Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

"GÓC CHÂN QUÊ" TRONG THƠ NGUYỄN QUỲNH
17:02 | 24/06/2023

Đọc thơ Nguyễn Quỳnh và nghe về chị đã lâu nhưng mãi cho tới khi được góp mặt cùng với chị trong chuyến đi thực tế sáng tác dành cho các văn nghệ sỹ tại Nhà sáng tác Tam Đảo - Vĩnh Phúc vào dịp cuối năm 2022 thì tôi mới có điều kiện gần gụi và hiểu hơn về chị. 

Nhà thơ Nguyễn Quỳnh tên khai sinh là Nguyễn Thị Lan (bút danh Nguyễn Quỳnh). Chị sinh năm 1975 tại Gia Bình, Bắc Ninh. Khác hẳn với vẻ bề ngoài khó gần (đó là cái nhìn và những cảm nhận ban đầu trong tôi khi lần đầu giáp mặt chị) thì Nguyễn Quỳnh là người phụ nữ khá hòa đồng, cởi mở và dễ mến. Tạm chia tay nhau sau chuyến đi thực tế sáng tác, mỗi chúng tôi ai nấy lại trở về với công việc và cuộc sống thường ngày. Cho tới dịp đầu năm nay, tôi mới gặp lại chị trong một sự kiện Văn học nghệ thuật do cơ quan Hội tổ chức. Chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúng tôi ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình và công việc của nhau. Chị còn phấn khởi mở túi xách lấy ra “khoe” và tặng tôi tập thơ mà chị vừa xuất bản.

Cầm ấn phẩm trên tay, tôi không ngạc nhiên khi lướt qua cái tên mà chị dành để đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình. Bởi có lẽ tiếp nối sau “Khúc vọng đồng quê” thì tập thơ “Về với ruộng đồng” với trên 160 bài thơ chủ yếu được viết theo thể lục bát cổ truyền của dân tộc, đan xen vào đó là một số bài thơ đã được nhạc sỹ Giao Tiên phổ thành những bản nhạc chan chứa tình yêu quê hương, gia đình, mảnh đất nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Tập thơ chính là sự tiếp nối mạch nguồn cảm xúc, là tiếng lòng, là sự chuyển tải đủ đầy và toàn vẹn những tình cảm sâu nặng mà thi sỹ dành cho nơi chôn rau cắt rốn. Vùng quê đã gắn bó với chị từ thuở lọt lòng để giờ đây dù đã đi lấy chồng xa nhiều năm nhưng mỗi khi nhắc và nhớ tới thì trong chị lại trào dâng nỗi bâng khuâng, nhớ nhung thao thiết. Cũng chính miền quê một thời đói nghèo ấy lại là nơi lưu giữ biết bao những kỷ niệm của tuổi thơ vui buồn, khó nhọc. 

Đọc và cảm thơ Nguyễn Quỳnh, chắc hẳn mỗi độc giả sẽ có những suy nghĩ, phát hiện và cảm nhận riêng. Với cá nhân tôi, khi gấp những trang thơ cuối cùng lại thì hình ảnh người phụ nữ - người mẹ mà chị khắc họa xuất hiện nhiều lần trên những bài thơ cứ khiến tôi trăn trở mãi. Trong khuôn khổ bài viết ngắn ngủi này, tôi không dám tham khi đi vào phân tích toàn bộ những bài thơ mà chị viết về người phụ nữ ấy, chỉ xin có đôi điều cảm nhận riêng và chia sẻ về một bài thơ mà tôi cảm thấy khá tâm đắc. Nó hấp dẫn tôi ngay từ chính tiêu đề mà Nguyễn Quỳnh đã dùng để đặt tên cho bài thơ. 

MẸ LÀ MỘT GÓC CHÂN QUÊ

Bốn mùa cỏ rả, rạ rơm

Mẹ tôi mong đủ bát cơm vuông tròn

Dáng gầy cánh vạc đầu non

Chân trần xéo nắng dọc mòn bờ kênh.


Cánh diều ngược gió lênh đênh

Cũng ngang đời mẹ thác ghềnh vượt qua

Đụn rơm tích lợp mái nhà

Sáu con một nội, vào ra nằm ngồi.


Tháng năm cứ mãi lần hồi

Bây giờ no đủ, mẹ tôi... đâu còn./.

 Có thể dễ dàng nhận thấy “Mẹ là một góc chân quê” là bài thơ có dung lượng không nhiều, chỉ vẻn vẹn có 10 câu thơ thể lục bát nhưng nội dung bài thơ đã khắc họa và chuyển tải sâu sắc hình ảnh một người mẹ tảo tần, lam lũ sớm khuya hết lòng vì đàn con thân yêu. Bài thơ cũng chính là tiếng lòng, là nỗi đớn đau, xót xa của người con gái đối với mẹ của mình khi giờ đây mẹ đã mãi đi về miền xa thẳm. Câu thơ mở đầu bài thơ đã tái hiện và đưa người đọc trở về với bức tranh quê những năm 70 với hình ảnh một người phụ nữ quanh năm quẩn quanh với ruộng đồng, cỏ rả: “Bốn mùa cỏ rả, rạ rơm/ Mẹ tôi mong đủ bát cơm vuông tròn”. Xuân qua, hè tới; thu sang, đông lại về, cứ như vậy ngày lại ngày, người phụ nữ tảo tần ấy vẫn cặm cụi làm lụng sớm hôm, chịu thương chịu khó “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” chỉ mong sao đàn con thơ dại có miếng cơm để ăn, có thêm manh áo để mặc. Vẫn cái“dáng gầy” mảnh mai tưởng chừng như một cơn gió lớn bất chợt thổi đến cũng có thể khiến cho thân hình ấy đảo chao nhưng không, người phụ nữ ấy vẫn hiên ngang, kiên cường đối mặt với mọi sóng gió của cuộc đời dâu bể. Đôi “chân trần” thoăn thoắt vẫn ngày ngày xéo nắng đội mưa trên khắp lối đi mòn mỏi “dọc bờ kênh” để cốt kiếm thêm con cua, con cá cải thiện bữa ăn cho đàn con thơ. Biết nói sao cho đủ, diễn tả sao cho hết những nhọc nhằn của đời mẹ! Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo khó nên Nguyễn Quỳnh thấu hiểu và cảm nhận đủ đầy những khó khăn, vất vả, cuộc sống đói nghèo, lam lũ của người dân nơi đây. Ngày nay, khi đời sống đã khấm khá, đủ đầy hơn, nhớ lại những ngày tháng cơ cực đã qua với những bữa no, bữa đói… mẹ thì luôn nhịn bụng "mẹ no rồi, mẹ ăn rồi, các con ăn đi" để dành những miếng cơm ngon, những bát canh ngọt cho sáu anh chị em. Lòng mẹ là vậy, luôn bao la và cao cả tựa biển khơi. 

"Cánh diều ngược gió lênh đênh

  Cũng ngang đời mẹ, thác ghềnh vượt qua" 

Trong hai câu thơ này, tác giả đã khéo léo khi sử dụng hình ảnh "cánh diều ngược gió" để qua đó khắc họa và làm nổi bật chặng đời khó khăn, lam lũ, vất vả ngược xuôi của mẹ. Để những con diều trên bờ đê có thể bay vút lên cao trên bầu trời ngược gió, thì người thả diều cũng phải vất vả chạy ngược chạy xuôi, khéo léo lựa theo chiều của gió thổi khi nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc lại cũng cần dứt khoát để đưa diều từ từ bay lên cho tới khi diều no căng gió bay liệng trên không trung… Có thể thấy, "cánh diều" chính là hình ảnh biểu trưng cho cuộc đời mẹ lam lũ, nhọc nhằn trải qua bao "ghềnh thác", hứng chịu mọi sự quăng quật, nổi trôi của cuộc đời.

Với ngôn ngữ giản dị, đời thường, hình ảnh chân thực mà gần gũi, trong hai khổ thơ đầu của bài thơ, Nguyễn Quỳnh đã tái hiện thành công hình ảnh người phụ nữ với chặng đời lắm nỗi vất vả, gian truân. Có thể nói, hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Quỳnh chính là một trong những đại diện tiêu biểu của lớp lớp các thế hệ phụ nữ Việt Nam mọi thời kỳ mãi như “những viên ngọc thần kỳ", dẫu có ẩn sâu nhưng vẫn tỏa hào quang và phát ra thứ ánh sáng lấp lánh Luôn giữ vững và phát huy những phẩm chất tốt đẹp vốn có từ ngàn đời: lòng yêu thương, thủy chung son sắt cùng sự hy sinh cao cả… Hết lòng vì gia đình và đàn con thân yêu. 

Thật không sai khi nói rằng, tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất mà những người phụ nữ dành cho những đứa con của mình; Kể từ khi đứa con ấy còn chưa tượng hình cho đến lúc mẹ đã nhắm mắt, xuôi tay. Tình cảm ấy là vô điều kiện và chẳng có người mẹ nào lúc nuôi con lại nghĩ đến việc sau này mình được con của mình báo hiếu như thế nào. Chỉ cần được nhìn thấy những đứa con ấy lớn lên hàng ngày, khỏe mạnh, an yên và hạnh phúc. Với mẹ, như vậy đã là quá đủ đầy. Nuôi con không quản tháng ngày những mong con khôn lớn. Năm tháng qua đi khiến cho lưng mẹ đã còng, tóc mẹ đã bạc, khuôn mặt đã hằn sâu chằng chịt những lát cắt của thời gian… Đàn con thơ dại thuở nào giờ đây đã lớn khôn, trưởng thành, có những người đã lên chức ông, bà. Cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng tiếc rằng "bây giờ no đủ" thì mẹ đã mãi mãi đi xa, như cánh hạc bay mãi về phía cuối trời không hẹn ngày trở lại. Những năm tháng nhọc nhằn thuở nào đã bào mòn đi sức khỏe, cướp đi tuổi thanh xuân của mẹ... Lòng chị nghẹn ngào, đau đớn, xót xa khi nghĩ tới mẹ, thương mẹ một đời vất vả lam lũ mãi tới khi cuộc sống được an nhàn thì mẹ lại không còn để có thể chứng kiến những đứa con của mẹ thành đạt, để các con mãi không còn cơ hội được phụng dưỡng mẹ lúc tuổi xế chiều. Câu thơ: “Bây giờ no đủ, mẹ tôi đâu còn” có ý nghĩa như một câu hỏi tu từ luôn ám ảnh, day dứt, dư ba… Đọc câu thơ của chị, bỗng chợt tôi nghĩ tới một ngày nào đó khi mẹ của mình... cũng là do quy luật, cũng bởi lẽ tự nhiên của đời người... lòng cảm thấy hoang mang, lo sợ...

“Mẹ là một góc chân quê” có thể chưa phải là một bài thơ hay theo cách cảm nhận riêng của mỗi người nhưng với tôi thì đây cũng là một bài thơ đáng để đọc và suy ngẫm, không phải bởi nội dung và nghệ thuật của nó đã đạt đến trình độ “điêu luyện” mà đơn giản chỉ bởi nó đã lay động và chạm tới trái tim, khơi dậy tình yêu thương - tình mẫu tử thiêng liêng. Tại "một góc chân quê" nào đó luôn có mẹ, hình ảnh mẹ vẫn luôn thường trực, thôi thúc nhắc nhớ những đứa con trở về. Về bên mẹ cũng chính là về với hồn cốt quê hương - về với nơi chất chứa biết bao những buồn vui lẫn lộn nhưng đó vẫn sẽ mãi là nơi không chỉ tác giả bài thơ mà ai trong mỗi chúng ta cũng mong muốn để tìm về, trở về. 

Thông qua bài viết này, tôi muốn nói lên nguyện ước của bản thân, luôn cầu mong rằng bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào cũng sẽ được nhận những niềm vui, tận hưởng niềm hạnh phúc và nhận được sự yêu thương tương xứng từ chính những đứa con thân yêu của họ. Bởi có thể, mẹ không cho con được điều tốt nhất trên thế giới nhưng mẹ sẵn sàng dành tất cả cho con những điều tốt nhất mà mẹ đang có. Hãy luôn biết trân quý từng phút giây mẹ còn được bên ta. Xin mượn ca từ lời bài hát “Chỉ có một trên đời” của Nhạc sỹ Trương Quang Lục để làm câu kết cho bài viết này: “Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi, và mẹ em chỉ có một trên đời”. Mỗi chúng ta, hãy đừng ngần ngại nói lời yêu thương mẹ khi còn có thể./.

                                                                                                                                                                                                        HOÀNG YẾN