùng của phần truyện tập sách. Bạn đọc hòa vào đời sống của các nhà giáo với những dư ba của nó./.
PHẠM THUẬN THÀNH