Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố vô cùng quan trọng là nghệ thuật quân sự đỉnh cao của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình, Đảng ta đã đưa ra những chỉ đạo đúng đắn về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật chiến đấu để giành toàn thắng.
Sau gần 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề, các kế hoạch xâm lược liên tiếp bị thất bại. Quân đội xâm lược Pháp tuy tăng lên gần 50 vạn, nhưng năng lực chiến đấu lại sút kém. Do đó, vào tháng 5/1953, Chính phủ Pháp cử Tướng Nava sang làm Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy đội quân Pháp ở Đông Dương thay cho tướng Xalăng. Nava đã đề ra kế hoạch tổng quát về chính trị, quân sự nhằm đảo ngược tình thế.
Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, Đảng ta phân tích kế hoạch Nava chỉ là sản phẩm của thế thua, thế thất bại nên chứa đựng nhiều mâu thuẫn và hạn chế. Đầu tháng 9/1953, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu tổ chức nghiên cứu tình hình để xây dựng kế hoạch tác chiến. Phương hướng chiến lược của ta là “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Theo đó, quân đội ta sẽ đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời chuẩn bị lực lượng đánh những cứ điểm ngày càng mạnh của địch. Đó là quyết sách cực kỳ quan trọng của Đảng để lãnh đạo quân và dân ta tiếp tục tiến lên giành thắng lợi trên mặt trận quân sự.
Bộ chỉ huy quân sự của Pháp chọn Điện Biên Phủ làm bàn đạp để chiếm lại Tây Bắc. Với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng lĩnh của Pháp và Mỹ xác nhận đây là một “tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã phân tích: Đối với địch, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng cũng có nhược điểm lớn. Điện Biên Phủ là một kết cấu gồm nhiều cứ điểm tách rời. Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt và bẻ rời từng cứ điểm để làm suy yếu địch. Thêm vào đó, Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn nằm giữa núi rừng Tây Bắc, rất xa căn cứ hậu phương, mọi việc tăng viện và tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Nếu đường không bị cô lập hay cắt đứt, địch sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Về phía ta: bộ đội chủ lực của ta đã có những tiến bộ lớn về chiến dịch và chiến thuật, chất lượng chiến đấu của quân ta đã được nâng cao cùng với sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật. Vấn đề đường sá, tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn lớn, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, ta có thể huy động tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến.
Như vậy, với việc phân tích đánh giá đúng tình hình, âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, Đảng ta nhận định: Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn để từ đó có thể chấm dứt chiến tranh, nên Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất của địch.
Kế hoạch Nava là một kế hoạch chiến lược lớn vận dụng những nguyên lý của khoa học quân sự của Pháp và Mỹ để phân tích cục diện chiến trường. Trong kế hoạch này, địch dự định tập trung binh lực, tăng cường lực lượng cơ động chiến lược nhằm giành lại thế chủ động, tiến công, chuẩn bị một trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng lựa chọn. Lúc đầu, địch không có ý định điều quân chủ lực lên chiến trường rừng núi Tây Bắc và trận Điện Biên Phủ đương nhiên không nằm trong kế hoạch chiến lược ban đầu của tướng Nava.
Tuy nhiên, trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), ta đã sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng. Từ đó, “ta buộc chúng phải ném chủ lực xuống cánh đồng Điện Biên Phủ. Ta đã tạo nên thời cơ và đã lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ” (1).
Như vậy, Ðiện Biên Phủ từ chỗ không có trong Kế hoạch Nava của Bộ chỉ huy quân Pháp, lại trở thành điểm hẹn lịch sử cho một trận quyết chiến chiến lược. Điều này thể hiện sinh động sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta với đặc trưng tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, bí mật bất ngờ. Trong đó, nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn chủ động - giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động trong mọi tình huống: “chủ động trong phản công, chủ động trong tiến công, chủ động cả trong tình huống tạm thời tiến hành phòng ngự” (2).
Cùng với “chủ động” là “bất ngờ”. Sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho quân địch đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Bất ngờ đến nỗi khi chúng đang tin tưởng có thể tập trung lực lượng cơ động thì bỗng dưng bị buộc phải phân tán ra ở những hướng chúng chưa hề dự kiến. Bất ngờ đến nỗi khi chúng cho rằng ta không còn sức để đánh Điện Biên Phủ thì ngay hôm sau ta mở cuộc tiến công lớn vào Điện Biên Phủ. Bất ngờ đến nỗi trong khi chúng cho rằng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm có khả năng gây tổn thất không thể cứu vãn cho chủ lực của ta, thì trong thời gian tiếp đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn” (3).
Một nét đặc sắc lớn nữa trong sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta là đã tạo nên một sức mạnh to lớn từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang với cuộc chiến đấu rộng khắp của nhân dân, giữa hoạt động của ba thứ quân, giữa các mặt trận sau lưng địch với mặt trận chính diện, giữa các chiến trường quan trọng trên phạm vi cả nước ta và trên phạm vi các chiến trường của toàn bán đảo Đông Dương. Sự phối hợp đó còn diễn ra giữa hoạt động quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Từ đó, chúng ta đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp to lớn.
Khi đã hạ quyết tâm mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là phải đánh như thế nào để bảo đảm cho chiến dịch lịch sử này giành được toàn thắng. Đó mới là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự.
Trên mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu chúng ta đã quyết định vận dụng phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”, tập trung toàn bộ chủ lực, tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng, mở cuộc tiến công từ một số hướng, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thời gian ba đêm hai ngày. “Theo phương châm ấy, một kế hoạch tác chiến cụ thể đã được đề ra; mọi mặt công tác chuẩn bị đã được triển khai rất khẩn trương; các sư đoàn chủ lực đã được giao nhiệm vụ; các đơn vị pháo binh đã được kéo vào trận địa; công tác bảo đảm hậu cần trên hỏa tuyến đã được đẩy mạnh; mạng thông tin liên lạc đã được tổ chức. Công tác chính trị đã động viên bộ đội và dân công nêu cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch. Quân ta chỉ đợi lệnh là bắt đầu nổ súng” (4).
Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị, ta đã bám sát quân địch, theo dõi từng động tĩnh của chúng và phát hiện hệ thống phòng ngự của chúng ngày càng được xây dựng vững chắc hơn. “Đến ngày 25/1/1954, khi kiểm tra lại tình hình địch, ta về mọi mặt thì chúng ta đi đến kết luận: tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố rất nhiều so với trước; trong tình hình đó, kế hoạch đánh nhanh không thể bảo đảm chắc thắng được” (5).
“Sáng ngày 26, vào lúc 11 giờ, ta quyết định thay đổi cách đánh, bỏ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, chuyển sang phương châm đánh chắc tiến chắc” (6). Chiều ngày 26, toàn bộ lực lượng ta đã được lệnh rút ra khỏi trận địa, trở về nơi tập kết; các đơn vị pháo binh trước đây đã được lệnh kéo vào đến nay lại được lệnh kéo ra. “Một công cuộc chuẩn bị mới với một khối lượng công tác tham mưu, chính trị và hậu cần rất lớn lại được triển khai” (7).
Cho đến khi mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thành, quân địch tưởng rằng ta đã bỏ ý định mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, thì ngày 13/3, quân ta mở đầu cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm. Và thắng lợi của chiến dịch chứng tỏ rằng, sự thay đổi phương châm là hoàn toàn chính xác. Nó đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch.
Với trận Điện Biên Phủ, quân đội ta đã thực hiện một bước nhảy vọt lớn. “Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ tiêu diệt một tiểu đoàn địch hay nhiều nhất là một tiểu đoàn tăng cường trong công sự vững chắc, quân đội ta đã tiến vượt hẳn lên, tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm kiên cố với một lực lượng tinh nhuệ rất mạnh gồm hai mươi mốt tiểu đoàn” (8). Quân đội ta đã thực hiện bước tiến vượt bậc ấy trong hoàn cảnh trang bị vũ khí của ta rất thô sơ, chưa có máy bay hay xe tăng, pháo binh còn rất hạn chế, trong khi địch có xe tăng, có không quân và pháo binh mạnh.
Bí quyết của bước tiến vọt đó, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là “sự vận dụng những phương pháp chiến thuật mới, những phương pháp chiến thuật có ý nghĩa chiến dịch nhằm giải quyết yêu cầu mới rất cao của nhiệm vụ là phải tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” (9).
Trong đó, chiến thuật quan trọng nhất là lần lượt tiêu diệt từng tiểu đoàn hoặc một số tiểu đoàn địch nằm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm. Phương pháp chiến thuật ấy phù hợp với trình độ của bộ đội ta, phù hợp với khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng của quân đội ta lúc bấy giờ. “Trong quá trình phát triển của chiến dịch, quân ta đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, nhanh chóng tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch mà ta thì bị thương vong rất ít” (10).
Tiếp đến là chiến thuật xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây. Bộ đội ta đã xây dựng được một “hệ thống các trận địa vững chắc của pháo binh đặt trên sườn các đồi núi vây quanh Điện Biên Phủ; mặc dù kẻ địch ra sức bắn phá, các trận địa pháo binh của ta vẫn hoạt động tốt, không hề bị gián đoạn” (11).
Triệt đường tiếp tế hậu cần của địch là một thành công lớn của quân đội ta, một trong những kinh nghiệm nổi bật trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi trận địa tiến công và bao vây của ta ngày càng thắt chặt lại, hỏa lực pháo binh rồi đến hỏa lực bộ binh của ta đã khống chế sân bay Mường Thanh. Việc tiếp tế bằng cầu hàng không của địch bị cắt đứt hoàn toàn. “Kết quả là, mặc dù quân địch còn trên một vạn quân, nhưng chúng đã lâm vào cảnh thiếu lương thực, thiếu đạn dược, bị đẩy vào chỗ nguy khốn nghiêm trọng, cuối cùng đã phải đầu hàng (12).
Đi đôi với triệt đường tiếp tế hậu cần của địch, là tìm mọi biện pháp để bảo vệ các tuyến hậu cần tiếp tế của ta. Ngoài những tuyến đường đã có sẵn, chúng ta đã gấp rút mở thêm đường mới, lợi dụng cả đường bộ và đường sông, sử dụng mọi phương tiện vận chuyển từ thô sơ đến hiện đại. Đặc biệt, sự khai thác hậu cần tại chỗ đã có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giải quyết một phần khá lớn yêu cầu chiến đấu cho quân ta. “Bằng những biện pháp hết sức tích cực và sáng tạo, với một sự cố gắng to lớn, chúng ta đã bảo đảm thành công vấn đề tiếp tế hậu cần cho chiến dịch. Do đó, cái mà địch cho là chỗ yếu không thể khắc phục của ta đã trở thành một nhân tố bất ngờ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch” (13).
Vậy là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nghệ thuật quân sự đỉnh cao, cùng ý chí quyết tâm của toàn quân, sự ủng hộ, chi viện của toàn dân, sau 56 ngày đêm chiến dấu kiên cường và anh dũng, quân và dân ta làm nên một thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững tin dám đánh, quyết đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại:
* (1 - 13): Trích từ cuốn sách: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2004.