Tôi nhớ có lần nhà thơ: Nguyễn Đình Thi hỏi tôi: "Trần Anh Trang có nhớ ca dao có nhiều câu lục bát và Truyện Kiều cụ Nguyễn Du sử dụng toàn là lục bát. Lục Bát là hơi thở cuộc đời. Lục là hít vào, bát là thở ra. Lục bát chính là hơi thở của cuộc đời đã được vận dụng vào thơ ca".
Con sông Đuống nghìn năm qua đã chở phù sa bồi đắp nên miền quê Kinh Bắc đang chảy hiền hòa bỗng chững lạ rồi hóa đổi tên thành: Lục Đầu Giang nơi có bến Bình Than. Bên bờ địa danh huyền thoại đó là làng Cao Thọ, xã Vạn Ninh, ngôi làng đã sinh ra Đinh Văn Y. Rời ghế nhà trường anh là xã viên HTX nông nghiệp Anh con trai làng Cao Thọ luôn tỏ ra tích cực trên đồng ruộng, trên trang viết, năng động, đam mê Văn học nghệ thuật. Năm 2000 anh trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Ninh thuộc chi hội Văn học. Cho đến năm nay 2023 bước sang tuổi 68. Bốn mươi năm cầm bút; làm thơ, viết văn, viết kịch, nhiếp ảnh, anh đã xuất bản được ba tập thơ mang tên: Khoảng trời riêng, Lửa gần rơm, NXB Hội Nhà văn, Người Trong Mộng NXB Văn học và Vùng phủ sóng (Tiểu thuyết) NXB Quân Đội, Cổ tích làng NXB Hội Nhà văn.
Năm nay bước sang tuổi sáu tám; lão nông dân, lão làng, người đam mê văn chương Đinh Văn Y, chọn 109 bài trong tập Thơ lục bát đi qua tuổi sáu tám.
Chất thơ lục bát đã hồn nhiên thấm vào thơ Đinh Văn Y. Từ khi còn là chàng thanh niên, ông nông dân nghèo, đông con, bươn trải ra sao để có một gia đình hạnh phúc, các con thành đạt và bản thân mình có được thành công hôm nay đã hiển hiện trong mỗi bài thơ được đo bằng tuổi đời, cuộc đời cho ta biết sáu tám năm của Đinh Văn Y hồn nhiên đi vào thơ ca với niềm tin, nỗi buồn và nhiều đau khổ.:
Nét truyền thống là một đặc điểm. Hội làng Cao Thọ quê hương của tác giả được tái hiện trân trọng:
Tiếng hô vang dậy một vùng
Cờ sao võng lọng trùng phùng oai nghiêm
Sân đình chật cứng như nêm
Đình làng mà ngỡ ở trên sân Rồng.
(Hội Làng)
Trong hội làng người dân được sống hết mình. Giữa làng quê được nói những lời tri âm, được nói những lời gan ruột:
Rượu làng uống với tri âm
Biết nơi mình đứng, biết tầm mà bay
Rượu làng cứ uống cho say
Đê mê nằm giữa vòng tay người làng.
(Rượu Làng)
Sau ngày vui hội làng là hình ảnh của người mẹ bao yêu thương thành kính. Những đồng tiền tần tảo, khó nhọc của người mẹ đã nuôi con ăn học:
Con đường sự nghiệp công danh
Biết bao cay đắng nhọc nhằn mẹ ơi!
Cho con ôm ngọn gió trời
Đã cưu mang mẹ một thời nuôi con.
(Mẹ ơi)
Đến bây giờ khi con đã trưởng thành thì mẹ đã đi xa. Chỉ còn lòng thành kính:
Tảo tần dành dụm suốt đời
Thân ong, cái kiến kiếm mồi nuôi con
Bây giờ miếng ngọt miếng ngon
Con dâng lên mẹ chỉ còn khói hương.
(Mẹ)
Hình ảnh người mẹ trong những phiên chợ xưa luôn sống mãi trong lòng những người con:
Mía làm đòn gánh vui ghê!
Cả nhà ra đón. Mẹ về mẹ ơi!
Bây giờ mẹ khuất xa rồi
Bâng khuâng đứng giữa dòng người chợ xưa.
(Chợ xưa )
Sau hình ảnh người mẹ là hình ảnh cuộc đời người vợ tảo tần gây dựng gia đình.
Suốt đời tần tảo nhịn nhường
Vợ tôi đâu biết thiên đường là đây
Nhà mình ấm bụi lây cây
Công danh sự nghiệp trong tay đề huề.
(Vợ tôi )
Tình yêu vợ chồng đã gắn bó, ràng buộc hai người lại với nhau:
Rưng đôi má ửng hồng
Hệt như thủa mới phải lòng năm nao
Giờ thì tôi hiểu vì sao
Vợ yêu như thế lẽ nào tôi đi.
(Rưng rưng )
Không còn khoảng cách cuộc tìm kiếm một nửa của mình như cách chia vô định:
Biết tìm em ở nơi đâu?
Cầm tay chiếc áo qua cầu làm tin
Hội tàn em vẫn bặt tên
Lại về đến hẹn lại lên thôi đành.
(Đi tìm)
Chỉ còn nỗi nhớ, nỗi nhớ như vàng, càng tích càng giầu nỗi nhớ càng tích càng khổ đau:
Lặng thầm nhốt nhớ vào quên.
Bóng hình em vẫn hiện lên mỗi ngày
Nào ngờ từ bấy đến nay
Em chôn nỗi nhớ chất đầy trong tim.
(Yêu nhau thì đứng từ xa)
Đã tìm ra nửa của mình thế mà những ngày lễ, ngày tết không có nhau càng buồn.
Đã tìm ra nửa của mình
Bao nhiêu mùa lễ Giáng Sinh qua rồi
Thế mà mỗi đứa mỗi nơi
Không nhau dẫu có đi chơi càng buồn.
(Giáng sinh)
Bỗng trời đổ mưa đã kéo về thực tại thăm lúa be bờ mong ngày lúa trổ đầy bông.
Cho cùng đi khắp trong mơ
Giúp em thăm lúa be bờ nâng bông
Ngày mai lúa trổ đầy đồng
Khi em tỉnh dậy ngỡ lòng đang mơ.
(Đi cùng trong mơ)
Cuộc đời người nông dân gắn với đồng ruộng, gắn với những ngày gian khó lam làm trên đồng.
Bây giờ tôi đã lớn khôn
Xênh xang mũ áo nước non tưng bừng
Nỡ quên cơm nắm muối vừng
Quên trang huyền thoại điệp trùng xa xưa.
Kể từ ngày ấy bữa trưa
Tôi ăn cơm nắm say sưa lạ lùng.
(Tiếng quê)
Tiếng quê luôn thức tỉnh cuộc đời người nông dân, cơm nắm muối vừng của những ngày gian khó. Tình yêu không chỉ có thật trong cuộc đời này mà tình yêu còn hiện hữu, còn sống mãi trong nhiều cuộc đời, nhiều kiếp người:
Chỉ còn câu hát tìm nhau
Chỉ còn đồng lúa nương dâu bời bời
In trong cõi nhớ mỗi người
Vẫn còn vương vấn chuyện đời Trương Chi.
(Trương Chi)
Tình yêu không chỉ còn mãi trong nhiều kiếp người, mà còn ở khắp mọi nơi; ở cả những miền tận cùng của đất nước:
Ơi Nam! Ơi Đông! Ơi Tây
Ba bề biển nối vòng tay dâng trào.
Ta thành cậu bé ngày nào
Hồn nhiên buông thả mình vào Cà Mau! ...
(Cà Mau)
Rồi từ Tam Đảo, từ Hạ Long người nông dân ngày nay cũng được hưởng không khí mát lành sau những ngày lao động vất vả:
Tình yêu ăm ắp dâng đầy
Dệt thêu cho trái đất này thêm xanh
Hạ Long không khí mát lành
Nào ta chén chú, chén anh xin mời!
(Khách sạn 5 sao)
Cuộc sống đã đầy đủ, ngôi nhà xưa còn nhỏ bé như tổ chim nay là ngôi biệt thự sang trọng hơn cả sự mong đợi; hạnh phúc đã đong đầy nhưng với con mắt nhà thơ nó vẫn vẹn nguyên là một tổ chim:
Ngôi nhà thầm vẽ trong mơ
Mọc lên đẹp đến bất ngờ khó tin
Gọi vui là chiếc tổ chim.
(Gọi vui là chiếc tổ chim)
Rồi từ, Yên Tử, Tam Đảo người nông dân tát nước, be bờ làm nên cuộc sống đủ đầy:
Hoàng hôn đã nhuộm thẫm vàng
Sao rơi bên lúa ngỡ ngàng nôn nao
Ô kìa! Ruộng lúa, ruộng sao
Niềm vui ăm ắp thu vào mắt ai.
(Sánh vai tôi bà)
Rồi tới bãi Nghinh Phong Vũng Tầu, Siêu Loại, Thuận Thành đã trở thành những vùng quê đáng sống:
Thuận Thành giờ đã sang trang
Bước chân du khách ngỡ ngàng ngất ngây.
Miền quê đáng sống là đây
Mỗi lần em đến đong đầy nhớ mong.
(Miền cổ tích)
Thời gian đã khắc họa nên những kỷ niệm và tình người, nghĩa người. Tháng giêng đã để lại nhiều kỷ niệm con người tan vào không gian, thời gian:
Để tôi lầm lũi đi tìm
Tan mình vào bụi mưa phùn tháng Giêng...
(Tháng Giêng)
Cuộc sống đã hiện hữu ngay trong cuộc sống đó là nỗi đau cũng được sắp xếp ngay trong cuộc đời này:
Tôi ngồi xếp lại nỗi đau
Đâu còn có được kiếp sau để chờ.
(Tâm sự một dòng sông)
Kỷ niệm thời thơ bé gắn liền với cánh đồng với chăn trâu tát vét:
Trở về cái thuở từng quen
Chăn trâu tát vét lấm lem bốn mùa
Thỏa thuê hò hét nô đùa
Cờ lau xung trận được thua cười xòa.
Mặc dù ở nơi đâu không gian, thời gian vẫn gắn kết một tình yêu sâu đậm:
Thôi đành khấn phật cầu duyên
Lang thang, lặn lội khắp miền Cần Thơ
Mà sao từ bấy đến giờ?
Vẫn còn thấp thoáng trong mơ Ninh Kiều.
(Giấc mơ Ninh Kiều)
Kể từ Vịnh Hạ Long, Chợ tình Sa Pa, Tam Đảo, mũi Nghinh Phong vẫn không quên được khi trời mưa ngâu, một cơn mưa bụi hạt nhỏ mà để lại dấu ấn sâu sắc:
Nào ngờ lòng nổi bão giông
Tìm em mê mải mà không thấy người
Mà sao ngần ấy năm rồi
Tôi luôn phấp phỏng khi trời mưa ngâu
(Mưa ngâu)
Bao nhiêu đặc sản nhà hàng trong cuộc sống hiện đại vẫn không quên được bữa cơm thường gạo quê:
Cảnh Tiên, trăng mật, của trời,
Miếng ngon, vị lạ cứ sơi tỏ tường,
Bỗng thèm rau muống chấm tương
Riêu cua bánh đúc, cơm thường gạo quê
(Ăn Quán)
Dù có được làm Vua mà dân còn oan trái không giúp được gì chi bằng thoái vị làm dân thường:
Dân còn oan trái, dãi dầu
Trẫm không giúp được lòng đau bẽ bàng.
Ngày mai Trẫm trở về làng
Làm gương thoái vị xuống hàng Thường Dân.
(Làm Vua)
Nhà Vua đã làm gương thoái vị cho nhiều ông Vua, cho nhiều chức sắc biết rút lui khi không còn tác dụng trong cuộc sống.
Trong khuôn khổ bài viết tôi chỉ chọn trích dẫn: một số ít bài mang nặng nỗi niềm về tình yêu gia đình, quê hương đất nước, con người của tác giả. Về lĩnh vực tình yêu nam nữ trên những bài thơ còn lại, các bạn sẽ thấy những điều khác thường của Đinh Văn Y đó là: Không dùng đến từ xinh đẹp mà cô gái nào trong này cũng đẹp mê hồn. Không dùng đến từ yêu mà các nhân vật yêu nhau đắm đuối. Người ta bảo: Thơ Lục bát dễ làm, khó hay; vì phải chấp hành đúng luật, được vần, đạt ý. Lời thơ mềm mại, uyển chuyển, nhuần nhuyễn; ý thơ đạt đến mức ai cũng cảm thấy ai cũng thấy có mình trong ấy. Đây là một thách đố cho hơn một trăm mười bài thơ trong tập Thơ lục bát đi qua tuổi sáu tám đã làm được điều đó. Bạn không nên bỏ qua./.
TRẦN ANH TRANG