Nhắc đến Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường, mỗi người dân Tam Sơn quê tôi - miền đất có truyền thống khoa bảng nổi tiếng của xứ Đông Ngàn - Kinh Bắc xưa và Từ Sơn - Bắc Ninh ngày nay ai ai cũng tự hào, mến phục về tài danh, đức độ của ông. Sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi, danh gia vọng tộc nên ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Tự Cường đã ngày đêm chăm chỉ đèn sách, chuyên tâm dùi mài kinh sử. Năm 26 tuổi, Nguyễn Tự Cường lên kinh dự thi và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514), đời Lê Tương Dực và làm quan đến chức Hiến sát sứ, được phong tặng là Tiết nghĩa Đại vương.
Theo sử sách, thần tích, thần phả làng Tam Sơn truyền lại và lời kể của một số người già ở quê, Nguyễn Tự Cường là người thông minh xuất chúng, ông học một biết mười, học cao hiểu rộng, có lối sống cương trực, thẳng thắn, vị tha. Đối với bạn bè thì chân tình, hết lòng giúp đỡ, đối với dân làng thì bao dung, nhân ái. Tuy đã thi đỗ làm quan nhưng mỗi khi về làng, ông luôn thể hiện tình thân, gần gũi và yêu thương bà con làng xóm như chính người trong gia đình mình.Nguyễn Tự Cường còn là bậc công thần tuyệt đối trung thành với nhà Lê. Khi Mạc Đăng Dung gây biến cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Tự Cường đã trực tiếp đứng lên tập hợp các tiến sỹ người quê Đông Ngàn dấy binh đánh lại nhà Mạc. Song vì lực lượng yếu, mỏng nên ông cùng mọi người đã bị thất bạitrong lúcđang tiến đến bờ sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Sau đó ông lui về quê sống. Khi nhà Mạc làm lễ đăng quang, nhận thấy vị quan Hiến sát sứ triều Lê là người tài nên đã mời ra dự lễ, trọng dụng, nhưng Nguyễn Tự Cường cáo ốm, nhất định không ra. Ba hôm sau, triều đình buộc ông phải lên chầu. Vì khinh bỉ vua Mạc, không muốn nhìn trực diện kẻ cướp ngôi nên ông giả cách bị đau mắt, dùng vải the che. Lúc vào triều ông cũng không quỳ lạy mà chỉ vái từ xa rồi tiến gần đến bệ rồng - nơi vua Mạc đang ngự nhổ ba lần nước bọt và chỉ thẳng vào mặt Mạc Đăng Dung dõng dạc nói: “Ta phò Lê chứ không phò Mạc…”. Sau đó, ông cắn lưỡi tuẫn tiết ngay tại sân rồng để thể hiện lòng cương trực, trung thành với nhà Lê.
Biết tin Nguyễn Tự Cường mất, kính trọng tài năng và phẩm hạnh của ông, nhân dân Tam Sơn vô cùng tiếc thương và lập đền thờ, tôn ông là Thành Hoàng làng. Đến thời Lê Trung Hưng, năm cảnh trị 4 (1666), xét thấy Nguyễn Tự Cường là bậc công thần nghĩa liệt, trung thành với nhà Lê nên đã ban sắc chỉ phong là Thượng đẳng thần.
Hiện nay, đền thờ Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường tọa lạc trên một khu đất ở sườn núi chùa Cảm Ứng Tự, mà ở đó một bên là lăng ba vị Đức Bà, một bên là chùa làng. Trải qua năm tháng khắc nghiệt của thời tiết rồi chiến tranh tàn phá, ngôi đền đã nhiều lần bị hư hỏng, xuống cấp. Qua khảo sát nghiên cứu, ngôi đền hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý như: Bia đá, sắc phong khắc trên bia đá, các đồ thờ tự, hoành phi câu đối thờ, ca tụng tấm gương kiên trung, nghĩa liệt của Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường như: “Quyết tâm giữ nghĩa vững tâm khắc đá vì đất nước/Nhớ lúc nắm quyền sóng gió chí cao giúp đỡ dân” và “Nghĩa sáng kiên trung chiếu ngàn thu còn mãi/ Anh hùng ngay thẳng sử ghi muôn họ lưu danh”.Đây là những hiện vật vô cùng quý giá,minh chứng cho sự ra đời và phát triển của ngôi đền trong lịch sử, góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, nghiên cứu về một công thần mẫn cán của triều đình nhà Lê đã có nhiều công lao với đất nước, quê hương, gia tộc.
Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 âm lịch là ngày hóa của ông, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, tưởng nhớ. Năm 2010, con cháu dòng họ Nguyễn Duy và nhân dân Tam Sơn đã huy động mọi người đóng góp công sức, tiền bạc trùng tu, tôn tạo, mở rộng xây dựng đền thờ Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường khá khang trang, bề thế. Đền thờ Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh vào tháng 9-2014.
Ngày nay, các thế hệ dòng họ Nguyễn Duy nói riêng cũng như nhân dân làng Tam Sơn nói chung luôn tự hào với truyền thống vẻ vang của gia tộc, tổ tiên, nguyện tiếp bước cha ông ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh, xứng đáng với miền đất Tam Khôi ngàn năm văn hiến./.
NGUYỄN TỰ LẬP